Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Lời nói gió bay, lời nói ..đọi máu

Trần Huy Thuận
Thứ tư ngày 2 tháng 1 năm 2013 6:56 AM

 

Không chỉ mỗi con người độc quyền có tiếng nói, mà đa số động vật cũng đều có khả năng “nói” lên những điều mà trong cái đầu chúng suy nghĩ, cái mắt chúng trông thấy: Con gà trống cất tiếng gáy “Cúc cù cu… cu!” đánh thức bình minh. Gà mái “cục ta cục tác” ầm ĩ khi đẻ trứng. Con mèo kêu “meo meo” đòi ăn và “gào lên thảm thiết” khi tìm bạn tình. Con chó sủa “gâu gâu” khi có khách và kêu “ăng ẳng” khi bị đánh đau. Con lợn khi tranh ăn lẫn khi làm tình đều kêu “ủn ỉn”. Mỗi loại chim có một giọng hót riêng, vẹt còn có tài bắt chước tiếng người. Chó sói “hú” rợn người. Hổ “gầm” làm muôn loài bạt vía. Rắn phun “phì phì” khi gặp đối thủ. Ngựa “hý” vang thảo nguyên. Đến bé như con muỗi khi đi “hút máu người và các động vật khác cũng kêu “ve ve” chói cả tai… chỉ có loài CÁ là giữ im lặng suốt cuộc đời cá của chúng!..

Khác biệt có lẽ là ở chỗ “tiếng nói” Con người không chỉ đa âm, đa sắc mà còn “đa nghĩa” nữa. Cũng có thể nói rằng: TIẾNG NÓI của các loại động vật khác trừ con người đều rõ ràng, nhất quán: Chó đã sủa “gâu gâu” là nhất định có người lạ đến nhà; gà đã gáy là dứt khoát trời sắp sáng hoặc đã sang trưa. Hổ đã “gầm” là lúc nó đi tìm mồi. Rắn phun “phì phì” là có đối thủ đang bị đe dọa… Con người cũng dùng lời nói để diễn đạt ý tưởng, nhưng rất đa dạng: có thể là khích lệ, đồng tình; có thể là phản đối, ngăn đe; có thể là thanh minh và có thể là an ủi, mỉa mai …
Động vật rất thật thà, “nói” thế nào thì “nghĩa” thế ấy, tuyệt không có lối “nói ĐA NGHĨA” như con người. Cái sự ĐA NGHĨA của tiếng nói loài người không chỉ ở nội dung câu chữ, mà còn ở “ngữ điệu” phát âm. Cùng một từ như từ “VÂNG” chẳng hạn, khi người nói dùng một ngữ điệu vừa phải, êm ái, ngọt ngào – thì đó là thể hiện sự “vâng lời”, sự “đồng ý, đồng tình”. Nhưng nếu vẫn chữ đó, nhưng âm điệu phát ra chói tai, kéo dài ra,… thì đấy lại phải hiểu là đương sự đang bất bình, đang “bị cưỡng bức đồng ý…”.

Cái sự ĐA NGHĨA của tiếng nói con người còn được “minh họa” bằng cử chỉ, thái độ của người nói nữa. Nói “VÂNG” mà mặt mũi e thẹn hoặc tươi vui phấn khởi là “vâng thật lòng”. Nói “VÂNG” mà mặt buồn thiu hoặc cau cau có có, là “không đồng ý đâu”! Nên nhớ điều này: đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn mỗi người. Cái “tâm” không thể biết, nhưng nhìn sâu vào mắt thì vẫn có thể nhận ra phần nào cái “thực tâm” của người nói!
Như vậy có thể rút ra một điều: Nghe con người nói, muốn thật sự HIỂU ý anh ta, người nghe phải lắng nghe ngữ điệu của câu người đó nói đồng thời phải quan sát cử chỉ, gương mặt, đôi mắt của người nói lúc đó nữa. Thiếu những quan sát này, người nghe dễ bị ngộ nhận, dễ hiểu sai vấn đề… Nói chuyện phải nhìn vào mặt nhau, vào mắt nhau là như thế!

Con người từ ba tuổi trở lên, nếu không bị khuyết tật cơ quan phát âm, đều biết dùng tiếng nói để giao tiếp, để đề xuất một yêu cầu, để bầy tỏ tình yêu thương hay lòng căm giận... Nhưng có người “hoạt ngôn”, “lợi khẩu” có người suốt ngày chả nói gì. Có người nói hay đến mức “con kiến trong lỗ cũng phải bò ra” nghe. Có người “nói như rót mật”; lại có người “nói như đấm” vào tai. Người nói mấy phút, thính giả đã muốn “vỗ tay” mời xuống. Kẻ nói tràng giang mấy tiếng đồng hồ liền, cử tọa vẫn cứ đội mưa đội nắng, há hốc mồm ra mà nghe. Có kẻ nói toàn lời khen mà người nghe muốn “nhổ nước bọt”. Lại có người vừa nói vừa “chửi mắng” ta mà ta vẫn giỏng tai nghe, không tức tối, còn vỗ tay tán thưởng! Thời chiến tranh, phát thanh viên tiếng Anh đài TNVN Hannah Hà Nội Trịnh Thị Ngọ, đã làm rung động bao con tim lính Mỹ tham gia chiến trận ở Việt Nam khi mỗi lần cô cất lên “This is Thu Hương addressing American GI in Viet Nam” – “Đây là Thu Hương đang nói chuyện với lính Mỹ ở Việt Nam”. Tiếng nói của cô có sức mạnh của một binh đoàn!

Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì tiếng nói con người vẫn còn dễ hiểu. Loài người chúng ta còn biết dùng lời nói để che đậy, lấp liếm hành vi, để “dấu ý tưởng” thực qua lời nói một cách rất thiên biến vạn hóa (cổ nhân gọi là “nói lấp nói liếm”, “nói lấy được”!). Có người còn biết dùng lời nói để trốn việc (gọi là… “mồm miệng đỡ chân tay”). NGÔN TỪ được đánh bóng, được nhào lộn, làm xiếc, làm “ảo thuật”; được “ngụy trang” bằng đủ mọi cách từ nụ cười rất duyên đến bộ mặt rất tươi hoặc ngược lại. Nhưng nội dung đích thực của câu nói lại không biết đâu mà lường! Vậy cho nên mới có câu “nói đằng tây chết cây đàng đông”, “nói một đàng làm một nẻo”, “nói dậy mà không phải dậy”! Vậy cho nên mới có chuyện có kẻ nói một lời, ta tin một lời; có người nói cả ngàn lời, ta chả tin mảy may được một lời nào! Mất lòng tin vào việc làm của một ai đó, đã là điều khó chấp nhận. Mất lòng tin ngay từ lời nói, ngay từ lúc mới chỉ nghe, thì sự mất mát ấy là nghiêm trọng lắm, là khó phục hồi lắm. Có “Lời nói gió bay”, nhưng có lời nói “như dao chém đá”, không dễ gì quên được. Người xưa còn dặn: “Lời nói đọi máu”. Ví như truyền thuyết ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư, kể về chuyện Trần Thủ Độ một lần đến chùa Chân Giáo, thấy Huệ Tông ngồi xổm nhổ cỏ, Thủ Độ nói: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu”. Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói: “Điều ngươi nói, ta hiểu rồi”. Và Huệ Tông đã tự chết ngay sau đó.

Cổ nhân dạy: “Sông sâu còn có thể dò, Lòng người thì mấy ai đo cho tường”.
Đúng vậy! Lòng người đúng là thứ không dễ hiểu một chút nào, đặc biệt khi LÒNG NGƯỜI được diễn đạt qua LỜI NÓI!