Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đôi điều cần chú ý khi viết về lễ hội

Nguyễn Huy Thông
Thứ ba ngày 16 tháng 4 năm 2013 8:28 PM

Có thể nói những nét đẹp truyền thống giàu bản sắc dân tộc và giá trị nhân văn trong các lễ hội đã góp phần bồi đắp tâm hồn người Việt Nam ta, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nhiều bài báo viết về lễ hội – một trong những nguồn mạch tạo ra sức mạnh tinh thần của dân tộc ta đã giúp cho người đọc hiểu được những dấu ấn độc đáo, riêng biệt của từng vùng, miền và những nét tương đồng, giao thoa văn hóa của cả cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử. Song cũng có những bài báo chưa chú ý đến các yếu tố lịch sử, địa lý trong các lễ hội, chưa phân biệt được đâu là truyền thuyết, dã sử; đâu là sự thật; nhầm lẫn tên đất, tên người… Xin đơn cử bài bút ký “Ba trăm bảy ba bậc lên Long Sơn tự” của Nguyễn Quang (NQ), đăng trên Báo Văn nghệ số 52, ngày 29-12-2012 đã viết không đúng về một số địa danh và chi tiết lịch sử ở vùng Đọi Sơn thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Là những người con của quê hương Hà Nam, với ý thức xây dựng, chúng tôi xin nêu một số điểm không chính xác trong bài báo ấy:
- Tác giả đã nhầm lẫn khi viết “Qua thị trấn Duy Tiên, một thị trấn mới nổi giữa vùng chiêm trũng, tôi rẽ phải theo tỉnh lộ 60 để tìm đến Đọi Sơn…”
Nhà giáo Đặng Lan Hương, nguyên hiệu trưởng trường cấp 2 thị trấn Hòa Mạc – người gắn bó nhiều năm với sự nghiệp “trồng người” trên đất Hà Nam cho biết: Ở huyện Duy Tiên có 2 thị trấn là Đồng Văn và Hòa Mạc, chứ không có cái gọi là “thị trấn Duy Tiên” như N.Q viết. Thị trấn mà tác giả nhắc đến chính là thị trấn Hòa Mạc, nằm ở gần núi Đọi, được thành lập ngày 1-4-1986, chứ đâu phải là “thị trấn mới”. Du khách thập phương về dự khai hội “Tịch điền” vào ngày 7 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, đến thị trấn Hòa Mạc rồi đi thẳng độ hơn 6 km nữa (không rẽ phải theo tỉnh lộ 60 như tác giả viết) là sẽ đến vùng đất Đọi Sơn, nơi “vua đi cày”. Kể từ lễ hội “Tịch điền” đầu tiên ấy (mùa Xuân năm Đinh Hợi, 987, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7) đã mở ra một trang mới cho nền nông nghiệp nước ta, trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau thực hiện một cách trang trọng, thành kính.
- Không hiểu tác giả đã căn cứ vào nguồn sử liệu nào mà khẳng định ở vùng Đọi Sơn xưa có “loại lụa Châu Giang nổi tiếng khắp kinh kỳ”. Hơn nữa, anh còn đẩy trí tưởng tượng cho rằng đây chính là “cửa biển” và sông Châu chính là “con đường gốm sứ” một thời.
Theo sự nghiên cứu điền dã tại chính vùng Hòa Mạc, Đọi Sơn và tra cứu tài liệu công phu của các nhà thơ Hà Nam như Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Xuân Hưởng, Nguyễn Xuân Công… thì sự khẳng định trên là hoàn toàn không đúng thực tế. Sự thật là ở vùng Đọi Sơn xưa kia không có thứ lụa trứ danh đó và “cửa biển” cũng không có ở đây (Từ Đọi Sơn ra biển xa đến gần 100 km). Còn nói rằng sông Châu là “con đường gốm sứ” mà không có một cơ sở nào để chứng minh thì thật là một sự võ đoán. Ở huyện Duy Tiên có làng dệt cổ truyền nổi tiếng Nha Xá, xã Mộc Nam, nhưng nằm ở ven đê sông Hồng, phía cầu Yên Lệnh, cách xa Đọi Sơn hơn 10 km.
Tác giả N.Q còn hư cấu, tưởng tượng khi miêu tả các cô gái “…bóng chị, bóng em nhuộm vải bên bờ cỏ đón nắng trời, đón sương đêm để lại cho đời một loại lụa Châu Giang nổi tiếng khắp kinh kỳ”. Tại sao đang từ vải mà lại biến thành lụa được, vì công nghệ làm vải (nguyên liệu là bông kéo ra sợi) khác hẳn công nghệ làm lụa (nguyên liệu là tơ tằm) ?
- Ở gần thị trấn Hòa Mạc có xã Trác Văn, chứ không phải là xã Văn Trác và ở gần Đọi Sơn có thôn Lê Xá, chứ không phải là thôn Lệ Xá như N.Q viết. Do không am tường vị trí địa lý của một số nơi trong tỉnh Hà Nam nên tác giả đã viết sai nhiều địa danh. Không thể đứng ở Đọi Sơn thuộc huyện Duy Tiên “…nhìn về hướng Tây để bắt gặp làng quê thôn dã của Thi Sơn, Đồng Hóa…”. Hai xã này của huyện Kim Bảng, ở cách xa Đọi Sơn theo đường chim bay phải đến hơn 30 km. Vậy thì mắt thường làm sao có thể nhìn thấy được ?
- Trong bài bút ký còn có chi tiết chung chung“Người Hà Nam chẳng ai nỡ quên cái mùi “cơm chăm, mắm chườm” của vùng “rốn đỉa” quê mình” và “Lúa chăm râu đã chiếm lĩnh vùng chiêm trũng Hà Nam một thời, để trở thành đặc sản, mang lại tiếng tăm cho vùng quê”.
Theo chúng tôi biết: trước kia giống lúa chăm râu được cấy ở một số chân ruộng chiêm trũng của Hà Nam. Nhưng vì năng suất thấp, chất lượng gạo bình thường nên giống lúa này chưa bao giờ trở thành đặc sản của địa phương như N.Q viết. Nay thì chẳng có nơi nào cấy lúa chăm râu nữa. Còn “mắm chườm” thì chúng tôi chưa hề bao giờ nghe nói có thức ăn đó ở Hà Nam quê nhà. Chúng tôi rất nghi ngờ về tính chính xác của chi tiết ấy.
X
X                    x
Chúng ta đều biết, một trong những yêu cầu không thể thiếu của thể loại ký báo chí (bút ký, ký sự, phóng sự điều tra, ghi chép…) là phải bảo đảm sự chính xác, khách quan khi miêu tả nội dung sự việc, hiện tượng, kể cả tên đất, tên người…Nếu không đạt được điều này thì tác dụng của bài viết sẽ bị giảm sút, khiến bạn đọc nghi ngờ về nội dung tác giả thể hiện. Chính vì vậy mà chúng tôi thẳng thắn nêu ra một số hạt sạn nhầm lẫn, không chính xác trong bài của N.Q, nhằm rút kinh nghiệm chung cho các tác giả viết về lễ hội trong mùa Xuân Quý Tỵ này.
TP Phủ Lý ngày 16-3-2013
N.H.T