Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BỮA TIỆC TẤT NIÊN hay là MÙA XUÂN CỦA CÁC BẬC TRƯỞNG LÃO

Phan Hồng Giang
Thứ sáu ngày 27 tháng 1 năm 2012 10:33 PM

( Dành cho ai nhẩn nha ngày Tết
Tránh xa tất bật ồn ào
Không sa vào tự khổ...)

    Tôi đặt bút viết về câu chuyện chung quanh một bữa tiệc cuối năm mà không hề lo sợ nay mai phải bẽ bàng xin tự đính chính, sẵn sàng nằm sấp xuống để đón nhận đòn roi trừng phạt vì mắc tội ... như mấy anh bạn đồng nghiệp hẩm hiu của báo
 Thể thao 24h không biết ăn gan con gì mà dám liều lĩnh bịa ra cái tin  trên cả giật gân về  bữa ăn tối kèm bàn công chuyện dài 3 tiếng đồng hồ ít ngày trước đây của các đại gia làng túc cầu ...Không hề lo sợ vì,  thứ nhứt, bữa tiệc tôi sắp kể có thực chăm phần chăm; nó cũng kéo dài trong  khoảng 3 giờ kể từ  11 giờ trưa  ngày 25 tháng Chạp Tân Mão (18/1 Dương) tại Nhà hàng  Ashima cuối phố Giang Văn Minh. Thứ hai, nếu tôi - vì lỡ mắc bệnh hoang tưởng chẳng hạn ! - có trót dại hư cấu ra bữa tiệc tất niên  kia thì chuyện đó chắc chắn  cũng vô hại  vì không một ai trong số người dự tiệc đủ quyền cao chức trọng để mà bị ảnh hưởng uy tín...
    Tôi cũng muốn bài tạp bút này có cái  phụ đề ngồ ngộ Mùa xuân  của các bậc trưởng lão  do muốn tỏ bày sự yêu mến, khâm phục tới đại văn hào xứ sở Colombia Gabriel Garcia Marquez bằng cách gợi nhớ  tới kiệt tác của ông :  Mùa thu của bậc trưởng lão mà cố dịch giả Nguyễn Trung Đức đã chuyển ngữ rất thành công... Thêm nữa, quả thật là bữa tiệc ở Nhà hàng Ashima kia đã diễn ra vào một ngày đông dường như sắp tàn bởi  nắng ấm mùa xuân đã bắt đầu trải vàng trên mái phố; và hầu hết thực khách hôm ấy đều xứng danh là bậc trưởng lão...
    
                                                              *
  
        Tôi nhớ đã rất lâu rồi có đọc trong một tờ báo cũ  bài của ai đó  nhàn đàm về những điều kiện cần thiết để đem lại một bữa ăn hài lòng  các thực khách. Lần lượt 6 tiêu chí được liệt kê theo thứ tự tăng dần mức độ quan trọng :  1/Ăn vào lúc nào cho thích hợp, 2/ Ngồi chỗ nào cho dễ gợi thú vui, 3/Bát đĩa trên bàn sao cho sạch sẽ, thanh tao, 4/ Món ăn ngon lành, bắt mắt, 5/ Rượu uống đủ làm say nhè nhẹ; và cuối cùng, quan trọng nhất  : 6/ Ăn với những ai  có thể chuyện trò ý hợp tâm đầu... Thật đúng là thiếu những người bạn chuyện như thế, bữa ăn chỉ còn đơn thuần là chuyện nạp calorie cho cơ thể . Nên xin dành cả bài  để kể đôi điều tôi cảm nhận lần lượt về những bậc cao niên  quây quần hàn huyên bên bàn tiệc cuối năm hôm ấy...
      Người chủ trì và chủ chi. Vị trưởng lão tôi muốn nêu tên đầu tiên không phải 
người cao tuổi nhất mà vì ông  luôn là người khởi xướng , cổ vũ   và tổ chức thành công sự nghiệp gặp gỡ khá thường xuyên của một số bậc cao niên  trong giới văn hóa nghệ thuật Bắc Hà. Nói nôm na, ông là người vừa chủ trì vừa chủ chi. Thật là quý hóa giữa thời gạo châu củi quế !  Với riêng tôi, ông là người chẳng xa lạ gì bởi tôi nhiều năm là viên chức dưới quyền ông ở Bộ Văn hóa; giờ nếu giở hồ sơ cán bộ của tôi ra sẽ thấy vài chữ ký của ông trong các Quyết định  hành chính tạm gọi là đánh dấu mốc (!) cho cuộc đời nhàn nhạt của mình - chẳng hạn như được Bộ tiếp nhận lại  sau khi trở về từ thành trì của chủ nghĩa xã hội và cách mạng thế giới hay thuyên chuyển công tác từ NXB Văn học sang NXB Ngoại văn...
     Ông là GS-TS Đình Quang, đại danh nghe như sấm bên tai. Ông sinh năm Mậu         Thìn, 1928, năm Nhâm Thìn sắp tới là năm tuổi của ông. Ở tuổi 85, tuyệt vời thay, ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát; trí tuệ còn giữ nguyên sự uyên thâm, minh triết, sắc sảo và hóm hỉnh  như ông vốn thế xưa nay.
     Ngoài những công trình đồ sộ  mang tính nghiên cứu cơ bản về sân khấu nói riêng và văn hóa nói chung, - các công trình đã đem lại cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh từ năm 2007, - tản văn có lẽ là nơi hiển lộ rõ nhất con người  ông - đầy ưu tư, nhân hậu và tinh tế. Với một trí não luôn háo hức làm việc, một đôi mắt tinh tường luôn quan sát, ông luôn khiến chúng ta thú vị với những liên tưởng  bất ngờ.   Một buổi xem xiếc cuối năm, chứng kiến các nghệ sĩ đứng trên mấy tầng ván đặt trên các con lăn chao qua chao lại mà vẫn giữ được thăng bằng, miệng vẫn cười tươi, ông bất giác nghĩ tới sự mất thăng bằng trong  cuộc sống của mỗi con người rồi  rộng ra là của toàn xã hội : Phải chăng chúng ta đang mất thăng bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần,  giữa đầu óc thực dụng  và lý tưởng, giữa ảnh hưởng ngoại lai và truyền thống dân tộc, giữa lợi ích cá nhân và quyền lợi tập thể, giữa nông thôn và thành thị.... Rồi ông chỉ ra cái kết cục khó tránh của sự mất thăng bằng nguy hại đó là  đủ kiểu tật bệnh xã hội, tham nhũng hối lộ, cửa quyền, sự thao túng của các nhóm lợi ích... phát triển tràn lan.
    Từ một trò xiếc giữ thăng bằng nhìn qua cứ tưởng chỉ là trò du hí, bậc thức giả khả kính của chúng ta chiêm nghiệm rằng suy cho cùng, đó chính là bí quyết và thước đo của mọi sự nghiệp bền vững trong cuộc đời này, ( Đi xem xiếc tất niên, báo Sức khỏe & Đời sống số Xuân Nhâm Thìn).
    Internet hôm nay đã kết nối cả thế giới, trong đó có ông, một thành viên, một công dân toàn cầu dẫu tuổi đã cao, vẫn không thôi thao thức, lo toan cùng mọi người trước mọi hiểm họa  vật thể và phi vật thể đang bủa vây tứ phía cuộc sống của chúng ta hôm nay. Cuộc sống của người già như ông ngày qua ngày hầu như  quẩn quanh trong căn phòng nhỏ với computer và cái  ipad Galaxy dễ gây ra cho ông cái cảm giác tù túng. Và phải chăng cảm giác ấy đã khiến ông đôi lúc muốn thoát ra ngoài phố,  mong tìm sự thăng bằng trong  những lần gặp gỡ  mấy ông bạn già nơi quán ăn quen  thuộc,cùng nhau nâng lên đặt xuống, tán gẫu chuyện đời... buồn vui lẫn lộn ?
      Hơn hai mươi năm trước, khi đang còn làm thứ trưởng phụ trách khối văn học nghệ thuật của  Bộ Văn hóa, trước Đại hội VII (1991)  nghe nói ông đã  được chọn vào danh sách do TƯ  giới thiệu. Nhưng rồi vì lý do u u minh minh nào đó mà  tên ông  cuối cùng không được chốt lại trong danh sách  đó mà chỉ có trong danh sách do các đại biểu Đại hội giới thiệu. Do vậy mà rốt cuộc ông không hội đủ số phiếu cần thiết... Sau này, thi thoảng nhớ lại chuyện cũ, ông lại  hào hứng bộc bạch :  Nghĩ cũng may mà  hồi đó mọi việc diễn ra như thế. Giả thử mình được cơ cấu vào... nhà đỏ thì  bây giờ chắc khó có dịp được vui vẻ thỏa mái với các bạn như thế này....Thật sự là nếu đã ngồi chót vót trên cao thì cũng ít có thời gian và nhu cầu giao tiếp với các  thường dân như chúng tôi; ngược lại, chúng tôi cũng đâu có dám làm mất thì giờ vàng ngọc của cấp trên bằng những cuộc mời mọc... Chuyện như thế với ai khác chắc sẽ là chuyện xui xẻo, tiếc hùi hụi, còn ông thì lại thật lòng   biến cái rủi thành cái may, biết vừa lòng với mình và sẻ chia sự bình tâm của cỏ (chữ của Nguyễn Khoa Điềm)...Thế mới hay, với GS.TS Đình Quang, bạn bè quý hơn công danh hoạn lộ...Phải thế chăng mà ông đương nhiên trở thành vị chủ tịch hội các bạn già không cần qua bầu bán. 
  
    Nhớ một chiều Tây Bắc. Chắc nhiều người còn nhớ đây là tên tuyệt tác sơn mài từ nửa thế kỷ trước của họa sĩ Phan Kế An, người cao tuổi  thứ ba trong số các thực khách hôm ấy. Ông  là con cụ Phan Kế Toại, vị Khâm sai đại thần của triều Nguyễn, một đối tượng bất đắc dĩ của sự kiện lịch sử có tên gọi là Cách mạng Tháng Tám - trong khẩu hiệu Đánh đổ Chính phủ Trần Trọng Kim - Phan Kế Toại ! mà sau đó không lâu được Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa vào Chính phủ đoàn kết dân tộc của minh rồi làm tới chức Phó Thủ tướng.
   Quả là hổ phụ sinh hổ tử : Người cha thành đạt bao nhiêu trên lĩnh vực chính trị thì người con lại bộc lộ tài năng khác thường bấy nhiêu trong hội họa mà bức sơn mài kể trên là một minh chứng đầy sức thuyết phục.
   Trên nền xanh sẫm của núi rừng hiện ra một hàng quân lơ thơ lặng lẽ đi trên con đường mòn nhỏ ẩn giữa hoang vu, và bất chợt có ánh nắng chiều chẳng biết từ đâu tới trải vàng  lên vách núi hừng sáng một góc tranh... Một bài thơ bằng sắc mầu và hình khối phảng phất  buồn hiu quạnh mà vẫn e ấp  hy vọng dù có đôi chút mong manh. Bản ballade  trầm  lắng hoài niệm về  sự hy sinh thầm lặng của một thời gian khó đã lùi xa vào ký ức... Có cái chập chờn, mờ ảo của Đoàn quân đi thấp thoáng trong đêm không một vì sao trong nhạc phẩm đầy ám ảnh của Lê Huy. Có cái khắc khoải của Tây tiến đoàn quân không mọc tóc...  trong thơ Quang Dũng và cả cái nao nức của Anh về sáo lại ái ân / Mường La , Hát Lót chân anh đã từng... trong Lên Tây Bắc của Tố Hữu. Một nhà mỹ thuật, khi viết về bức tranh này, cho rằng  chất liệu sơn  mài tác giả sử dụng  phần nào hạn chế sức thể hiện  ý đồ nghệ thuật, lẽ ra nên dùng sơn dầu thì hơn... Tôi  không nghĩ đó là một gợi ý khôn ngoan. Như Truyện Kiều đã được viết theo thể lục bát còn Chinh phụ ngâm thì bằng thể song thất lục bát - đó là dung mạo đầu tiên và cuối cùng, duy nhất của các tác phẩm bất hủ  ấy -, Nhớ một chiều Tây Bắc  mang hình hài sơn mài  một lần và mãi mãi như thế, không hề ngăn trở nó trở thành một kiệt tác của hội họa Việt Nam hiện đại.
    Họa sĩ Phan Kế An  đã sang tuổi 87 mà  mắt chưa mờ, chân chưa hẳn chậm, chỉ có đôi tai không còn thính nhạy như xưa. Nhưng vẫn có thể đàm đạo được với mọi người nhờ biệt tài đọc khẩu hình của ông. Nhớ lần được diện kiến ông trong buổi nâng lên đặt xuống dạo hè ở Thiên Phúc Quán trên phố Kim Mã, ông khiến tôi kinh ngạc bởi trí nhớ phi thường khi ông kể vanh vách về cái đơn thuốc  kê cho đứa em  tên Kiên kém tôi 2 tuổi từ 57 năm trước, năm 1954, của một y sinh đang kỳ thực tập ở Bệnh viện Chiêm Hóa, Tuyên Quang thời kháng chiến chống Pháp mà cha tôi đưa cho ông xem ngày ấy - đơn có kê một loại thuốc tẩy giun khá độc mà ngay lúc đó, ông đã nói với cha tôi rằng nó sẽ góp phần làm suy kiệt thêm thể trạng vốn đã rất nguy kịch của Kiên - lúc ấy mới 11 tuổi, để rồi em sau đó không qua khỏi ... Ông còn tả lại tang ma đơn sơ, đau buồn ấy mà tôi không có mặt vì đang theo học Trường Thiếu nhi VN bên Quế Lâm...
     Nhà giáo dục học khác người.  Hình như ông chưa bao giờ vắng mặt trong các lần GS-TS Đình Quang triệu tập. Đấy là tôi muốn nói đến ông Hồ Ngọc Đại - nhà giáo dục học xuất sắc của xứ Đại Việt ta từ non nửa thế kỷ nay. Ông tuổi Hợi, theo tuổi ta năm nay  đã 78 cái xuân xanh. Nhắc đến tên ông, vị GS-TSKH Hồ Ngọc Đại, là người ta nhớ ngay tới công nghệ giáo dục nổi tiếng mà ông đã ứng dụng thành công trong hàng chục năm qua tại Trường Thực nghiệm tọa lạc trên phố Liễu Giai, (cho đến khi nó bị  bức tử bởi quyết định cả nước thống nhất dùng chung một - và chỉ một - bộ sách giáo khoa !). Nhà toán học nổi tiếng Ngô Bảo Châu là một trong các học sinh đầu tiên của ông.
     GS Hồ Ngọc Đại  là người bao giờ cũng cực kỳ dị ứng với những kiểu suy nghĩ và hành động theo nếp mòn, theo khuôn mẫu sẵn. Với không ít người, ông có vẻ là khác người theo kiểu độc đáo đến mức gần như lập dị. Còn với tôi,  cái khác người của ông lại là sự vượt lên trên cái bình thường để có thể gọi là xuất chúng. Trong mọi tình huống ứng xử của ông mà tôi được biết, tôi thấy lúc nào phần hợp lý, hợp tình cũng thuộc về phía ông.
    Từ Liên Xô trở về với tấm bằng Tiến sĩ khoa học, - dạo đó còn là của hiếm,- con đường công danh rộng mở trước ông, nhất là khi số phận đưa đẩy ông làm rể trong một gia đình không thể danh giá hơn thời đó. Một vị lãnh đạo trong bộ tứ hỏi nguyện vọng  công tác của ông, không quên để ngỏ khả năng  mời ông ngồi vào  ghế lãnh đạo một Bộ chuyên ngành. Ông nói luôn nguyện vọng cao nhất của ông là được làm...giáo viên tiểu học ! Tất nhiên đòi hỏi không có gì là quá đáng  của vị tân khoa tiến sĩ ấy đã được đáp ứng ngay tắp lự. Với ông, trong sự hình thành nhân cách con người, tiểu học là cấp học quan trọng nhất. Học sinh trở thành trung tâm trong hoạt động của nhà trường. Các em cần được tôn trọng thật sự như các công dân tý hon mà lẽ phải luôn thuộc về chúng thể hiện trong châm ngôn mà ông ưa thích : Trẻ em luôn luôn đúng !, (kể cả khi có vẻ như là các em sai). Các em được dẫn dắt  tìm lại con đường dẫn đến kiến thức, nghĩa là cố gắng để các em có thể tự đào tạo, tự giáo dục ra chính mình, sao cho các em có thể  học mà như đang chơi, chơi mà không nhận biết rằng mình đang học,  để với các em, Mỗi ngày đến trường là náo nức một ngày vui !.
    Để đạt được  yêu cầu lý tưởng đó, cần phải xây dựng chương trình học, phương pháp học, phải đào tạo  ra được các giáo viên  theo chuẩn mực mới sao cho tất cả các em đều có thể học được, chứ không phải chỉ đặt trọng tâm vào việc  được học của  các em mà một vị  nguyên là lãnh đạo cao nhất đã nói với ông. Được học dù là rất quý, chỉ mới là điều kiện cần; còn học được mới là điều kiện đủ, khó đạt tới hơn nhiều. Với GS Hồ Ngọc Đại, nếu vì lý do  chủ quan  nào đó từ phía  người lớn chúng ta mà các em được học lại không học được thì thật là uổng công, vô nghĩa !
    Sự trẻ trung của con người  thể hiện qua tính cách  nhiều hơn là qua tuổi tác. Có những người còn trẻ mà  chậm chạp lề mề như ông cụ non. Ngược lại có  người tuổi đã nhiều mà  lại tràn trề  năng động như thanh niên.  Dù đã bỏ khá xa cái tuổi thất thập cổ lai hy,  mỗi khi có dịp gần GS Đại, ta luôn có thể vui lây bởi tiếng cười thật sảng khoái  hầu như vô tư của ông. Đằng sau  kiến văn sâu rộng và tốc độ tư duy siêu nhanh của ông, luôn là một nụ cười  độ lượng, nhân ái.
    Trong bữa ăn có lẽ ông là người ăn ít hơn nói. Ông thao thao kể lại những kỷ niệm nhỏ khó quên trong quãng đời dạy dỗ học sinh của mình - chuyện có vẻ nhỏ mà ý nghĩa thì không nhỏ chút nào.
    Có lần, ông kể, một người thân của GS Ngô Bảo Châu hỏi ông : Cái hội những người phụ nữ từng ngủ  (!) với Ngô Bảo Châu  là thế nào vậy ?. Đừng lo, đừng lo, - ông đáp-, không có chuyện gì đâu. Số là hồi Châu mới 8-9 tuổi chi đó, còn đang học lớp 3, lớp 4, vị giáo viên chủ nhiệm lớp Châu  học phàn nàn với tôi : Cái thằng Châu kỳ thật, dạo này trưa nào nó cũng sang phòng bọn con gái ngủ, nói  không nghe... GS Đại bèn gọi Châu tới và hỏi rõ nguồn cơn. Hóa ra cu cậu bảo rằng bọn con trai buổi trưa nghịch lắm, toàn trêu chọc nhau, khiến Châu không thể ngủ được. Sang phòng con gái, chúng nó ngoan lắm nên cu cậu được ngủ ngon lành. Gs Đại bèn bảo cháu cứ tiếp tục sang phòng con gái mà ngủ, không có sao.
    Một lần khác, một giáo viên phụ trách lớp đề nghị ông kỷ luật đuổi học một  học sinh hư hỏng vì ngày nào cũng đánh bạn, can ngăn, phê bình thế nào cũng vẫn chứng nào tật ấy. Gặp trực tiếp em đó, ông hỏi : Vì sao em hay đánh bạn ?. Câu trả lời thật bất ngờ : Thưa thầy, vì hôm nào ở nhà bố em cũng đánh em ạ !. GS Đại tới nhà em và nói với ông bố nọ : Tôi muốn anh giúp tôi một chuyện : Ngày mai xin anh dừng đánh con mình một hôm, được không ?. Ông ta đồng ý. Và ngày hôm sau em bé  gọi là bất trị nọ cũng không đánh bạn nào. GS Đại lại gặp ông bố ưa đánh con và đề nghị ông thêm một ngày không đánh con. Sự việc tiếp tục diễn ra  tốt đẹp như hôm trước. GS Đại đến nhà em lần nữa và đề nghị bố cậu bé  thôi hẳn  chuyện đánh con. Và kết quả là cậu bé cũng không bao giờ đánh bạn nữa. Tôi nói với GS : May mà có anh xử lý tình huống tuyệt vời, vào tay nhiều nhà sư phạm khác, chắc cậu bé đã bị đuổi học oan, thành trẻ lêu lổng và kết cục là hỏng cả đời nó !.
    Tiệc tan, mấy ông già chia tay nhau bịn rịn, người gọi taxi, người lên xe GS Nguyễn Xuân Đào. GS Đình Quang thì đi xe căng hải, tức là lội bộ - nhà ông chỉ cách đó vài chục mét thôi. GS Đại khoát tay nói : Các vị khỏi lo cho tớ. Tớ vẫn còn tiêu chuẩn xe riêng, nhưng hôm nay tớ sẽ đi xe buýt, tiện lắm....
     GS Đại là như thế đó - ẩn sau dáng vẻ trí thức  uyên bác, cao sang là một con người dân giã, hòa đồng.
      Người con không theo nghiệp văn của cha.  GS.TS Nguyễn Xuân Đào, cùng với tôi, tự hào là thành viên trẻ nhất (!) của hội các bạn già này. Cùng sinh năm Tân Tỵ, năm nay cả hai chúng tôi đều đã  ngoại 70. Thời gian đi thật nhanh, mới ngày nào chúng tôi còn học lớp 10 cùng Trường Phổ thông cấp 3 trên phố Lý Thường Kiệt. Rồi anh  không nối nghiệp cha là nhà văn Nguyễn Tuân mà  đi học CHDC Đức, ngành kỹ thật giao thông, cái ngành  thể chế nào, thời nào  cũng cần. Tôi thì gần xa cũng theo nghiệp bố, sang Nga , theo học ngành Ngữ văn. Vì khác chuyên môn, quả tình là tôi cũng khó kể chuyện về anh.
     Hè năm ngoái, nhân ngày giỗ thứ 24 (28/7) của cụ thân sinh anh, tôi có viết bài Vài kỷ niệm nhỏ với nhà văn Nguyễn Tuân, anh rất cảm động. Anh đến nhà đón tôi bằng chiếc xe Kia Pride 1.1 từng hàng chục năm qua cùng anh rong ruổi 22 vạn (!) cây số đường đất Việt (mà không hề một lần va chạm, quả là một tay lái lụa phi thường !), rồi đưa tới  nhà hàng Legend Beer  trên  phố mang tên cụ thân sinh anh ở quận Thanh Xuân. Điều thú vị là Nhà hàng  to vật vã này mang số  107, tình cờ chỉ đúng ngày sinh 10-7 của nhà văn tài hoa...
     Tuy đã nghỉ hưu và thôi chức vụ Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải từ khá lâu, nhưng anh vẫn nhận làm chuyên gia cho các dự án An toàn giao thông Việt Nam, tham gia giảng dạy ở các Trường Đại học Giao thông vận tải và đào tạo nghiên cứu sinh. Anh vẫn bận rộn như ngày còn đương chức; có lẽ vì thế mà hầu như buổi gặp gỡ nào anh cũng là người đến sau cùng. Mặc dầu vậy, mọi người vẫn vui vẻ chờ anh đến rồi mới vào cuộc...
     Từng nhiều năm làm việc ở Hội Nhà văn VN cùng cơ quan với cụ Nguyễn, tôi nói với anh Đào và các cụ bạn già rằng tôi vẫn còn nhiều chuyện khá độc đáo về cụ, một lúc nào đó tôi sẽ viết tiếp.  Và ngay lúc ấy, tôi đã chợt nhớ một chuyện mà khó có thể  để dành kể lúc khác.
     Ngày 3-9-1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn cho hàng triệu con dân nước Việt. Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam quyết đinh nhân dịp này ra một số báo tường  treo trên tầng hai  trụ sở Hội tại 51, phố Trần Hưng Đạo. Các văn nghệ sĩ đã viết những trang ca ngợi công đức cụ Hồ, bày tỏ tình cảm sâu nặng với Người.
     Bác Nguyễn Tuân cũng góp một trang viết rất ấn tượng nên dù chỉ đọc một lần, hơn 40 năm sau tôi vẫn không thể nào quên.
  
          Cụ Hồ đã đi xa, nhưng những việc Cụ làm, những lời Cụ nói còn đọng lại trong lòng chúng ta. Tôi xin phép hương hồn Cụ chép ra đây một bài thơ và một lời dặn dò quý giá để mọi người cùng suy ngẫm.
                       
                         1) Bài thơ  Chiếc chăn giấy của người bạn tù 
                                   Quyển xưa, sách mới bồi thêm ấm,
                                   Chăn giấy còn hơn chẳng có chăn;
                                   Trướng gấm, giường ngà, ai có biết
                                   Trong tù bao kẻ ngủ không an ?
 
                                                                  Nam Trân  dịch
                                                         (Rút ra từ Nhật ký trong tù, Hà Nội, 1960)
 
                           2) Lời dặn dò
           Trong sách Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ  Chí Minh có đoạn ghi lại Hồi ký của một viên sĩ quan cận vệ người Nam Dương mà  Tổng thống Sukarno đã cử đi  theo hộ tống  Hồ Chủ tịch khi Người sang thăm nước đó năm 1956 như sau : Khi xe đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm thủ đô Jakarta chạy qua một khu ổ chuột  với những căn nhà xiêu vẹo che chắn qua loa bằng đủ các thứ tấm tôn, bìa bồi  nằm trên kênh rạch đen ngòm, Cụ chỉ tay ra ngoài cho tôi thấy cảnh  tượng đó, rút khăn lau khóe mắt và xúc động nói :  Anh xem, nước nhà được độc lập mà dân không có hạnh phúc thì thử hỏi hai chữ độc lập kia còn có ý nghĩa gì !?.
           
                                                              Nguyễn Tuân  kính sao
                                                          Hà Nội, ngày 10 - 9 - 1969                                                                            
     Mọi người đọc báo tường  dạo ấy đều chú ý tới bài báo khác người của bác Nguyễn và đều hiểu bác muốn nhắc nhở ai điều gì. Bác Nguyễn ở đâu và lúc nào cũng vẫn là bác.
     Mọi người gật gù tán thưởng cái thâm thúy của bác Tuân và ước ao không tưởng rằng  phải chi bác được  Trời ưu ái hơn các cụ Hữu Ngọc, Tô Hoài đang ngồi đây chỉ non chục tuổi, cho sống thọ như... nhà văn Học Phi, người sắp vào tuổi 101 ! - thì hôm nay bác đã có thể có mặt ở đây, và cụng ly cùng chung vui với các cụ già-đàn em...
      Người phủ Hoài Đức bên sông Tô.  Trên tờ tuần báo Hà Nội tân văn của  ông Vũ Ngọc Phan hơn 70 năm trước, sự xuất hiện bài phóng sự Nước lên  không gây quá nhiều sự chú ý lại bất ngờ  đặt cái mốc đầu tiên báo hiệu một tên tuổi mới ra đời với bút danh  khá êm tai : Tô Hoài - người phủ Hoài Đức bên sông Tô, người sẽ còn khiến các nhà phê bình, nhà nghiên cứu  tốn nhiều giấy mực suốt 7 thập niên qua...
     (Tiện thể cũng xin nói thêm rằng, cái gọi là sông Tô hôm nay chắc không thể  gợi cảm hứng cho chàng trai mới chập chững bước vào làng văn hồi ấy để gắn nó vào bút danh của mình : Sông Tô hôm nay không gì khác hơn là ...cống nước thải lộ thiên lều phều túi ny-lông đủ sắc mầu ! Đến nỗi thằng cháu  nhỏ tính ưa hài hước của tôi có lần còn trêu chọc ông  : Ông  thích dùng tên sông đặt tên cho mình, sao lại lấy là Phan Hồng Giang ?  Ông lấy là Phan Tô Lịch có phải hay hơn không ?! . Chả là hơn chục năm nay gia đình tam đại đồng đường của tôi trở thành cư dân của làng Nghĩa Đô, - nơi tuổi thơ của nhà văn đi qua -, và cu cậu ngày ngày vẫn đi học dọc theo  con sông từ lâu đã nặng mùi này, nơi chẳng còn đâu bên sông bóng dáng bãi cỏ xanh mướt xa xưa với hang của các chú dế mèn đã sống mãi trên trang sách của nhà văn trường thọ).
       Tô Hoài thuộc số vô cùng ít ỏi nhà văn mà sách viết ra chồng xếp lại sẽ cao hơn đầu !  Điều đáng nói hơn rất nhiều là chất lượng văn chương của ông , như dư luận rộng rãi thừa nhận, đã song hành cùng số lượng.
       Cố thi sĩ Xuân Sách từ 30 năm trước đã vẽ rất thành công nhiều bức chân dung  nhà văn bằng thơ. Bức chân dung-thơ Tô Hoài được coi là  thiên về soi rọi vào phía... hiu hắt buồn  trong văn nghiệp của ông :         
                                       Dế mèn  lưu lạc Mười năm
                                       Để cho O chuột ôm cầm thuyền ai               
                                       Miền Tây sen đã tàn phai
                                       Trăng thề một mảnh lạnh ngoài Đảo hoang...
     
      Có thể coi Xuân Sách bị việt vị trong vụ này, bởi ông đã tổng kết văn nghiệp của Tô Hoài quá sớm - sớm đến trên 30 năm. Xuân Sách không thể ngờ rằng , từ sau tuổi hưu trí, tuổi 60, Tô Hoài như còn viết khỏe hơn, các tác phẩm theo nhau ra mắt người đọc : Chuyện cũ Hà Nội, Cát bụi chân ai, Những gương mặt - chân dung văn học, Chiều chiều..., Ba người khác, Giấc mộng ông thợ dìu v.v...Không ít sách của ông còn phải chịu số phận hẩm hiu, bị nâng lên đặt xuống từ các nhà quản lý kỹ tính. Thế nên kể cũng cần thán phục sự mẫn cảm của thi sĩ dị nhân Xuân Sách khi đã vẽ chân dung nhà văn bên sông Tô với gam mầu ... của sen tàn phai ( xin lưu ý : tên cúng cơm hồi nhỏ của ông là Sen) và trăng thề lành lạnh...
     Tôi may mắn nhiều năm được làm việc dưới trướng  bác Tô Hoài ở  Hội Nhà văn Việt Nam từ hơn 40 năm trước. Đôi mắt  nheo nheo biết cười và giọng nói lúc nào cũng nhỏ nhẹ của ông luôn gây cho tôi  cảm nhận rõ ràng rằng không gì có thể qua mắt con người này, ông biết , ông thông hiểu, ông tiên liệu được mọi chuyện lớn nhỏ chung quanh ông, chỉ có điều ông nói ra hay không nói ra mà thôi.
      Đầu những năm 80 thế kỷ trước, khi làm nghiên cứu sinh ở Moscow, năm nào tôi cũng vài lần gặp ông sang họp  bên ấy . Trong hồi ký Chiều chiều... có mấy đoạn ông  nhắc đến chuyện này.
     Có một lời tâm sự của ông tôi nghe từ năm Olympic Games Moscow - 1980 mà tôi lúc nào cũng nhớ. Lần ấy, nhiều người bạn tôi có nguyện vọng được làm quen với ông nên nhờ tôi mời ông tới Trường Tổng hợp Lomonossov thăm anh em. Ông từ chối khéo bằng một lý do  khó phản bác : Giang ạ,  tôi đã 60 rồi. Ở tuổi này chỉ nên chém bớt người quen chứ không nên quen thêm !. Có lẽ đó là tâm trạng chung của người có tuổi. Phải thế chăng  mà bao năm nay hội bạn già này không  thấy kết nạp thêm thành viên nào mới ?...
     Bác Tô Hoài năm nay đã 93 tuổi , đi lại khó khăn, lên xuống cầu thang phải có người dìu. Nhưng thật may vẫn hoàn toàn minh mẫn, vẫn nhìn đời với ánh mắt biết cười, vẫn ưu thời mẫn thế và vẫn ... sáng tác đều đều. Với những con người như bác, thời gian gần như bất lực.
     Nếu  trong trời đất với bốn mùa  luân chuyển, mùa xuân là mùa của chồi non lá mới, thì với con người, sáng tạo luôn là mùa xuân. Bác Tô Hoài là con người có những mùa xuân bất tận...
     Người chơi khi làm việc. Vị trưởng lão cao tuổi nhất hôm ấy là nhà văn hóa Hữu Ngọc, năm nay đã ở tuổi  95. Để dễ hình dung độ dài của thời gian ông có mặt trên cõi đời này, ta nên biết rằng năm ông ra đời - năm 1918, cũng là năm  chấm dứt... Thế chiến lần thứ nhất !
     Có thể nói ông là chuyên gia số 1 ở nước ta trong lĩnh vực văn hóa đối ngoại. Tinh thông nhiều ngoại ngữ như Pháp, Anh, Đức, ông thường trực tiếp viết sách, báo giới thiệu văn hóa nước ta bằng các thứ tiếng đó.
     Người quen biết ông nhiều khi phải ngạc nhiên không biết ông lấy đâu ra sức lực để mà làm việc nhiều đến thế, hầu như không hề ngơi nghỉ. Ông đã cho công bố hàng ngàn bài báo, hàng chục bộ sách nghiên cứu  bằng tiếng Anh, tiếng Việt về văn hóa Việt Nam và cả văn hóa phương Tây, trong đó nổi bật nhất là công trình đồ sộ Lãng du trong vườn văn hóa Việt và Phác thảo chân dung văn hóa Mỹ. Ông là dịch giả chính của bộ Truyện cổ tích Grim và nhiều tác phẩm khác. Sau khi nghỉ quản lý ở Nhà xuất bản Ngoại văn (sau này là NXB Thế giới),ông liên tục 16 năm làm Giám đốc Quỹ văn hóa Việt Nam - Thụy Điển, rồi 5 năm phụ trách Quỹ văn hóa Na Uy.
     Tôi cũng có may mắn mấy năm làm việc gần ông tại Nhà xuất bản Thế giới  và rất thán phục ông bởi sự say sưa làm việc, làm việc một cách khoa học, chu đáo. Ông luôn tận tình chỉ bảo, ân cần dẫn dắt các cán bộ trẻ mới vào nghề, truyền đạt cho họ kho kinh nghiệm dồi dào mà ông đã tích lũy bao năm. Ăn vận giản dị, tác phong không hề kiểu cách, ông gần gũi thân tình với mọi người như trong một gia đình.
       GS.TS Đình Quang kém ông đúng 10 tuổi đã đặt một câu hỏi pha chút châm chọc yêu với ông : Ông Ngọc này, xin hỏi ông  vì sao ngót nghét trăm tuổi rồi, ông không nghỉ đi cho khỏe, vui chơi với  cháu chắt trong nhà mà lại cứ lọ mọ, cắm cúi làm việc, viết lách mãi thế ?. Ông đáp lại ngay tắp lự : Thế ông không biết  rằng tôi làm việc  là tôi đang chơi à ?. Câu trả lời mới săt đá làm sao - không hề né tránh và không thể rõ ràng hơn. Như kiểu Tôi tư duy nghĩa là tôi tồn tại !.
     Ông vui vẻ kể tiếp : Ra đường, tôi nhiều khi vẫn phải khai man tuổi, phải bớt đi hàng chục tuổi ấy chứ. Có lần một cậu lái taxi hỏi tôi : Bác được 80 chửa ? Tôi đáp : Cũng khoảng đó. Rồi ông tự bình thêm :  Mình dại gì mà khai thật tuổi 95. Khai thật thế thì nó lại chẳng bảo mình điên à ?!.
     Mọi người cười phá lên trước phút trải lòng thật thà như đếm  ấy mà không giấu nổi thán phục sự hóm hỉnh dư thừa của lão ông...
                                                                *
       Tấm vé vào Ngôi đền bất tử.  Mượn ý ông già Hegel, có thể nói con người Tự do là con người nhận thức được cái Tất yếu. Đã là con người trên cõi đời này thì không một ai tránh được cái vòng Sinh - Lão - Bệnh - Tử. Từ kẻ khù khờ cho đến vị thánh nhân, tất cả đều trước sau trở về với cát bụi.
      Tôi không sợ mình nghĩ gở, khi biết rồi một lúc nào đó, tôi hoặc ai đó sẽ ra đi. Nhưng nào có đáng lo chi khi đấy là quy luật không thể cưỡng lại của Tạo hóa, của Đất Trời. Tôi nhớ cụ Tú Mỡ đã từng làm thơ tự vịnh cái chết của mình khi cụ ốm nằm bệnh viện. Tôi biết một số bạn tôi đã ung dung làm sẵn ảnh khổ lớn dành cho...tang lễ của mình, tránh cho con cái khỏi tất bật lo lắng về cái chuyện nhỏ đó khi bối rối tang gia; thậm chí có vị còn thảo sẵn ... điếu văn cho vừa ý mình !
      Dù sao tôi cũng không khỏi chạnh lòng khi thoáng nghĩ rằng một mai đây có ai đó trong những người vui vẻ hôm nay  không hẹn trước mà  phải chia tay với những người còn ở lại...
      Lẽ nào có ai đó lại thành người thiên cổ ?
      Không, tôi không tin vào điều  này, bởi bằng tất cả tình yêu con người và cuộc sống, bằng tất cả niềm say mê  làm việc và cống hiến cả cuộc đời dài dặc của mình cho  cái Chân - Thiện - Mỹ, bằng tiếng thơm để lại cho gia đình, cho con cháu, các vị trưởng lão tôn kính,  thân yêu của chúng tôi - và của cả chúng ta, dường như đã có sẵn theo mình tấm vé vào Ngôi đền bất tử...
   Hà Nội, chiều cuối năm  Tân Mão