Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ VỀ NHÀ THƠ PHÙNG QUÁN

Nguyễn Giang
Thứ tư ngày 21 tháng 12 năm 2011 5:59 AM

Nguyễn Giang

Vào khoảng những năm 1980-85, tôi đang học tập và công tác tại Trường Đại học Tài chính - Kế toán (nay là Học viện Tài chính), còn ở thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ). Tôi viết vở kịch ngắn một màn: Tưởng dễ mà khó, được dàn dựng để tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc. Nhà trường mời anh Phương Văn cán bộ Vụ Văn hóa quần chúng, Bộ Văn hóa về đạo diễn. Phương Văn nói với tôi: Mời cả anh Phùng Quán, cùng phòng tham gia, có ngại không?. Tôi nghe thế thì mừng chứ đâu có ngại, và bảo Phương Văn cố mời bằng được anh Phùng Quán đến.
Sở dĩ Phương Văn bảo thế vì anh Phùng Quán đang trong thời gian Thụ án Nhân Văn giai phẩm. Nếu không cẩn thận sẽ bị liên lụy. Anh Phùng Quán tuy mang danh cán bộ Vụ Văn hóa quần chúng, vẫn được hưởng lương, nhưng bị treo bút và đưa lên nông trường Quân Chu, Thái Nguyên làm cái công việc tăng gia sản xuất, chứ không được viết văn nữa.
Thời gian này, nhà thơ Trần Trương là phó phòng, phụ trách Công đoàn, trực tiếp quản lý Phùng Quán, kể lại rằng: Đến nông trường Quân Chu, nhà thơ Phùng Quán được giao một mảnh đất vừa để ở vừa trồng trọt tự sinh sống. Anh đặt tên cho mảnh đất này và cưa một gốc cây gỗ chết khô rất to, làm cái bảng, như cái mẹt, viết vào đấy là Nông Trại Đỏ, rồi chưng lên.
Phùng Quán sống đơn giản, xuề xòa, thường mặc quần nâu, áo chàm, đi guốc mộc. ở Quân Chu sẵn gỗ, anh tự đẽo lấy guốc, dùng lốp xe đạp hỏng, cắt ra làm quai để đi. Còn những mẩu gỗ nhỏ làm cúc áo.
Mặc dù cuộc sống vô cùng cơ cực, nhưng không bao giờ Phùng Quán tỏ ra bi quan, chán nản hay bất mãn. Ngược lại, anh thường nói đùa rằng: Nông trại này do tớ lập ra, tớ là giám đốc kiêm luôn cả nhân viên.
Điều đáng nói nữa là anh luôn thể hiện lối sống bình tĩnh, vững vàng. Ngay cả khi cuộc đời cay đắng, nhọc nhằn, ở anh vẫn toát lên hình ảnh những nhân vật kiên cường mà ta đã gặp trong Tuổi thơ dữ dội, và Vượt Côn Đảo.
Anh làm thơ viết truyện không ngừng nghỉ. Để được in Phùng Quán phải thay tên đổi họ. Thậm chí còn mượn tên người khác.
May mắn nhất là anh được nông trường Quân Chu giúp đỡ, bạn bè, đồng nghiệp thương yêu, đùm bọc, công chúng độc giả không quên. Và chị Bội Trâm, người vợ, người bạn đời đầy quả cảm, âm thầm chịu đựng, lặng lẽ đi bên anh, ân cần,chia sẻ chăm lo cho anh, một nhà thơ mang cái trọng án tầy đình, chống tiêu cực không đúng lúc, chẳng khác gì những anh hùng hảo hán trên Lương Sơn Bạc vậy.
Nhà thơ Trần Trương vốn rộng rãi, hiếu khách. Bạn văn thơ hay lui tới nhà tá túc. Cơm khách ngày một vài xuất là chuyện bình thường. Đỗ Chu ở quê ra, Phạm Tiến Duật từ chiến trường về. Nghiêm Đa Văn dạy học ở Nghệ An tới. Rồi Lưu Quang Vũ, Lâm Quang Ngọc, Trúc Thông, Trần Ninh Hồ, Vũ Quần Phương...
Nghèo nhưng vui. Lúc khó khăn thiếu thốn, bữa cơm đạm bạc mà ấm áp, gần gũi. Có khi cháu Dương mua tóp mỡ về nấu nồi canh dưa cũng trở thành kỷ niệm khó quên.
Nhưng, chị Quý vợ anh Trương mới là người thật sự đặc biệt. Không chỉ chịu đựng được chồng là nhà thơ mà còn quí trọng bạn thơ của chồng. Ai đến chị cũng niềm nở tiếp đón chu đáo, giữ lại ăn cơm. Chị là người Hà Nội nên nấu món nào cũng khéo, cũng ngon.
Riêng anh Phùng Quán như người trong nhà, có chìa khóa tự mở cửa bất cứ lúc nào. Có lần chị Quý đi làm về, giật mình thấy người nằm ngủ dưới sàn nhà, hai chân cho vào gầm bàn. Hóa ra là anh Quán. chị Quý nói: Nhà chật, chỉ có một chiếc giường, anh Quán giữ ý mới nằm như thế.
Anh Quán đến lần nào cũng mang theo một bình rượu. Nếu ở Nông Trại Đỏ về, thường đến thẳng nhà anh Trương, chứ ngại không tới cơ quan.
Tiếp anh Quán, chị Quý đem phiếu đi mua thịt, nhưng chị chuyển sang mua chân giò vì chân giò được tính là xương, số lượng sẽ tăng gấp đôi, chứ thịt thì ít quá không đủ cho hai anh em uống rượu.
Anh Quán là người khái tính, chẳng bao giờ làm phiền đến ai. Biết chị Quý hay nhịn miệng đãi khách, nhất là trong thời buổi khó khăn, khan hiếm thực phẩm này, sợ phạm vào tiêu chuẩn của gia đình, anh Quán cười bảo:
- Chị và cháu ăn thịt, còn xương để anh em tôi gặm. Đằng nào xương cũng vứt đi, chỉ cốt có mùi thịt là được.
Do quan hệ với Phùng Quán như thế, Trần Trương gặp không ít khó khăn trong công tác. Mỗi khi xét lương, xét thưởng, nhất là xét kết nạp Đảng, đều bị đình lại bởi bao che cho nhân văn giai phẩm.
Sau này, nhà thơ Trần Trương viết một bài thơ về nhà thơ Phùng Quán đăng trên báo Văn nghệ và in trong tập Khuất vào ngõ nhỏ, nxb Hội Nhà văn, 2004. Bài thơ tâm huyết, xúc động. Xin được chân trọng giới thiệu lại bài thơ này với bạn đọc:
ở trang trại Phùng Quán
Trần Trương
Ông Quán lập ra Nông Trại đỏ
Trồng ngô, trồng mía, với trồng khoai
Ông nhận cái danh là cán bộ
Lĩnh lương nhưng vẫn được chơi hoài.
Ông lên Quân Chu từ khi xưa
ở giữa thung sâu mây khuất mờ
Chẳng ai biết ông là Phùng Quán
Chẳng ai biết ông là nhà thơ.
Thật lạ là ông rất lạc quan
Guốc mộc, quần nâu với áo chàm
Thức với đêm đêm cùng chén rượu
Luống lạc tự trồng lại tự rang
Ông bảo rằng ông là giám đốc
- Vì trang trại này tớ sinh ra
Cái án vô tình thành hữu ích
Đồng ngâm nước lụt, ngọt phù sa.
Mỗi lần lên trại thăm ông Quán
Cùng nhau trải chiếu giữa sân nằm
Ông lại đọc thơ vừa mới viết
Rồi thiu thiu ngủ với trời trăng.
Ông bảo rằng: Sen giữa bùn tanh
Tháng năm hoa nở gió thơm lành
Nhưng phải hiểu rằng trong đáy ấy
Đã từng lặn xuống vạn sinh linh.
Chiều hôm Phương Văn đèo anh Phùng Quán bằng chiếc xe Star tàng tàng từ Hà Nội lên Phúc Yên, nói thì nói thế thôi, tôi vẫn phải báo cho anh Bùi Văn Mạnh, lúc đó phụ trách phòng Tuyên huấn của nhà trường. Trực tiếp chỉ đạo việc dàn dựng vở kịch. Tôi sợ anh Mạnh phản đối nên có phần do dự. Đắn đo mãi tôi mới lựa lời đi vào vấn đề:
- Anh Mạnh ạ! Có cả nhà thơ Phùng Quán cùng tới tham gia đạo diễn với anh Phương Văn có được không?
Tôi bất ngờ khi anh Mạnh nói như gắt:
- Sao không được?
Rồi hỏi ngay:
- Anh ấy đâu?
- Anh ấy đang ở nhà tôi.
Anh Bùi Văn Mạnh nguyên là Thượng úy, chính trị viên đại đội chuyển ngành. Là người am hiểu văn học nghệ thuật và cũng làm thơ. Vấn đề Nhân văn giai phẩm anh nắm khá rõ, anh bảo tôi:
- Bọn mình phải tiếp anh Phùng Quán chu đáo, cởi mở, thân tình. Động viên anh ấy vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã của số phận. Phùng Quán là người tài năng, có bản lĩnh, không phải thường đâu.
Tôi kinh ngạc trước những nhận xét về nhà thơ Phùng Quán của anh Bùi Văn Mạnh. ở thời điểm ấy, một cán bộ chính trị lại có cái nhìn thấu đáo như vậy thì quả thật không dễ.
Biết anh Phùng Quán hay uống rượu, tôi với anh Mạnh ra quán quốc lủi ngoài cổng trường mua mỗi người một chai 65, không dám mua hơn vì ở trong khu tập thể tự nhiên mua nhiều rượu sẽ gây chú ý ngay. Sau đó ra cửa hàng mậu dịch mua hai chai Lúa mới nữa cho nó an toàn.
Suốt đêm hôm ấy, chúng tôi uống rượu, nghe anh Phùng Quán đọc thơ, kể chuyện văn, chuyện đời. Giọng anh truyền cảm, cuốn hút và xúc động. Anh bảo: cái thằng người mình hắn vớ vẩn lắm. Khăn mặt rách, lần lữa mãi vẫn quên không mua nổi, nhưng thuốc lá thì lúc nào cũng nhớ. Có lần vợ sai đi mua hộp díp đánh răng, về hỏi lại chìa ra bao thuốc lá Trường Sơn.
Rồi những ngày ở Chòi chắn sóng, anh kể truyện ngắn: Đi câu viết thật lạ:
Một người vô gia cư, chuyên sống bằng nghề câu quăng. Đêm đêm anh ta ra hồ Trúc Bạch câu cá, sáng hôm sau đem bán lấy tiền đong gạo.
Ngày qua ngày, nếu hôm nào không được cá thì cầm chắc là đói.
Thế rồi cũng có một đêm, chẳng hiểu trở trời trái gió thế nào ấy, anh câu mãi không được. Định nốt lần này, rồi lần này nữa... vận may vẫn không đến. Càng về khuya, càng cố càng không ăn thua. Được ăn cả ngã về không anh ta quyết định quăng một cái cuối cùng. Muốn được cá to phải thả câu cho dài, anh ta dùng hết sức, quăng thật xa và nghĩ lần này được cũng về, không được cũng về.
Bỗng nhoằng một cái rất nặng. Đoán chắc là con cá to. Muốn bắt được phải dong cho đến khi nó mệt. Thế là, anh ta cuốn giây kéo con cá lại, rồi lại thả cho nó chạy ra. Mãi như vậy, cá không mệt, chỉ người mệt. Trời sáng dần, tiếng chuông tàu điện leng keng từ phía Thụy Khuê, báo hiệu một ngày mới. Nhìn sang bờ bên kia, lờ mờ thấy một người cũng đang câu. Để ý kỹ mới thấy, bên này kéo giây thì bên kia thả giây và ngược lại. Lúc sáng rõ, cùng nhấc lên, hóa ra hai lưỡi câu mắc vào nhau...
Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, anh về thăm quê làng Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, được mặt trận Tổ quốc xã tổ chức cho gặp gỡ bà con cô bác quê nhà và nói chuyện thơ. Khi xã lên xin ý kiến các đồng chí lãnh đạo văn hóa trên huyện và trên tỉnh, các đồng chí nói chung chung đó là việc của xã, do xã quyết định. Chỉ nhắc nhở đừng làm điều gì không phải với bà con cô bác quê hương. Như vậy là có ý bật đèn xanh rồi!
Buổi gặp mặt được tổ chức khá long trọng. Khi Phùng Quán bước ra sân khấu, nhìn xuống dưới, người rất đông. Thấy anh, tất cả bỗng im lặng. Một không khí im lặng, trĩu xuống. Phùng Quán bàng hoàng, đứng ngây ra như trời trồng, rồi anh òa khóc. Hai tay run rẩy, bưng lấy mặt. Anh nhận ra rằng, đất mẹ yêu thương vẫn dang rộng cánh tay đón anh, tha thứ cho anh, một đứa con lầm lỗi, sau bao nhiêu năm xa cách, nay trở về bái tổ.
Anh vội vàng quỳ sụp xuống, chắp hai tay vừa vái, vừa nghẹn ngào, nấc lên:
- Con xin lậy quê hương!
- Con xin lậy quê hương!
- Con xin lậy quê hương!
Tiếng nấc của anh hòa cùng nhiều tiếng nấc.
Kể lại mà anh cứ sụt sùi, mắt đỏ hoe. Chúng tôi đứa nào cũng lau nước mắt. Anh nói:
- Cũng may, mình ngã nhưng vẫn được tập thể cơ quan dìu dắt, Hội Nhà văn nâng đỡ, lại đứng dậy được. Cái chính là mình vẫn giữ được bản chất người lính, không làm điều gì phải hổ thẹn với quê hương nơi sinh ra một nhà thơ như mình.
Khi viết chân dung các nhà thơ qua thơ, in trong tập Thi nhân trong tôi, nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2005, chân dung đầu tiên tôi viết là nhà thơ Phùng Quán.
Viết xong, tôi đưa cho nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, người rất gần gũi nhà thơ Phùng Quán. Trịnh Thanh Sơn vui lắm, đọc ngay:
Phùng Quán
Nguyễn Giang
Một đời làm thơ
Một đời viết truyện
Lặn lội tìm
Hai chữ
Bình Yên!
Lúc sa chân
Thơ không in
Truyện thay tên khác
Quay về vớt cá bột
Vịn câu thơ
Dựng Chòi chắn sóng
Lập Nông trại đỏ
Một mình!
Từ Tuổi thơ dữ dội
Chiến sĩ Vệ quốc đoàn
Nhớ Lời mẹ dặn
Thêm một lần
Vượt Côn Đảo
Đứng lên!
Đọc đi đọc lại, Trịnh Thanh Sơn mới gật đầu, bảo cái gì cần nói bài thơ đã thể hiện rõ. Rồi Trịnh Thanh Sơn kể: Hôm tiễn đưa nhà thơ Phùng Quán đến nơi an nghỉ cuối cùng, trời mưa rất to, tầm tã, huyệt đầy nước không thể nào tát cạn. Quan tài nổi, Sơn cùng mấy anh em cứ dìm đầu này thì đầu kia lại bềnh lên, mãi không được. Thấy thi thể anh Quán bị vật vã thế này thì đau lắm, Sơn khóc nức nở. Vừa xót thương, vừa hờn dỗi, nước mắt lẫn nước mưa, Sơn nghẹn ngào nói:
- Anh ơi! Nếu có uẩn ức gì thì anh cũng phải để cho chúng em chôn cất anh tử tế chứ! Sao khổ mãi thế này.
Kỳ lạ thay, Sơn vừa dứt lời thì quan tài từ từ chìm xuống.
Trịnh Thanh Sơn vốn trực tính, mạnh mẽ, nhưng lại dễ xúc động, mủi lòng và hay khóc. Kể lại cho tôi mà nước mắt ứa ra, nghẹn lời bảo:
- Tội lắm! Đến chết cũng không yên.
Bây giờ, Sơn cũng đã mất rồi, nhưng nếu kể lại Sơn sẽ không khóc nữa đâu. Vì anh Phùng Quán đã được Giải thưởng Hội Nhà văn cho tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội, dựng thành phim năm 1988, Giải thưởng Văn học Bộ quốc phòng năm 2000 và tiểu thuyết Vượt Côn Đảo tái bản tới lần thứ 13. Đặc biệt được truy tặng: Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, một giải thưởng cao quí giành cho những tài năng đích thực của đất nước.
Mừng vui hơn nữa, Trưởng tộc họ Phùng - Thủy Dương, và cháu Phùng Đỗ Quyên, con gái anh Phùng Quán, cùng nhà thơ Ngô Minh, được sự đóng góp của một số đơn vị, cá nhân yêu quý nhà thơ đã xây lăng mộ Phùng Quán và chị Vũ Bội Trâm ở Huế, do UBND phường Thủy Dương cấp đất tại nghĩa trang Ngoại Viên Hưng.
Bài viết này như một nén tâm nhang, tôi xin thắp lên để tưởng nhớ đến anh. Tưởng nhớ một nhà thơ mà tôi luôn yêu mến và kính trọng: Nhà thơ Phùng Quán.
N.G.