Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hành trình thơ Phạm Minh Thông

Uyên Minh
Chủ nhật ngày 14 tháng 4 năm 2013 9:50 PM

(Đọc Men rượu men tình của Phạm Minh Thông)


Hành trình của người thơ, tùy theo cảm thức của mỗi người, có người làm thơ rất sớm, có người làm thơ trễ tràng, ấy là duyên của mỗi người trong cõi thơ,mỗi cá nhân có cách riêng của họ tùy theo cách giãi bày tâm sự qua ngôn ngữ vần điệu và tứ thơ.

Người viết sớm thì chưa có sự trải nghiệm nên chất liệu để kết tinh thành ngôn ngữ thi ca khó có chiều rộng và chiều sâu về thân phận, có thể họ hay trong thi tứ, thi ảnh nếu tài năng phát tiết, còn những người làm thơ muộn, duyên muộn với thơ nhưng nhờ tích tụ, thực chứng trước cuộc đời trùng trùng mênh mông từng trải, họ thấy được chiều sâu cũng như chiều rộng của triết lý sống nhiệm mầu trong cõi nhân sinh nên hiểu về lý của nhân tình thế thái.

Phạm Minh Thông là người có duyên muộn màng với thơ, như ở bìa ba tập thơ MEN RƯỢU MEN TÌNH, nxb Văn học 2012, anh viết rất rõ anh in sớm nhất là Cưới trăng - 1994 như vậy quá ngũ tuần, cái tuổi đã “tri thiên mệnh” anh mới thực sự nhập cuộc vào làng thơ, có vạn lý do để anh nhập cuộc muộn, nhưng tôi tin rằng anh đã trải nghiệm quá nhiều trước khi anh đặt bút viết những dòng thơ để tâm tình, chia xẻ với thơ về tình yêu (“có cả tình người, tình quê, tình đất và tình em” - PMT), về thế thái nhân tình, ngay như lời đề từ của chính anh xác tín trước chúng ta: “tập MEN RƯỢU MEN TÌNH là tất cả tâm tình chắt chiu qua chuỗi dài đổi thay của cuộc đời trước những thăng trầm của thời gian” 

Thơ là người, những con chữ lung linh ấy như tấm gương phẳng phản ảnh một tâm hồn trước cái nhìn ngoại vật, ngoại cảnh mà anh đang thị hiện trước cảnh giới đa sắc màu, thậm chí đa tầng suất mà mỗi con tim cảm nhận nó qua lý lẽ ngôn ngữ thơ của chính mình .

Đời người ai cũng có dòng sông để gìn giữ nó trong chiều sâu thăm thẳm của ký ức, của ý thức, dù xa xôi, dù hoàn cảnh thế nào thì dòng sông vẫn là sự thiêng liêng trong tâm thức bừng dậy mỗi lần ai đó nhắc đến, riêng anh có “dòng sông tưởng tượng” tôi cho đó là dòng sông lạ, rất lạ, có lẽ ngày ấy ý thức của anh còn non trẻ anh mơ có một dòng sông thật tuyệt chảy vào lòng anh rồi anh mong sẽ ngược lên đầu nguồn thả một bè xuôi thơ mộng để nhìn nhận nước xanh chứa cả mây trời, cùng bầu trời trong xanh để làm hành trình cho cuộc sống ngày mai đẹp đẽ và lãng mạn, ôi chao sao mà tưởng tượng ngày ấy đẹp thế như bức tranh thiên nhiên huyền ảo mà lộng lẫy của ý thức ngày xưa trong vắt, của tâm hồn thơ dại đến lạ kỳ, rồi suốt hành trình của cuộc sống lại nhận ra rằng hóa ra ngày ấy ta chưa đi, chưa đến chỉ hình dung và tưởng tượng, khi thực chứng thì hỡi ơi dòng sông thiêng liêng ấy chẳng đẹp như ta nghĩ, dù ta vẫn chăm chỉ mải miết đi như cô lữ độc hành dọc theo ý thức thật đẹp ấy, đến cuối hạ nguồn mới vỡ lẽ dòng sông ấy chẳng bao giờ có thực, “không làm sao trông thấy được bờ”, đây là cả sự dấn thân và trải nghiệm từ chính mình, một ước lệ tư tưởng khá độc đáo trong thi ca nói chung, trong thơ Phạm Minh Thông nói riêng:

Dòng sông mà anh mơ tưởng ấy

Không làm sao trông thấy được bờ

                  (Dòng sông tưởng tượng)

Thế thái nhân tình, cùng nỗi trăn trở của anh trước cuộc sống vàng thau lẫn lộn này những người khác đã nói trong thơ anh như nhà văn Nhật Huy chẳng hạn: “ …Chỉ có điều khác là khi mà phần lớn với những người cùng trang lứa đang ngất ngây men chiến thắng thì ngay từ thủa đó, ông lại đã có dự cảm bất an với những gam màu mang sắc mới :Trắng đen hồng sáng tối lẫn vào nhau khi đối diện với tương lai mình. Đó là linh cảm của người từng trải chuyện đời, của người đã hứng chịu nhiều ngọn đòn của số phận : Có nghèo mới hiểu được nhau; Có đau mới biết bạn bầu là ai. Và cái linh cảm về mất mát đó được cảm nhận một cách thật tinh tế: Máu không rơi nhưng rơi tiếng đàn trầm”, riêng tôi, tôi cảm nhận hơi khác với Nhật Huy, do từng trải, nên anh hiểu ra lý và mệnh của cuộc đời này trong hai mặt song song và tồn tại ấy : xấu tốt, thiện ác, trong ngoài, sáng tối … tất cả là mệnh nhưng cốt lõi là chúng ta gieo nhân tốt không chóng thì chầy người ta cũng hiểu được lòng của chúng ta, (có thể người đời đã ngộ nhận khá nhiều về điều này) nên anh chẳng oán hận người bất thiện gieo cho anh những ý xấu để rồi lúc nào đó chắc chắn họ sẽ bất an, ít nhất trong ý thức làm người, tôi cho đây là một Phạm Minh Thông với hai thái độ rõ ràng:

Một là nghiền ngẫm chặng đường đi qua trong ấy cái cái thiểu số quá ít ỏi có cái đáng tiếc xảy ra, ngọn nguồn của nó là mệnh của mỗi con người trong trần gian, chúng ta phải hứng chịu, không thể cưỡng nổi lại cái dòng chảy số phận của thân phận người.

Hai là nhận ra lẽ đời, lẽ nhân tình thế thái mà vốn con người không lớn nổi ấy chưa thể nhìn thấy tương lai là gì ngày mai sẽ ra sao, nếu có là tội nghiệp cho những con người ấy còn quá vô minh và thiển cận thấy cái ngắn mà chẳng hiểu cái rộng,cái sâu của cuộc đời, nên anh không oán trách có lẽ anh đã thẩm định được thuyết gieo nhân nào gặt quả ấy mà thôi, nên anh kiên trinh một đời với chữ tâm sáng tựa lòng mình, đây là tuyên ngôn về chữ tâm của chính anh, ấy là lẽ đạo vậy.

“Một mình ta, ta một mình

Chữ tâm gói trọn kiên trinh một đời”

                                (Một mình)

Một mảng thơ rất riêng của anh nhưng anh “phong kín” trong suốt tập thơ MEN RƯỢU MEN TÌNH này, nếu đọc kỹ và tinh tế mới thấy được một cách sâu lắng nhưng rất nhẹ nhàng đó là mảng thơ viết cho vợ, người bạn đời đã cùng anh bôn ba xuôi ngược trên khắp nẻo đời khi hoạn nạn cũng như lúc gian nan, khi hạnh phúc cũng như lúc nếm mùi khổ đau trên hành trình kiến tạo cho cái riêng của nhau trong nghĩa tình chồng vợ. Những bài TÂM SỰ anh dành trọn vẹn cho chị - người vợ đáng trân quý, suốt một đời tần tảo, hiền thục, chỉ biết hết lòng chăm cho chồng lo cho con, trách nhiệm cao cả ấy chị chưa lần than van hay trách móc, một mực tận tụy lo cho anh, lo cho anh tất cả:

“Em loài hoa không tên,

trọn đời hoa không nở

xa – cồn cào nỗi nhớ

đêm lặng lẽ âm thầm

loài hoa dành cho anh

dành cho anh tất cả”

        (Có một loài hoa)

 

Mà với anh dù giông tố hay bão bùng cũng nguyện một lòng khiêm cung chung thủy giữ lễ cho trọn đạo vợ chồng:

 

“Nguyện cùng đất thấp trời cao

  Bão thì mặc bão, giông gào mặc giông

  Giữ tròn nghĩa vợ tình chồng

  Non dời lấp biển cũng không thay lòng”

                                   (Tâm sự 3)

Có một bài thơ ngắn tôi rất thích mang tư tưởng tích cực trong cuộc làm người của anh, những thắng thua thành bại tự thân anh sẽ hiểu, nhưng hãy cháy hết mình trong sức sống của mỗi người tùy sức  mình trong xã hội, và khi nổ lực bản thân với cường độ cao nhất cho xã hội chỉ mong cầu xã hội phải tiến bộ, tiến bộ trong minh bạch và sự thật như ngọn nến càng cháy mạnh ánh sáng càng tỏ, soi rọi được sự thật và anh chỉ mong cầu được như vậy là quý hoá rồi:

“Đốt lên cho thân em cháy

 Ngọn lửa càng cao thân em càng cháy

 Không nửa lời than

Em sẵn sàng cháy trọn cả thân mình

Chỉ mong lòi nguyện cầu

Luôn là sự thật”

                       (Ngọn nến)

Cái lớn của anh chính là nhờ tha nhân, chúng ta trưởng thành trong cuộc làm người đầy giông tố nầy không phải là cha mẹ, cha mẹ chỉ cho ta thân để hiện diện trên trần gian, biết bao nhiêu là thầy đã cho ta trí tuệ để nhận biết về tri thức trong cuộc bể dâu làm người đa đoan này:

“Cắn câu lục bát làm ba

Ơn cha mẹ một, ơn bà con hai

Về quê nghiên mực em mài

Để anh dệt chữ nối dài tình quê”

                          (Về quê)

Bà con, ấy là khái niệm tha nhân như tôi đã nói, mà khi anh yêu mến tha nhân “ơn bà con hai” điều ngược lại cũng được tha nhân mến yêu làm sao anh không thành công trong cách sống bao dung, chỉ có người có trái tim mới có ý nghĩ và hành động độ lượng, mà ngọn nguồn của nó là tình thương, ai có tình thương thì đời sống bao giờ cũng an lành cho dù có trở lực nhất thời.

Xuyên suốt cuộc hành trình trong MEN RƯỢU MEN TÌNH của Phạm Minh Thông  có: tình em, tình người, tình quê, tình đất và thế thái nhân tình tuy nhiều mảng, nhưng khi tổng hợp lại một logic về chữ tình lại hiển hiện, và chắc chắn là sẽ đứng vững trong khối  thống nhất của một con người Phạm Minh Thông nhà thơ.

                                                                  Sài Gòn 3/2013

                                                                      Uyên Minh