Trang chủ » Viết về Trần Nhương

NHÀ THƠ TRẦN NHƯƠNG: RÚT HẦU BAO MỞ CUỘC...THI THƠ

Hoàng Thu
Thứ hai ngày 30 tháng 3 năm 2009 5:15 PM
Đóng
 
(HNM) - Trong giới văn chương, nhà thơ Trần Nhương - sinh năm 1942, nguyên Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam - là người không mấy xa lạ. Nhưng có điều thú vị: nhiều người nhớ tới ông như là một trong những thi sĩ vẽ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Mới đây, thông qua trang web của mình, trannhuong.com, thi sĩ Trần Nhương đã đứng ra tổ chức cuộc thi thơ với chủ đề Mười câu khúc khích. Nhân dịp cuộc thi đã về đích và trao giải vào 8-4 tới (tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội), chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà thơ Trần Nhương.
 
- Thưa ông, lý do nào đã khiến ông quyết tâm mở cuộc thi thơ Mười câu khúc khích trên chính trang web của mình?
 
- Vẫn là vui là chính. Lâu nay thơ trào phúng người ta bỏ quên, các báo chả còn diện tích cho nó hiện diện. Mà cái anh trào phúng, đả kích này bé hạt tiêu, vừa cho vui lại châm chích thói hư tật xấu. Thời buổi lắm điều chướng tai gai mắt nên thơ trào phúng có đất dụng võ. Ngày xưa ngay cả báo Nhân Dân có góc Mũi tên nhọn, có nhiều tác giả thành danh về thể loại này như Thợ Rèn, Búa Tạ, Xích Điểu. Ngoài ra tôi muốn kéo một số bạn đọc lớn tuổi đến với mình và tiếp cận internet vì nếu dự thi thì phải vào mạng và gửi bài qua email.
 
- Khi phát động cuộc thi thì chưa có Mạnh Thường Quân nào nhưng ông cũng đã lập tức công bố giá trị giải nhất, nhì, ba, với tổng cộng hàng chục triệu đồng. Liệu đó có phải là một liều, ba, bảy cũng liều?
 
- Tôi tổ chức thi có nghĩa là đã chủ động phải trao giải bằng chính tiền túi của mình. Nhờ trời thi thoảng bán cái tranh nên có thêm đôi đồng bên cạnh lương hưu. Tôi mạnh dạn công bố giải nhất 5 triệu đồng, giải nhì 3 triệu đồng cho 10 câu thơ/bài cũng là to đáo để. Muốn vui, muốn chơi bây giờ cũng phải tốn kém một chút mà (cười). 
 
- Sau 2 tháng tổ chức, cuối cùng cuộc thi cũng đã kết thúc. Ông đánh giá gì về số lượng tác giả và chất lượng của tác phẩm tham dự cuộc thi?
 
- Tôi không ngờ cuộc thi lại được bạn đọc hưởng ứng ghê thế. Vừa phát động lập tức bài gửi về qua email chật cứng. Nhiều hôm mở mail, cóp cho lên mạng mệt phờ. Trong 60 ngày tôi nhận được trên 500 bài dự thi của hơn 70 tác giả từ khắp các vùng miền cả nước. Bác Quản Tuấn Ngụ tít trong Cần Thơ cũng gửi bài ra, bác Anh Chinh trong Sài Gòn rất tích cực góp bài. Cụ Bùi Văn Ẩn trên vùng núi Thanh Sơn, Phú Thọ đã 81 tuổi mà thơ hóm như tráng niên. Có thể nói hơn 500 bài dự thi chất lượng không kém, đề cập đến nhiều vấn đề bức xúc của đời sống, từ sân gôn, đề đóm, tham nhũng, ngoại tình… tất tần tật đều có bài chụp cắt lớp cả.
 
- Nhưng vì sao không trao giải A, thưa ông? Có phải là do chất lượng hay bởi lý do… kinh phí?
 
- Vì chất lượng bài chưa thật tuyệt hay. Cái nền toàn thể đều đều, đọc được cả nhưng hoa hậu thì chưa có nên vương miện cất đi chờ dịp khác. Do đó, cuộc thi không có giải A không phải vì tôi sợ tốn 5 triệu đồng. Bởi nếu sợ tốn, chắc chắn tôi đã không quyết định phá thể lệ để trao tới 3 giải B, 3 giải C và 8 giải D.
 
- Điều gì khiến ông cảm thấy bất ngờ nhất từ cuộc thi này?
 
- Bất ngờ về sự hưởng ứng đông vui, bất ngờ vì một trang web cá nhân cũng có sức tập hợp. Bất ngờ về các cụ cũng nghiện mạng chỉ kém a còng tí ti thôi 
 
- Và bất ngờ nữa là ông còn được sự ủng hộ về vật chất của nhiều bạn văn khác để góp vào giải thưởng?
 
 - (Cười) Có lẽ các bạn thương tôi một vai gánh vác nên tài trợ đỡ một phần… Nhà văn Nguyễn Khắc Phục tài trợ 1 triệu, nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng chỉ dám cấu của vợ 1 triệu, nhà thơ Vũ Từ Trang cũng vậy. Nhà thơ Bảo Sinh, luật sư Nguyễn Minh Tâm... tài trợ nhiều hơn.
 
- Ông có dự định tiếp tục mở cuộc thi này lần 2 không?
- Tôi chuyển làn sang thể loại khác. Sau cuộc thi này tôi dự tính sẽ thi Tiếu lâm thời @ tức là tiếu lâm hiện đại. Nhưng lần này tôi sẽ tìm nhà tài trợ trước khi phát động để giải thưởng cuộc thi rôm rả hơn và chuyên nghiệp hơn. Hy vọng bạn yêu thơ sẽ có thêm một sân chơi mới và hưởng ứng nồng nhiệt.
 
- Xin cảm ơn ông.