Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Quốc bảo Trung Hoa “Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ” phải chăng do người Việt Nam vẽ!

Cao Minh
Thứ bẩy ngày 13 tháng 4 năm 2013 5:33 AM

 


       Cho đến nay, nhiều người vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi họa phẩm Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ đã được bán với giá “ phi lý tính ”, 1,8 triệu USD, trong cuộc đấu giá tháng 4-2012, tại Trung Quốc. Ngạc nhiên hơn nữa, bức họa phẩm được bán chỉ là bản sao phục chế kỹ thuật cao báu vật Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ.

   Nguyên tác của họa phẩm Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ trước đây được lưu trong cung điện nhà Thanh, hiện nay vẫn đang được lưu giữ tại bảo tàng Liêu Ninh, Trung Quốc. Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ được Trung Quốc xếp vào hàng quốc bảo hạng nhất, đăng ký trong Trung Quốc cổ đại thư họa mục lục.
   Điều đáng nói ở đây, cuộn thư họa Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ, có tổng chiều dài 9,61m, trong đó phần tranh là 3,1m, còn lại là triện và các bài dẫn, tựa...trải qua nhiều đời; khi khai mở sẽ lần lượt hiện ra ba đại cảnh vẽ cảnh Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuất du từ động Vũ Lâm. Phật Hoàng ngồi trên cáng võng, quanh đó có chúng dân, tăng sĩ. Có voi trắng chở kinh đi phía sau, phía trước voi có người đội mũ vàng, cưỡi trâu là đạo sĩ Lâm Thời Vũ và tiên hạc được chăn dắt tháp tùng. Cung nghênh trên đường với một đoàn triều thần văn võ, đứng đầu là là con trai Phật Hoàng, tức vua Trần Anh Tông ( 1276- 1320) với kiệu hoa nghênh đón...

   Ai vẽ Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ?
  Người tạo nên tác phẩm trứ danh có một không hai, cách đây hàng bảy trăm năm là họa sư Trần Giám Như. Tên tuổi Trần Giám Như không xa lạ với với lịch sử hội họa Trung Hoa. Ông được liệt vào hàng những họa sư truyền thần bậc nhất của Trung Hoa. Trần Giám Như quê ở Tiền Đường, tỉnh Hàng Châu, ông nổi danh với nghệ thuật truyền thần. Nghệ thuật truyền thần của Trần Giám Như có ảnh hưởng sâu đậm đến truyền thống hội họa giữa và cuối đời Minh. Ngoài tài năng hội họa xuất chúng, ông còn được biết đến với khả năng ứng đối sắc sảo và vận dụng kiến văn tinh tế. Họa phẩm của Trần Giám Như được bảo tồn đến ngày nay chỉ còn đôi ba bức, nhưng đều là tuyệt phẩm, mang đậm dấu ấn giao lưu văn hóa giữa Trung Nguyên và các nước lân cận.
    Trần Giám Như hoàn thành bức Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ vào năm Chí Chính thứ 23, tức mùa xuân năm 1363, như lạc khoản đã ghi ở cuối bức họa: “ Chí Chính nhập tam niên xuân Trần Giám Như tả” . Thời điểm này ở Trung Hoa, cuộc giao tranh tranh giành đất nước giữa Chu Nguyên Chương và thế lực cát cứ phương Nam lớn nhất của Trần Hữu Lượng đã kết thúc với chiến thắng của Chu Nguyên Chương. Nếu so sánh thời gian thì tức là gần 60 năm sau khi Phật Hoàng xuống núi truyền tâm giới bồ tát cho Hoàng thượng Trần Anh Tông và triều đình ( 1304 ), 55 năm sau khi ngài viên tịch (1308 ).
              Vì sao có Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ!
  Cho đến nay đã có nhiều khảo cứu, truy tìm nguồn gốc ra đời của bức họa phẩm tuyệt đỉnh này, và cũng có nhiều giả thiết được đặt ra, như : Tại sao Trần Giám Như lại vẽ bức tranh này! Một họa sư nổi danh người Trung Hoa vì sao lại vẽ bức tranh mà nội dung hoàn toàn mô tả, ngợi ca về người nước Đại Việt! Nếu như Trần Giám Như chỉ thuần túy là người vẽ “ theo đơn đặt hàng”, thì ai là người đặt hàng, người họ Trần hay người nào đó của nước Đại Việt xưa! Hay Trần Giám Như vì cảm kích đạo hạnh của Đạo sĩ (Phật Hoàng ) mà sáng tác !... Không thể có câu trả lời chính xác, thỏa đáng, tuy nhiên, có một nguồn thông tin có thể tin cậy hơn, đó là: Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ 14 đã có một nhóm người Nam Giao tổ chức vẽ lại sự kiện trọng đại liên quan đến Phật Hoàng Trần Nhân Tông, và Trần Giám Như là người chấp bút họa thành tranh. Vậy thì, Trần Giám Như có quan hệ thân tộc gì với nhóm người nước Nam này hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp. Và nếu như là đặt hàng Trần Giám Như vẽ, thì tác phẩm sau đó sẽ phải thuộc về nhóm người nước Nam chứ sao lại tồn tại ở Trung Hoa!...
  Lịch sử còn nhiều trang khuất lấp chưa thể sáng tỏ trong ngày một ngày hai, nhất lại là lịch sử liên quan đến hai quốc gia luôn luôn có chiến tranh xâm lược và chống xâm lược. Đặc biệt ở cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, khi dân tộc Đại Việt dưới triều nhà Trần đã ba lần đánh thắng giặc ngoại xâm Nguyên Mông, mà vua Trần Nhân Tông chính là người lãnh đạo tối cao.
  Ngay bản thân bức họa tên nguyên thủy là gì cũng vẫn là một ẩn số. Chỉ biết rằng đến đời Vĩnh Lạc triều Minh, Trần Đăng- một nhân sĩ, là người ghi tên, định danh cho họa phẩm là Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ.
   Mọi kiến giải vẫn còn bỏ ngỏ, chỉ sự hiện diện danh giá của họa phẩm là sự thực hiển nhiên.
       Nét đặc sắc của Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ
     Điền Lực, một học giả Trung Quốc đã phân tích và chỉ ra những thủ pháp nghệ thuật làm nên sự đặc sắc của bức họa Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ:
   “ Trong Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ tác giả đưa người - cảnh – tình hài hòa, dung hợp thành nhất thể, với đặc điểm là vẽ nhân vật rất chân thực, sinh động. Từ cách vẽ có thể thấy tác giả kế thừa kỹ pháp của Mã Viễn ( họa sư danh tiếng đời Nam Tống ), tập trung một góc, khiến chủ đề đột xuất, phá vỡ phương pháp vẽ theo lối điểu khảm ( nhìn từ trên cao xuống ), chọn thủ pháp bình thị thủ cảnh ( lấy cảnh theo hướng nhìn bằng phẳng ), viễn cảnh miêu tả giản đơn, thanh đạm; trung cảnh là chủ đề; cận cảnh nồng đậm, ngay ngắn, gãy gọn. Dùng cận cảnh và viễn cảnh để làm nổi bật chủ đề. Bốn mươi ba người xuất hiện trong tranh, tư thái thần tình, mỗi người một khác; động tác và thần thái từng người được khắc họa vô cùng tinh tế, chu đáo. Bậc đạo nhân cung kính, biểu lộ thành ý; người nghênh tiếp mừng vui, hoan hỉ. Trong cảnh có tình, trong tình liền cảnh, sinh động vô cùng. Tác giả cũng đã tốn hao rất nhiều sinh lực để biểu đạt đặc trưng mỹ cảm độc đáo của cảnh vật tự nhiên, khiến cái đẹp thanh tú, ưu nhã của đất Giang Nam ánh lên trên tranh. Suối nhỏ tuôn róc rách, bên suối có trúc biếc và rặng liễu già; những mầm cỏ non xanh mới mọc, nhú lên dưới gió xuân thổi nhẹ, cùng hô ứng với đội ngũ nghi trượng đến tiếp nghênh phía trước. Động tĩnh kết hợp, truy cầu cái đẹp của một loại thiện ý. Trên toàn bộ bức họa, tác giả vận dụng kỹ pháp thủy mặc vẽ mực mộc, khiến tranh toát lên vẻ thanh đạm, ưu nhã, thanh tân, khiến người xem lòng khoáng đạt, tinh thần thoải mái, có được cảm giác tiêu dao ngoài thế tục”.
  Nhân vật chính trong họa phẩm là Trúc Lâm Đại Sĩ ( Phật Hoàng Trần Nhân Tông ) đã được tác giả khai thác nghệ thuật tả thần xuất chúng khi khắc họa dung mạo Đại Sĩ với nét bút chấm phá, giản đơn nhưng vẫn toát lên được thần thái của vị Sơ tổ thiền Trúc Lâm. Bóng hình Đại Sĩ từ trong ký ức hiển hiện ra trên nền hoa tiên của bức họa bao dung, an nhiên tự tại toát lên cốt cách Nam Giao mà phảng phất phong thái la hán ngộ đạo của hội họa đời Nguyên. Ẩn sau con người rất đỗi bình dị ấy là những chiến tích đại phá Nguyên Mông kỳ vĩ, bảo toàn cương thổ, an dân, thái bình.
   Toàn bộ bức họa Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ thể hiện một tâm thái an nhiên, bất cầu danh lợi, gợi lên thông điệp hòa bình, nhân ái giữa cơn binh hỏa, loạn ly.
  Bức Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ của Trần Giám Như ngoài nội dung chính, còn được nối thêm với những bài dẫn, ký, tán, hình thành nên một chỉnh thể thư họa với sự góp mặt của nhiều người với những góc nhìn khác nhau về vị vua nước Nam tu Phật lay động giới thức giả Trung Hoa. Như thức giả Trần Quang Chỉ trong bài dẫn (tán) đã viết: “ Ngài bẩm sinh thông minh xuất chúng, mỗi ngày đọc đến vạn chữ. Khi trưởng thành ngài học thông tam giáo, nhưng tinh thâm ở kinh điển nhà Phật. Đến như thiên văn, lịch số, binh pháp, y dược, âm luật, môn nào ngài cũng đạt đến chỗ tinh vi, thâm ảo. Ngài trị quốc với lòng nhân, đãi ngộ quần thần như chân tay, vỗ an muôn dân như con đỏ. Ngài giảm nhẹ hình phạt, thu thấp thuế khóa, thưởng phạt nghiêm minh. Tuổi ngoài 40 ngài bỗng có chí xuất gia, bèn truyền quốc đồ cho con, vào động Vũ Lâm tu tập, khoác áo tăng già, dựng am trên đỉnh non Yên Tử....
Tôi nhân được thấy tranh, cảm thuật đôi điều đại khái, viết ở bên trái bức họa, để các bậc toàn tri xem, khiến cho công nghiệp, đạo hạnh của Đại Sĩ không bị mai một.
  Viết ngày 15 tháng giêng, năm Canh Tý, niên hiệu Vĩnh Lạc thứ 18 (1420 )”.
  .......
    Số phận và sự vinh thăng của Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ

   Sau khi hoàn thành kiệt tác vào mùa xuân năm 1363, thì bức họa thuộc quyền sở hữu của họa sư Trần Giám Như hay của những người đặt hàng? Cho đến nay không ai biết. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Nam thì Trần Quang Chỉ là người sở hữu bức tranh cho đến thời điểm năm 1420. Nguyên tác họa phẩm Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ đã từng lưu lạc chìm nổi trong tao loạn cho đến đời Thanh, bức họa được sưu tập và đưa vào lưu giữ trong cung đình. Sau cách mạng Tân Hợi ( 1911 ) của Trung Quốc. Phổ Nghi - hoàng đế cuối cùng của nước này thoái vị nhưng vẫn được cho lưu trú trong cung đình 11 năm. Phổ Nghi đã bí mật chuyển hơn ngàn cổ tịch, tác phẩm danh họa, thư pháp, lịch đại... ra khỏi hoàng cung. Bức Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ là một trong số các họa thư quý đã bị thất thoát khỏi cung khi ấy. Năm 1964, bức Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ được Dương Nhân Khải thu mua lại và cũng nhân đó được lưu giữ trong bảo tàng Liêu Ninh, Trung Quốc cho đến nay.
  Tháng 11-2006, các tác phẩm thư họa quốc bảo trong Thanh cung một thời lưu lạc được ra mắt công chúng Trung Quốc trong triển lãm: “ Hoàng thất điển tàng- Thanh cung tán dật thư họa danh phẩm”, tại Thư viện Quốc gia tại Bắc Kinh. Những danh phẩm được phục chế bằng kỹ thuật cao cực kỳ chuẩn xác đã mô phỏng y như thật tác phẩm, khiến mọi người trầm trồ như có thuật “ phân thân” của tác phẩm.
  Nguyên tác của Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ hiện vẫn đang được bảo tàng Liêu Ninh giữ. Nguyên tác này đã từng được công ty Bảo Lợi mượn để trưng bày trong triển lãm Thư họa đời Tống, Nguyên, Minh lần thứ 3 năm 2011.
  Ngày 23-4-2012, tại cuộc đấu giá mang tên “ Trung Quốc thư họa ” do công ty Poly ( Bảo Lợi, Bắc Kinh ) tổ chức, bức Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ đã được bán với giá 1,8 triệu USD, cao gấp hơn 10.000 so với mức rao giá ban đầu, khiến công chúng bàng hoàng.
                                            Lời kết
   Họa sư Trần Giám Như rất có thể là người Việt lưu tán sang Trung Hoa vì một lý do nào đấy. Cũng như trước đấy gần một thế kỷ (1226 ), hoàng tử Lý Long Tường, con vua Lý Anh Tông đã phiêu dạt, lánh nạn sang mãi Cao Ly ( Hàn Quốc ). Và, một điều chắc chắn là dân tộc Đại Việt trong mọi thời đại đều xuất hiện những con người với tài năng kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực. Bằng chứng cụ thể và rõ ràng nhất là nhân vật Nguyễn An, sinh năm 1381, người Hà Đông ( nay là Hà Nội ), bị giặc Minh bắt sang Trung Quốc. Sau đó ông đã trở thành kiến trúc sư trưởng, tổng công trình sư, chịu trách nhiệm xây dựng Tử Cấm Thành ( Cố cung ) và xây dựng các công trình trị thủy hệ thống sông Hoàng Hà của Trung Quốc.
   Nhưng thôi. Đấy là lịch sử đã qua. Cần thời gian, tâm huyết và công sức để dần làm sáng tỏ.
  Chắc chắn một điều bất kỳ ai trong chúng ta, những người Việt đều vô cùng tự hào khi được biết, bảy trăm năm trước đã có một họa phẩm tuyệt tác lưu lại công nghiệp, phẩm hạnh của một con người Đại Việt: Hoàng đế - Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Cũng ở đây, một vấn đề đặt ra là: Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử hào hùng của dân tộc và sự bang giao với nhiều quốc gia khác; dân tộc ta còn nhiều thứ lưu tán, thất tán quý giá khác chưa được phát hiện và thu hút về lưu giữ tại tổ quốc. Trách nhiệm này thuộc về những người đang sống hôm nay.
  Điều đáng mừng, hiện nay bức họa thư Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ đã được truyền bản sao chép về cố quốc và đang được nhiều người biết đến.

                                                                                       Xuân 2013

   Bài viết có tham khảo và sử dụng tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Nam trong tạp chí Suối Nguồn, số 7, tháng 11-2012.