Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hai truyện của Trần Đức Cường

Trần Đức Cường
Thứ năm ngày 28 tháng 3 năm 2013 10:12 PM


1-Bí thư… “ Bí ” Văn

Ở thôn Lai, xã Hồng tiến (thuộc Huyện P, Tỉnh H) chẳng mấy ai  không
biết anh Đỗ Chí. Nói “biết” ở đây tưởng là thừa, bởi một thôn nhỏ như
vậy, mọi người cùng sinh ra lớn lên và ở tại làng nên biết nhau là lẽ
đương nhiên. Nhưng cái” biết” này lại mang một nghĩa khác.
Anh Chí trước đây từng là phó chủ tịch kiêm trưởng công an xã, vì bao
che dung dưỡng các em ruột của mình đánh người gây thương tích nên đã
bị đình chỉ công tác.
Khi không còn chức quyền, anh Chí vẫn chứng nào tật đấy. Tiếp tục để
các em của mình đánh dằn mặt bất cứ người nào mà anh không ưa. Sau đó
thì lợi dụng mối quan hệ ( quen biết) từ trước với các lãnh đạo Xã và
Huyện cùng lấp liếm bưng bít sự thật ( tất nhiên những vụ đánh người
này, hậu quả chưa nghiêm trọng tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình
sự)
Nói tới anh em nhà Chí, bà con thôn Lai ai cũng ngán ngẩm bởi tính côn
đồ của họ.
Nếu một Đảng bộ có tính tổ chức kỷ luật cao ắt sẽ khai trừ anh Chí ra
khỏi Đảng từ lâu , vì thực tế anh Chí không còn đủ tư cách là một đảng
viên.
Vậy nhưng anh Chí đã lợi dụng sự nhu nhược của phần đông đảng viên
trong Đảng bộ và đặc biệt khi đã nắm thóp được một số việc làm bất
minh của lãnh đạo Xã Hồng Tiến: “bán đất thổ canh thành thổ cư”. Anh
Chí tìm mọi cách gây sức ép với thường vụ đảng ủy Xã  khôi phục công
tác cho mình.
Hiện nay anh Chí vẫn là người đứng đầu Đảng bộ xã.
Cái “biết” ở đây là: Ai cũng biết anh Chí là côn đồ  và ai cũng biết
anh Chí là bí thư Đảng bộ Xã.
Và  một điều nữa, không chỉ riêng thôn Lai mà cả xã Hồng Tiến đều
biết: Đảng bộ xã của họ vừa nhận được Bằng khen từ Huyện ủy ghi dòng
chữ nắn nót “Đảng bộ trong sạch vững mạnh” (?) (!).
   

Xóm Lánh

Xóm Lánh nằm trên một gò hoang giữa vùng đồng trũng. Bao quanh khu
đồng trũng ấy là con đê bối nhỏ ngoằn ngoèo. Những rặng nhãn già cỗi
trở thành nơi trú ngụ cho lũ cò sau mỗi ngày rạc cánh kiếm ăn.
Muốn vào xóm lánh chỉ có một lối đi chính, tắt qua khu đồng rộc mà tôi
vẫn  nhớ rất rõ vào mùa sen rạc, những cọng sen khô tóp teo chới với
khắp vùng nước váng...
Người dân xưa kia gọi nơi đây là Đồng ma, sau đổi tên thành “Đồng rộc”.
Đồng rộc nằm tiếp giáp với ba xã nhưng quanh năm để lau lác mọc
hoang, sau có người khai khẩn, phát cỏ trồng sen, và cứ vậy sen đè cỏ
hoang, trổ bông thơm ngát một vùng.
Đầu lối vào xóm lánh là một cây đa cổ thụ, nhiều cành dài ngoẵng, sã
gần xuống mép nước. Thân cây đa chia làm ba gốc bâm chặt vào đất. Xung
quanh  gốc gồ lên những đoạn rễ nửa chìm nửa nổi như đàn trăn mốc
lưng, quanh năm ẩn đầu và đuôi trong đất.
Người già trong các làng lân cận vẫn kể: vào mỗi đêm trở trời, khắp
ngọn đa kêu rên những tiếng ri ri đau đớn của các oan hồn.
Ngay tại cây đa “ba chân” này, giặc Pháp từng treo cổ biết bao cán bộ
và những người dân yêu nước.
Dân làng khi đó đã biến sự sợ hãi thành lòng căm thù, tối tối họ mò
mẫm tìm những xác người bị giặc Pháp quăng xuống đồng rộc, buộc dây
nương theo bờ cái kéo ra gò đất trống trôn vội vàng. Đã không ít người
bị chúng bắt được, bắn giết tại chỗ, máu tươi loang ra lẫn vào lau
lách.
Sau ngày hoà bình, ngay cạnh gốc Đa được xây một bia “căm thù” nhằm
khắc ghi tội ác man rợ của giặc Pháp. Ngoài gò hoang, mọi người xây
miếu nhỏ làm nơi hương khói,đặt lệ tháng giêng hàng năm, vào ngày rằm
làm lễ tế chung cho các oan hồn.
Những năm thập niên tám mươi của thế kỉ trước, thực hiện chủ trương
bài trừ mê tín, một số người mẫn cán, vác cuốc,  búa  đập phá ngôi
miếu nham nhở.  Chiếc bàn thờ ở gốc đa cũng bị họ ném xuống đồng rộc
nổi lềnh bềnh.
Đợt đó, tức là vài ngày sau sự việc phá miếu, chi uỷ thôn cây đa triệu
tập cuộc họp mở rộng. Lão Lánh bức xúc trước việc làm của một số người
nhân danh “chống mê tín, dị đoan”. Lão gọi đó là những kẻ “táng tận
lương tâm”.
Ngày thường lão vốn ít nói, nhưng việc làm này của họ khiến lão bị
kích động thực sự. Lão không thể nhẫn nhịn.
Trước đây, trong mỗi cuộc họp chi bộ- Đảng bộ địa phương, lão đều đưa
ra những ý kiến tâm huyết. Nhưng rồi lão chua xót nhận thấy, tất cả
đều như “nước đổ đầu vịt”. Rồi từ đó lão chọn cách im lặng.
Chẳng phải lão hèn không dám lên tiếng, bởi một cá nhân lão có là gì
so với phần đa những kẻ bảo thủ trì trệ. Trong những cuộc họp thường
lấy biểu quyết tập thể. Những cánh tay giơ lên đồng tình đâu phải lúc
nào cũng sáng suốt. Đôi khi đấy chỉ là sự a dua, thể hiện sức mạnh tập
thể để ngang ngược đè bẹp những cá nhân có tư tưởng tiến bộ.
Cuộc họp thôn hôm ấy khá căng thẳng. Chủ tịch xã là Lê Bắc Kinh hướng
cặp mắt đỏ ngầu về phía lão Lánh, tiếng rít qua cổ họng -Các đồng chí
đều là người trong địa phương, đều đã biết  vụ đấu tố ta  xử tử không
ít địa chủ cường hào tại “cây đa ba chân”. Vậy thì việc đặt ban thờ
“vô hình trung” hương đăng cả người có công và có tội.
Ông Kinh nói chưa dứt lời , từ phía cuối hội trường, một người đứng
phắt dậy nói oang oang:
-Xin  đồng chí Kinh thứ lỗi cho tôi được nói thẳng, lẽ ra tôi cũng để
đồng chí nói xong sẽ có ý kiến, nhưng do đồng chí nói “tiền hậu bất
nhất”, buộc tôi phải ngắt lời...
Ông Kinh đang nói bị người khác chẹn họng chợt ắng lại, co những ngón
tay bấu mạnh trên mặt bàn, cố dằn cơn tức giận.
Từ ngày làm chủ tịch xã, ông Kinh vốn quen thói hách dịch, thích thể
hiện uy quyền, nhất là thời gian gần đây, ông  tạm kiêm nhiệm cả chức
bí thư Đảng uỷ.
Thói đời “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Người dám đứng lên ngắt lời
ông Kinh chính là đại tá Huỳnh,  bạn chiến đấu một thời của lão Lánh.
Sau kháng chiến chống Pháp, lão Lánh  bị thương nặng phải về quê, ông
Huỳnh tiếp tục theo trọn cuộc kháng chiến chống Mĩ. Những chiến công
của ông khi đó được đài báo ca ngợi như một huyền thoại. Ông Huỳnh
được phong tặng Anh hùng, trở thành niềm tự hào chung của xã Tân tiến.
Tiếng ông Huỳnh đang lấn át những lời xầm xì nho nhỏ xung quanh:
-Như các đồng chí đã biết thời đấu tố, địa phương ta mắc những sai lầm
trầm trọng ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín Đảng bộ Xã. Chúng ta  nhẫn
tâm giết oan nhiều người có công với cách mạng,  ngay như bố đồng chí
Lánh đây, một người cơ chỉ , có lòng yêu nước, đã động viên con mình
đi kháng chiến, vậy mà  bị một số người có chút địa vị ganh ghét, vu
khống rồi đem xử tử không cần suy xét. Tôi dám khẳng định những người
bị chúng ta hành hình tại gốc đa phần lớn  bị oan. Họ chẳng có tội gì,
có chăng chỉ là những mâu thuẫn vặt vãnh mà ở đâu và thời nào cũng có.
Chính chúng ta là những người máy móc và ích kỉ nên đã gây ra những
tội ác không đáng có. Chúng ta đã phải thừa nhận những sai lầm nghiêm
trọng của mình trước nhân dân trong địa phương. Tôi thiết nghĩ hãy để
cho nỗi đau đó dần nguôi ngoai theo thời gian. Vậy mà đồng chí Kinh
lại cho rằng mình đại diện cho Đảng và chính quyền địa phương, phát
biểu vậy là lún sâu vào sai lầm, bới móc lại nỗi đau cũng như lòng hận
thù từ phía những gia đình có người bị vu vạ.
Ông Kinh đứng như trời trồng ngay giữa cuộc họp, hai tai nóng bừng ù
cả đi. Đôi gò má giần giật, dường như ông đã mất hết lí trí nên lắp
bắp:
-Đề nghị đồng chí Huỳnh không được can thiệp vào chuyện  nội bộ của
địa phương, đồng chí tuy là đảng viên, nhưng không  thuộc Đảng bộ xã
Tân tiến, vì vậy hãy tôn trọng cuộc họp của chúng tôi...
Ông Huỳnh lắc đầu ngán ngẩm, sau đó lặng lẽ rời cuộc họp. Ông buồn sự
thiếu hiểu biết của ông Kinh một, lại buồn vì sự nhu nhược của phần
đông đảng viên trong cuộc họp mười. Họ không dám nên tiếng bảo vệ lẽ
phải. Vậy thì còn gì là tính chiến đấu trong Đảng.
Đã bao năm nay, ông Huỳnh mới tham dự một cuộc họp cũng có thể nói là
quan trọng của địa phương. Từ ngày nghỉ hưu, ông sống ngoài thị trấn
với con cái, thi thoảng địa phương cũng mời về, chủ yếu để nói chuyện
trong những dịp kỉ niệm nào đó. Mỗi lần ông Huỳnh về làng thường tới
thăm mấy ông bạn già, đặc biệt là lão Lánh, ví như sáng nay, ông vừa
đến, thấy lão Lánh sửa soạn quần áo chỉnh tề . Lão bảo: “có cuộc họp
quan trọng trong thôn” , ông Huỳnh có ý đi cùng. Vậy là hai ông bạn
già vừa đi vừa ôn chuyện  tới tận hội trường …
  Sau cái vụ họp thôn đó, ông Huỳnh  ít về làng hơn. Lão Lánh cũng làm
đơn xin được miễn tham gia sinh hoạt Đảng.
Lão thấy buồn. Trong miên man suy nghĩ, lão như tỉnh, như mơ. Lão ngỡ
mình hiểu nhiều, rút cuộc cũng chỉ là một kẻ khắc kỉ giữa đời này để
được tiếng liêm sỉ. Nhưng ai tin.
Lão bất lực, tưởng như không gian sống đặc quánh đến ngộp thở những
lọc lừa dối trá.
Lão chợt thấy cảm giác lạc loài, ngơ ngác, đau đớn trong những mối
quan hệ sống thường ngày.
Tâm hồn già nua ấy được ánh trăng vỗ về, gió mơn man len vào lục tung
những kí ức.
Một mình lão giữa đêm trăng lênh láng. Trăng chảy tràn trề trên những
ngọn cây ướt đẫm sương khuya.
Hỡi ôi! cái không gian thân thương gắn bó với mỗi kiếp người, bình yên
đến vậy mà sao con người không biết tận hưởng, không biết xẻ chia. Cứ
đắm mình vào sự tranh giành được mất. Đùn đẩy nỗi khổ cho nhau. Lão
nghĩ nhiều. Nhiều lắm.
Một đêm miên man với sự hồi tưởng của kiếp người, những nỗi vui buồn
tựa hồ thức giấc để dần tan theo tiếng chuông ngân lên từ một ngôi
chùa xa...
Lẫn trong xào xạc gió vườn là tiếng gà sang canh, cái âm thanh truyền
đời của làng quê ấy như đang cố xua đi những gì còn sót lại của bóng
đêm.
Sáng! mọi việc rõ dần càng như thôi thúc trong lão một quyết định.
Cái gò hoang (giữa đồng rộc) ẩn chứa những lời đồn đại hoang đường là
nơi lão nghĩ tới. Lão sẽ ra đó để sống, để thấm thía sự cô độc hay
đang trốn chạy giữa đồng loại…
Lão Lánh vốn ở một mình, vừa có chế độ thương binh lại là bố liệt sỹ.
Vợ lão đã ốm chết sau cái đận nhận giấy báo tử của đứa con trai duy
nhất. Thường ngày, ngoài việc chăm sóc khu vườn rộng lão còn đan lát
cho khuây khoả chứ không nhằm mục đích kiếm tiền. Đồ đan bền và đẹp,
lão cho nhiều hơn là bán. Cũng có người cảm ơn lão bằng cút rượu ngon.
Lâu rồi, nhiều kẻ quá quen với lòng hảo tâm của lão, quen tới mức cho
rằng đó như một chuyện thường. Nay căn nhà và mảnh vườn của lão giao
khoán cho một cặp vợ chồng trẻ trong làng.
Lão Lánh ra gò đất hoang, việc đầu tiên phải dựng túp lều nhỏ để tá
túc mưa nắng, tiếp đó lão gánh những mống tre đủ loại ra trồng. Gò đất
hoang vốn trước đây chỉ có những cây nhãn cỗi cằn, mọc từ  những hạt
do chim chóc tha đến.
Những đêm đầu ở đây lão cũng thấy chống chếnh. Vong vóng một mình.
Xung quanh chỉ  những tiếng côn trùng rỉ rả lẫn với tiếng gà báo canh
từ trong các làng xung quanh vọng ra, từng chặp thiểu lão và tắc
nghẹn.
Ngày nắng nóng, lão Lánh vận quần đùi, cũng có khi không mặc gì cả.
Lão lội xuống đồng rộc, dùng dao quắm phát cỏ. Một mình lão lõm bõm
giữa cánh đồng rộng. Có những hôm lão mải làm tới quên ăn, mình mẩy
tím tái, phần do ngâm nước lâu, phần bị cỏ dại cào. Những chỗ cỏ được
phát, nổi từng bối ngàu thối. Lão đem sen trồng  khắp đồng rộc, kể cả
những chỗ chưa kịp phát cỏ. Chẳng bao lâu thì sen mọc và tre lên tốt
màn. Hằng đêm lão đốt đèn dầu, lẩm nhẩm bài kinh phật ai đó ném nơi
góc miếu. Cũng may, ngôi miếu mới chỉ bị phá góc mái phía sau. Có lẽ
những kẻ được sai tới  muốn nhanh chóng rời khỏi chỗ này nên chưa kịp
đập phá hết, hoặc giả họ tiếc những hình đắp cầu kì mà kịp dừng tay.
Ở đời có những hệ luỵ dù muốn hoặc không. Từ ngày lão Lánh “đốc
chứng”, nhiều người không muốn gặp do sợ sui sẻo, nói đúng hơn là họ
sợ ra cái gò ma với những ụ đất đầy xương người. Tuy nhiên, ông Quy
(giữ trách nhiệm phát lương) dù muốn hoặc không vẫn cứ phải gặp trả
tiền trợ cấp cho lão. Trước đây hàng tháng  lão Lánh vẫn  vạch dậu
sang nhà ông nhận tiền. Nay đã gần hai tháng vẫn không thấy lão đến,
ông Quy sốt ruột đem tiền lương giúp lão. Ác nỗi ông vừa bước chân về
tới đầu cổng, bị mụ vợ phục sẵn chạy ra ngăn lại, tay cầm mớ cành dâu
không ngừng đập lên người chồng.
Ông Quy bực tức quát:
-Bà này điên rồi hay sao. Vợ ông cũng không vừa, tay vẫn cầm  mớ cành
dâu xua lên khắp người ông, miệng thở hổn hển nói:
-Có ông bị điên ấy. Đang tự nhiên rước hoạ vào thân, tôi làm vậy để
xua ma tà khỏi theo ông về quấy nhiễu nhà này. Ông Quy thấy ngán ngẩm
thực sự. Tại sao từ cán bộ tới dân, mới đó miệng còn xoen xoét bài trừ
mê tín. Không tin những chuyện dị đoan. Vậy mà  giờ đây hở câu nào là
ma này quỷ nọ. Đúng là những kẻ lưỡi không xương.
Trong làng ông vẫn có câu “ông thần làng Đa không bằng con ma gò
rộc”. Ông cũng được nghe kể , xưa kia những người bạo gan chở thuyền
qua đây vào buổi sớm tinh sương vẫn thi thoảng thấy nó ngồi rũ rượi
tang thương. Nhưng ông chẳng tin, cho đấy là hoang đường.
Chuyện của ông Quy không dừng lại ở đó, vốn trước đây mỗi khi rảnh rỗi
ông thường chạy loanh quanh sang hàng xóm, khi thì cốc chè tươi, lúc
điếu thuốc lào. Ông vốn vui tính, đi đến đâu, chỗ đó rộ cười. Vậy mà
giờ đây không ai muốn ông đến nhà chơi. Ngay đến họ hàng có công to
việc lớn, không đừng được mới phải mời gia đình ông nhưng vẫn cứ khéo
léo nhắc nhở: thím và các cháu cố gắng  nhé, còn chú Quy bận thì thôi
cũng được.
Như vậy khác gì là trừ ông ra, mong ông đừng đến. Ông Quy thực sự bất
mãn. Ông không còn vui vẻ tán dóc mà thường ngồi thu lu trên cái ghế
gỗ kê ở gian giữa nhà, vớ chiếc điếu bát kéo thuốc sòng sọc nhiều lúc
ho ứa nước mắt, rớt rãi nhều ra cả khoé miệng. Vợ ông thương chồng
nhưng cũng chẳng biết làm sao để thanh minh với làng xóm, chính mụ
trước đó cũng tin chuyện mọi người đồn thổi là có thực, rằng ma theo
chồng mình về.
Con trai ông Quy tên là Nhẫn, có hôm vừa đi học về đã vội quăng cặp
sách tìm gặp bố hỏi, có phải đã thấy ma? Đang sẵn bực tức ông Quy trợn
mắt quát : Thì tao là ma đây, cả làng này đều là ma hết, ma đầu đen
mày hiểu chưa. Bà Quy đang đun bếp, thấy chồng nổi nóng cũng vội dập
đấy ra mắng át con : Cái thằng chỉ được cái huyên thuyên, làm gì có ma
với quỷ.
Thằng bé thấy bố mẹ đối xử với mình khác với ngày thường, đã định khóc
nhưng ông Quy kịp kéo nó vào lòng nên thằng bé chỉ sụt sịt khe khẽ.
Nhà ông Quy, lão Lánh tuy không chung ngõ, nhưng chỉ cách nhau bờ dậu
dâm bụt mỏng. Lão vẫn nói vui: “gần nhà xa ngõ”. Hàng ngày, thằng bé
vẫn vạch dậu qua chơi, xem lão dọn vườn. Nó chưa hiểu chuyện người lớn
nhưng lão vẫn coi như người bạn vong niên trong mỗi lần trò chuyện.
Thực ra, lão tự nói với mình cùng với sự có mặt của nó thì đúng hơn.
Lão Lánh có thói quen, gom  lá khô trong khu vườn nhà mình cho vào bếp
đun nấu, cũng có khi lão dồn ra một góc khuất và đốt. Những lúc như
vậy, Nhẫn  ngồi xem và tỏ ra rất thích thú tiếng nổ lách nhách từ lá
khô, hơi lửa rần rật làm bớt đi vẻ lành lạnh hoang vắng của khu vườn
nhiều cây cổ thụ, gốc sần sùi, thâm u như vườn chùa bất kể là mùa đông
hay hạ.
Những lúc đốt lá, lão Lánh thường nói cùng Nhẫn: Lửa tưởng như mạnh
hơn tất thảy, vậy mà gặp nước tắt ngóm. Ấy nhưng, nói ra thì có vẻ mâu
thuẫn, kì thực giữa lửa và nước chẳng thứ nào mạnh hơn nhau. Chẳng qua
do con người can thiệp vào chúng rồi  gán ghép tầm bậy tầm bạ. Vốn dĩ
lửa và nước không phải khắc tinh của nhau. Nước sinh ra để làm giảm
cái nóng của lửa và ngược lại, lửa sinh ra để làm bớt cái giá buốt của
nước. Có đôi lúc, lửa còn giúp nước có những cuộc thăng hoa bốc hơi
rồi mới trở lại trạng thái ban đầu. Người đời tưởng là mình thông
minh, mang cái tư tưởng tranh giành để gán ghép vào những hiện tượng
tự nhiên. Loài người có thể dùng miệng lưỡi  để nguỵ biện cho tất thảy
tội lỗi của mình, nhưng phỏng có ích gì , vì nó không giúp cho họ
trường thọ.
Lão Lánh thường than thở: sao loài người không biết tiết chế lòng
tham, chính những khát thèm không giống nhau ấy đã sinh ra mọi sự mâu
thuẫn ở đời.
Sau mỗi lần than thở, lão lại chậc lưỡi một cách khó hiểu. Lão cũng
biết Nhẫn chưa đủ lớn, trải nghiệm, để hiểu những điều lão đang nói.
Và những lúc ấy, khuôn mặt lão thất thần, đôi mắt mơ hồ thoát tục, từ
từ ngước lên theo làn khói mỏng như kéo cả cái xác phàm mà tan ra...
Nhẫn đã rất nhiều lần được chứng kiến lão Lánh trong cái tư thế bốc
hơi luân hồi như vậy.
Một buổi chiều, Nhẫn  mon men ra cạnh hàng rào dâm bụt mỏng, đứng nhìn
sang khu vườn nhà lão Lánh. Khu vườn bộm lá chứ không sạch sẽ như
trước đây. Trong suy nghĩ của cậu bé, lão Lánh hiền lành phúc hậu. Cậu
bé Nhẫn đã bắt đầu có những thắc mắc, tại sao người tốt thường bị bắt
nạt, những người hung hăng độc ác lại khiến nhiều kẻ nể sợ.
Tiếng hô cháy nhà ầm làng cắt đứt sự suy nghĩ của cậu bé. Cậu chạy về,
vội vã xách chiếc xô nhỏ lao về hướng có tiếng kêu cứu. Đến nơi đám
cháy bốc to tới mức không còn khả năng dập tắt. Nhẫn lững thững sách
xô về.
Nhà  bé Duyên bị cháy. Mẹ  Duyên bỏ chồng con, theo một người đàn ông
giàu có trên tỉnh . Bố nó là thày giáo Danh. Thày giáo Danh đang học
Tổng hợp văn, xung phong đi lính chống tàu. Sau, xuất ngũ về cưới vợ
và học sư phạm. Học xong về dạy tại trường cấp hai trong xã. Mẹ Duyên
là một cô giáo xinh đẹp, trước đó dạy tại trường cấp một, nơi Nhẫn
học.
Khi lão Lánh còn trong thôn, thày giáo Danh cũng hay qua lại chuyện
trò, lão hỏi: -Dạy mãi có tốt được không?
Thày bảo:được
Lão lại hỏi: sao học mãi vẫn không tốt
Thày bảo, không học được điều tốt sẽ không tốt.
Lão hỏi tiếp: lỗi này ở thày hay trò.
Thày giáo Danh im lặng, nhặt chiếc cật đóm bật nát những con ruồi đang
đậu trên mặt bàn…
Một lần, thày cay đắng nói với lão Lánh:
-Cuộc sống vốn đáng yêu với bất cứ ai, họ chân thật với nhau cũng vì
cuộc sống , họ gian dối nhau cũng vì cuộc sống, thậm chí thù hận chém
giết nhau cũng vì cuộc sống. Kẻ nào nói rằng cuộc sống hiện thời là
tốt đẹp với đầy đủ tính tích cực của nó thì vô hình trung đang đồng
lõa với thói cặn bã của xã hội. Tôi nói với học trò của mình tất cả sự
thật rằng, những mối quan hệ của chúng ta có cả sự chân thật, đồng
thời ở đâu đó  vẫn ẩn nấp sự đểu giả, dối trá.
Đạo đức và liêm sỉ có lẽ chỉ còn ý nghĩa trong sách vở, thường thì
người ta mượn nó để ngụy trang cho sự xảo trá, lọc lừa.
Thầy giáo Danh vốn có chút khiếu văn chương,  thi thoảng cũng có những
truyện ngắn đăng báo. Bi kịch cũng từ đó mà ra. Một ông quan đầu Huyện
vốn chẳng mấy yêu văn chương, nhưng hôm đó “ma xui, quỷ khiến” thế
nào, ông lại đọc truyện của thày vừa đăng ở một tờ báo Tỉnh. Trong
truyện ngắn ấy có nhân vật “chức quyền” với đầy đủ tính xấu, hách
dịch, tham ô, nhũng nhiễu. Thực lòng, đó là nhân vật do thày hư cấu
chứ chẳng ám chỉ ai. Nhưng thói đời “có tật giật mình”. Ông quan nọ tự
vơ những chuyện ấy vào mình. Ông nghiến răng trèo trẹo. Vậy là theo sự
chỉ đạo ngầm, đã hình thành một liên kết ngầm ép hiệu trưởng tìm mọi
cách không để thày Danh đứng lớp. Rồi thì thày cũng dần vỡ nhẽ nguyên
nhân mình bị “mất dạy”.
Thầy Danh nghỉ dạy được một tuần thì nhà cháy, nhiều kẻ xầm xì: ngu thì chết.
Thầy ra nhờ lão Lánh cho ở cùng. Thầy bảo : tôi sợ sống với “người”
lắm rồi, sợ những kẻ “khẩu phật tâm xà”,  họ mạnh mẽ và khôn ngoan.
Tôi ra đây sống cùng lão và “ma”.
Lão Lánh dùng `tiền trợ cấp của mình, chia xẻ những khó khăn với thầy,
dạy đan lát, rồi thầy đạp xe mang hàng đi bán những nơi xa…
Gò đất hoang đã có thêm ngôi nhà nhỏ nữa của thày giáo Danh. Chỉ hai
nhà thôi cũng thành một xóm. Xóm Lánh...
* * *    ***   
Giờ thì xóm có thêm ba nhà , đó là những hộ của anh Thiên, cô Thủy và
lão Vạn. Họ cùng làm nghề đan lát, cùng xẻ chia những vui buồn, vất
vả.
Có lẽ đây là một xóm kì lạ nhất ở cái xứ sở này. Mỗi con người ở đây
đều có những số phận và nỗi đau khác nhau, Cô Thủy sau thời gian ở
chiến trường trở về thường xuyên bị điên loạn bởi mảnh đạn còn găm
trong đầu. Anh Thiên sau khi giải ngũ lấy vợ sinh con, nhưng chẳng đứa
nào lành lặn do di chứng chất độc dioxin. Còn Lão Vạn vô phúc, sinh
được mấy đứa con toàn loại bất hiếu.
Họ tìm đến với nhau để thấy cái hơi ấm đồng loại, và đấy chính là
niềm hạnh phúc đích thực đang được nhen nhóm.
Mỗi người có cách lí giải riêng về cái tên xóm lánh. Người thì cho
rằng, xóm lấy tên lão Lánh. Người lại bảo, xóm này toàn những kẻ lánh
đời.
Riêng tôi, vẫn ngẫm lời lão Lánh: con người cần biết tiết chế những
ham muốn, không phải như vậy là an phận, là không có chí tiến thủ, mà
sống là phải biết chia xẻ, đừng bao giờ dẫm lên đầu, lên vai kẻ khác.
Tiếc rằng đời này còn quá nhiều những kẻ ham muốn....vậy thì những
người tốt hãy tìm tới nhau để nhân nên cái hơi ấm tình người. Xóm lánh
giờ đây những đêm trăng suông như một hòn đảo bồng bềnh giữa hương sen
ngào ngạt.

               
    Hưng Yên: 27.5.2012