Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hãy để dân làng được khôi phục đình

Quốc Toản
Thứ năm ngày 22 tháng 12 năm 2011 9:20 AM

Câu chuyện xảy ra ở quê tôi: Ngày 19-9-2011, gần hai trăm người dân đã ký tên vào Đơn kiến nghị gửi UBND thị xã Sơn Tây và UBND phường Lê Lợi, về việc cho dân được khôi phục lại đình. Ngôi đình Hậu An mà từ năm 1977, chính quyền đã phá đi để xây hội trường của phường. Kể từ đó, 34 năm đã trôi qua Thành hoàng làng tôi “ Tam vị thượng đẳng Đức Thánh Tản Viên” phải nương nhờ nơi cửa phật!
Chuyện người dân đè nghị khôi phục đình đình không chỉ có ở quê tôi. Nó đã diễn ra nhiều nơi. Khi mà một thời vào những năm cuối 1970, đầu những năm 1980 của thế kỷ trước, biết bao ngôi đình của làng quê Việt Nam đã bị phá bỏ để thay thế vào đó là những “cái hội trường”. Và những “cái hội trường” ấy hiện ngày càng xập xệ hoặc lạc hậu theo thời gian.
Cũng vì chúng ta chưa coi trọng yếu tố tâm linh, tự do tín ngưỡng của nhân dân và bản sắc văn hóa dân tộc. Những ngôi đình có hàng trăm năm, cổ kính, thâm nghiêm đã bị đập phá không thương tiếc. Những tượng thánh, hoành phi, câu đối, bát nhang…bị vùi chôn trong giếng cổ. Những người dân tận mắt chứng kiến cảnh tượng đó mà đau đớn lòng. Giờ ngẫm lại, thấy khủng khiếp, ngậm ngùi xót xa bởi những mất mát quá lớn về văn hóa.
Chính quyền các cấp hơn chục năm trở lại đây đã sửa sai, tôn trọng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.  Nhiều địa phương trong cả nước cũng như ở thị xã Sơn Tây đã  được chính quyền quan tâm tạo điều kiện cho dân xây lại đình. Trả lại cội nguồn và sức sống của văn hóa Việt.
Vậy mà UBND phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây vẫn đắn đo, chưa muốn cho dân khôi phục lại ngôi đình để lòng dân thỏa nguyện. Được biết, người dân quê tôi sẵn sàng góp công, góp của xây dựng lại ngôi đình. Với mong muốn là họ được tụ hội, tế lễ với nét đẹp văn hóa tâm linh và văn hóa truyền thống của dân làng.
Nhân chuyện người dân quê tôi đề nghị khôi phục lại ngôi đình, xin bàn về văn hóa làng để thấy, việc xây đình không những đáp ứng nguyện vọng tha thiết và chính đáng của nhân dân mà nó còn đáp ứng về yếu tố văn hóa.
Cơ cấu tổ chức căn bản của xã hội Việt Nam là cái Làng. Trong làng ấy, tất cả mọi sinh hoạt tinh thần và vật chất cộng đồng đều tập trung quanh cái “nhà chung” gọi là Đình. Trong tâm hồn người Việt, đình là hình ảnh thân mật, một ý nghĩa sinh động, in sâu trong tâm khảm mỗi người, nó luôn luôn được nhắc đến và không bao giờ phai mờ.
Đình là linh hồn của Làng. Hưng thịnh hay suy bại cũng vì hướng Đình. Muốn biết vận mệnh của một Làng, kẻ hay người dở, tốt xấu hãy coi hướng đình. Nói thế, đủ biết vai trò của đình trọng đại đối với dân làng như thế nào. Đình trước hết là nơi thờ tự Thành hoàng (hay người có công với dân làng), vị thần chung của toàn thể dân làng. Thứ đến đình còn là nơi hội họp việc làng, bầu cử ngôi thứ để cai quản tất cả công việc. Từ việc sinh tử, giá thú của cá nhân, cho đến việc phạt vạ. Việc bảo vệ thuần phong mỹ tục, an ninh trật tự đến việc làm ăn của dân làng. Chuyện nhỏ to của làng đều bắt đầu từ đây.
Đình còn là nơi tổ chức lễ hội. Sau khi tế lễ, dân làng dự tiệc đình và chia phần lộc thánh. Điều ấy có ý nghĩa thiêng liêng vì “một miếng ở làng còn hơn một sàng xó bếp”. Ý thức cộng đồng và văn hóa tâm linh, tín ngưỡng biểu hiện rõ nét trong sinh hoạt lễ hội. Tất cả trẻ già, trai gái đều tham gia tế lễ . Thần linh luôn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của dân làng. Trong hạnh phúc cũng như trong đau khổ, tín ngưỡng tâm linh ấy được truyền tụng và chắc chắn không bao giờ thay đổi. Mọi hoạt động của làng xã đều tập trung vào đấy và tan biến vào đấy. Những năng lực ấy đã đem đến sự chiêm bái và niềm tin của con người. Như thế đủ thấy việc thờ Thành hoàng luôn là một tín ngưỡng cố hữu, bất biến của dân tộc. Dân làng cần có đình là vì vậy.
 
 
 
 
 
 
 
32 năm (1977- 2009) Đức thánh Tản Viên được thờ ở một góc nhỏ hẹp bên chùa.
Nhìn cảnh tượng này, liệu lòng dân có yên?
Cho nên, nếu UBND phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây vẫn “quyết tâm thực hiện” chủ trương cho xây lại hội trường (hội trường cũ qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp hiện đã đập bỏ) sẽ không bao giờ có được nét đẹp văn hóa như ngôi đình làng.
Cũng như mỗi gia đình, đều có một bàn thờ gia tiên để tưởng nhớ các vị sinh thành. Nhiều gia tộc còn xây Nhà thờ họ. Thì đối với đình, nơi thờ Thành hoàng làng, dân coi như Cụ Tổ của làng vậy. Còn đối với hội trường chỉ là nơi để dân chúng hội họp. Chẳng thể và không bao giờ là nơi thờ phụng của dân làng.
Cần nói thêm rằng, Ngày 30-11-2005, trong Biên bản cuộc họp về việc khảo sát, xác định nguồn gốc lịch sử đình Hậu An với nhiều thành phần ban ngành có liên quan từ thị xã đến khu phố tham dự, đã kết luận: “Toàn thể đại biểu dự họp nhất trí khẳng định đình Hậu An là di tích có từ lâu đời, do nhân dân khu phố dựng lên để tôn thờ Thành hoàng là Tản viên Sơn Thánh. Qua những đồ thờ, di vật còn lại và những nhân chứng của khu phố, giúp chúng ta có chứng cứ khẳng định việc khôi phục lại đình Hậu An là nguyện vọng chính đáng của nhân dân khu phố. Và việc khôi phục lại đình Hậu An là có cơ sở khoa học.”
Công văn số 230/CV-UBND của UBND phường Lê Lợi ngày 02-12-2005 do ông Đỗ Anh Tuấn  ký (nay ông Tuấn là bí thư đảng ủy phường), gửi UBND thị xã Sơn Tây, Phòng VHTT-TT thị xã Sơn Tây cũng đã đề nghị “UBND thị xã, Phòng VHTT-TT xác nhận đình Hậu An là một di tích lịch sử và đủ điều kiện để khôi phục lại, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân khu phố”.
Cuối năm 2007, nhân dân 2 khu phố đã có đơn đề nghị được trả lại đất đình Hậu An, để nhân dân xây lại đình. Ngày 19-3-2008 UBND thành phố Sơn Tây (nay là thị xã), ra Thông báo số 79/UBND-TB và thông báo số 225/UBND-TG ngày 16-4-2008 do ông phó chủ tịch Nguyễn Lam Điền ký, đã khẳng định:
-  “Việc nhân dân 3 khu phố Hậu Bình, Hậu An, Hậu Thái có nguyện vọng xin khôi phục lại hai ngôi đình Hậu Bình, Hậu An là chính đáng. Yêu cầu UBND phường Lê Lợi có văn bản báo cáo chi tiết, cụ thể với Ban thường vụ Thành ủy để thống nhất ý kiến chỉ đạo”.
- Sau khi nghe các cơ quan chuyên môn báo cáo và xem xét thực tế. UBND thành phố Sơn Tây thấy việc nhân dân các khu phố Hậu An, Hậu Thái, Hậu Bình xin khôi phục lại hai ngôi đình là Hậu Bình và Hậu An là nguyện vọng chính đáng. Việc khôi phục lại hai ngôi đình này sẽ góp phần vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên việc khôi phục lại hai ngôi đình này phải tuân theo quy định của pháp luật.
Vào năm 2009 để an dân và không thực hiện Thông báo số 79 và thông báo số 255 của UBND thành phố Sơn Tây, UBND phường đã cho xây hậu cung nối với Nhà văn hóa khu phố Hậu Thái. Thay vì trả lại đất đình. Và như vậy không thể gọi đó là Đình. Không thể coi đó là đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Được biết, hội trường mà UBND phường định xây, lại không thỏa mãn được tiêu chí ban đầu của phường đề ra. Vẫn chỉ là hơn 350 chỗ ngồi. Hiện tại các cuộc họp của phường lại cần đến gần 500 chỗ. Một dự án không khả thi, trong khi phường vẫn còn quỹ đất.
Nếu hội trường tiếp tục được xây dựng, thì chỉ dăm bảy năm nó sẽ bị lạc hậu. Nhưng đối với ngôi đình thì sẽ còn và đẹp mãi cùng thời gian. Và đi theo đó là giá trị và di sản của văn hóa. Hồn cốt bất biến của dân tộc Việt.
Điều khẳng định, từ quan cho đến dân không ai không đến viếng thăm đình chùa, dù chỉ một lần. Từ quan đến dân, không ai không cầu mong phật thánh phù hộ độ trì cho bản thân mình, gia đình mình luôn an khang, thịnh vượng, thành đạt và hạnh phúc. Vậy thì không thể không khôi phục ngôi đình mà mấy chục năm qua, chúng ta đã phá bỏ. Một sai lầm quá lớn về góc độ văn hóa cần phải được sửa sai. Tuy chậm trễ, nhưng chưa phải đã muộn.
Người dân sẽ cảm thấy ấm cúng, thuận hòa, an tâm làm ăn khi có một ngôi đình. Con người sống nhân ái hơn, tử tế hơn, bớt đi những tệ nạn xã hội. Xây thêm một ngôi đình sẽ góp phần giáo dục nhân cách làm người. Mọi chuyện cũng bắt đầu từ văn hóa làng.
Làm một ngôi đình, chắc chắn lòng dân quê tôi sẽ yên.
Nguyện vọng chính đáng của nhân dân cần phải được tôn trọng. “Việc nhân nghĩa cốt để yên dân”. Và như thế cũng là tôn trọng và phát huy các giá trị văn hóa.
Chính quyền các cấp của thị xã Sơn Tây nghĩ sao về việc này?
Q.T