Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nón làng Chuông

Khiếu Quang Bảo
Thứ ba ngày 16 tháng 4 năm 2013 8:49 PM


Bút ký của
      Hình ảnh người phụ nữ thướt tha trong tà áo dài với chiếc nón lá bài thơ, hay đằm thắm trong tấm áo tứ thân cùng chiếc nón quai thao, không bao giờ mờ phai trong tâm thức mỗi người Việt. Nhưng chiếc nón lá cũng đồng thời theo chân những người phụ nữ bươn chải trên khắp nẻo đường bán buôn, hay lam lũ trên những cánh đồng cầy bừa gieo hạt trồng cấy. Và ngày nay chiếc nón còn lên cả những sàn diễn rực rỡ ánh đèn màu.
      Khách du lịch đến Việt Nam bỗng nhận ra, hình ảnh chiếc nón lá không chỉ là một thứ đội đầu che nắng che mưa nơi vùng nhiệt đới, mà còn là biểu tượng cho sự dịu dàng của người con gái Việt. Nữ nhà báo, nhà thơ Pháp Madeleine Riffaud, nữ diễn viên điện ảnh Mỹ nổi tiếng Jane Fonda, và bà Hillary phu nhân của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang thăm Việt Nam đi tới đâu cũng dùng một chiếc nón lá đội đầu, tươi cười thích thú để các phóng viên quốc tế chụp ảnh.
      Nước ta vốn là một nước nóng ẩm mưa nhiều, chiếc nón được tạo ra để tránh cái nắng chói chang mùa hè, để che cái mưa bất chợt.
      Từ xa xưa nón đã hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của người Việt Nam trong sự phát triển của lịch sử qua các thời đại, mà chiếc nón cũng có những biến đổi về kiểu dáng và chất liệu. Có thể phỏng đoán là thế này: Lúc đầu chưa có dụng cụ để khâu thắt, chiếc nón được kết đan bằng thảo mộc. Còn loại nón lá lợp khâu thì phải có sự ra đời của chiếc kim, tức là vào thời kỳ người ta luyện được sắt vào khoảng Thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Và bây giờ thì chiếc nón đã làm nên một “văn hóa nón”.
      Chiếc nón che nắng che mưa, không chỉ thế, nón còn làm đẹp cho người phụ nữ nhất là con gái, đẹp lên một cách tế nhị kín đáo có phần ma mị. Thử hình dung ra xem. Dưới vành nón, bất chợ bắt gặp đôi mắt đen huyền cùng  nụ cười xinh; đôi má lúm đồng tiền tròn khéo; rồi những sợi tóc mai cùng cái cổ trắng ngần của người con gái, dường như được tôn thêm nét quyến rũ diệu kỳ có phần huyền bí mà không biết đến từ đâu.
          Ra  đường nghiêng nón  cười cười
          Như hoa mới nở như người trong tranh
      Người nhà quê còn sáng tạo ra bao nhiêu công dụng nữa cho chiếc nón lá. Lúc nắng thì đội trên đầu. Khi gió thì lấy nón che. Nghỉ ngơi thì lấy nón lót ngồi. Khát thì dùng để vục nước. Lại những lúc ngủ ngồi thì úp lên mặt. Lúc cần có thể làm rổ đựng vài thứ đồ nhẹ mua ở chợ mang về cho mẹ.
        Dáng tròn vành vạnh vốn không hư
        Che chở bao la  khắp bốn bờ
        Khi đội  tưởng nên dù với tán
        Khi đi  thì nhạt nắng cùng mưa
        Che đầu bao quản lòng tư lự
        Giúp chúa nào quên nghĩa sớm trưa
        Vòi vọi ngồi trên ngôi thượng đỉnh
        Ai ai lớn nhỏ đội ơn nhờ
      Chiếc nón lá như là sản vật văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền. Ở nước ta ở cả ba miền cùng có những làng làm nón. Mỗi loại nón ở từng địa phương lại có sắc thái riêng. Nhưng nón làng Chuông vẫn là loại nón nổi tiếng nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nón làng Chuông đẹp dáng lại bền, từng là kỷ vật của bao cô gái bước lên xe hoa. Nghề nón có từ bao giờ và ai là ông tổ của nghề làm nón thì người dân làng Chuông cũng không tường. Nhưng ai cũng biết chiếc nón trắng mười sáu vành từng được làm vật phẩm cung tiến cho Hoàng hậu, Công chúa trong cung vua. Trải qua thời gian nhất là trong thời kỳ cả nước hội nhập, nghề làm nón ở làng Chuông ngày một phát triển, từ chỗ chỉ làm mặt hàng này phục vụ cho các bà các chị ở làng quê, nón Chuông nay còn là mặt hàng lưu niệm đối với du khách từ mọi phương xa đến với Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Làng Chuông huyện Thanh Oai tỉnh Hà Tây cũ nay sáp nhập về với thành phố Hà Nội, nón Chuông làm thêm lên một nét Hà thành.
      Làng Chuông cách trung tâm thành phố Hà Nội không xa, có 40 cây số. Làng Chuông còn giữ được nét đặc trưng của một làng cổ, chiếc cầu đá bắc qua con lạch rồi mới tới cổng làng. Chợ họp ngay gần cổng làng. Chợ vẫn là cái chợ ngày xưa xây cột vuông rộng dài bốn năm gian, mái lợp ngói mũi hài. Có những cây đa cổ thụ thả râu đung đưa như chiếc mành sợi treo mỏng thoáng. Chợ làng Chuông mỗi tháng họp sáu phiên, chỉ bán một thứ hàng duy nhất là nón lá. Cô phóng viên truyền hình Kênh VTC HD1 Mai Phương cho tôi một cơ hội đến với chợ Chuông, và cung cấp nhiều tư liệu về nó. Đến chợ vào ngày đúng phiên mới thấy hết được sắc mầu rực rỡ của một làng nghề truyền thống. Mầu trắng nón sáng lóa khắp nơi, tôn sắc hồng trên má các cô thôn nữ, cùng tiếng cười giòn tan, tiếng khoe hàng phát giá và mặc cả, những thứ đó hộn lại làm cho không gian chợ thêm náo nhiệt đậm đà bản sắc văn hóa chợ làng quê.
          Muốn ăn cơm trắng cá trê
          Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông
      Một ngày làm việc của một người thợ làm nón bắt đầu từ sáng tinh mơ. Khi mà vạn vật còn im ắng, khi tiếng gà trống chưa gáy dồn, họ đã chuẩn bị ra chợ. Người ra bán nón, người đi mua nguyên liệu, người đến mua nón. Chợ Chuông phiên chính, lại đang là mùa nón, nên người nào cũng tất bật. Mỗi năm chỉ có ba tháng: tháng năm, tháng sáu và tháng bảy là nón bán chạy nhất, có lúc nón làm ra không đủ không kịp để bán. Các vòng xe cứ lăn bánh trên đường đều đều mà cũng chẳng nhớ đây là chuyến hàng thứ bao nhiêu các chị các mẹ chở nón ra chợ bán. Cũng chẳng thể nhớ đây là chiếc nón thứ bao nhiêu các chị các mẹ làm ra. Chỉ  biết rằng nghề làm nón không là nghề của riêng gia đình ai, mà là nghề của cả họ hàng làng xóm của mỗi người từ trăm năm trước, ấy là nói đại thế, có ai biết đâu. Bánh xe của thời gian và tạo hóa có thể làm thay đổi nhiều thứ, làm phong phú thêm nhiều chủng loại nón, nhưng cái nghề làm nón với dân làng Chuông vẫn cứ mãi là cái nghề cái nghiệp của ông cha truyền lại.
      Nguyên liệu làm nón không nhiều thứ. Có lẽ đây cũng là một trong những lý do tại sao chiếc nón lại gần gũi với người Việt Nam. Ở nơi nào cũng vậy, muốn làm một  chiếc nón phải dùng lá của một loại cọ nhỏ mọc hoang, dùng sợị khâu nón là một sợi mềm và dai tước từ bẹ của cây móc. Ngày nay nhiều nơi người ta dùng sợi chỉ ni-lông khâu nón. Chỉ ni-lông sản xuất công nghiệp từ nhà máy tiện hơn, nhưng không bì được cái đẹp của sợi cây móc. Vòng khung thân và vành nón làm bằng tre. Tre chọn loại ống dài gác lên giàn bếp hong khói, vừa dẻo bền lại chống được mối  mọt. Nón chuông có mười sáu lớp vòng khung. Con số mười sáu là kết quả của sự nghiên cứu lựa chọn qua nhiều năm cho đến nay đã trở thành một nguyên tắc không thay đổi, tạo cho nón Chuông một nét thanh tú, cân đối với gương mặt người đội nón, không quá cũn chảnh mà cũng không sùm sụp. Nhưng làm nên vẻ đẹp của chiếc nón  chủ yếu lại nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của người thợ lợp khâu nên nó. Người thợ khâu nón được ví như người thợ thêu. Vòng nón được đặt lên khuôn nón đã mang hình hài chiếc nón. Khuôn nón làm bằng tre ngà già khắc sẵn các khe đặt vòng nón đồng tâm. Lớp lá nón đầu tiên xếp lên khuôn là lớp trong, lợp một lớp mo nang ở giữa, rồi phủ một lớp lá nón nữa lên trên là lớp ngoài. Xong, là đến công việc của người khâu. Khâu từ chóp xuống, từng mũi một thít chặt. Mỗi mũi khâu chỉ ước lượng thôi mà đều chằn chặn như đo. Những sợi móc dùng để khâu thường có độ dài ngắn khác nhau. Muốn khâu cho liên tục thì gần hết sợi nọ phải nối tiếp sợi kia. Cái tài khéo của người thợ làng Chuông là các mối nối sợi móc luôn được giấu kín. Nhìn vào mặt chiếc nón chỉ thấy tăm tắp những đường móc đi mũi khâu mịn màng. Sợi móc len theo mũi kim lên xuống qua mười sáu vòng nón, ấy là lúc chiếc nón duyên dáng đã thành hình. Vành nón dưới cùng được cườm dầy hơn, đặt một sợi guột viền màu nâu nhạt.
      Tầu lá nón khi mang về vẫn còn màu xanh nhạt. Xếp lên giàn tre đan mắt cáo, ở dưới đốt diêm sinh hun khói cho lá nón lên màu trắng toát, và cũng là để chống mốc. Sau đó những tầu lá nón được tẽ rộng, là phẳng bằng cách dùng một miếng sắt đốt nóng đặt lá lên rồi dùng một nắm rẻ vuốt cho phẳng cả hai mặt lá. Lửa nung miếng sắt phải vừa độ, nếu nóng quá lá nón sẽ ròn  mang màu vàng cháy. Nhiều nhà dùng chiếc lưỡi cày cũ để nung thay cho miếng sắt, bởi lưỡi cày bằng gang giữ nhiệt được lâu hơn mà không bị nung quá lửa.
      Trẻ con làng Chuông từ lúc bé thơ khi biết nhận mặt cha mặt mẹ, cho tới  khi nhận biết các hình khối xung quanh, thì cũng là lúc biết hình thù chiếc nón, biết cái khung làm nón, biết cái màu trắng tinh khôi của lá nón sau khi hong diêm sinh. Lớn hơn một chút thì chiếc nón lại gắn với hình ảnh người mẹ đi sớm về khuya ra đồng hoặc đi chợ, gắn với hình ảnh người bà cùng chiếc nón đưa cháu vào giấc ngủ trên chiếc chõng tre trưa hè. Rồi lớn hơn chút nữa chiếc nón có trong câu chuyện kể của ông.
      Ông kể về những chiếc nón quai thao ba tầm, kể về chiếc nón mà cả trong Nam ngoài Bắc đều biết tiếng. Trong lịch sử của làng Chuông không ghi rõ nghề làm nón có từ bao giờ, nhưng theo những người già trong làng kể lại, thì nghề làm nón trong làng có từ cách đây ba thế kỷ. Cũng không có một huyền sử nào gắn với cái nghề này. Chỉ biết cái nghề làm nón ở làng Chuông hiện diện mộc mạc cũng như những chiếc nón đang có ở đây vậy. Nón làng Chuông vào thời thịnh vượng nổi tiếng là chiếc nón thúng quai thao, mang tính nghệ thuật và là biểu tượng cho văn hóa đồng bằng Bắc Bộ.
          Ai làm chiếc nón quai thao
          Cho anh cứ thấy cô nào cũng xinh
      Theo lời các cụ, trước kia người ta phân nón thành ba loại chính: nón mười hay nón ba tầm, nón nhỡ và nón đấu. Nhìn chung thì nón đều có đặc điểm là vành rộng, phẳng tròn như cái mâm. Ở ngoài vành đều có đường viền tạo cho chiếc nón có hình dáng giống như cái chiêng. Ở giữa lòng có một vòng nhỏ đan bằng giang vừa đủ ôm khít đầu người đội. Nón này thường dùng khi đi chơi hội hay lên chùa. Nón đấu là loại nhỏ nhất và đường viền vòng quanh cũng thấp nhất.
      Trước kia người ta còn phân nón theo đẳng cấp của người dùng nón. Có nón cho nhà giầu hay quan lại. Có nón cho người già, nón cho trẻ em. Lại có nón lá rạ bền chắc che mưa che nắng cho người nông dân hai sương một nắng. Mỗi loại nón như thế mang hình dáng và kích thước khác nhau. Nhưng với người Việt Nam không chỉ là phương tiện che mưa che nắng mà còn trở thành một phương tiện ứng xử, trở thành một phần linh hồn của người Việt Nam. Phải chăng vì thế mà cái nghề làm nón cũng lắm công phu.
Những chiếc nón này được làm ra đặc biệt và cũng được sử dụng đặc biệt, nó như một nét đẹp của quá khứ truyền lại cho hậu thế. Câu chuyện về chiếc nón thúng quai thao là câu chuyện của xa xưa khi người ta đối đãi với nhau bằng câu hát. Còn bây giờ những hình ảnh đó chỉ còn trong bảo tàng văn hóa, trong các cuộc trình diễn nơi hội làng. Nó như một phần không thể thiếu của các liền chị quan họ, là đạo cụ nghệ thuật làm nên vẻ e lệ duyên dáng trong phim. Nếu coi quan họ là di sản của văn hóa Kinh Bắc, thì nón quai thao là một phần không thể thiếu trong đó. Nón quai thao chở nặng bao gửi gắm của từng câu hát và cái tình tứ của người quan họ. Chiếc nón như cộng hưởng với từng điệu hát đong đầy tình yêu và văn hóa của con người.
      Nón lá làng Chuông nổi tiếng đẹp bền và mũi khâu mềm mại. Có người gắn bó với nghề làm nón từ xa xưa thì biết tường tận lịch sử của ông cha kể. Nhưng không ít người không hiểu hết về chiếc nón mà chỉ coi đó là một món hàng hóa sinh lời. Người đến buôn bán cũng có, người tới xem vì tò mò cũng có. Được biết chợ làng nón Chuông sẽ được đưa vào điểm đến tham quan của khách du lịch khi tới Hà Nội, tới Việt Nam. Chắc lúc đó chợ Chuông sẽ đông vui hơn bây giờ, và nhiều người tới đây sẽ sắm vài chiếc hoặc cả tá nón về như một thứ quà kỷ niệm. Mà nay người ta đã thức thời sản xuất thành chuỗi nón từ nhỏ đến lớn kiểu như giàn đèn chùm, dùng treo trang trí phòng khách cũng như ở các quán bar.
      Để có một chiếc nón Chuông thì người làng Lựa chuyên làm khuôn, người làng Tràng Xuân chuyên vót vòng nón. Rồi lá nón cũng phải nhờ các mối hàng vào mua từ tỉnh Quảng Trị đưa về. Hóa ra từ sớm chứ đâu phải bây giờ con người mới biết phân công lao động chuyên môn hóa. Lá nón mang về có mầu xanh nhưng khi được hun diêm sinh và là phẳng lại có mầu trắng tinh. Làm nón không được thiếu chỉ thêu và cước hoặc sợi móc. Các cô các chị các mẹ mua nón về còn phải kiếm sợi len hoặc chỉ thêu màu đỏ màu xanh tùy theo sở thích, móc “dẻ mòi” để thắt quai nón. Quai nón thường dùng lụa hoặc nhiễu gấm thắt hình nơ hai đầu trông rất điệu đà. Công phu như thắt cà-vạt. Người làm nón phải trải qua ba bốn bước mới sinh thành ra được một chiếc nón. Mỗi độ vào mùa nón thì cả nhà được huy động để làm nón. Cả làng lao vào làm nón.
          Nón này là nón u mê
          Nón này là nón đi về che chung
      Cuộc sống hiện đại ngày nay người ta dùng mũ vải cho gọn hoặc dùng ô. Dù thế nào đi nữa cuộc sống ở làng Chuông vẫn vậy, nón vẫn được đưa ra chợ đi tới mọi miền đất khác. Nó có thể cùng người nông dân che nắng che mưa, làm duyên làm dáng cho các cô thôn nữ, hay lung linh cùng các điệu múa của các diễn viên trên sân khấu nhà hát, hoặc theo tay một người khách du lịch ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Để từ đó gợi nhớ cho họ về một vùng đất cùng những con người mà họ đã đi qua.
      Không thể biết được chiếc nón kia sẽ đi đâu về đâu khi bước ra khỏi cái cổng làng Chuông. Nhưng có một điều ai cũng biết, là trong mỗi chiếc nón có tình cảm của mỗi người dân làng Chuông cùng một nét đẹp của nghề truyền thống đặc trưng. Mỗi chiếc nón là nơi lưu giữ niềm đam mê của nhiều thế hệ dày công gìn giữ. Dù cuộc sống có đổi thay thế nào thì chiếc nón vẫn gắn bó với mỗi người một thời gian rất dài nữa. Có thể trong đời sống người thành phố hình ảnh chiếc nón lá chỉ còn để làm duyên làm dáng, hoặc chỉ còn trong kí ức, thì ở vùng quê, chiếc nón lá vẫn gần gũi như một chốn tìm về hình ảnh dân tộc.
          Nón này che nắng che mưa
          Nón này để đội cho vừa đôi ta
      Chẳng thế mà chiếc nón không thể thiếu trong trang phục truyền thống cùng với tà áo dài thiếu nữ. Chiếc nón trong những bức ảnh nghệ thuật triển lãm quốc tế về người phụ nữ Việt. Các cuộc thi “Duyên dáng Việt Nam” mà thiếu những chiếc nón lá thì đâu còn duyên dáng nữa. Và một thời du lịch Việt Nam đã dùng hình ảnh “Cô gái cười tươi dưới vành nón che nghiêng” làm biểu tượng cho du lịch Việt đó sao.Chiếc nón cũng còn theo các mẹ các chị trên vai gánh hàng rong rong ruổi ra chợ mỗi ngày.