Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bậc chân tu

Huỳnh Văn Úc
Thứ năm ngày 20 tháng 12 năm 2012 2:33 PM

Tôi tình cờ gặp lại Nghĩa ở Kim Liên Tự, một ngôi chùa nhỏ bình dị nằm ở cuối làng. Nghĩa? Bây giờ tôi phải gọi Nghĩa là sư thầy, chỉ đứng dưới sư cụ trụ trì một bậc, có trách nhiệm trông coi mọi mặt công việc trong nhà chùa, từ việc đôn đốc các chú tiểu làm vườn đến nhận tiền công đức, ghi chép sổ sách cũng như tổ chức những khoá lễ giải hạn. Nghĩa bây giờ là một người đàn ông ngấp nghé sáu mươi với cái đầu cạo trọc và bộ quần áo nâu sồng. Còn Nghĩa ngày ấy, những ngày cùng công tác với tôi ở Binh trạm 31 Trường Sơn là một đoàn viên Thanh niên lao động ngoài hai mươi tuổi, vui vẻ yêu đời và chấp nhận mọi thách thức khó khăn. Địa bàn mà Binh trạm phụ trách kéo dài hơn một trăm cây số từ đèo Mụ Giạ đến Lùm Bùm. Trong biên chế của Binh trạm có hai tiểu đoàn công binh, hai tiểu đoàn ô tô vận tải, một tiểu đoàn cao xạ, một tiểu đoàn giao liên, ba đại đội kho, hai đại đội bộ binh…Tôi và Nghĩa là chiến sĩ cùng tiểu đội ở đại đội bộ binh, hơn nữa lại cùng sinh hoạt chung một tổ tam tam, con chấy cắn đôi, những chuyện tâm tình qua những lá thư hiếm hoi lắm mới nhận được Nghĩa đều thủ thỉ với tôi. Ngày ấy trước khi lên đường vào chiến trường Nghĩa đã có người yêu, ngày chia tay người con gái đã khóc để nước mắt thấm đẫm hai vai áo anh con trai. Sau ngày chia tay sáu năm anh con trai trở về thì người yêu đã con bế con bồng. Thất vọng và buồn chán, sau khi đã ngộ ra rằng đời là bể khổ tình là dây oan anh theo người chú là một nhà sư vào chùa làm chú tiểu. Và bây giờ là sư thầy, thầy Nghĩa chỉ đứng dưới sư cụ trụ trì một bậc. Ngày rời quân ngũ Nghĩa đã là đảng viên, đến bây giờ vẫn sinh hoạt Đảng và là chi ủy viên của chi bộ thôn.

Tôi và sư thầy ngồi đối ẩm bên chiếc bàn gỗ đánh vecni màu mận chín. Tôi thật không ngờ sư thầy lại thông hiểu giáo lý nhà Phật một cách uyên thâm đến thế. Thầy nói với tôi:
-Dục bình thiên hạ, tiên trị kỳ quốc, dục trị kỳ quốc, tiên tề kỳ gia, dục tề kỳ gia, tiên tu kỳ thân, dục tu kỳ thân, tiên chánh kỳ tâm. Nghĩa là: muốn cho thiên hạ được thái bình thì mỗi nước phải được thịnh trị; muốn cho nước được thịnh trị thì gia đình phải hoà thuận; muốn cho gia đình hoà thuận thì mỗi người phải sửa đổi hành vi bất chính nơi thân mình; muốn sửa đổi hành vi bất chính thì trước hết phải tự tu lấy tâm mình.
Người đời sớm phải tri cơ
Gương mờ vì bụi, trăng mờ vì mây
Chở che nhờ đức cao dày
Dẫu tu cho mấy chẳng tày tu tâm.
- Mô Phật! Tu tâm bắt đầu từ đâu?
- Bắt đầu từ tận diệt tam độc là tham sân si, rồi giữ ngũ giới. Tham sân si là tai hoạ vô cùng và bất tận của con người. Lòng tham là cái hang không cùng, cái túi không đáy, không biết đến đâu là đủ. Chưa giàu có, tham lam muốn giàu có, đã giàu có tham lam muốn giàu có hơn nữa bất chấp đồng loại, bất chấp luân thường đạo lý và pháp luật. Lòng tham là nguyên nhân sâu xa đẻ ra tham nhũng, một thứ giặc nội xâm tàn phá đất nước.
- Mô Phật! Trong giáo lý nhà Phật khó hiểu nhất là luận về sắc và không. Tại sao lại nói “ sắc tức thị không, không tức thị sắc ?”.
- Câu này có trong Bát nhã ba la mật đa tâm kinh của Phật giáo Đại thừa. “ Xá lợi tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị”. Tôi nói thế này cho nó dễ hiểu, như thân của ta là do tứ đại đất,  nước, gió, lửa hợp lại mà thành, đủ duyên thì tứ đại hợp nên thân này tức là sắc. Hết duyên thì thân này tan rã, tứ đại lại trả về cho tứ đại tức là không. Thọ là cảm giác, Tưởng là tư tưởng, Hành là tâm lý vui buồn thương ghét, Thức là nhận thức của con người. Thân này còn thì Thọ Tưởng Hành Thức còn. Hết duyên không còn thân nữa thì Thọ Tưởng Hành Thức cũng không tồn tại. Anh đã hiểu được phần nào chưa?

Chiều đã muộn, ánh nắng đã tắt. Thầy mời tôi dùng bữa trong gian nhà khách của chùa. Trên bàn ăn là một mâm cỗ đậy lồng bàn. Dưới gầm bàn quanh quẩn một con chó mực. Tôi hỏi sư thầy:
- Mô Phật! Con chó có Phật tánh không?
Sư thầy đáp:
- Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh vậy con chó cũng có chứ sao lại không? Trong sách Triệu Luận có câu: “Hội vạn vật vi tự kỷ” nghĩa là muôn loài như chính mình. Nhưng thôi! Trong buổi gặp mặt vui vẻ với cố nhân hôm nay ta không bàn đến chuyện con chó có Phật tánh hay không mà hãy nâng cốc mừng cuộc hội ngộ.
Khi chiếc lồng bàn được sư thầy nhấc ra tôi trông thấy trên mâm có đĩa đựng lá mơ tam thể để lẫn với hành sống, húng chó, vài quả ớt chín đỏ và hai chiếc bánh đa nướng giòn. Tôi nâng chén rượu trong suốt, sóng sánh và thơm ngát chạm cốc với nhà sư, chiêu một ngụm rồi gắp một miếng thức ăn đặt vào bát của mình. Chưa biết bên trong có gì, nhưng bên ngoài là một bông sen. Cắn làm đôi mới biết bên trong có thịt. Tôi hơi ngần ngừ một chút rồi mới hỏi:
- Thịt này là…
- Thịt chó. Thịt chó ướp gia vị riềng mẻ đặt vào giữa bông sen, bó lại rồi đem đồ cho chín dừ. Vừa có vị bùi và ngậy của thịt chó, vừa có vị chát của nhựa sen và hương thơm thoang thoảng của hoa sen. Lâu lắm mới gặp lại bạn cố tri nhà chùa đãi bạn món ăn chay tịnh này.