Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bình thơ "Lời đứa trẻ hỏi bố " của Hoàng Lập

Lê Lanh
Thứ ba ngày 16 tháng 4 năm 2013 8:52 PM

LỜI ĐỨA TRẺ HỎI BỐ

-Bố ơi !Trên cao nhìn xuống
Nhà mình có  thấy được không ?

-Từ nóc nhà kia nhìn xuống
Sẽ thấy mọi người rất lùn
Nhà mình cũng thành nhỏ lại
Ô tô thì toàn xe con

Trên tòa tháp kia nhìn xuống
Người bé như bộ siêu nhân
Nhà mình nhỏ bằng cái hộp
Xe giống đồ chơi của con

Ngồi trên máy bay nhìn xuống
Người như là cái chấm thôi
Nhà mình bao diêm bé tẹo
Ô tô như bộ đồ chơi…

-Bố ơi ! Thế mẹ trên trời
Còn nhình thấy con không bố ?
                   Hoàng Lập

LỜI BÌNH CỦA LÊ LANH: Ở mỗi gia đình, trẻ muốn khám phá cuộc sống thường hỏi bố. Có lẽ khi, ở nhà bố rảnh việc hơn. Trong bài thơ, khởi sự của vấn đề là đứa trẻ hỏi bố: Từ trên cao nhìn xuống,có nhìn thấy nhà mình không. Con thì hỏi một cách chung chung. Nhưng bố thì trả lời con một cách cụ thể, theo ba cự ly. Từ nóc nhà, từ tòa tháp và từ trên máy bay. Cự ly tầm nhìn  cao dần, người và vật bên dưới nhỏ dần. Cách trả lời của ông bố rất cụ thể, từ ngữ và hình ảnh đồ vật cũng rất phù hợp với trẻ nhỏ. Thế là ta đã được thưởng thức một bài thơ về chủ đề thiếu nhi.nhi đồng .
Đọc lần đầu, tôi nghĩ là như thế. Đêm ngủ, chợt như có người đến mách bảo: Ông hiểu bài thơ như vậy là chưa đủ đâu. Mới chỉ gãi qua làn da non của nó thôi. Chột dạ, tôi mở bài thơ đọc lại. Hóa ra, vấn đề là ở hai câu cuối cùng: “Bố ơi ! Thế mẹ trên trời/ Còn nhìn thấy con không bố ?” Ơ hay ! Từ đầu bài chỉ thấy có bố và con, cuối cùng đứa trẻ lại nói mẹ ở trên trời nhìn xuống…Tôi nghĩ, bài thơ còn một lớp nghĩa dành cho người lớn. Ba cự ly tầm nhìn tỷ lệ nghịch với kích cỡ người và đồ vật. Ba cự ly…chỉ là tượng trưng, nên hiểu là ở nhiều khoảng cách khác nhau. Các loại đồ vật nhà, xe… có thể hiểu là những ẩn dụ về con người. Tác giả đã cho ta nhận biết một hiện tượng xã hội thường diễn ra trước mắt có lẽ cái mốc rõ nhất là từ khi xã hội loài người phân chia giai cấp: Người ở đẳng cấp trên nhìn kẻ ở dưới là tầm thường. Ở đẳng cấp càng cao nhìn kẻ ở dưới thấp càng tầm thường, càng nhỏ bé. Càng ở trên cao càng xa lạ, càng không hiểu nổi kẻ ở dưới thấp. (Hiểu khái niệm đẳng cấp không chỉ bó hẹp ở địa vị xã hội mà bao gồm mọi mặt trong đời sống: Tri thức, học vị, cấp học, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức văn hóa, chuyên môn ,tuổi tác… Đại loại là ở đâu có sự cao, thấp… Còn cao thấp như thế nào ta chưa bàn tới. Đã nhìn nhau bằng con mắt xem thường, xem khinh rồi sẽ nẩy sinh ra chuyện lợi dụng,hành hạ,móc túi…nhau. Lý trưởng thì hành dân. Chánh tổng hành lý trưởng, Tri huyện, tha hồ mà ăn của lót của chánh tổng…Trên đầu dân hỏi có bao nhiêu tầng… “Bố ơi ! Thế mẹ trên trời/ Còn nhìn thấy con không…” Đó là tiếng kêu cứu của những người dân đen. Chẳng biết các bậc vua chúa ở trên thiên đình cao xanh có thấu !
Thế mới có chuyện Khang Hy vi hành…
Bài thơ có tính nhân văn cao, một lời vang vọng, lắng sâu vào trái tim con người: Xin hãy lấy dân làm gốc