Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Phẩm chất người Việt Nam Tâm thiện, lòng nhân

Đắc Trung
Thứ năm ngày 31 tháng 1 năm 2013 3:19 PM

 

      Tâm thiện lòng sẽ nhân. Lòng nhân được sinh từ tâm thiện. Đó là cốt lõi phẩm giá người Việt Nam. Lòng nhân gồm nhiều yếu tố, song quan trọng nhất là nhân ái và nhân cách.
      Người Hy Lạp có câu: "Muốn hiểu ta hãy đặt ta đối mặt kẻ tử thù". Với con người là thế mà với mỗi quốc gia dân tộc cũng vậy. Khi bị xúc phạm, bị làm tổn thương, tổn hại, bị tấn công, bị đàn áp, bị xâm lược có dám phản ứng, dám chiến đấu để tự vệ, bảo toàn danh dự quốc thể và độc lập chủ quyền lãnh thổ hay im lặng cúi đầu chịu nhục, chịu khuất phục? Và, nếu đối phương biết nhận lỗi xin tha lỗi hoặc kẻ thù chịu thất bại hạ vũ khí đầu hàng có đủ lòng nhân ái độ lượng tha thứ hay tìm cách hạ nhục trả thù? Thấp hèn hay cao thượng, tiểu nhân hay quân tử thể hiện ở hai cách ứng xử ấy.
      Bị đánh tơi bời giặc Nguyên - Mông nuốt nhục xin hàng. Vua Trần không chỉ chấp nhận mà còn cho mở tiệc rượu tống biệt các tướng bại trận của đối phương, cấp ngựa và lương thảo, chỉ dụ dân địa phương mở đường tạo thuận lợi để quân sĩ chúng về nước khiến kẻ thù ôm hận nhưng tâm phục, khẩu phục. Đó là đẳng cấp ngoại giao siêu phàm nhìn xa thấy rộng. Đó còn là thông điệp thể hiện thiện chí hoà bình của nước Đại Việt gửi đến tất cả các quốc gia khác.
      Phải có lòng nhân ái cao cả lắm mới làm được thế.
      Trần Ích Tắc tham vọng quyền lực, cam tâm làm tay sai cho giặc. Cùng với ông ta còn không ít người khác. Nhưng lũ cướp nước và kẻ bán nước đều không ngờ sức mạnh của quân dân Đại Việt quá lớn, cuộc chiến kết thúc quá nhanh, giặc Nguyên - Mông đại bại, âm mưu của chúng không thực hiện được, tang vật bằng chứng về hành vi đê hèn chưa kịp tiêu huỷ. Quân đội triều đình tìm thấy một hòm tài liệu mật. Đó là những bản cam kết bán nước của bọn Việt gian và hứa hẹn ban thưởng của kẻ thù. Trừ Trần Ích Tắc và gia đình bám theo bọn tàn binh giặc Nguyên chạy sang Trung Quốc sống lưu vong, số còn lại vô cùng sợ hãi. Bởi chúng biết phản bội dân tộc là trọng tội và án phạt là hành quyết hoặc chu di ba họ.
      Khi đất nước sạch bóng quân thù, trong cuộc họp triều đình để tổng kết chiến tranh và bình công luận tội vua Trần Thánh Tông sai đốt hòm tài liệu mật ấy và ban chỉ: kẻ thù đã biết thế nào là sức mạnh của quốc gia Đại Việt và chịu thất bại. Đất nước đã thanh bình. Lúc này cả dân tộc cần đồng tâm nhất trí đoàn kết muôn người như một tái thiết giang sơn. Bởi thế gia đức ân xá cho những kẻ không đặt "Tổ Quốc trên hết!", nhất thời hồ đồ cam tâm theo giặc được sống để tự phán xét mình và lập công chuộc tội. Lòng bao dung độ lượng của nhà vua khiến những kẻ trót lầm lỡ quỳ phục khấu đầu bái tạ thề ăn năn hối cải làm lại cuộc đời. Nhờ vậy mà vua tôi trên dưới không hiềm khích và tập hợp được sức mạnh toàn dân.
      Phải có tâm thiện, lòng nhân bao la và tầm nhìn cao rộng mới quyết định đúng đắn như thế.
      Năm 1954, sau khi ta thắng thực dân Pháp, ngày 1 - 10 Bác Hồ đã ký Sắc lệnh 218/SL quy định: "Không trừng phạt những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh và cho họ hưởng quyền tự do dân chủ. Cả những người đã bị xử phạt thì nay thả ra và cũng cho hưởng quyền tự do dân chủ" ("Biên niên sự kiện lịch sử Việt Nam"). Đó chính là Bác Hồ đã kế thừa truyền thống nhân ái của tiền bối.
      Trần Khánh Dư thuộc dòng tôn thất, con Thượng tướng Trần Phó Duyệt. Ông có công lớn trong cuộc chiến chống giặc Nguyên - Mông lần thứ nhất được phong chức Phiêu Kỵ tướng quân, nắm binh quyền trấn giữ một vùng biên ải. Hằng năm triều đình cấp tiền để mua sắm quân nhu. Miền núi nguyên liệu sẵn, ông cho lính khai thác tự làm nón chóp rồi khấu trừ vào ngân quỹ với giá thành rẻ hơn, vừa tiết kiệm, vừa chủ động cung ứng. Đó là việc làm đúng. Nhưng do quản lý không chặt, sổ sách ghi chép thiếu minh bạch bị kết tội tham nhũng, bị giáng chức xuống làm dân thường phải làm nghề bán dầu, đốt than kiếm sống. Biết tự xét mình ông không hề oán thán. Còn nhà vua và triều đình vẫn đánh giá ông là tướng tài luôn quan tâm theo dõi chờ thời cơ giúp Trần Khánh Dư lập công chuộc tội. Khi quân Nguyên áp sát biên giới ráo riết chuẩn bị cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai, vua Trần Nhân Tông phục chức phong ông làm Phó Đô tướng quân, mời về dự Hội nghị Bình Than và giao chỉ huy một lực lượng mạnh đồn trú tại vùng biển Quảng Ninh. Không phụ sự tin cậy của vua, bằng tài trí của một dũng tướng Trần Khánh Dư lập công lớn, tổ chức đánh tan đoàn thuyền chở quân lương của giặc do Trương Văn Hổ cầm đầu tại Vân Đồn. Thất bại đó khiến toàn bộ hậu cần bị cắt đứt đã đẩy quân Nguyên vào tình trạng khốn đốn. Chiến công ấy tạo thuận lợi quan trọng cho đại quân ta đồng loạt tấn công địch khắp nơi và giành chiến thắng vang dội. Với đóng góp này Trần Khánh Dư được vua Trần Nhân Tông phong tước Nhân Huệ vương.
      Bất kể ai, dù tôn thất hay thứ dân nếu phạm luật đều bị xử phạt nặng để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, nhưng luôn tạo thuận lợi cho kẻ có lỗi biết lỗi và lập công chuộc tội.
      Phải có tâm thiện và lòng nhân lớn mới làm được thế.
      Xử tội vậy mà định công ban thưởng, bổ dụng cũng vậy, không lấy xuất thân làm căn cứ. Phạm Ngũ Lão con một gia đình nông dân ở làng Phù Ủng, huyện Dương Hào (nay là Ân Thi, Hưng Yên). Nhà nghèo nhưng chí lớn, chăm tập rèn võ nghệ. Năm hai mươi tuổi đất nước bị đe dọa bởi giặc Nguyên - Mông, một hôm Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt trên đường cái quan thì có đoàn quân của Tiết chế Trần Hưng Đạo đi qua. Chẳng hiểu vô tình hay cố ý Phạm Ngũ Lão không tránh. Người lính dẫn đầu dùng mũi dáo đâm vào đùi chảy máu mà Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi im. Thấy lạ Trần Hưng Đạo gọi đến hỏi. Biết người này có khí phách, ngỏ ý muốn đưa về làm gia thần, Phạm Ngũ Lão bằng lòng, sau đó trở thành tâm phúc của chủ tướng, được chủ tướng tiến cử và vua Trần Thánh Tông phong cho chức Quản Quân túc vệ. Khi giặc Nguyên - Mông xâm lược, Phạm Ngũ Lão lập công lớn được nhà vua phong tới chức Điện Suý thượng tướng quân. Đặc biệt Phạm Ngũ Lão được Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo gả con gái nuôi cho. Khi ông qua đời vua Trần Minh Tông vô cùng thương tiếc, nghỉ chầu ba ngày để tưởng niệm. Yết Kiêu, Dã Tượng cũng xuất thân nghèo khó, đều là gia nô và được Trần Hưng Đạo rất quý. Khi giặc Nguyên - Mông xâm lược cả hai đều sẵn sàng hy sinh vì Tổ Quốc. Nhờ thế họ đều được Trần Hưng Đạo tin yêu tiến cử và được nhà vua trọng dụng, ban thưởng. Trong khi những người khác dù là bà con ruột thịt với công hầu quốc thích cũng không được ưu ái. Trần Thủ Độ là Thái sư nắm mọi quyền bính, mọi tổ chức bộ máy  hành chính từ triều đình đến huyện xã. Một lần đi kinh lý về địa phương, Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung muốn xin cho người thân chức câu đương (một chức dịch trong làng giữ việc bắt bớ giải tống). Trần Thủ Độ gật đầu ghi rõ họ, tên, quê  quán. Đến nơi ông cho gọi tên người ấy, anh ta mừng rỡ chạy lại. Trần Thủ Độ nói: "Nhà ngươi nhờ có Linh Từ Quốc mẫu xin cho mới được làm câu đương. Vì thế phải chặt một ngón chân để phân biệt với những câu đương khác". Nói rồi gọi mang dao tới. Người ấy vội quỳ lạy kêu van không dám xin chức câu đương nữa. Từ đó không vị quan nào dám lợi dụng thế quyền ưu ái cho người thân. Một hôm có viên quan tâu với vua Trần Thái Tông: "Bệ hạ tuổi còn trẻ, mà Thái sư Trần Thủ Độ quyền nghiêng đất lệch trời. Không biết rồi tiền đồ xã tắc sẽ ra sao. Hạ thần rất lấy làm lo lắng". Vua đem việc này nói với Trần Thủ Độ: "Trẫm biết Thượng phụ chỉ có tấm lòng son vì nước chứ không có bụng riêng nào. Vậy mà kẻ đó thấy Thượng phụ nắm giữ mọi quyền bính dám ngờ vực sàm tấu với trẫm rằng hắn lo ngại Thượng phụ chuyên quyền bất lợi cho xã tắc. Đó là lời nói hại đến nghĩa vua tôi và tổn thương tình chú cháu". Nghe xong Trần Thủ Độ trầm ngâm, rồi tâu: "Kẻ đó nói vậy mà đúng. Thật có chuyện chuyên quyền. Thế mới biết một trăm kẻ chỉ khúm núm vâng dạ không bằng một người dám nói những điều người khác chỉ dám nghĩ. Triều chính muốn thịnh thì phải khuyến khích những người như thế". Nói xong Trần Thủ Độ xin vua lấy lụa quý ban thưởng cho viên quan ấy. ("Từ điển các nhân vật lịch sử Việt Nam").
       Phải có tâm thiện, lòng nhân lớn mới làm được thế.
      Năm 1257 nhà Nguyên cho sứ thần sang Đại Việt. Y ngông nghênh hống hách lăng nhục vua ta cố ý khiêu khích. Tuy lúc ấy quân Nguyên mới chiếm đóng Vân Nam chỉ ch9o "du binh" đi đánh thăm dò, chưa chiếm đất nhưng thế giặc cũng rất mạnh. Trần Thái Tông trao toàn quyền điều hành quân đội cho Trần Quốc Tuấn, còn nhà vua thân hành đốc chiến chặn giặc ngay khi chúng vừa xâm phạm Bình Lệ Nguyên, nhưng chặn không nổi, chỉ đánh "một trận dốc túi" rồi lui dần về giữ Thăng Long. Trong trận chiến ác liệt ấy Trần Thái Tông thoát chết nhờ Lê Tần "một mình tả xung hữu đột mà sắc mặt bình thản như không" đã "lấy ván thuyền che đỡ trong  lúc cung tên giặc bắn đuổi như mưa" ("Đại Việt sử ký toàn thư"). Do có công ấy Lê Tần được vua ban tên là Phụ Trần với ý có công phù tá nhà Trần. Trong khi đó lại có kẻ hèn nhát như Hoàng Cự Đà. Quân Nguyên đến Động Bộ Đầu, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ chạy trốn. Đến Hoàng Giang gặp Hoàng Thái tử đi thuyền ngược lên, Đà lánh sang bờ bên kia, rồi lướt chạy rất nhanh. Thái tử gọi lớn: "Quân Nguyên ở đâu?". Cự Đà trả lời: "Không biết. Các người đi mà hỏi những ai ăn xoài ấy". Đó là Cự Đà muốn nhắc đến chuyện trước kia có lần vua ban xoài cho những người hầu cận, Cự Đà không được ăn. Thái tử giận lắm đem việc này tâu vua và xin khép Cự Đà án nhục hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Vua nói: "Cự Đà tội đáng giết cả họ. Song đời xưa đã có chuyện Dương Châm không được ăn thịt dê đến nỗi làm quân nước Tống bị thua. Việc Cự Đà là lỗi ở ta, tha cho hắn tội chết, cho phép đánh giặc chuộc tội". Nhà vua nhắc đến việc Dương Châm là người đánh xe cho Hoa Nguyên nước Tống. Tống và Trịnh đánh nhau, Hoa Nguyên sai làm thịt dê cho binh sĩ ăn, nhưng không cho Dương Châm tham dự. Khi đánh nhau Dương Châm nói: "Thịt dê hôm trứơc là quyền ở ngài, đánh nhau hôm nay là việc của tôi" rồi theo quân Trịnh.
      Nhận lỗi về mình, bao dung độ lượng xá tội cho người.
      Phải có tâm thiện, lòng nhân lớn mới làm được thế.
      Năm 1258, giặc Nguyên - Mông bị thua, triều đình về Thăng Long. Trong lần họp mặt các quan "định công ban tước" Trần Thái Tông nói với Lê Phụ Trần: "Trẫm không có khanh thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau". Vua ban cho Phụ Trần làm Ngự Sử Đại phu, lại gả Công chúa Chiêu Thánh cho. Từ khi bị Thái sư Trần Thủ Độ ép buộc phải giáng Hoàng hậu Chiêu Thánh xuống làm công chúa để lấy chị dâu là vợ Trần Liễu, lòng vua Thái Tông luôn day dứt khôn nguôi, cảm thấy mình có lỗi với Chiêu Thánh. Bởi Chiêu Thánh với ông tình sâu nghĩa nặng. Chọn ông Chiêu Thánh đã mất cả giang sơn, ngai vàng, họ tộc, thế mà ông để nàng phải trắng tay. Từ Hoàng đế thành Hoàng hậu, rồi từ Hoàng hậu xuống làm Công chúa chỉ còn nước chưa bị vào lãnh cung mà thôi. Như thế lương tâm không cắn dứt đau khổ sao được. Nếu không đặt "Tổ Quốc trên hết", nếu không vì giang sơn xã tắc ông đã không làm thế. Nay gả Chiêu Thánh cho Lê Phụ Trần chính là ông đã gửi gắm người mà ông suốt đời mang ơn, đắc tội vào nơi tin cậy. Phụ Trần giầu bản lĩnh, từng trải việc đời, dạn dầy trận mạc có thể thay nhà vua bảo đảm hạnh phúc cho Chiêu Thánh hết quãng đời còn lại. Câu nói của Trần Thái Tông với Lê Phụ Trần rất chân thành xuất phát tận đáy lòng, không chỉ là lời vua khen bề tôi mà là sự cảm kích, gửi gắm, nhờ cậy. Có lẽ Lê Phụ Trần thấu hiểu điều đó mà tận tâm chăm sóc Chiêu Thánh, có với nàng hai người con, cuộc sống đầm ấm hạnh phúc đến hết tuổi già.
      Phải có tâm thiện,lòng nhân lớn mới nghĩ được thế, làm được thế.
      Khi Trần Quốc Tuấn lâm bệnh trọng, vua thân hành đến tận nhà thăm và hỏi về kế giữ nước. Trần Quốc Tuấn đáp: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ, bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy" ("Đại Việt sử ký toàn thư"). Khổng Tử nói: "Dân vi bản". Nguyễn Trãi viết: "Đẩy thuyền là dân. Lật thuyền cũng là dân". Trong phép trị quốc có ba điều: dưỡng dân, quản dân và giáo dân. Dưỡng dân là nuôi dân, giúp dân làm ăn, không để dân đói khổ. Quản dân là quản lý điều hành dân đúng và nghiêm theo pháp luật, công bằng, chính trực. Giáo dân là dạy dân làm theo luật và sống theo Đạo làm người. Nhà Trần đã dốc tâm dồn sức thực hiện những điều đó. Nhờ vậy mà Đại Việt trở nên cường thịnh.
      Phải có tâm thiện, lòng nhân lớn mới làm được thế.
      Đặc trưng tâm thiện của người Việt Nam không chỉ thể hiện ở lòng nhân ái mà còn rất trọng nhân cách.
      Là chính trị gia kiệt suất, là người có công lớn nhất tổ chức thực hiện cuộc bàn giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần, là vị tướng tài với biết bao chiến công hiển hách, là ông chú đầy quyền uy đối với vua và rất được trọng vọng trong hoàng tộc, vậy mà sau khi đưa cháu là Trần Cảnh mới tám tuổi lên ngai vàng Trần Thủ Độ lấy cớ mình thiếu học, ít chữ nhất định không chịu nhiếp chính, nhường quyền hành và vinh dự đó cho anh họ là Trần Thừa, người sinh ra Trần Cảnh. Trần Thủ Độ không kể công cậy thế, không lợi dụng chức quyền, không tham vọng tranh bá đồ vương, trọng tôn ty gia tộc, đặt "Tổ Quốc trên hết!"
      Phải rất trọng nhân cách mới làm được thế.
      Trần Cảnh (1218 - 1278) sau khi đã đạt đỉnh cao chói lọi trong ngôi Hoàng đế, ngai vàng, quyền lực, vinh hoa phú quý không làm ông bận tâm. Mới 41 tuổi ông đã từ giã ngai vàng truyền ngôi cho Thái tử lui về ẩn dật dành tâm sức cho việc nghiên cứu Đạo Phật giúp người đời "sáng tỏ lẽ tử sinh" song vẫn tìm cách  kèm dạy vua con quản lý điều hành xã tắc. Đó là quyết định đầy ý nghĩa vừa giúp vua con sớm trưởng thành vừa tránh được những hạn chế bất lực của tuổi già nếu cố bám giữ ngôi Hoàng đế. Đó là quyết định lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà mở ra tiền đề góp phần quan trọng tạo sức mạnh quốc gia, là tấm gương để các đời vua sau noi theo như: Trần Thánh Tông 38 tuổi nhường ngôi, Trần Nhân Tông nhường ngôi khi mới 35 tuổi về đời thường sống đạm bạc sáng tác thơ văn, dốc tâm tu hành nghiên cứu Phật pháp đắc đạo trở thành Phật Hoàng đứng đầu Thiền phái Trúc Lâm. Trần Tung (1230 - 1291) là con trưởng An Sinh vương Trần Liễu, anh trai Trần Hưng Đạo. Trần Liễu qua đời vua Trần Thái Tông nhận Trần Tung là con nuôi. Ông là người văn võ song toàn, đức độ hiền nhân, sùng tín Phật Giáo được vua phong tước Hưng Ninh vương cử làm Tiết Lộ sứ cai quản lộ Hồng Hà là vùng đất rất quan trọng đối với Kinh đô Thăng Long mà trong "Dư địa chí" Nguyễn Trãi đã viết: "Đứng đầu phên dậu phía Đông". Ngoài việc cai trị Hưng Ninh vương dành tất cả tâm lực cho tu tập Phật pháp, đạt kiến thức uyên sâu. Ông sống trong thế tục mà không bị cám dỗ, rất trong sáng tự tại. Vua Trần Thánh Tông là em rể của ông, rất khâm phục tài đức đạo hạnh của Trần Tung ký thác Thái tử Trần Khâm (sau làm vua là Trần Nhân Tông) để ông dạy bảo. Dù là bậc hoàng tộc tôn quý, chức tước cao sang bậc nhất trong nước nhưng Hưng Ninh vương Trần Tung không màng công danh quyền thế, sống thanh bạch, lập Dưỡng Chân Trang trong thái ấp Trịnh Bang để tu thiền, hết lòng dìu dắt những người dân muốn theo Đạo Phật.
      Trần Nhật Duật (1255 - 1331) là con thứ sáu vua Trần Thái Tông, em trai vua Trần Thánh Tông và Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Từ nhỏ đã nổi tiếng hiếu học, đọc nhiều, hiểu rộng, thông kim bác cổ. Giỏi chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hoá, văn học, tập quán các dân tộc và đặc biệt thông thạo nhiều ngoại ngữ: tiếng Hoa, tiếng Chiêm Thành, tiếng Mã Tịch (nay là Singapor), tiếng Chân Lạp…Nhất là ngôn ngữ, phong tục các dân tộc thiểu số. Tiếp xúc với sứ thần nhà Nguyên, sứ thần khăng khăng cho rằng Trần Nhật Duật là người Hán Chân Định (gần Bắc Kinh) sang làm quan Đại Việt. Năm 1280 tù trưởng Trịnh Giác Mật ở đạo Đà Giang (Tây Bắc ngày nay) nổi lên chống triều đình. Lúc này giặc Nguyên đang ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta, nội quốc cần ổn định, vua cử Trần Nhật Duật đem quân đi đánh dẹp. Khi Trần Nhật Duật tới Đà Giang, Giác Mật sai người đem thư đến quân doanh của ông. Thư viết: "Nếu ân chúa dám một mình một ngựa đến gặp thì Giác Mật xin hàng ngay". Trần Nhật Duật nhận lời, đem theo mấy tiểu đồng vào tận sào huyệt của Giác Mật. Giữa rừng gươm dáo và quân lính sắc phục, tóc tai kỳ dị Trần Nhật Duật vẫn thản nhiên. Ngồi xếp gối trên sàn cùng Giác Mật và đám đệ tử của ông ta Trần Nhật Duật nói tiếng dân tộc, mời chào theo đúng tập quán của họ, bốc thịt nai nướng cho vào miệng nhai, dốc quả bầu đựng rượu vào mũi uống rất thành thạo khiến từ Giác Mật đến các đầu mục đều ngạc nhiên thán phục. Giác Mật vỗ tay reo lên: "Chiêu Văn vương là anh em với ta". Nhật Duật cười: "Từ xưa đến nay chúng ta vẫn là anh em mà", rồi gọi tiểu đồng đem tráp tới, tự ông mở lấy ra những chiếc vòng bạc đưa tận tay từng người. Riêng Giác Mật nhận chiếc lớn nhất có gắn vuốt cọp. Vậy là Giác Mật đưa cả gia đình và thuộc hạ đến xin hàng. Người nước ngoài tới Kinh đô Đại Việt rất thích đến thăm Trần Nhật Duật và ông vui vẻ niềm nở, tuỳ theo quốc tục của họ mà tiếp đãi. Trần Nhật Duật đa tài, lĩnh vực nào cũng uyên bác nhưng cống hiến lớn nhất của ông cho đất nước là quân sự và ngoại giao. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông lần thứ ba danh tướng Trần Nhật Duật lập nhiều công lớn, nhất là chiến thắng vang dội Hàm Tử Quan góp phần quyết định cho đại thắng quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi nước ta. Ông được phong tới chức Chiêu Văn Đại vương. "Đại Việt sử ký toàn thư" viết: "Ông là bậc thân vương tôn quý làm quan bốn đời vua (Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiền Tông) ba lần coi giữ trấn lớn". Đức tài là vậy, công lao là vậy, tước bậc cao sang là vậy, nhưng Trần Nhật Duật lại sống rất giản dị và hiếu thảo. Thích nơi thôn dã, nuôi chim, thả cá, trồng rau, soạn nhạc, sáng tác thơ văn. Thân mẫu qua đời, theo di huấn ông đưa về an táng tại quê ngoại (làng Mạt Lăng, huyện Nam Chân, nay là Cổ Lễ, Nam Trực, Nam Định) và cư tang ở đó suốt ba năm. Tại quê ông ra sức giúp đỡ người nghèo khó, tổ chức đào mương, đắp đường, khai khẩn đất hoang. Là quan đại triều thuộc hàng tôn thất mà ông sống hoà đồng như mọi người dân bình thường khiến ai ai cũng tôn kính gần gũi.
      Hoàng giáp Phạm Văn Nghị được bổ nhiệm làm tri phủ Lý Nhân. Gặp năm mưa bão đê quai bị vỡ nhà cửa, ruộng đồng, cây cối ngập trong nước, thấy mình có tội khi nhìn lương dân đói khổ, Phạm Văn Nghị dâng tấu tự nhận trách nhiệm và xin từ chức. Nhà vua xét thấy do mưa quá to, bão quá lớn đê không thể chịu nổi mà vỡ chứ không phải lỗi tại quan tri phủ thiếu chăm sóc, đôn đốc cho miễn tội rút ông về làm quan Biên tu trong Quốc sử quán. Phần vì trong lòng vẫn băn khoăn day dứt, vốn lại chẳng thích thú gì chốn chính trường, ông quyết từ quan về quê mở trường dạy học góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước.
       Tài năng, đức độ, tận trung với nước, cống hiến hết tâm lực vì Tổ Quốc, lập công lớn, phẩm hàm cao nhưng không tham quyền cố vị, không lợi dụng chức tước thu vén lo vinh thân phì gia, tỉnh táo, thanh thản, biết lúc nào đời cần mình thì dốc sức cho đời, khi nào đời cần người khác thì lui nhường, dám nhận trách nhiệm khi sai sót xin chịu tội và sẵn sàng từ chức.
      Phải rất trọng nhân cách mới làm được vậy.
      Nguyễn Hiền (1235 - 1256) quê làng Vương Miện, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường (nay là Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, Nam Định) xuất thân gia đình nông dân, mồ côi bố từ nhỏ, thông minh xuất chúng, nổi tiếng thần đồng, đỗ trạng nguyên khi mới 12 tuổi. Vua khảo thí biết Nguyễn Hiền đúng là người tài, nhưng vì còn nhỏ quá "ăn nói chưa biết lễ, cần cho về học lễ ba năm mới bổ dụng" ("Danh nhân Hà Nội"). Hiền về quê nuôi dưỡng mẹ già, ngày ngày đọc sách, vẫn ham chơi đánh khăng, thả diều cùng trẻ con trong làng. Một lần sứ thần Trung Hoa sang đem theo một bài thơ ngụ ngôn ý muốn thử nhân tài nước Nam.
      Vua và các quan trong triều không ai giải nghĩa được. Một người tâu xin cho mời trạng Nguyễn Hiền đến để hỏi. Vua chuẩn tấu. Một toán quan quân về quê trạng. Thấy trạng đang nô đùa với đám trẻ chăn trâu liền xuống ngựa truyền chỉ dụ của vua triệu trạng về kinh. Trạng nói: "Trước đây vua bảo ta chưa biết lễ nên chưa bổ dụng. Nay thì chính vua cũng chưa biết lễ. Có ai đi mời Trạng nguyên như thế này?". Nói xong lại chạy ào vào cùng đám trẻ reo hò. Quan về tâu lại với vua rồi đem ngựa, dù, lọng đến đón, trạng Hiền mới đi. Đến Kinh đô, trước mặt sứ Tầu và vua quan trong triều trạng thong thả giải thích. Thì ra đó là bài thơ chiết tự chữ "Điền". Mọi người vô cùng thán phục. Sứ thần gọi Nguyễn Hiền là "lưỡng quốc trạng nguyên". Nguyễn Hiền chỉ kín đáo mỉm cười.
      Phải rất trọng nhân cách mới làm được thế.
      Những đúc kết trên đã chứng minh người Việt Nam luôn hướng tới Tâm thiện, Lòng nhân và đó cũng chính là đặc trưng phẩm chất văn hoá, đạo đức dân tộc ta.