Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thơ Đàm Khánh Phương

Đàm Khánh Phương
Thứ ba ngày 13 tháng 11 năm 2012 9:49 PM
 
Đàm Khánh Phương
Sinh năm: 1943 tại Vân Đình
Hội viên Hội nhà văn Hà Nội

I. Tác phẩm:

1. Dưới vòm hương tinh khiết – NXB Hội nhà văn - 2010
2. Nghe gió về cậy cửa – NXB Hội nhà văn 2010    
- Gần 300 bài thơ in trên các báo Trung ương ( trong đó có hơn 20 bài in trên Văn nghệ của Hội nhà văn Việt nam.) 
- Có tác phẩm in chung vào 17 tuyển tập (trong đó có Thơ chọn mỗi tác giả một bài của Hội nhà văn Việt nam)
- Trên dưới 30 bài giới thiệu và phê bình thơ Đàm Khánh Phương trên các báo: Văn Nghệ, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an, Người Hà nội, Sức khỏe và đời sống… của các nhà phê bình, nhà thơ: Vân Long, Văn Giá, Đặng Huy Giang, Trần Quang Quý‎, Dương Kiều Minh, Trịnh Thanh Sơn, Vũ Duy Thông, Anh Vũ…

II. Giải thưởng

-  Trong suốt quá trình hơn 50 năm sáng tác, có hơn 10 giải thưởng, trong đó có:
+ Giải thưởng báo Người giáo viên nhân dân – 1961
+ Giải Nhất thơ Hà Tây – 1965
+ Giải Nhì, giải Ba thơ Hải Phòng – 2006
+ Giải Ba thơ Người Hà nội – 2007
+ Giải Ba thơ Báo Văn Nghệ và Đài PTTH Hà nội – 2010
+ Cùng nhiều giải thưởng khác….
 
 


ĐỘC THOẠI

 

Tôi vớt em về cõi bóng tôi
Kìa con ngõ tối khuất em rồi
Với tay chợt thấy vầng trăng lạnh
Tháng bảy đang dầm trong ngâu rơi

Chùa gõ sang mình dăm tiếng mõ
Em vào mê ngủ hoá xa xôi
Tiếng tôi hụt hẫng thành câm lặng
Gọi mãi mà không vọng một lời

Toan nhấc bàn chân đi với gió
Mà con tim lặng cứ như chìm
Bóng hoài lay thức không thấy động
Thì ra là máu cũng lặng im

Đã một sắc mầu đang héo hắt
Son phấn không quen nẻo kiếm tìm.
Cứ vùi lặng lẽ niềm đau đớn
Trong từng vui thú nhọn như kim.
13 tháng 2 ta 1998
 
THỨC CÙNG HUỆ TRẮNG

 

Xin đừng nói với anh những lời nước mắt
Anh là kẻ xác xơ hoang phí cuộc đời
Em đã đến như một đồng vàng cuối
Anh găm đáy túi mình sợ vương vãi buông rơi

Lúc hoảng hốt ngó quanh mình lo cướp giật
Khi lại băn khoăn mang bạc giả theo người
Cứ toan tính giữ cách nào cho chặt
Ngại vướng lòng quăng tít tận biển khơi

Mà em cứ là hoa bé bỏng
Đứng mong manh nơi vườn hẹp cỗi cằn
Muốn khao khát được đi cùng gió nắng
Muốn rập rờn đồng nội với trời xanh

Mà em cứ là em cháy bỏng
Vẫn mắt môi như lửa chẳng nguội tàn
Vẫn cất giữ trong lòng bao ấm nóng
Dẫu lạnh lùng trong giá buốt sương tan

Anh trơ trọi giữa thác ghềnh sông nước
Chợt môi run khi hơi gió đêm về
Cứ vùi kín trên ngực anh đôi mắt ướt
Để ấm lòng ra đón nắng ngoài kia.
                                                                                                
                                                                             20.9.2001
 
GẶP ĐƯỜNG HOA SẤU NỞ

 

Đã rất lâu tôi mới có lại một đường chiều
Hơi thở khẽ sau lưng mình xáo động
Bàn tay thức trong bàn tay phấp phỏng
Thoáng như hương và mờ ảo như hương

Ngỡ đang trôi lạc trên những ngả đường
Bao lối cũ khuất chìm vào xa lạ
Cứ chầm chậm ngước theo từng mắt lá
Thoảng mùi hoa sấu nở rụng sang hè

Có cái gì vẫy gọi phía bên kia
Cánh buồm chạy dọc hai bờ phiêu lãng
Con sóng đỏ cuốn hết màu dĩ vãng
Đã cho ta neo lại bến bờ

Thêm một làn hương tóc chảy vào thơ
Xin mắc nợ một lần Em - nước mắt
Xin mắc nợ một lần Ta - đã hát
Những lời ru nhỏ ướt mảnh - vai - trần.
 
CHẠM SÁT VÁCH BẢY MƯƠI

 

Không có cuộc đợi chờ nào như thế này
vào năm mười bảy tuổi
Hình như cả những năm hai mươi, ba mươi
tôi cũng không với ai có đợi chờ này
Bấm cả đến trăm ngàn lần thân ái
Mà cảm giác này chưa hết ngón một bàn tay

Quái lạ, hệt như trẻ lên ba thấp thỏm chờ quà mẹ
Hệt như viết được bài tập hay hồi hộp trông cô giáo
trả bài
Chừng nín thở như đang nằm trú ẩn
Em đến mở nắp hầm, cho tôi sống tưng bừng thêm
lượt sống thứ hai

Là bống là bang hay vàng anh vàng ảnh
Chỉ có thương yêu mới đủ sức phục sinh cho một
kiếp người
ơn trời đất ban cho ta mọi bề chắc, mạnh
Và em...
Em đã cho ta hái nổi được thơ tình khi cuộc đời
đang chạm vách bảy mươi.
Đêm K2: 28/10/2009
 
ĐỒNG HƯƠNG. 2

 

Qua sông Nhuệ, Bình Đà, Kim Bài, Ngã Vác
Nhận khuôn mặt quê hương ngay lối rẽ Quán Tròn
Hoà Xá, Đại Cường, Tử Dương, Chợ Cháy
Còn một Vân Đình thời ta rất trẻ con.

Phủ huyện chúng mình trải qua bao triều đại
Ngài lên chỗ cao xanh, Ngài rụng xuống cát bùn
Thì sông Đáy vẫn đêm ngày sông Đáy
Thì tình yêu muôn thuở vẫn tươi non

Ô hay, gặp mặt đồng hương có gì mà e ngại
Gác bên ngoài những ân oán bon chen
Về mảnh đất nơi chôn rau cắt rốn
Cốt sao cho đạo nghĩa được lâu bền

Cứ hồn hậu cụng ly bàn đại sự
Cứ vô tư trong hoan tiệc mặn mà
Dẫu thi thoảng còn vọng vào đắng buốt
                      Tiếng em bé đánh giày quánh - đặc - giọng - làng - ta.
 
NHÀ TÔI

 

Bất ngờ có chuyến xe qua
Mẹ con về ngoại thăm bà thăm ông
Mấy giờ lên lớp vừa xong
Quay vào mở cửa lạc trong nhà mình

Cạn cơm lạc mất nồi canh
Nước sôi sùng sục, muối hành ở đâu
Thắp diêm mới biết lạc dầu
Xách xô ra giếng lạc gầu lạc dây

Lặng ngồi giữa tiếng thơ hay
Còn nghe gà lạc một bầy ngoài sân
Vội vàng rắc gạo cho ăn
Ngọn đèn soi hết khó khăn một ngày

 
BẾN

Cho hai con Hoàng Quân - Hoàng Vũ

Ơn đời sinh ra chúng ta
Mới biết bố thành thực bố
Nếu không chỉ là hơi gió
Có chăng chỉ chút heo may

Úa vắng khô vào cội cây
Điên dại cào lên bão tố
Lất phất đang cơn dang dở
Chệnh choạng ngỡ là men cay

Lãng đãng ăn bằng hương bay
Phiêu dạt thở nhờ sắc lá
Đáy đất vô cùng nước lã
Trời cao chim hót vơi đầy

Bất chợt xuyên vào đêm nay
Thổi lật hết vùng giá buốt
Hình như có gì nóng ruột
Quờ sang con còn ngủ say

Tảng sáng sờ vào hũ gạo
Ngó sang củi lửa muối dầu
Yên lòng các con no đủ
Mới biết giờ mình tới đâu.
28.10.1997
 
GỬI...

 

Sau nghi lễ khánh thành, tất tật đều ra cũ
Chỉ còn em là...lạ... đến không ngờ
Chạm cho tới một lần, thôi níu giữ
Em như là... chữ mới của bài thơ

Yêu cho kịp, chẳng nệ mầu chưng cất
Mặc, xem ta như một gã bạc tình
Ngộ mai mốt, lạc chơi cùng trời đất
Thì, còn em... ăn ở với chúng sinh.


2008
 

LỐI VÒNG SANG BÁCH - THẢO

 

Đưa em về đường phố chớm vào đông
Mùi ngô nướng thơm vào nơi ngõ nhỏ
Lòng lặng ngắt hút theo màu áo đỏ
Mới đây thôi mà đã nhớ thương rồi

Mới đây thôi mà đã lại rối bời
Da diết thế, để rồi tê buốt thế
Muốn loãng nhạt máu mình mà không thể
Mắt rưng rưng, em cười nói rưng rưng

Đôi mắt buồn hoang lạnh phía sau lưng
Lối vẫn cũ giờ bỗng thành xa lạ
Ta giận dỗi cả phố phường rộn rã
Đứng chìm - trông - Bách Thảo sẫm như rừng...
 
GẶP Ở GIẤC MÊ NGÀY

 

Bỗng hiện lên đầy những dáng hương
Tan theo hun hút bóng con đường
Ta ngồi câm lặng vào xa thẳm
Chỉ thấy im chìm trong nhớ thương

Thoáng chợt chông chênh một mái đò
Quẫy chèo quanh khắp khoảng âu lo
Nước duyềnh trước mặt chừng như sóng
Bến đợi xem rồi cũng khói tro

Kéo tuột chân về đứng trước ga
Tầu chiều vào lúc đã dồn toa
Hoá như viên đá chèn vô vọng
Bánh trượt vô tình đánh hất ra

Có thể em thành chỗ nước mây
Nhỏ vài sa sót cuối đường bay
Góc lề băng cũ còn rơi lại
Một chút ngu ngơ ngả bóng gầy

Ấp nụ hôn vùi giữa đắm say
Mong manh như thể giấc mê ngày
Đang trong cháy bỏng mà nghe đã
Ớn lạnh âm thầm... một vẫy tay.

26.7
 
GỬI CHÀNG TRAI HÀNG BẠC

 

Hôn tôi vào đôi má lõm
Cằm anh nham nhở đầy râu
Tôi biết tình anh nặng thế
Rượu vào, nhẹ thấm gì đâu.

Từ những ngày xa trong ấy
Chiêm bao ta, bạn lẻ vào
Thương nhớ lòng này vẫn vậy
Vội gì - ngọn thấp cành cao.

Nhớ những chiều mưa năm trước
Nhìn bong bong nước tơi bời
Ta biết mình không khóc được
Mắt rưng cười một nụ cười

Từ cái sân giời Hàng Bạc
Gom chung một tấm lòng vàng
Đất rộng đời đông dễ lạc
Tìm về ngang lối Hàng Ngang

Những trận gió vàng xứ Nghệ
Gặp cơn nắng đỏ Hồ Gươm
Đã xẻ trên vầng trán tím
Màu xanh của những con đường

Sẽ có bài thơ của tôi
Bên cạnh màu tranh của Vũ
Sau đận quay đi lòng đau
Ta lại bên nhau đoàn tụ

Chiếc bàn đá ria Hồ Gươm
Kỷ niệm suốt đời gìn giữ
Anh ở Nghệ An đêm về
Có giấc mơ nào tương tự.
 

QUÀ CHO EM TRƯỚC SINH NHẬT

Của riêng B

Quả thật, những bài thơ anh viết cho em dễ hơn
rất nhiều so với bữa ăn ngon - cá diếc hầm ngải cứu
Mà sao cứ nỡ lòng nặng nhẹ với em
Như cô Tấm len lén chiều bông bống
Em dẻo thơm, giang hai cánh tay mềm

Giống hệt mẹ ta xưa cần cán nuôi cha
đêm đêm đánh đồn trong lòng địch
Em rẽ qua bao gai góc hầm hào
Rẽ qua cả những tị hiềm nơi mặt đất
Dắt nhau về ngủ trọ cạnh trăng sao

Chẳng thể nuôi lại em bằng câu thơ bất chợt
Chỉ mong sao thơ có ích cho đời
Em ngon giấc, và ai còn thao thức
Tin - Tình yêu muôn thuở mãi sinh sôi.


10.5.2010
 
HÀ NỘI THỜI “GÁC XÉP”
CỦA CHÚNG TÔI

 

Những gác xép bộn bề hy vọng
Xót câu thơ Bằng Việt dẫu xa rồi
Tôi đã khóc khi chạm về nơi Vũ
Nhà chỉ sáu mét vuông, sách vở xếp cạnh nồi

Trang viết mới ra đời bên cót ép
Loan tin ai, khao nhuận bút lần đầu
Đem tất cả cho bạn bè ra Mậu Dịch
Gom từng tờ tem gạo, uống - mừng nhau

Giờ thì đã điều hoà và láp tốp
Sao nhiều đêm vào giấc, khó yên lành
Cứ nhói lửa của Vầng trăng quầng lửa
Cứ cồn cào thương nhớ Thuở máu xanh

 Thuốc Ba số và từng chiều Rượu ngoại
                           Xếp bỏ bao dễ ngang cả toà nhà
Nửa thế kỷ cũng chẳng màng đánh đổi
Vẫn căn buồng chật - bạn, chỗ Thụy Kha

Quên sao được làm sao mà quên được
Hà Nội thời “Gác xép” của chúng tôi
Điểm lại lứa bạn bè non thấp thập
Những câu thơ thắp sáng đủ mặt người.
 

RU. 9

 

Tôi nhận nỗi niềm của em
Cất giữ vào miền sâu thẳm
Chợt thấy môi mình mặn đắng
Chợt thấy mắt người cay cay

Đong đủ buồn đau chiều nay
Chắt gạn nhẹ lòng đá núi
Thấm tháp lạnh lùng phút giây
Từ phía gió vô tình thổi

Chỉ xót một thời trông đợi
Chỉ tiếc chưa đầy yêu thương
Lẽ đâu hụt vào nông nổi
Nhạt nhoà lệ ướt mặt gương

Day dứt tháng ngày tơ vương
Câu hát nồng nàn ấp ủ
Gót chân mòn mỏi dặm trường
                    Bước hẫng trong vùng tiếc nhớ

 Đơn chiếc nghe nghe hơi mình thở
Cô lẻ cạnh bờ ấm êm
Giấc mơ đêm nào cũng chạm
Bóng hình xưa cũ kề bên

Năm tháng chênh vênh thổn thức
Gập ghềnh muôn ngả chơi vơi
Nhịp máu không hề suy suyển
Vẹn nguyên trong ánh mắt cười

Điếu thuốc từ từ tắt lụi
Khói tím dần dần loãng xa
Là khi em từ sâu thẳm
Của lòng thương nhớ đi ra.


Trại Cau, 6.2010
 


NHỮNG CÂU THƠ BÁN LẺ


Không vây cánh chỉ riêng mình một khoảng
Trăm phần trăm ngoài bao cấp - trăm phần
Thôi thì viết những câu thơ bán lẻ
Tạ lộc trời ban cho dẻo bước chân

Ơn đồng bãi đem về cho thóc gạo
Bạn bè nhen củi lửa cũng nhiều
Duy một thứ may còn có sẵn
Trái tim mình không vơi cạn tình yêu

Và cứ thế một đời…cứ thế
Chạm mắt em không lảng tránh khi nào
Và đã nhận một điều giản dị
Không bao giờ thơ chịu nước bán rao.
          
               ***
 Nhà thơ Đàm Khánh Phương là một người chung thuỷ
                       với thơ. Ông đã có đến nửa thế kỷ cầm bút và có tới ba
lần đoạt giải thưởng: của báo Người Giáo viên Nhân dân
(năm 1961), giải nhất thơ Hà Tây (năm 1965), ba giải nhì và
ba trong một cuộc thi thơ chấm theo mã số của sở GDĐT
và Hội VHNT Hải Phòng (năm 2005). Ông cũng là người
thuộc “dòng” bình tĩnh và quá ư cẩn thận vì cho dù đến
năm, bảy trăm bài thơ lẻ trong tay nhưng ông vẫn không
chịu cho in một tập thơ riêng nào. Với bạn bè thân tình,
ông thường nói vui nhưng lại rất thật: “Mình là người vật
vã kiếm ăn, quần quật rong chơi, làm thơ như điên như
dại nhưng không bao giờ chịu rao thơ...”
Rất có thể từ xuất phát này mà Đàm Khánh Phương
mới đặt bút viết Những câu thơ bán lẻ.

Đọc Những câu thơ bán lẻ, người đọc dễ dàng nhận
ra ngay khí chất của một con người thẳng đuồn đuỗn và
ngang phè phè. Và hạt nhân của sự thẳng đuồn đuỗn,
ngang phè phè này là lòng yêu sự thật. Vừa bao hàm ý
này, tác giả xưng luôn định tính của mình trước bàn dân
thiên hạ: Không vây cánh chỉ riêng mình một khoảng/Trăm
phần trăm ngoài bao cấp - trăm phần. Nhưng Đàm Khánh
Phương chỉ nói mạnh mồm như thế ở hai câu đầu thôi,
còn bắt đầu từ câu thứ ba đến câu thứ mười, tự dưng ông
mềm mại và yếu lòng hẳn. Theo tôi đây là phẩm chất thi sĩ
bẩm sinh ở ông và ở những ai đã trót làm thi sĩ. Sự chuyển
gam này bắt đầu hé ra ở hai câu: Thôi thì viết những câu
thơ bán lẻ/ Tạ lộc trời ban cho dẻo bước chân...
Rồi cái mạch bộc bạch này cứ thế mà tuôn ra như
không có cách gì ghìm nén được: Ơn đồng bãi đem về
cho thóc gạo/Bạn bè nhen củi lửa cũng nhiều… Người đọc
cũng nhận ra ngay một sự “nhu” hàm chứa một sự “cương”
và ông không hề giấu giếm thế mạnh và sự giàu có trời cho như l
à gia tài tinh thần của riêng ông. Đó là tình yêu:
Duy một thứ may còn có sẵn/Trái tim mình không vơi cạn
tình yêu. Đó là yêu đương một cách trung thực, hết mình
và tôn trọng sự thật: Và cứ thế một đời… và cứ thế/Chạm
mắt em không lảng tránh khi nào. Đến hai câu kết (tức câu
11, 12) Đàm Khánh Phương lại “cương” trở lại như cá tính
vốn có của ông. Và nhận được một điều giản dị/Không bao
giờ thơ chịu nước bán rao. Xét về mặt tổng thể, Những câu
thơ bán lẻ ngồn ngộn ngôn ngữ đời thường và cũng có
thể coi nó là một mạch nước chảy tràn trề hơi thở sự sống,
hết sức gần gũi với đời sống và có giá trị thực tiễn.
Đọc Những câu thơ bán lẻ rồi liên hệ với tác giả, tôi
càng khẳng định: Văn chính là Người.
ĐẶNG HUY GIANG
(Người Hà Nội số 41
ra ngày 13/10/2006)