Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Giật mình

Tạ Hữu Đỉnh
Thứ tư ngày 20 tháng 2 năm 2013 2:40 PM

                                                          
Sau cái tin làm cả nước ai cũng vui mừng phấn khởi là, ngày 6 - 12 – 2012 vừa qua, tại Paris, Unesco đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Lòng tràn đầy niềm vui, và cũng không ít nỗi tự hào, tôi moi tìm trong trí nhớ và lấy giấy bút ra ghi, xem nước mình đã có bao nhiêu công trình được thế giới công nhận và vinh danh ?
Trước hết, tôi để riêng những công trình di sản thiên nhiên sang một bên. Vì cho rằng đó là  “của trời cho”. Dù có giá trị to lớn đến đâu, thì cũng là của trời, do trời làm ra, chứ không phải do bàn tay và khối óc của con người sáng tạo ra. Vậy thì công lao đó là thuộc về trời, chứ không thuộc về người. Như Vịnh Hạ Long, Động Phong Nha - Kẻ Bàng, Sa mạc đá Đồng Văn… Mà chỉ kể đến những công trinh do bàn tay và khối óc của ông cha ta đã sáng tạo ra. Đó là những di tích lịch sử văn hoá vật thể và phi vật thể, như:Loại vật thể: 1- Cố đô Huế 2 - Thành Nhà Hồ.3 - Phố cổ Hội An. 4 - Tháp Chăm Ninh Thuận . 5 - Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm . 6 - Văn Miếu Quốc Tử Giám. 7 - Hoàng Thành Thắng Long . 8 – Thành Cồ Loa . Và các di tích lịch sử văn hoá phi vật thể: 1- Nhã nhạc cung đình Huế. 2- Cồng chiêng Tây Nguyên. 3- Quan họ Bắc Ninh. 4- Ca trù . 5- Hát soan Vĩnh Phú
6- Lễ hội Đền Thánh Gióng. 7- Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ngoài các di tích lịch sử văn hoá đó, nước ta còn có sáu vị danh nhân văn hoá và danh nhân quân sự đã được Unesco, Hội đồng Hoàng gia Anh, và tổ chức phi chính phủ khác công nhận và vinh danh, như: Đại thi hào Nguyễn Trãi, tác giả “BÌNH NGÔ ĐẬI CÁO”, được mệnh danh là “Đệ nhất hùng văn kim cổ”; Đại thi hào Nguyễn Du, người cha của “TRUYỆN KIỀU”, muôn đời bất hủ; và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn hoá, người anh hùng giải phóng dân tộc; Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vị Thống lĩnh quân đội Nhà Trần, đã ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông, kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới thế kỷ X111; Nguyễn Huệ, được mệnh danh là: “Người anh hùng áo vải”. Một vị tướng bách chiến bách thắng. Cả cuộc đời binh nghiệp của ông chưa từng bại trận bao giờ. Mới mười tam tuổi, ông đã chỉ huy một chiến dịch đánh Chúa Nguyễn Phúc Ánh, cả thuỷ bộ ở sáu tỉnh miền Nam. Và vị tướng ấy đã tiêu diệt 20 vạn quân Thanh, khiến Tổng binh Tôn Sĩ Nghị phải bỏ cả ấn tín chạy về nước; và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh quân đội Cách mạng Việt Nam, đã đánh thắng cả hai cường quốc quân sự mạnh nhất thế kỷ 20 là Pháp và Mỹ. Tuy thế. Nhưng vẫn có điều rất đáng tiếc là nước ta, hay nói chính xác hơn, là nền văn học hiện thực Xã hội chủ nghĩa của ta vẫn chưa có giải Nobel. Ngày 11 – 10 – 2012 vừa qua, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã công bố Giải Nobel văn học năm 2012 thuộc về nhà văn Mạc Ngôn, Trung Quốc. Tôi chưa được đọc nhiều tác phẩm của nhà văn này, mới đọc hai tập “Báu vật của đời”, và “Đàn hương hình”. Nhưng cũng đủ để khâm phục sự dũng cảm của tác giả. Ông đã thẳng tay phê phán tất cả, từ pháp chế của nhà nước, đến những thói hư tật xấu của xã hội Trung Hoa, từ thượng cổ đến thời bây giờ. Nhất là tập “Đàn hương hình”. Dùng một cái cọc bằng gỗ đàn hương, đóng từ hậu môn kẻ tử tội, ngược lên cuống họng, bằng một kỹ năng tuyệt xảo, kẻ hành hình đã làm cho tên tử tội không thể chết ngay được, mà phải chết từ từ, càng lâu càng tốt !
Lấy đi một mạng sống, mà thu về được hai lần hiệu quả răn đe. Một lần là cái chết. Một lần là sự đau đớn khủng khiếp trước khi chết. Cái hiệu suất đặc biệt đó, hay nói theo kiểu thương trường, thì cái “lãi” đó, có lẽ chỉ riêng người Trung Hoa có khiếu năng buôn bán bẩm sinh thì mới có thể nghĩ ra được ! Song, Trung Quốc vẫn còn duy trì chế độ kiểm duyệt các ấn phẩm. Vậy sao tác phẩm của Mạc Ngôn vấn “được duyệt” để cho ra mắt bạn đọc? Để giải đáp câu hỏi này, xin được trich một số dòng, trong bài ghi chép của Đỗ Hàn: “Một ngày bên các học giả Trung Quốc” (Văn nghệ số 4, ngày 26 – 1 – 2013): “ Cuối tháng 12, năm 2012, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học kỉ niệm 1.300 năm sinh nhà thơ lớn Đỗ Phủ, có mời một số học giả Trung Quốc tham dự. Nhân dịp nhà văn Mạc Ngôn được giaỉ Nobel vắn học, tôi (Đỗ Hàn) hỏi các học giả Trung Quốc: “Các ông đánh giá thế nào về Mạc Ngôn?”. Giáo sư Tạ Tư Vĩ nói: - Mạc Ngôn không phải là dòng văn học chính thống. Ông có thẻ coi là thủ lĩnh của dòng văn học chủ lưu thứ hai ở Trung Quốc. Giáo sư Hồ nhanh nhảu bổ sung: - Ở Trung Quốc chúng tôi, các sáng tác văn học rất đa nguyên (ông dùng từ Đa nguyên). Rất nhiều xu hướng, nhiều trào lưu, nhiều phong cách…Nhưng dòng chủ lưu chúng tôi vẫn có nhiệm vụ giữ vững. Đó là văn chương lấy nhân vân, lấy sự thâm hậu của Hán tự làm trọng. Còn các dòng văn học khác được tôn trọng và tự do nẩy nở. Dòng văn học hiện thực huyền ảo mà Mạc Ngôn chủ xướng được đông đảo người yêu thích…Vậy đó! Lời giải đáp là “TỤ DO”. Chỉ có tự do mới nẩy nở và phát triển.
Còn ở ta? Nếu cho việc ta chưa có giải Nobel văn học, và nhất là chưa có tác phẩm xứng tầm với nhân dân và đất nước là thiếu sót, hoặc khuyết điểm thì, theo tôi nghĩ, khuyết điểm đó không hoàn toàn thuộc về các nhà văn, mà thuộc về cơ quan quản lý. Vì cơ quan này cho rằng chỉ cần biểu dương mặt tích cực, đã là phê phán, bài trừ tiêu cực rồi. Cho nên họ chỉ khuyến khích những tác phẩm ca ngợi. Kể cả khen sai cũng chẳng sao. Nhưng chê thì không thể. Chỉ mới nghĩ thẳng nói thật như bài thơ “Tây Tiến”, bài “Lời Mẹ Dặn” và… mà tác giả đã bị “ăn đòn”, phải đi cải tạo, bị xoá tên, bị treo bút…. Nhà báo Phùng Gia Lộc, viết bài ký “Cái Đêm Hôm Ấy Đêm Gì”, chỉ kể lại sự thật, là mấy ông du kích xã, đêm khuya vác súng đến một gia đình nông dân, tịch thu của bà cụ già mấy thúng thóc, giấu trong chiếc quan tài, không chịu bán nghĩa vụ cho Nhà nước Mà rồi tác giả bài báo phải chạy trốn, sống chui sống lủi, nhờ bạn bè, mấy năm trời không dám bén mảng về quê hương. Hay như nhà thơ Hoàng Cát, một thương binh phải đi chân gỗ, cũng chỉ vì viết cái truyện ngắn có nhân vật trùng tên với một quan sếp, mà bị đuổi khỏi nhà máy, nơi anh đang làm việc. Mặc dù anh không vi phạm bất cứ điều khoản nào trong Bộ luật Lao động hiện hành của Nhà nước. Vậy thử hỏi, những việc làm đó là khuyết điểm của các nhà văn, hay của cơ quan quản lý văn ?
Đoạn kết:
Ơ!...Ơ!... Tôi đang ngẫm ngợi linh tinh, thì bỗng giật nẩy mình đáng thót, vì sực nhớ đến cụ Các-Mác. Một nhà văn mới tầm cỡ như Mạc Ngôn, mà được cái giải uy tín nhất hành tinh. Vậy một thiên tài như Mác, và Bộ “Tư Bản Luận” vĩ đại của Người, sao lại không? Hay là Viện Hàn lâm Thuỵ Điển quên? Không có nhẽ, Vì xưa nay chưa thấy xẩy ra chuyện ấy bao giờ. Hay vì các viện sĩ Viện Hàn Lâm cho răng: Nobel tuy là nhà phát minh danh tiếng ở Châu Âu, nhưng đồng thời ông cũng là một nhà tư sản vào hàng “Cá Mập”. Ông có nhà máy sản xuất vũ khí, sản xuất dầu hoả, ống dẫn dầu, và tầu thuỷ chở dầu hoả. Như vậy, Nobel cũng là kẻ áp bức bóc lột giai cấp công nhân. Cho nên cái giải mang tên con người phức tạp như vậy, thì không thể trao cho một lãnh tụ, một vĩ nhân đã sáng tạo ra học thuyết nhằm xoá bỏ chế độ tư hữu, xoá bỏ chủ nghĩa tư bản được. Vậy còn tổ chức Unésco của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thì sao ? Tổ chức này đã từng công nhận và vinh danh tất cả các danh nhân, cũng như tất cả các công trình di sản văn hoá, lịch sử vật thể và phi vật thể của nhân loại. Nhưng còn Các-Mác và tác phẩm bất hủ của Người, sao chưa thấy Unesco công nhận và vinh danh? Có lẽ tại Đảng cộng sản Đức, quê hương của Các-Mác. Từ ngày bức tường Berlin sụp đổ, nước Đức thống nhất, tuy Đảng cộng sản Đức không còn là đảng cầm quyền nữa. Nhưng theo luật pháp của nước này, thì Đảng cộng sản Đức vẫn được quyền tự do hoạt động. Tại họ chưa lập Hồ sơ đệ trình lên Đại Hội Đồng để Unesco phê duyệt.
Có lẽ họ quên chăng?...
7 - 1 – 2013
   THĐ