Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hà Nội tháng chạp năm 1972

Lê Văn Vọng
Thứ ba ngày 25 tháng 12 năm 2012 4:43 AM


    
     Bút ký

Lật lọng
 

 Hà Nội, những ngày tháng Chạp năm 2012, thành phố giống như một bức tranh với những mảng mầu phong phú, hấp dẫn. Từ nội thành tràn ra năm cửa ô, bên cạnh nét cổ kính và thâm nghiêm của Thăng Long xưa, ở đâu ta cũng bắt gặp những công trình mới. Những khu nhà đang lên tầng, đêm đêm ánh đèn cần cẩu hoà lẫn ánh sáng sao trời. Những khách sạn, khu chung cư cao tầng, những cây cầu, con đường mới mở... tất cả làm cho gương mặt vốn trầm tĩnh của Hà Nội càng thêm rực rỡ, sinh động.
 Giữa cuộc sống bộn bề và náo nhiệt của một Hà Nội đang từng ngày thay da đổi thịt, tôi muốn đi tìm vùng trời tháng Chạp năm 1972 - ký ức của những ngày Hà Nội oanh liệt bước vào trận "Điện Biên Phủ trên không".
 Người Hà Nội vốn không ưa ru mình trong hào quang chiến thắng. Những dấu tích đổ nát và cả chiến công oai hùng ngày ấy đã nhường chỗ cho cuộc sống bình yên và gương mặt khang trang tươi tắn của Hà Nội hôm nay. Bởi thế đi tìm "dáng đứng" của cuộc chiến đấu đã lùi sâu vào quá khứ 40 năm quả là điều không mấy dễ dàng...
 Sau nhiều năm theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta, đến quốc Mỹ liên tiếp vấp phải thất bại. Nicxơn - vị tổng thống "khát vọng chiến tranh" của nước Mỹ, một mặt muốn rút chân ra khỏi vũng bùn ô nhục, một mặt muốn duy trì chế độ bù nhìn Sài Gòn.
 Tháng 4 năm 1972, sau một thời gian tạm ngừng, Mỹ lại ném bom trở lại miền Bắc nước ta, chiến dịch mang tên Linebaker I. Mục tiêu là đánh phá các trục đường giao thông huyết mạch, trọng điểm vùng Khu IV cũ ngăn chặn việc tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Cái giá mà kẻ cuồng chiến phải trả cho âm mưu này quá đắt. Hàng ngàn máy bay chiến thuật đã bị bắn cháy, hàng trăm phi công bị bắt sống, hoặc bị tiêu diệt. Thế nhưng, dòng máu nóng nối liền hậu phương và tiền tuyến chưa một ngày ngừng chảy.
 Thất bại, nhưng chính quyền Mỹ vẫn giữ thái độ đàm phán trên thế mạnh. Bởi vậy, hội nghị Paris kéo dài nhiều tháng mà vẫn không đi đến một giải pháp hoà bình cho cuộc chiến tranh Việt Nam.
 Một tháng trước ngày nước Mỹ tiến hành bầu Tổng thống nhiệm kỳ 1973 - 1977, hai phái đoàn đàm phán Việt - Mỹ ở hội nghị Paris đã nhất trí về mọi khoản cho một hiệp định hoà bình sẽ được ký tắt tại Hà Nội vào ngày 19 tháng 10 năm 1972 và sau đó ký chính thức tại Paris ngày 31 tháng 10 năm 1972.
 Thế nhưng sau khi thắng cử, thêm một nhiệm kỳ nữa ngồi ghế tổng thống, Nichxơn liền trở mặt. Tất cả những lời lẽ cam kết được tung ra trong cuộc tranh cử, nào là "hoà bình trong tầm tay", "một giải pháp hoà bình đã có".vv...đã bị Nichxơn nuốt trôi....
 Vậy là bản soạn thảo Hiệp định nằm trên bàn chờ những chữ ký đã bị xới tung lên một cách có dụng ý. Trưởng phái đoàn đàm phán Mỹ, Kitxinhgiơ, sau khi bàn bạc, thảo luận với Nichxơn, từ Nhà trắng bay tới, đòi chúng ta phải thay đổi tới 126 chỗ. Thật nực cười và phi lý. Nhưng có ai biết đằng sau cái trò lật lọng trơ trẽn này, Nichxơn nuôi hy vọng chiến thắng bằng bom đạn. Tất cả những gì bấy nay Kitxinhgiơ co kéo ở bàn đàm phán, mềm mỏng và cứng rắn, cứng rắn rồi mềm mỏng, hoặc bằng thủ đoạn “đi đêm” bắt tay thỏa thuận với Mao Trạch Đông mà báo chí phương tây lúc ấy gọi là “đàm phán trên đầu Hà Nội”, hay “Cuộc mua bán trong bong tối”… chẳng lung lay được ý chí Bắc Việt Nam thì bom B52 sẽ hỗ trợ. Đó là sự thật, là cái triết lý của kẻ chuyên lấy thịt đè người.
 Trước lúc tiến hành chiến dịch dùng B52 ồ ạt ném bom Hà Nội, Hải Phòng, Mỹ đã mở một đợt đánh phá dữ dội các chân hàng và các tuyến giao thông khu vực Tân Kỳ, Đô Lương (Nghệ An). Đó là nước cờ thăm dò cuối cùng với hai mục đích: Cắt đứt sự chi viện từ hậu phương cho chiến trường miền Nam, làm suy yếu sự tấn công mùa khô của Quân Giải phóng và kéo lực lượng phòng không ở địa bàn Hà Nội vào đây. Riêng tháng 11 năm 1972 Mỹ đã sử dụng 1.213 lần chiếc B52 đánh phá khu IV.
 Khi rời khỏi chiếc ghế Tổng thống, Nichxơn viết trong hồi ký: "Ngày 14 tháng 12 năm 1972, tôi ra lệnh tiếp tục thả mìn cảng Hải Phòng và tiến công bằng B52 vào khu vực Hà Nội, Hải Phòng. Ba ngày sau lệnh có hiệu lực. Đây là quyết định khó khăn nhất của tôi trong cuộc chiến tranh này".
 Cái mà Nichxơn gọi là "Quyết định khó khăn nhất" là chiến dịch Linebaker II, cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng. Bằng tính toán này Nichxơn tin chắc sẽ "san bằng Hà Nội trong ba tuần lễ", tạo nên một "cú sốc ồ ạt, bất ngờ nhất", đẩy dân chúng tới chỗ hoang mang, sợ hãi, có "phản ứng gay gắt", tạo "sức ép từ bên trong" đòi Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận những đòi hỏi vô lý của Mỹ. Với cách nghĩ ấy, quả thực kẻ cầm đầu bộ máy chiến tranh Mỹ không hiểu gì về con người Việt nam, nhân dân Việt Nam. Trong lịch sử chống giặc giữ nước của chúng ta, nhiều kẻ thù đã chuốc lấy thất bại vì sự tính toán sai lầm như vậy và lần này Nichxơn cũng không thoát khỏi vết xe đổ.
 Trước sự lật lọng đó, hội nghị Paris đành tạm hoãn. Ngày 18 tháng 12 năm 1972, phái đoàn đàm phán của ta từ Paris về Hà Nội, trước đó mấy giờ những chiếc B52 mang đầy bom, cũng được lệnh cất cánh từ căn cứ Andơcxơn trên đảo Guam. Khi cố vấn Lê Đức Thọ vừa về tới nhà, chưa kịp nghỉ ngơi sau chặng bay dài mệt mỏi và sự bực dọc do phía Mỹ gây nên thì những trái bom B52 tội ác đã rơi xuống Hà Nội. Chiếc máy bay chở ông, BH.195 đậu vừa yên chỗ ở sân bay Gia Lâm được vài giờ đã bị một quả bom làm hỏng.
 
 Hà Nội chuẩn bị đánh B52
 

40 năm trôi qua, giờ đây nhìn lại sự kiện trên vẫn có người cho rằng chúng ta đã bị bất ngờ về chiến lược trong chiến dịch 12 ngày đêm năm ấy. Câu trả lời giành cho lịch sử, lịch sử bao giờ cũng trung thực. Nhưng cũng xin nói rằng năm 1962, hai năm trước khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc với việc gây nên "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ", Bác Hồ đã cảnh báo thảm hoạ B52 với đồng chí Tư lệnh Phòng không - Không quân. Thượng tướng Phùng Thế Tài - Nguyên Tư lệnh Phòng không - Không quân đã kể rằng: Hồi đó trong một lần làm việc với tôi, Bác hỏi: "Chú đã biết gì về B52 chưa?". Trong khi tôi chưa biết trả lời ra sao thì Bác lại nói: "Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao trên 10 cây số, mà trong tay chú hiện nay chỉ có pháo cao xạ thôi...".
 Năm năm sau, ngày 18 tháng 9 năm 1967, khi cuộc chiến tranh bằng không quân của Mỹ chống miền Bắc đang thời kỳ cao điểm, Bác lại nhắc ông: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Chú nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, Mỹ đã huỷ diệt Bình Nhưỡng. ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội".
 Như vậy để bước vào cuộc đọ sức 12 ngày đêm trên không, Bác Hồ, nhà Tiên tri - chiến lược gia thiên tài đã dành cho các chiến sĩ phòng không bảo vệ Hà Nội, hơn năm năm suy nghĩ, chuẩn bị.
 Cũng cần phải nhắc lại rằng sau lần nhắc nhở có tính chất khẳng định năm 1967 của Bác, Hà Nội đã chuẩn bị kỹ càng phương án đánh B52. Trong đợt tháng 10 và tháng 11 năm 1967, lực lượng phòng không Hà Nội có 3 Sư đoàn pháo cao xạ, từ 4 đến 7 Trung đoàn tên lửa (168 bệ phóng). Hệ thống phòng thủ này có đủ khả năng đánh tan kẻ địch khi chúng định tấn công Hà Nội từ bất cứ hướng nào, với quy mô ra sao. Tháng 1 năm 1969, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - Không quân đã biên soạn tài liệu "Dự thảo cách đánh máy bay B52". ở các đơn vị ra đa cũng tiến hành nhiều đợt huấn luyện cách phát hiện B52 dưới dạng nhiễu.
 B52 là một trong bộ ba vũ khí chiến lược mà Mỹ vẫn coi như một thứ bảo bối dùng răn đe đối phương, gồm: Tên lửa hạt nhân, tàu ngầm nguyên tử và siêu pháo đài bay B52. Mỗi máy bay B52 trang bị 15 máy gây nhiễu tích cực, hai máy gây nhiễu tiêu cực bằng sợi chỉ kim loại. Một máy bay B52 chở khoảng 27 tấn bom. Thời điểm ấy nước Mỹ có chừng 450 chiếc B52. Lúc đó trong nhiều lần đánh phá Vĩnh Linh, Mỹ đã dùng tới loại máy bay này. Để có tài liệu và kinh nghiệm thực tiễn đánh B52, giữa năm 1966, năm 1967 theo chỉ lệnh của trên có những đơn vị tên lửa, ra đa với khí tài cồng kềnh phức tạp đã vượt hàng trăm cây số đường bom đạn vào tận Vĩnh Linh để nhận diện "siêu pháo đài bay Mỹ". Sau nhiều lần đánh không thành, chịu tổn thất lớn, 17 giờ 05 phút ngày 17 tháng 9 năm 1967, tiểu đoàn 84, trung đoàn 238 đặt trận địa trên đồi 74 Vĩnh Linh đã bắn rơi một máy bay B52. Đây là chiếc B52 đầu tiên tên lửa ta bắn cháy. Từ thực tiễn ấy đã rút ra những bài học bổ ích đánh B52.
 Trong những ngày chiến đấu ác liệt, Quân chủng Phòng không đã cử một số cán bộ, trợ lý khoa học quân sự, tác chiến, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó tham mưu trưởng Quân chủng Vũ Xuân Vinh lặn lội xuống tận các trận địa tên lửa thu thập thông tin, bổ sung vào tài liệu "Dự thảo cách đánh B52". Cuốn sách chỉ gần trăm trang nhưng có thể gọi đó là tất cả vốn liếng hiểu biết đánh B52 của chúng ta lúc đó. Nó là công sức của bao ngày đêm các anh thi gan với bom đạn địch, đã thấm đẫm mồ hôi và máu các anh, góp phần không nhỏ vào chiến thắng 12 ngày đêm 1972 trên bầu trời Hà Nội.
 Chiến đấu với B52, nếu như các trắc thủ tên lửa coi là một cuộc đấu trí thì với các trắc thủ ra đa, việc nhận rõ mục tiêu trong nhiễu cũng là một bài toán cực kỳ hóc búa.
 Nghiêm Đình Tích là người có công lớn trong chuyện này. Hồi đó để phát hiện địch từ xa, cấp trên đã "cắm" đơn vị anh vào tận Nghệ An. Đài rađa do Tích làm đài trưởng đặt trên một ngọn đồi không cao lắm thuộc huyện Đô Lương (Nghệ An). Mỗi ngày nơi này có hàng trăm lần chiếc máy bay các loại của địch "làm cỏ". Để "qua mặt" được những bộ óc điện tử dò tìm tối tân mà địch vẫn khoe khoang tự hào "siêu nhạy", "mắt thần", là một điều chẳng giản đơn chút nào. Từ đây, hàng ngày những người lính trắc thủ rađa "làm quen" với đường bay của những tốp B52 cất cánh từ Guam đi ném bom các vùng đất của Lào. Những chuyến đi gây tội ác của chúng đã để lại trong các anh nhiều day dứt.
 19 giờ 15 phút ngày 18 tháng 12 năm 1972, sau ba phút được lệnh mở máy, Tích và hai trắc thủ Cầu và Xích đã thu được tín hiệu nhiễu. Không phải chờ đợi lâu gì, ngay sau đó cả tốp B52 đã nằm gọn trong cánh sóng rađa của các anh. Trên màn hiện sóng những giải nhiễu B52 dù chúng dùng đủ các phương tiện kỹ thuật phá, song các anh vẫn "bắt" được. Nhưng khác mọi ngày, đường bay của chúng hôm nay có sự thay đổi. Qua phương vị X, tốp B52 cứ bám dọc theo đất Lào đi ngược lên phía Bắc Việt Nam. Đi đâu, nếu không phải là định lẻn vào ném bom Hà Nội? Tìm con đường đi ấy, bọn chúng muốn lẩn trốn những "mắt thần" của ta. Quỷ quyệt lắm, song vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn.
 9 chiếc máy bay chiến lược B52 bay theo đội hình hàng dọc, kéo dài suốt trên 80 dặm, mà Rober Woff, một đại uý phi công có mặt trong tốp bay đó gọi một cách ngạo mạn là "thế đi của đàn voi".
 Để tránh sự tấn công của máy bay đối phương, chúng bố trí hàng trăm máy bay chiến thuật dọn đường, bảo vệ vòng trong, vòng ngoài, tầng trên, tầng dưới. Máy bay EB66 gây nhiễu cường độ mạnh, "Con ma" rải nhiễu kim loại hòng bịt mắt rađa của ta, F105, F111 đánh phá các trận địa phòng không và các trạm rađa....
 Mối lo ngại của không quân chiến lược Mỹ bấy giờ chỉ còn là những chiếc máy bay MIG của không quân Việt Nam, nhưng tất cả các sân bay trên miền Bắc đều đã bị băm nát bởi hàng trăm phi xuất máy bay chiến thuật những ngày trước đó.
 
 Đêm phương Đông

 Với một kế hoạch đã được soạn thảo tỉ mỉ, và "vỏ bọc" chắc chắn cho lũ B52, Lầu Năm Góc bảo đảm như đinh đóng cột với phi công B52 của họ rằng: "Các bạn bay vào Hà Nội chỉ như một cuộc dạo chơi đêm Phương Đông"; rằng "ở độ cao trên 10.000 mét, đối phương không thể nào với tới, các bạn chỉ cần bấm nút rồi trở về căn cứ an toàn, sạch sẽ!".
 Trước cuộc tập kích ồ ạt này, các nhà quân sự Mỹ vẫn đinh ninh rằng: Hà Nội sẽ không thể đứng vững trước sức mạnh của một Hirosima không có bom nguyên tử.
 Quả là họ tính toán không nhầm. Với sức tàn phá của một lượng thuốc nổ chứa trong 9 chiếc B52 trút xuống (khoảng 243 tấn bom) trong một đợt, mà một đêm có nhiều đợt thì Hà Nội sẽ chỉ còn là đống gạch vụn. Lẽ nào cái thảm cảnh của Hirosima ngày 5 tháng 8 năm 1945 lại trở lại với Hà Nội đêm 18 tháng 12 năm 1972, khi mạng lưới rađa dày đặc của quân đội Nhật bị vô hiệu hoá không phát hiện được chiếc máy bay B29 Mỹ mang bom nguyên tử, để lúc cả thành phố Hirosima nổi còi báo động thì tất cả chỉ còn đau thương, chết chóc.
 Giây phút chờ đợi này đã lâu. Các trắc thủ đài rađa P35 không rời mục tiêu. Mắt Tích như dán chặt vào màn hiển sóng. Bước đi của "đàn voi" đã được xác định rõ ràng: Vào đánh Hà Nội! Tích run lên vì xúc động. Hà Nội, trái tim của Tổ quốc đang đập những nhịp đập thiêng liêng vì cả nước, là hiện thân của văn hoá Việt Nam, tinh thần, khí phách Việt Nam! Từ nơi ấy các anh đã ra đi với một quyết tâm bảo vệ Hà Nội... Tích vội hét lên trong máy: B52 đang bay vào Hà Nội, phương vị....
 Diễn biến tưởng như đơn giản, song các anh đã phải trải qua bằng chặng đường rèn luyện vô cùng gian khổ với bao mồ hôi và nước mắt. Những ngày nắng rộp da trên bệ máy, những đêm thao thức không ngủ chỉ vì một thao tác máy chưa thành. Sự hy sinh của cả kíp trắc thủ của đại đội 12 đoàn Sông Mã trên đèo Lý Hoà (Quảng Bình) năm trước; rồi bài học xương máu nhớ đời ở Hải Phòng đêm 16 tháng 4 năm 1972. Nó được bắt đầu từ buổi trưa hôm ấy, khi những tốp F4 từ biển bay vào với độ cao gần 10 cây số. Một số đài rađa phát hiện có giải nhiễu giống nhiễu B52. Hoang báo "có B52" lập tức được truyền đi, các trận địa tên lửa vào vị trí chiến đấu. Hàng chục quả đạn được phóng lên. Kết quả bằng không.
 Sau cú lừa ngoạn mục, đêm đó B52 vào dội bom Hải Phòng mà không bị phát hiện. Nhưng sự kiện ấy cũng chưa làm các anh phẫn uất bằng có một đêm giữa tháng 6 năm 1972, nghĩa là sau "cái uất" Hải Phòng không lâu, một chiếc B52 Mỹ bằng một đường bay không lấy gì làm lắt léo, đã dễ dàng vượt qua mạng lưới rađa bay vào vùng trời Hà Nội rải truyền đơn rồi trở về căn cứ một cách bình an vô sự.
 Sau hai lần liều lĩnh trót lọt, thăm dò sự tinh nhạy của những "mắt thần" bảo vệ miền Bắc, giới quân sự Mỹ liền tuyên bố "máy bay B52 có thể đánh bất kỳ mục tiêu nào ở Bắc Việt Nam". Lời tuyên bố đó là sự thách đố lực lượng phòng không của ta. Vậy mà giờ đây nó lại hiện nguyên hình "những tên giết người" trước màn hiển sóng của các anh...
 Phát hiện chính xác của Tích được báo ngay về Hà Nội. Từ sở chỉ huy Bộ Tổng tham mưu, còi báo động phòng không toàn thành phố vang lên.
 Một ngày trước đấy nhân dân đã được lệnh sơ tán, những cuộc sơ tán để tránh những trận đánh phá thông thường như "cơm bữa" của máy bay chiến thuật, giờ đây trở nên ồ ạt, khẩn trương, nhất là khi loạt bom B52 đầu tiên rơi xuống. Từ những khu tập thể người ta tràn ra các cửa ngõ thành phố, rồi từ đấy xe ôtô đưa về những vùng sơ tán trong bán kính cách Hà Nội vài chục cây số. Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang bầu, người đau ốm được dìu, cáng, họ từ những tổ ấm chui ra, xe đạp, chạy bộ, vai mang, tay xách, mặc những cơn gió mùa đông bắc quét ngang mặt. Không ít trường hợp mẹ lạc con, ông lạc cháu, chị lạc em...
 30 phút sau lệnh báo động, tức là lúc 19 giờ 45 phút, chiếc B52 đầu tiên mang mật danh "Than củi" dẫn đầu cả tốp 90 chiếc mò tới vùng trời ngoại vi Hà Nội. Lập tức chúng được tên lửa ta "nghênh tiếp" một cách hào hứng.
 Ở thời điểm xảy ra cuộc chiến đấu, lực lượng phòng không Hà Nội chỉ có Sư đoàn 361, với bốn trung đoàn cao xạ, hai trung đoàn tên lửa (48 bệ phóng). Trung đoàn 261 đã nhận lệnh đi B, song chưa kịp lên đường cũng ở lại tham chiến. Một số đơn vị đã đi nhận nhiệm vụ ở các chiến trường khác. So với hồi tháng 11 năm 1967, lực lượng phòng không ta lúc này là khá mỏng, nhưng điều gì đã xảy ra?
 Rober Woll, viên đại uý phi công đi trong đội hình ấy nhiều năm sau vẫn còn kinh hoàng, viết: "...Tên lửa đất đối không bắn như pháo hoa lên máy bay ném bom (B52). Từ khi tiến vào mục tiêu, anh xạ thủ của tôi đếm được 32 tên lửa Sam bắn vào, hoặc ít ra cũng bay sát máy bay của chúng tôi. Chiếc máy bay thứ hai trong tốp mất liên lạc, nhưng không ai có thì giờ tìm hiểu nó".
 Chiếc máy bay ấy lẽ nào không phải là đống phế liệu đang xếp ở khuôn viên bảo tàng Quân chủng Phòng không - Không quân, ngày ngày có hàng trăm lượt người đến xem? Đó là chiếc B52 đầu tiên bị tên lửa ta bắn hạ trên bầu trời Hà Nội. Chiến công của Tiểu đoàn 59 đặt trận địa dưới chân thành Cổ Loa, nơi An Dương Vương với nghệ thuật chiến tranh nhân dân đã đánh tan bọn xâm lược phương Bắc hung hãn và đông như kiến cỏ, đem lại sự vẹn toàn bờ cõi cho nhà nước Âu Lạc. Lịch sử dường như có sự trùng lặp thú vị giữa chuyện xưa và nay, khi quả tên lửa mang dáng mũi tên đồng bắn cháy B52.
 Bị chặn đánh ngay từ chiếc đầu, đội hình "hùng hậu" của "đàn voi" trở nên rối loạn, không chờ tới mục tiêu, chúng cắt bom bừa bãi cho nhẹ thân để tháo chạy. Nhiều chiếc phải "bấm nút" trên đường trở về căn cứ.
 
 Điện Biên Phủ trên không
 

Chiến thắng của tiểu đoàn 59 có sức cổ vũ các đơn vị lập công, ngày hôm sau trận địa bên phà Chèm tiểu đoàn 77 lại bắn rơi một B52 khác. Nếu như con ác điểu bị tiểu đoàn 59 bắn rơi cách trận địa ba cây số thì lần này tiểu đoàn 77 lại bắt nó phải rơi tại chỗ. Đây là một trận đánh đẹp, hiệu quả cao.
 Cùng phối hợp nổ súng, các trận địa cao xạ của bộ đội và tự vệ Hà Nội đã "bóc" dần "tấm áo giáp" máy bay chiến thuật cho tên lửa nhận rõ đối thủ tiêu diệt. Nhiều máy bay chiến thuật có đi mà không có về, trong đó phải kể đến chiếc F111A hiện đại nhất của không quân Mỹ bị tổ tự vệ liên nhà máy dệt 8/3, cơ khí Mai Động thiêu cháy bằng 19 viên đạn súng 12,7 li lúc 9 giờ tối ngày 22 tháng 12.
 Bằng bom đạn kẻ địch muốn dìm Hà Nội vào đêm đen. Nhưng dòng điện từ nhà máy điện Yên Phụ vẫn luôn toả sáng. Nhằm làm cho chúng ta không còn phương tiện tố cáo tội ác của chúng với bạn bè thế giới, chúng đánh phá đài phát thanh Mễ Trì. Liên tiếp trong vòng bốn trận đánh phá, chúng đã ném trên 200 quả bom, song "Tiếng nói Việt Nam" chỉ tạm dừng trong 9 phút và tin đầu tiên khi phát trở lại là tin: "Hôm nay Hà Nội bắn rơi tại chỗ hai máy bay B52".
 Nhưng có lẽ man rợ nhất là việc dội bom huỷ diệt các khu đông dân: Khâm Thiên, An Dương, bệnh viện Bạch Mai... Bao nhiêu người chết, bao nhiêu ngôi nhà bị phá sập, bài bút ký này xin không nhắc lại, song biết rằng chính sự lộ rõ bộ mặt sát nhân của kẻ cầm đầu nước Mỹ đã thổi bùng ngọn lửa căm phẫn vẫn cháy âm ỉ trong lòng những người có lương tri ngay tại nước Mỹ và khắp thế giới.
 Maicơnhêch, phi công 30 tuổi, người được thưởng Huân chương "Phi hành xuất chúng", là Huân chương xếp hàng thứ 6 trong hệ thống khen thưởng của Hoa Kỳ, người học cùng trường đại học Uytchiơ với Nichxơn đã từ chối không tham dự ném bom Việt Nam. Anh nói: "Chỉ riêng ở Việt Nam cũng đã có quá nhiều đau khổ đòi hỏi chúng ta phải chấm dứt chiến tranh. Nhưng việc ném bom ào ạt miền Bắc (Việt Nam - N.V) càng làm cho đòi hỏi đó có thêm sức nặng. Và tôi nghĩ rằng đấy cũng chính là lý do đặc biệt khiến tôi quyết định từ chối không tham chiến".
 Càng bước vào những ngày sau, những trận ném bom càng mang tính chất huỷ diệt hơn và cuộc chiến đấu của quân dân Hà Nội cũng anh dũng, quyết liệt, hiệu quả hơn. Xin nêu vài con số: Đêm 20 rạng ngày 21 tháng 12 quân dân Hà Nội bắn rơi bảy B52, có năm chiếc rơi trên bầu trời Hà Nội. Ngày 26 tháng 12 ta bắn rơi mười máy bay, có tám chiếc B52, bốn chiếc rơi tại chỗ...
 Đến nỗi hãng Roitơ (lúc đó) phải đưa tin: Tỷ lệ thiệt hại của B52 tới mức nếu tiếp tục, không quân chiến lược Mỹ sẽ hết máy bay trong vòng ba tháng. Còn Maccônen, tham mưu trưởng không quân Mỹ thì thốt lên: "Vùng Hà Nội, Hải Phòng có một hệ thống phòng không vào loại mạnh nhất thế giới".
 Bằng ý chí kiên cường của một dân tộc chưa từng chịu khuất phục kẻ thù, chúng ta đã đánh gục ý đồ ngông cuồng, mạo hiểm của những "cái đầu nóng" của nước Mỹ... Chiến thắng thật lớn lao, nhưng cho đến hôm nay ít ai biết rằng ngày ấy các chiến sĩ tên lửa đã có lúc phải chiến đấu trong một điều kiện vô cùng khó khăn. Đó là khi trận đánh kéo dài, các bệ phóng phải chiến đấu trong tình trạng "ăn đong" từng quả đạn một. Các trận địa lúc nào cũng "đói đạn", các bệ phóng luôn trong tư thế chờ đạn. Để có đạn chiến đấu, bộ phận kỹ thuật sản xuất đạn phải làm việc thay ca, không nghỉ 24/24 giờ, mỗi dây chuyền sản xuất lắp ráp tăng từ 8 quả lên 20 rồi 22 quả một ngày đêm. Nhưng nhiên liệu cũng cạn dần. Nếu cuộc chiến đấu kéo dài thêm nữa, có thể chúng ta không còn đạn tên lửa để đánh. Nói tới những ngày oanh liệt đó, ta không thể không dành những lời trân trọng, cho bao chiến sĩ, tự vệ và người dân đã hy sinh vì một Hà Nội ngàn năm văn hiến. Không thể nói hết những tấm gương dũng cảm, chỉ xin phác hoạ đôi nét về một chiến sĩ phi công lái MIG 21 anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân Thiều.
 Là chàng trai Hà Thành, những ngày qua phải chứng kiến cảnh B52 Mỹ gây bao đau thương cho Hà Nội lòng Thiều sôi lên căm giận; anh thấy như mình có lỗi. Ngay đêm đầu tiên chiến dịch, một phi đội MIG cất cánh nhưng không thể chọc thủng được cái "vỏ bọc" kiên cố những máy bay chiến thuật địch đành căm uất bó tay trở về. Điều tồi tệ ấy còn lặp đi lặp lại những lần sau. Nhưng rồi trong một lần cất cánh một người bạn của Thiều đã lập chiến công bắn cháy một pháo đài bay làm Thiều sốt ruột chờ được xuất kích.
 Rồi cái giờ phút hệ trọng đó đã đến, nó chỉ đến một lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời trẻ tuổi của Thiều, vinh quang, song cũng đầy nghiệt ngã. ấy là đêm 28 tháng 12 năm 1972 - Cái đêm không bao giờ phai mờ trong ký ức các chiến sĩ phi công đoàn Lam Sơn, đêm Vũ Xuân Thiều bước vào cuộc chiến đấu.
 Từ đường bay nham nhở vết đạn địch ở một sân bay dã chiến vùng rừng Thanh Hoá, Thìêu lao vút như cánh chim ưng lên bầu trời. Đêm tối mông lung, Thiều hướng tầm nhìn về phía Hà Nội, anh cảm nhận được cái lạnh của tiết trời mùa đông xiết trên đôi cánh bạc. Vầng sáng lung linh của hàng vạn ngọn đèn làm anh nhận ra vùng đất thiêng và thấy nhiệm vụ của mình vô cùng quan trọng. Cảm giác tự tin chạy khắp người anh. Trận đánh này anh có cả Hà Nội phía sau. Trong ngàn vạn ánh mắt đang hướng lên bầu trời có ánh mắt mẹ hiền và người con gái anh yêu.
 Qua khí tài Thiều thấy một đàn máy bay Mỹ đủ loại đang hướng từ phía tây về Hà Nội, chúng lén lút ẩn hiện giữa tầng mây đen dày như những tên ăn trộm. Phải chặn đánh khi chúng chưa kịp gây tội ác trên vùng trời Thủ đô. Thiều mưu trí vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích bảo vệ, anh phát hiện một chiếc B52 thân hình kềnh càng, mang đầy bom đang "cắn đuôi" những chiếc khác. Thiều tăng tốc, cự ly rút ngắn dần. Được lệnh công kích, chiếc MIG của Thiều lao thẳng tới chiếc B52 phóng đạn, quả thứ nhất rồi quả thứ hai. Con quái vật bị thương, nhưng nó cố gượng bay tới mục tiêu trút bom. Không thể để những trái bom tội ác địch ném xuống Hà Nội. Nhưng đạn đã hết, vũ khí duy nhất của Thiều lúc này là tinh thần cảm tử. Vì Thủ đô, vì thành phố thân yêu, Thiều hướng ánh nhìn trìu mến về phía Hà Nội gửi lời chào vĩnh biệt những người thân yêu rồi lao thẳng con én bạc vào chiếc B52. Một tiếng nổ khủng khiếp của hàng chục tấn bom làm biến dạng cả bầu trời đêm cùng với vầng lửa bùng cháy dữ dội. Chiếc B52 tan thành muôn mảnh lả tả rơi như lá vàng trong gió. Đội hình lũ giặc trời tan tác, rối loạn, mạnh thằng nào thằng nấy chạy, không kịp cắt bom. Cuộc chiến đấu kết thúc trên vùng trời Sơn La. Cũng từ phút giây ấy Vũ Xuân Thiều trở thành vầng sáng chiến thắng trong chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ bầu trời Thủ đô. Giờ đây anh đã hoá thân vào một khu phố thuộc quận Long Biên.
 Sau 12 ngày đêm thực hiện hàng trăm đợt đánh phá bằng B52, rải hơn 10.000 tấn bom xuống Hà Nội (tương đương 5 quả bom nguyên tử Mĩ ném xuống Hirosima - Nhật Bản ngày 05/08/1945) và hàng ngàn phi vụ ném bom khác, cuối cùng ảo tưởng giành thế mạnh trên bàn thương lượng ở Paris của Mỹ đã bị thiêu cháy giữa bầu trời Hà Nội. Vậy là với ba trung đoàn tên lửa, bốn trung đoàn cao xạ và các phi đội MIG chúng ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược lớn bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, bắn cháy trên 80 máy bay các loại trong đó có 34 chiếc B52. Phía Mỹ buộc phải ngậm bồ hòn làm ngọt trở lại bàn đàm phán Paris ký vào bản Hiệp định hoà bình để rồi sau đó cuốn cờ rút khỏi miền Nam nước ta.
 Bốn mươi năm qua, sau chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không", Hà Nội đã đi những bước đáng tự hào. Mỗi sáng mở cửa nhìn ra, ta lại thấy Hà Nội có thêm nhiều nét mới. Từ 4 quận, Hà Nội đã phát triển thành 10 quận, 6 huyện với số dân hơn 6 triệu người (tính đến tháng 4/2009). Người Hà Nội hôm nay, ít phải lo toan tới chuyện ăn mặc mà đã đang dành quan tâm cho niềm vui thụ hưởng. Một thái độ sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, một tinh thần lao động hăng say càng sớm đưa Hà Nội trở thành một thành phố văn minh hiện đại.
 Lứa tuổi sinh ra trong những ngày đất nước hoà bình, các em không còn phải nghe những hồi còi báo động, hay tiếng bom đạn rú gầm giữa đêm khuya. Mọi dấu vết của trận ném bom huỷ diệt 12 ngày đêm vào Hà Nội đã lùi sâu vào dĩ vãng.
 Viết bài bút ký này, tôi muốn lưu ý các bạn trẻ rằng: Đã có những giờ phút Hà Nội của chúng ta đứng trước thử thách lớn lao tưởng không thể vượt qua, đó là những phút giây lịch sử thiêng liêng nhất trong cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù. Giữa cuộc sống thanh bình hạnh phúc hôm nay, đừng bao giờ cho phép mình lãng quên.
 Trở về sự kiện trên bầu trời Hà Nội 40 năm trước - Tháng Chạp năm 1972, bút ký này như một nén hương thơm thắp chung cho tất cả những ai đã bị bom đạn Mỹ sát hại trong trận tập kích chiến lược tàn bạo 12 ngày đêm vào Hà Nội và cuộc chiến tranh phá hoại ba ngàn ngày bằng không quân trên miền Bắc nước ta.
         Lê Văn Vọng