Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thương nhớ biên cương

Bích Nga
Thứ bẩy ngày 13 tháng 10 năm 2012 9:55 PM

Chúng tôi có một chuyến đi đáng nhớ trên vùng biên giới Đông bắc, từ Tiên Yên đến Trà Cổ.
 Khi xe ô tô bon bon từ Tiên Yên đến Bình Liêu, chúng tôi phải dừng lại nhiều lần để chụp ảnh vùng biên cương tươi đẹp. Đoàn của chúng tôi gồm có một nhà văn, một nhà thơ và tôi ở Hà Nội, cùng với 3 nhà nhiếp ảnh của Quảng Ninh. Nghệ sỹ nhiếp ảnh  Đỗ Kha là người tổ chức, con trai cả của anh lái xe nhà đưa chúng tôi đi, cậu kiêm cả hậu cần vì đoàn người đi đâu có trẻ, U70 cả rồi.

 Điểm đầu tiên chúng tôi đến là huyện Tiên Yên. Đến đây, chúng tôi được đồng chí bí thư huyện uỷ trực tiếp đưa đi thăm những nơi tiếp giáp vùng biên. Tuổi 50 nhưng người Bí thư huyện uỷ đã dạn dày với công việc của người chỉ đạo vùng đất này. Chúng tôi vui mừng vì  nhìn thấy rừng nơi đây đã rậm dày, cây cao trùm lấy những vùng đồi, trông rất tươi tốt, trù phú. Anh bí thư kể, nơi các anh đi qua thuộc huyện Ba Chẽ, trước đây vùng này xơ xác bởi người dân phá cây làm nương rẫy. Nay Ba Chẽ và Tiên Yên rất tích cực trồng rừng, cây xanh trở lại. Anh bí thư say sưa kể cho chúng tôi nghe những cây cổ thụ còn sót lại, đã hàng trăm năm, nay thành di sản của Tiên Yên, Ba Chẽ, như cây Vối cổ thụ, một số cây lim còn sót lại. Người Dao không du cư nữa. Đã ở lại quê hương, trồng rừng và bảo vệ nó.
 Chúng tôi đi ca nô trên vùng Ba Chẽ, nơi ba nhánh sông cùng đổ ra biển, được ăn hải sản vùng nước lợ, nơi giao lưu giữa sông và biển. Ở Tiên Yên một đêm, một ngày, gặp gỡ những người trong Huyện uỷ, những người làm công tác văn hoá…Tiếp xúc với người Bí thư huyện uỷ rất am hiểu về phong tục tập quán, về văn hoá của các dân tộc vùng Tiên Yên cùng với những dự kiến để phát triển huyện Tiên Yên trong tương lai, sẽ có những thay đổi về sản xuất để nâng cao đời sống của nhân dân, chúng tôi rất quí trọng người bí thư có cái nhìn sâu rộng.
Rời Tiên Yên, chúng tôi đi về Bình Liêu, thăm các đồn biên phòng, thăm các cửa khẩu của biên giới. Dọc đường sang Bình Liêu, cảnh đẹp vùng biên khiến chúng tôi dừng lại nhiều nơi để ngắm nhìn. Từ trên cao, nhìn xuống vùng địa đầu Tổ Quốc mà xao xuyến kỳ lạ. Chúng tôi lưu lại hình ảnh qua ống kính để nhớ dải đất mình đã đi qua, dải đất yên tĩnh, thanh bình với trập trùng sông, núi, cỏ cây. Khi nhìn thấy những bông hoa mua, hoa sim tươi thắm đung đưa trong gió, lời ca hay của một bài hát về vùng biên giới bỗng nhiên lơ lửng bên tôi:
   Nếu em lên biên giới em sẽ gặp bạt ngàn hoa
   Hoa sim…giữa đồi nắng gió,
   Tím như ai chờ mong
   Sắc hoa sim yêu thương trong lòng người lính trẻ
   Chờ ai nên tím ngát bồi hồi…giữa biên cương
( Bài Hoa sim biên giới, nhạc Minh Quang, thơ Đặng Ái).
Đường đi lên Bình Liêu dễ dàng hơn nhiều so với trước đây. Đường có quanh co chút ít nhưng được trải nhựa nên đi vẫn êm, không xóc tung trời như trước đây.
Mặc dù tuổi đã cao, hai nhân vật chính của đoàn là hai lão nhân tuổi đã 75, nhưng các anh nhanh nhẹn và xông xáo, đó là nhà văn Hoàng Quốc Hải và nghệ sỹ nhiếp ảnh Đỗ Kha.  Ảnh chụp Hạ Long của anh Đỗ Kha được treo ở những nơi chúng tôi đến. Chủ nhân nơi đó rất trân trọng và vui khi gặp anh, những bức ảnh của anh đầy hồn biển và núi. 
Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng cùng đi luôn mê mẩn với hình ảnh của những cô gái người dân tộc có trang phục sặc sỡ ở những nơi chúng tôi đi qua, chị luôn muốn lưu hình của họ giữa cảnh sắc thiên nhiên mơ mộng. Chị có những bài thơ rất hay viết về vùng dân tộc, về biên giới. Chắng thế mà, khi gặp gỡ những chiến sỹ vùng biên, đoàn 327, chị đã ghi tặng các anh bài thơ chị viết về chiến sỹ biên phòng ở phía Nam Tổ quốc. Chị đọc thơ, nước mắt như muốn trào ra bởi nỗi nhớ thương người chiến sỹ biên thuỳ. Người nghe vừa bùi ngùi xúc động vừa thấy tự hào, bài thơ có đoạn:                      
Ai đếm đong lịch sử
Chỉ cần biết đất này
Các anh đã nằm lại
Tuổi thanh xuân như cây

Trời biên giới thật trong
Mây biên giới thật trắng
Cây biên giới thật xanh
Người biên giới thật thẳng

 Vui với anh em, chiến sỹ và những người lãnh đạo của đoàn 327, chúng tôi còn được nghe tâm sự của các anh.  Các anh vừa tâm sự vừa nói chuyện vui nhưng lại đong đầy nỗi nhớ nhung gia đình, nhớ vợ, nhớ con. Có anh nói, khi hiếm hoi , có ngày phép được về thăm vợ. Nồng nàn trong tình cảm vợ chồng, các anh được các chị cảm thông, chia sẻ nhưng vẫn bùi ngùi trách móc: “ Thời bình rồi mà chúng em vẫn như những người Chinh phụ.. ”. Sự xa cách, nỗi nhớ nhung vẫn dồn nén trong lòng người chiến sỹ. Nhưng các anh động viên vợ: “ Bởi xa xôi nên anh vẫn thấy chúng mình luôn mới mẻ bên nhau !”. Sự thuỷ chung của người vợ nơi quê nhà giúp cho các anh được an lòng để rảnh rang, yên tâm tận trung với Tổ Quốc giữ gìn từng tấc đất của biên cương.

 Chúng tôi đến Bình Liêu vào đúng ngày 7/7 âm lịch, ngày mà người dân vùng này đều hào hứng đón chờ và tổ chức chợ phiên - Đó là ngày mà dân địa phương gọi là ngày giao phối, giao hoà của tự nhiên, của hoa màu, cây cối, đất trời. Ngày 7/7 âm lịch, người dân địa phương nghỉ lên nương. Chúng tôi vào chợ Đồng Văn của Bình Liêu, thăm thú chợ phiên vùng biên, tiếp xúc với các chị các anh người dân tộc Dao. Chúng tôi cùng chụp ảnh, cùng ngắm nghía chiếc mũ có hình khối chữ nhật của các cô, các chị và được họ đội cho để chụp ảnh. Tiếng cười Kinh- Dao hoà quyện trong bầu trời xanh, trong không khí vui tươi của chợ phiên vùng cao biên giới.
 Khi thăm cửa khẩu Hoành Mô, sự yên bình có được nơi đây đã trải qua nhiều biến động và khó khăn. Mai sau, việc giữ gìn cửa khẩu ghi nhận sự tận tâm của người dân và người chiến sỹ biên cương.
Bùi ngùi và buồn tê tái khi chúng tôi đến thăm đồn biên phòng Pò Hèn và nơi tưởng niệm toàn bộ đồn biên phòng, 88 chiến sỹ và công nhân lâm trường đã hy sinh  trong chiến tranh biên giới. Lặng người trong nỗi tiếc thương, chúng tôi viếng linh hồn của những người đã hy sinh, đổ máu ở nơi đây.

Khi đến Trà Cổ, bên cột mốc cây số O chúng tôi bồi hồi khi được đứng nơi địa đầu của Tổ quốc. Vùng biên giới Đông Bắc, với gió, sóng và mênh mông biển trời, chúng tôi thấy, biển Đông có được bình yên hay không là nhờ sự hy sinh, lòng quả cảm, sự quyết tâm và lòng yêu nước thiết tha của người dân và chiến sỹ biên phòng. Trong gió, nắng, trong bộn bề công việc, 24/24 giờ, người chiến sỹ biên phòng không lúc nào được ngơi nghỉ canh giữ hải giới. Những biến động có thể xảy ra nếu buông lơi trong  giây phút, các chiến sỹ nơi đây rất hiểu điều đó. Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thuyên đã có một bức hình rất đẹp và ấn tượng khi anh chụp ảnh anh Bùi Văn Tảo, chốt trưởng của Đồn biên phòng Tràng Vĩ và nhà văn Hoàng Quốc Hải, anh Tảo  đang giơ tay giới thiệu với nhà văn khoảng biên giới, đất trời nơi đây khi anh tâm tình về những nghĩ suy của mình trong việc giữ gìn vùng biên ải nhạy cảm này. Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã nói: “Cha ông ta giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc. Biên giới của nước nhà được bình yên chính là nhờ dân và nhờ các chiến sỹ biên phòng các anh !”. Chúng tôi đứng bên cột cây số O chụp ảnh cùng các chiến sĩ biên phòng Tràng Vỹ để kỷ niệm và rất ngưỡng mộ các chiến sỹ biên phòng đầu sóng, ngọn gió này.

Trở về Móng Cái, chúng tôi được ngắm nhìn sông Bắc Luân, hai bờ hai nước, thăm đài quan sát Tục Lãm và thấy được những gian nan mà người chiến sỹ vùng biên đã và đang trải qua để bảo vệ vùng đất, trời, biển của đất nước.

Chuyến đi vùng biên giới Đông Bắc của chúng tôi là chuyến đi của những người bạn thân thiết, chí tình. Tất cả đều muốn biết thêm về vùng đất thiêng liêng của đất nước. Nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đầy tâm huyết Hoàng Quốc Hải, người đề xuất chuyến đi này. Anh đã đi những vùng biên ải ở Tây Bắc, Tây Nam Tổ quốc. Những áng văn anh viết về lịch sử cha ông thời Lý, Trần, những dòng văn hay nhất, cảm động nhất là anh viết về con người nơi biên ải của đất nước. Bởi, trong tác phẩm của anh, lòng tự hào và tự tôn dân tộc như ngọn lửa xuyên suốt tác phẩm, hừng hực nỗi niềm của người hậu sinh biết ơn cha ông đã oanh liệt chiến đấu để giữ được hình hài của Tổ quốc. Năm tháng qua đi  nhưng những chiến công hiển hách của cha ông vẫn chảy trong huyết quản của người dân Việt. Với sự hiểu biết sâu rộng về lịch sử, địa lý, về phong tục, tập quán của các dân tộc vùng biên, anh Hoàng Quốc Hải đã nói cho chúng tôi biết thêm về những gì đã xảy ra ở vùng biên giới trong lịch sử từ ngàn năm, và nữa, những gì đã và đang xảy ra ở vùng biên hiện nay anh cũng rất thông hiểu. Qua những bài viết về biên giới và hải đảo, với những kiến thức sâu rộng, chính xác, anh đã giúp cho chúng tôi hiểu thêm về giang sơn, đất nước và kế sách giữ nước của cha ông. Anh đi biên giới vùng Đông Bắc lần này để tiếp tục giữ ngọn lửa trong trái tim mình, viết tiếp những trang lịch sử thời hiện đại với sự yêu thương sâu sắc con người - Người dân và người chiến sỹ biên cương.
Chuyến đi đã được nhà nhiếp ảnh đa tài Đỗ Kha, nhà thơ kiêm nhà nhiếp ảnh Hoài Giang và người con trai rất chu đáo của anh Đỗ Kha thực hiện. Các anh có mối giao lưu, giao tiếp với bạn bè vùng biên rất thân thiết nên  chúng tôi đến thăm các chốt vùng biên đã được các anh ở nơi đây đón tiếp nồng hậu. Chuyến đi chứa đầy kỷ niệm, về tình bạn, về tình bằng hữu. Chúng tôi được nhìn tận mắt cảnh trời, đất, biển của vùng biên giới Đông Bắc của Tổ Quốc, tiếp xúc được với những chiến sỹ ngày đêm canh giữ biên cương, với bao tâm sự. Họ đều đau đáu với nỗi niềm yêu thương đất nước, họ thiết tha góp sức giữ yên vùng đất, trời, biển thiêng liêng. Chúng tôi cám ơn bè bạn, các chiến sỹ biên phòng, các nhà lãnh đạo ở hai huyện Tiên Yên và Bình Liêu đã giúp chúng tôi có một chuyến đi đầy ý nghĩa với những kỷ niệm sâu sắc. Chúng tôi ra về với nỗi thương nhớ biên cương/.