Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Người xưa làm vội vã, tùy tiện hay ông GS nói vội vã, tùy tiện

Hoài Giang
Thứ năm ngày 29 tháng 11 năm 2012 3:34 PM


 Tôi đến làng Lệ Mật thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội sau khi nghe tin Viện kỹ thuật công trình biển – Trường Đại học Xây dựng dưới sự chỉ đạo của Phó giáo sư tiến sỹ Phan Ý Thuận nâng thành công cổng đình làng Lệ Mật lên 1,48 mét đã làm người dân làng Lệ Mật vui mừng phấn khởi vì giữ lại được cổng đình là đã giữ lại được truyền thống Văn hóa của làng, giữ được nét độc đáo của công trình, bảo tồn được một phần di tích lịch sử cấp Quốc gia của làng Lệ Mật.
 Quần thể di tích Lệ Mật bao gồm nhiều công trình kiến trúc cổ: Đình thờ đức thánh họ Hoàng, chùa thờ Phật, miếu thờ công chúa... cụm công trình kiến trúc này được xây dựng từ thế kỷ XII, được đại tu vào năm 1670 đời vua Lê Huyền Tông (1662 – 1671). Được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1998.
 Hiện nay quần thể di tích lịch sử này đang được tu bổ, tôn tạo theo tinh thần của Cục Di sản Văn hóa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Đảm bảo nguyên tắc giữ gìn tối đa các yếu tố cấu thành di tích” và “đảm bảo tu bổ theo hiện trạng”
 Việc nâng cao được cổng đình làng Lệ Mật là đã làm đúng theo tinh thần bảo tồn di tích của Bộ Văn hóa, Thông tin và Du lịch. Chưa tính đến vấn đề giá trị kinh tế thấp hơn nhiều nếu xây mới và điều quan trọng là xây mới sẽ không thể nào làm được công trình có giá trị thẩm mỹ và giá trị lịch sử như hiện có của công trình.
 Sẽ không có gì đáng bình luận, phê phán nếu như việc trùng tu, tôn tạo đình được làm theo đúng tinh thần của Cục Di sản Văn hóa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra. Vào thăm công trình, tôi thấy nhiều cụ cao niên của làng đang tập trung trước bức bình phong có phù điêu một chú voi. Tôi bật cười vì nhìn chẳng ra voi mà cũng chẳng ra heo vòi. Một cụ bực tức nói với tôi:
 - Bác thấy đấy, làm thế này thật là bôi bác và coi thường dân làng chúng tôi quá mức. Không còn giữ lại được cái gốc gác đình làng tôi xưa.
 Tôi được các cụ chỉ cho xem những gì mà người ta đã làm không đúng với nguyên gốc của ngôi đình Lệ Mật xưa. Vì các cụ là người của làng, sống ở làng từ khi còn trong bụng mẹ, khi còn bé đã từng lăn lê bò toài trên sân đình, lớn lên đã không biết bao lần vào ra cửa đình nên thuộc từng chi tiết của ngôi đình như thuộc từng đường nét trong lòng bàn tay. Bởi thế nên giờ đây nhìn ngôi đình được “làm mới” các cụ làm sao mà không bức xúc, phẫn nộ cho được. Đã thế lại còn có một vị giáo sư từ tận đẩu đâu về nói như dạy các cụ, ra lệnh cho các cụ chỉ được nghe thôi chứ không được hỏi lại. Cụ nói:
 - Chúng tôi không hiểu cái trình độ của ông giáo sư ấy đến đâu, đức cao vọng trọng thế nào mà lại dám nói các cụ chúng tôi mấy trăm năm trước dựng đình làng này đã làm vội vàng, làm tùy tiện!? – rồi cụ trợn mắt nói – Các cụ tổ làng tôi xưa mà sống dậy hẳn sẽ vả gẫy răng cái kẻ nói bậy!
 Tôi đã được xem bức ảnh nguyên gốc ngôi đình Lệ Mật xưa so với bây giờ có nhiều điểm rất khác nhau.
Nếu cứ nói như vị giáo sư nọ thì khá nực cười. Đâu phải cứ là đình làng thì trên nóc đình phải có “Lưỡng long chầu nguyệt”!? phải có “Kìm ngậm nóc - biểu tượng sấm chớp” nó mới gọi mưa thuận gió hòa, gọi mùa màng sinh sôi, mới có nguồn lực vô biên!? Vậy chẳng hóa ra từ mấy trăm năm nay ở cái đất làng Lệ Mật này mưa chẳng thuận, gió chẳng hòa!? Mùa màng thất bát!? Vậy chẳng hóa ra ở nhiều làng quê khác trên đất Việt Nam này có những ngôi đình cổ tuổi đời năm bẩy trăm năm không có “Lưỡng long chầu nguyệt”, không có “kìm ngậm nóc” như đình Đình Bảng, đình Chu Quyến, đình Thụy Phiêu, đình Mông Phụ và đình Trà Cổ ở xa tít nẻo biên cương vùng đông bắc Tổ quốc cũng đều cùng chung số phận “Mưa chẳng thuận, gió chẳng hòa”!? mùa màng thất bát!? Hay các cụ tổ mấy trăm năm trước của các làng đó khi xây dựng đình làng cũng đều chưa được học cách làm đình mà đã làm vội vã, làm tùy tiện!?
Tôi không muốn liệt kê ra đây những điều làm sai của đơn vị tư vấn và đơn vị thi công công trình và lại càng không muốn nêu ra những lời răn dậy của vị giáo sư đáng kính nọ đối với các bô lão trong làng Lệ Mật khiến các cụ căm giận. Tôi chỉ thấy ngạc nhiên khi người ta trùng tu tôn tạo công trình đã được gọi là Di tích lịch sử mà lại tự ý “mô ni phê tác phẩm” theo ý mình mà không hề tôn trọng cái nguyên bản. Đã gọi là trùng tu tôn tạo thì phải  “Đảm bảo nguyên tắc giữ gìn tối đa các yếu tố cấu thành di tích” và “đảm bảo tu bổ theo hiện trạng” như văn bản của Cục Di sản Văn hóa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi rõ. Tôi chỉ muốn nói về sự lãng phí đến kỳ lạ, lãng phí về kinh tế lẫn về giá trị lịch sử, đó là tại sao 60 hòn đá tảng chân cột của đình bằng đá xanh được chạm trổ hình cánh sen và các hình kỷ hà vẫn còn lành lặn, sắc nét đều bị bỏ đi gần hết, chỉ sử dụng 6 chân tảng ở cột Hậu cung và 4 chân tảng ở cột Phương đình, còn lại vứt thành đống. Những tảng đá chân cột này mang phong cách thời Lê, là di sản quý và cổ nhất của đình Lệ Mật còn lại đến ngày nay và thay vào đó là những tảng đá chân cột mới được cưa, mài bằng máy móc, không chạm khắc, không có giá trị nghệ thuật, có hòn còn nguyên vết lưỡi cưa chưa đứt mạch.
Một điều nữa tôi muốn nêu ra, nếu sai xin được giáo sư và chư vị chỉ giáo. Đó là bức bình phong đắp “ngũ hổ quần sơn” được nằm án ngữ ngay trước mặt Phương đình. Nghĩa là từ trong đình bước ra cửa cả thần linh của làng và dân làng đều sẽ thấy năm ông hổ đang gầm gừ chắn lối ra, chứ không phải năm ông hổ ấy quay ra ngoài cổng đình để ngăn chặn những tà khí, độc khí, ma quái tràn vào đình. Như vậy có phải năm ông hổ ấy cứ để cho tà khí, độc khí và ma quái tự do tràn qua cổng đình vào trong sân đình rồi mới “dọa” và đuổi chúng đi!? Nếu nói theo chiến lược quân sự thì như vậy đã là một chiến lược sai lầm. Tại sao không đuổi ngay quân xâm lược từ khí chúng lăm le xâm phạm bờ cõi mà lại để chúng tràn vào tận kinh đô rồi mới đuổi đánh!? Nói như giáo sư : Bên trong bức bình phong là nơi anh tú của đất trời thần linh, nơi thần linh phải có bức bình phong ngăn khí độc ngoài đời tràn vào khí linh thiêng... vậy mà năm ông hổ lại quay mặt vào sân đình, bỏ mặc cổng đình trống không thì lấy gì để cản khí độc tràn vào vậy, thưa giáo sư? – người viết bài này quả là không hiểu, và được biết cũng có khá nhiều bô lão trong làng Lệ Mật không hiểu, mong được giáo sư dạy bảo!
Còn chuyện bức xúc của các cụ bô lão làng Lệ Mật về việc giáo sư đánh giá các cụ tổ xa xưa của làng Lệ Mật làm đình thì tôi tin rằng các cụ xưa điềm đạm và khiêm tốn lắm, nếu có sống dậy thì các cụ cũng cả cười mà rằng: Thôi mà các con, chấp gì với lớp hậu sinh...