Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nghi vấn quanh nhân vật Cao Lỗ

Hà Văn Thùy
Chủ nhật ngày 24 tháng 3 năm 2013 6:49 AM


(bài 2: Cao Lỗ là ai?)

TNc. Sau khi bản web đăng bài này thì trang Thông tin dòng họ Cao Bá Quát công bố, dựa theo thư trao đổi với tác giả kèm theo lời phi lộ của ông Cao Bá Nghiệp chủ trang. Thấy lời phi lộ đáng chú ý, TNc xin đăng cùng với phần 2 bài viết của tác giả Hà Văn Thùy:

“Nhiều người hỏi tôi về nguồn gốc của danh tướng Cao Lỗ? Tôi cũng chỉ trả lời chung chung như ý kiến của các nhà sử học vậy htôi. Tôi cũng đã về Diễn Châu, Nghê An thắp nhang trước ngôi mộ tổ họ Cao và gặp gỡ Ban điều hành gia tộc họ Cao Đại Tôn, nhưng cũng không có thông tin gì khác, thận chí thông tim còn mâu thuẫn và còn tồn tại nhiều nghi vấn. Tôi cũng gặp và trao đổi ý kiến với một số nhà nghiên cứu để cùng nhau tìm hiểu nguồn gốc nhân vật lịch sử đầy huyền thoại này, mà tất cả con cháu họ Cao đều suy tôn là thủy tổ của dòng họ Cao ở Việt Nam. Không hiểu căn cứ vào tư liệu nào mà GS-TS Cao Thế Dung cũng khẳng định: Cao Lỗ là thủy tổ dòng họ Cao ở Việt Nam… Dưới đây, tôi xin đăng nguyên văn mấy bức thư của nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy trao đổi với tôi về nội dung trên.”


Ở bài trước, chúng tôi nêu những nghi vấn về nhân vật Cao Lỗ. Đó là nghi vấn có thật mà do nhiều nguyên nhân người ta lờ đi, mặc nhiên coi vấn đề nhân thân Cao Lỗ được khẳng định để rồi từ đó làm những việc tùy tiện khác. Trong bài này, xin thử lý giải những nghi vấn đó.
Muốn biết nhân thân của Cao Lỗ, trước hết phải tìm hiểu nhân thân của Thục Phán. Trong bài viết trước đây: “Bàn lại về gốc tích An Dương Vương” (http://thuyhavan.blogspot.com/2010/04/ban-lai-ve-goc-tich-duong-vuong.html) chúng tôi đã trình bày khá rõ ràng, ở đây không nhắc lại, chỉ nhấn mạnh vài điểm.
Nước Thục được thành lập khoảng 2700 năm TCN. Phía bắc là nước Tần, đông là nước Ba, phía nam là đất Lạc Việt. Do vị trí địa lý nên Thục luôn phải chống chọi sự xâm lấn của những tộc du mục ở phía tây cũng như của nước Tần phía đông bắc. Thục từng có chiến tranh với nhà Thương và sau này hợp tác với Vũ vương nhà Chu diệt vua Trụ nhà Ân Thương. Do hoàn cảnh như vậy, người Thục buộc phải dũng mãnh và giỏi về quân sự. Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, những thành lũy kiểu Cổ Loa từng được phát hiện trên đất Thục. Là quốc gia lớn của người Việt cùng thời với Văn Lang, vương triều Thục có văn hóa cao. Hơn 1000 năm TCN đã có văn hóa Gò Ba Sao nổi tiếng với công nghệ đồng pha thiếc và chì, tạo tác tượng hình người lớn nhất thế giới. Thời Chiến Quốc, dòng họ Khai Minh trị vì vương quốc Thục. Đó là một dòng họ Khmer được phiên âm sang từ Hán Việt mà nay chúng tôi chưa phục nguyên được tên Khmer gốc.
Năm 316 TCN, Tần Thủy Hoàng tiêu diệt nước Thục và tiến hành cuộc truy sát vương thất nhà Thục trốn chạy về phương nam. Sách Hoa Dương quốc chí thời Tấn ghi chép cuộc truy sát này cho tới khi cả vua và thái tử Thục bị diệt ở núi Bách Lộc thì không còn ghi chép nữa. Tưởng như từ đó tập đoàn vương thất nhà Thục đã bị tiêu diệt nhưng không ngờ 58 năm sau xuất hiện Thục Phán An Dương vương làm vua nước Âu Lạc. Giáo sư Nguyễn Đăng Thục trong tiểu luận “4000 năm văn hiến” (1) lý giải việc này như sau: “Sau trận bị diệt cả vua và Thái tử ở núi Bách Lộc, sử sách không nhắc tới nhà Thục nữa nên cho là nhà Thục bị tận diệt. Nhưng trên thực tế, đám vương thất nhà Thục chạy loạn lui dần về phương nam, vào ẩn trong đất của Hùng Duệ Vương. Một người trong vương thất là Thục Chế nhiều lần lấn chiếm đất Lạc Việt nhưng bất thành, tới năm 257 TCN, con y là Thục Phán đã thành công: diệt vua Hùng, lập nước Âu Lạc.”
 Theo thiển ý, giả định của GS Nguyễn Đăng Thục phù hợp với thực tế. Xin được làm rõ thêm như sau:
Đám vương thất nhà Thục khi vào đất Lạc Việt có người tên là Chế. Chế thuộc họ Khai Minh theo âm Khmer nên khó gọi. Vì vậy, theo thông lệ, người Việt lấy tên nước Thục làm họ cho thái tử nước Thục. Cái triều đình lưu vong của Thục Chế có những bà phi, các quan văn võ cùng vợ con họ… Có thể vào năm 277 TCN, Chế sinh con trai đặt tên là Phán. Trong thời gian này, nhiều viên quan cũng sinh con và triều đình có một số thiếu niên quý tử. Nhận thức đó là vốn quý cho cuộc phục quốc lâu dài nên những thiếu niên này được nuôi dạy đặc biệt chu đáo. Họ được dạy lịch sử, văn hóa nước Thục, dạy các môn côn, quyền, kỵ, xạ. Có thể dạy cả binh pháp xây thành, phá trận… Trong đám thiếu niên bạn bè của vương tử Phán có một người tên Mỗ nào đó sớm tỏ ra tài năng xuất sắc, được Thục Chế và Thục Phán tin tưởng. Năm 20 tuổi, Phán chiến thắng Duệ vương, vào Bạch Hạc thì Mỗ sát cánh bên Phán, lập nhiều công trạng. Ngay sau khi Phán lên ngôi, Mỗ dâng kế cho An Dương Vương dời xuống đồng bằng, xây thành Cổ Loa. Mỗ thiết kế, đôn đốc đắp thành, sau đó chế nỏ liên châu, mũi tên đồng. Người Lạc Việt lúc đầu nổi lên chống lại quân xâm lược. Nhưng sau đó, do lối cai trị khôn khéo, An Dương Vương dành được sự ủng hộ của dân. Trong triều đình, vị tướng tên Mỗ tỏ tài năng nổi trội trong việc chế nỏ nên dân gian gọi ông là Cao Nỏ. Tiếng Việt thời đó chưa có thanh điệu nên các từ nỏ, nổ, nỗ phát âm gần như nhau, khiến vị tướng cũng được gọi là Cao Nỗ. Xin lưu ý: Cao Nỗ là tiếng Việt cổ chứ không phải Hán Việt như nhiều người lầm tưởng. Khi Âu Lạc bị diệt, không còn sách ghi chép nên người dân không nhớ tên ông Mỗ mà chỉ nhớ tới ông làm nỏ - Cao Nỗ. Cái tên Cao Nỗ bước vào huyền thoại. Cũng do sự chuyển hóa của tiếng việt, N -> L nên Cao Nỗ biến thành Cao Lỗ. Như vậy là nghệ danh Cao Nỗ - người giỏi chế nỏ, biến thành nhân danh - ông Cao Lỗ. Giả thuyết này không phải chỉ là suy luận. Sách An Nam nhân vật bị chí viết:
 “高魯亦稱高通、高老,可縷…後追尊為山陀石神,或曰陀灘石神,西夷人也” (Cao Lỗ còn gọi là Cao Thông, Cao Lão, Khả Lũ… sau được truy tôn là Sơn Đà thạch thần, có nơi gọi là Đà Than Thạch Thần, người Tây di vậy) (2). Tây di được hiểu theo hai nghĩa: người man di ở phía tây và cũng là người từ phương tây di cư tới. Trong quan niệm xưa, nước Thục là Tây Di. Ghi Cao Lỗ người Tây Di bên cạnh Thục Phán là khẳng định ông người nước Thục.
Phân tích trên cho thấy, Cao Lỗ là người Thục, trong đám triều đình Thục chạy trốn quân Tần vào đất Lạc Việt.

Tới đây, một câu hỏi nảy sinh: Vì sao xã Cao Đức được coi là quê hương Cao Lỗ?
Có thể là, sau khi bị An Dương Vương ruồng bỏ, Cao Lỗ về sống ở nơi nào đó không xa Loa Thành. Khi An Dương Vương gặp nạn, ông dẫn quân địa phương về ứng cứu. Do tuổi già, sức yếu, quân ít, ông bị thương, chạy về Tiểu Than rồi chết. Dân trong vùng mai táng ông, lập miếu thờ, sau đó tôn làm thành hoàng. Câu chuyện về ông được kết nối tạo thành truyền thuyết. Do thời gian làm nhòa nhiều chuyện và do tâm lý dân gian muốn nhận những người danh tiếng về mình nên nơi Cao Lỗ tử nạn dần biến thành quê hương ông?

Từ phân tích trên, ta có thể cắt nghĩa vì sao các triều đình Việt Nam đề cao công đức của Cao Lỗ, trong khi đưa An Dương Vương vào chính sử một cách trân trọng chừng mực lại phong cho Cao Lỗ những danh hiệu, tước vị tột bậc. Điều này cho thấy các triều đình Việt Nam thể hiện rất rõ lập trường dân tộc: Thục Phán là người ngoại bang xâm lược nhưng sau do có công nên được thừa nhận đúng mực. Trong khi đó, Cao Lỗ, chỉ là tướng của An Dương Vương nhưng lại được vinh danh tột đỉnh vì người xưa tin rằng Cao Lỗ người Lạc Việt quê Gia Bình Bắc Ninh!
 Từ đó có thể nhận định:
1. Không hề có người tên là Cao Lỗ. Chỉ có nghệ danh dân gian đặt cho vị quan của triều đình nhà Thục có tài chế nỏ là Cao Nỗ. Về sau Cao Nỗ chuyển hóa thành Cao Lỗ nên người ta lầm tưởng là nhân danh, là có ông Cao Lỗ thực.
2. Nhân vật mang danh Cao Lỗ là người nước Thục, cùng Thục Phán xâm lược Lạc Việt.
3. Là người Thục, sinh ra ở Tây Bắc Bắc Bộ nên Cao Lỗ không thể có quê là Đại Than, Gia Bình, Bắc Ninh.


     HVT

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Đăng Thục. Bốn nghìn năm văn hiến. Hoadam.net
2. Dẫn theo Một phát hiện gây sốc: Ông già Noel từng là vị danh tướng của Việt Nam. http://viet-magazine.blogspot.com/2011/01/mot-phat-hien-gay-soc-ong-gia-noel-tung.html