Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Làng tôi mùa đông qua lời bình của Hoàng Quý

Nhà thơ: Hoàng Quý
Thứ tư ngày 19 tháng 12 năm 2012 6:09 AM

 Bùi Ngọc Phúc

Làng tôi mùa đông 

  Nếu một mai bến nước, gốc đa làng không còn nữa
  Con đầu trần, chân đất biết về đâu
       BNP
Cỏ chân rết ấm chân đê, bà ơi!... đừng bứt nữa
Đã có gộc tre cha mang về
Rơm mới mua ngoài Chợ Cổng Đình mẹ đang rải ổ
Củi leo cồng nhóm bếp giữa canh khuya

Làng tôi mùa đông
Hun hút gió mùa đông bắc
Khói đốt đống  thơm tóc trẻ chăn trâu
Tiếng mưa thoi như át tiếng mưa mau
Thình thịch tiếng gõ bàn táp - bi tưởng trống chèo đêm hội
Tiếng người lớn đánh vần tưởng tiếng trẻ em tập nói...

Làng tôi mùa đông
Ngỗ ngịch đám học trò đầu đội mũ rơm
Lầy lội đường xa, cồn cào bụng đói
Trời rét căm căm, chồn chân gối mỏi
Phong phanh áo vá đến trường

Làng tôi mùa đông
Chợ Bút, Chợ Lồng, Chợ Bể, Điền Hộ, Tiên Nông...
Buôn thúng, bán bòn mớ khoai, bơ gạo
Không xà - phòng hái quả găng giặt áo
Tiếng guốc khuya đêm gõ phím đường làng

Làng tôi mùa đông
Em đi lấy chồng
Đêm mơ, tôi làm chú rể
Chợ Quán tiễn cô dâu... lá bàng hoe đỏ
Tôi lang thang, đau từng viên gạch vỡ
Viên gạch nào in gót chân son?

Làng tôi mùa đông
Năm mươi người con giữ xóm giữ làng
Năm mươi người con đi tứ xứ
Vẫn ước có ngày về đoàn tụ
Bếp cũ, đình kia nhen nhóm buồn vui
Trong gió bấc, mưa phùn cười nói mãi không thôi...

       2011

Lời bình:

Trong ký ức của chúng ta, bao giờ hình ảnh người bà cũng luôn hiện hữu sinh động và ấm áp. Hình ảnh chắc bền ấy luôn là biểu tương chở che cùng với người mẹ. Bà tần tảo cuối bãi, đầu sông. Bà ôm cháu à ơi ru nựng với chiếc quạt lá dẫu cũ kĩ làm nên cơn gió mát dường như không ngừng nghỉ trong những đêm oi nồng của mùa hè nóng nực. Bà tất tả buổi chợ với vài đồng bánh đúc hay mươi viên kẹo bột thơm thơm, móm mém, thở dốc và hớn hở chờ các cháu reo lên. Có khi chỉ tấm áo phong phanh, hàm răng run lập cập, bà hối hả quơ rơm, gom cỏ, nhóm nấm trấu, vụn dúm chút hơi lửa ấm áp cho con, cho cháu trong căm căm rét ngày đông... Không thể kể hết tấm lòng mênh mang, sự khó nhọc và trái tim phúc hậu cũng như sự chở che của bà!
Từ nỗi nhớ găm sâu luôn dội về ấy, nhà thơ Bùi Ngọc Phúc mở đầu bài thơ “Làng tôi mùa đông” bằng bật thốt tiếng gọi bà:
 “Cỏ chân rết ấm chân đê, bà ơi!... đừng bứt nữa”
Từ “bứt” thương quá! Bàn tay bà gày guộc run run, bà bứt từng lọn, từng sợi cỏ nhỏ, như con kiến gày mảnh bền bỉ với hy vọng có thêm hơn chút lửa ấm nữa cho những người thân.
Tôi đã đi qua nhiều làng xóm nhỏ vùng giáp biển của Ninh Bình. Cái vùng đất núi vây xa, đồng trũng thụt, cói, lác, cỏ chân rết nhiều hơn cả những cụm tre làng. Chỉ cần dừng chân chốc lát sẽ thấu ngấm sự nghèo khó của những vùng làng loi thoi ấy. Sau tiếng gọi bật lên là hình ảnh của người bà lui cui bứt cỏ. Bùi Ngọc Phúc không dùng từ “rét” nói về mùa lạnh giá trong câu thơ này, nhưng đọc câu mở của anh, ta thấy người bà chịu đựng, người bà nhận về mọi thương khó đang cố chống đỡ cái rét căm căm. Ba câu nối vào ngay đó “Đã có gộc tre cha mang về/ Rơm mới mua ngoài Chợ Cổng Đình mẹ đang rải ổ/ Cùi leo cồng nhóm bếp giữa canh khuya”.  Đây là cụm câu thơ hy vọng của sự an ủi được anh viết giản dị và tài tình. Ta như nghe thấy tiếng ngậm ngùi vỗ về bà, rằng, rơm mới mẹ con vừa  mua trải ổ để bà được ấm, những gộc tre cha con vừa đánh chiều nay đủ để bà thôi phải nhọc nhằn gom bứt cỏ, củi leo cồng dẫu gày guộc nhưng cũng đủ để đun nấu lúc giá hàn. Nếu câu thơ mở tạc khắc người bà, thì ba câu sau là tình con, tình cháu những mong bà bớt dần sự khó nhọc. Từ “gộc” (gộc tre), củi “leo cồng” (một loài cây nhỏ thường dùng làm vách vắt rơm và làm củi) lần đầu tiên được đưa vào thi ca trữ tình tài tình và sống động.
Bùi Ngọc Phúc giống như hình ảnh năm mươi người con đi tứ xứ ở cuối bài. Anh phải bứt ra khỏi vùng làng máu thịt và xa quê thăm thẳm. Bởi vậy những nỗi nhớ cồn lên trong anh như những đúp quay chậm của thước phim day dứt “Làng tôi mùa đông”. Cái làng quê loi thoi nhưng là thịt xương trong tâm thức anh, găm sống trong tim óc anh hiện hồn giản dị mà đầy sinh khí. Đó là “Khói đốt đồng thơm tóc trẻ chăn trâu “, là tiếng mưa thoi dệt vải cần mẫn, là những tiếng búa đập thảm cói vang vọng và hối thúc như tiếng trống chèo đêm hội cửa đình, là hình ảnh của những ngày bom Mỹ trong chiến tranh phá hoại. Anh nhớ xa xót tháng ngày ấy, cô lại chỉ trong bốn câu thơ:
 “Ngỗ nghịch đám học trò đầu đội mũ rơm
 Lầy lội đường xa, cồn cào bụng đói
 Trời rét căm căm, chồn chân gối mỏi
 Phong phanh áo vá đến trường”
Anh điểm danh và gọi to những “Chợ Bút, Chợ Lồng, Chợ Bể, Điền Hộ, Tiên Nông” ruột rà, thân thuộc, khó nghèo với số phận những con người nhẫn nại dù thiếu thốn. Hình ảnh có thể nghe thấy, hiện hình, dịu đẹp, váng vất trong thơ Phúc. Thật dịu dàng khi anh viết “Tiếng guốc khuya đêm gõ phím đường làng”.
Câu thơ thân thuộc quá. Hầu hết những làng quê Bắc bộ chừng trên 30 năm trước đường làng xinh nhỏ, lát bằng gạch chỉ, lát hàng tên hoặc lát nong đôi. Một tục lệ rất văn hóa:  Người khá giả góp gạch tùy tâm. Mỗi đôi trai gái trước vu quy góp cho làng đôi trăm viên gạch tốt. Và đường làng hình thành đẹp như hạnh phúc của các trai thanh nữ tú của làng. Những đường qua thôn Bắc, thôn Đông như phím của cây đàn bền bỉ, thảng thốt và vang nhịp khuya đêm dưới tiếng guốc mộc. Chao ôi! Giờ chả còn mấy làng giữ được nét dung dị mà rất thơ như xưa nữa. Cái thời đất cát lên ngôi giết chết nét văn hóa đôn hậu bao làng quê Bắc bộ. Nó chỉ càng thấm thía hơn cái giấc mơ thi nhân, ngày em đã về làm dâu nhà khác. Vì thế, cái lúc:
 “Em đi lấy chồng
 Đêm mơ, tôi làm chú rể
 Chợ Quán tiễn cô dâu... lá bàng hoe đỏ “
 Cũng là tiếng nhớ, tiếng thở dài, là lệ của người xa, lệ của tình mơ của Bùi Ngọc Phúc với đất quê không bao giờ phai nhạt!
 Chúng ta chúc cho mọi cuộc đoàn tụ, cho mọi giấc mơ về trong trùng phùng để nhóm lửa như câu thơ anh hy vọng:
  “Vẫn ước có ngày về đoàn tụ
  Bếp cũ, đình kia nhen nhóm buồn vui
  Trong gió bấc, mưa phùn cười nói mãi không thôi... “

 Chỉ 32 câu thơ với thi ảnh sáng trong, cách diễn đạt giản dị, làm nên một bức tranh quê mùa đông. Bùi Ngọc Phúc đã gọi tên một nỗi nhớ không còn chỉ riêng anh. “Làng tôi mùa đông” là bài thơ xứng đáng sánh ngang mọi bài thơ hay viết về một vùng làng quê  Bắc bộ!
  
      Vũng tàu, chớm Chạp, 2012
            Nhà thơ: Hoàng Quý