Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đến Phú Quốc, xem và ngẫm

Nguyễn Khắc Phê
Thứ hai ngày 22 tháng 4 năm 2013 5:30 AM

 
Nếu chỉ kể các đảo lớn, thì Phú Quốc (PQ) là hòn đảo xa nhất về phía Tây Nam Tổ Quốc. Chưa nói đến các bạn ở phía Bắc, từ Huế, muốn đi PQ cũng phải lên tàu xuống xe mấy lần, “hết ngày dài lại đêm thâu”, lại phải đặt “tua” trước mới có đủ vé bay đúng ngày giờ của mình, nhiêu khê như đi… nước ngoài vậy! Đó là chưa nói đến khoản “đầu tiên” - cái túi tiền cũng phải dày dày, ít ra cũng bằng chuyến đi Quảng Châu –Thâm Quyến hay đi xứ sở của Áp-xa-ra…
Vậy nên, anh em văn nghệ sĩ Huế khao khát đến miền “Đảo Ngọc” ấy nhiều năm rồi mà đành bó tay. Thế mà tình cờ, tôi đã được “gặp” PQ ngay bên bãi biển Thừa Thiên Huế!

Hôm đó, giữa những ngày cả nước hướng về biển đảo, một nhóm nhà báo già ở Huế sinh hoạt trong tổ chức mang tên khá sang trọng là “Câu lạc bộ nhà báo cao tuổi”, do nhà thơ-nhà báo Vĩnh Nguyên, từng khoác áo Hải quân dẫn đầu, hăng hái tiến ra… biển Đông. Nói cho oai vậy, chứ Hội Nhà văn Việt Nam bao nhiêu người đăng ký đi Trường Sa, vừa rồi cũng chỉ “tuyển” được một nhóm 7 người; biết phận tuổi già, tiền lại ít, thôi thì về bãi biển Tân Mỹ (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền) ngóng ra Hoàng Sa-Trường Sa. Tuy chẳng làm được chi, nhưng ít ra cũng như những người đàn bà làng chài ven biển miền Trung ngày đêm vọng biển, lo cho bầy “tàu lạ” hung hăng cướp nguồn sống, lăm le đâm chìm tàu thuyền đánh cá của chồng con mình, chúng tôi bày tỏ nỗi lòng mình với Hoàng Sa đã bị “cướp trắng” và Trường Sa đang bị đe dọa từng ngày, tưởng nhớ những chiến sĩ hải quân đã hy sinh trong hai trận quyết chiến bi tráng năm 1974 và năm 1988. Phải, quả là chẳng làm được chi, nhưng như thế còn hơn những người chẳng biết vì nguyên cớ gì, suốt hàng mấy thập kỷ, hầu như đã “quên” những miền đất Tổ quốc thiêng liêng ngoài biển xa! Gần đây, thì hình như vẫn còn những người rất ngại nhắc đến Hoàng Sa, như thời xưa sợ phạm “húy” vậy!...
Tưởng là chỉ ngồi vọng biển cho lòng đỡ bức bối, không ngờ trên bãi Tân Mỹ ấy, tôi được gặp một người lính từng trải qua những cuộc chiến sinh tử tại một hòn đảo xa - xa hơn cả Hoàng Sa, Trường Sa. Phải, nếu tính theo đường bay từ Huế, đi đảo PQ xa gấp đôi ra Hoàng Sa. PQ nay là vùng đất bình yên, là điểm đến của nhiều khách du lịch quốc tế, nhưng hơn bốn chục năm trước, một cuộc chiến đặc biệt ở đây còn ít được nhắc đến…
Người cựu binh đó là anh Phan Trai nguyên Trưởng Phòng Văn hoá-Thông tin huyện Quảng Điền. Nghe tin các “cụ” nhà báo Tỉnh về Tân Mỹ, anh phóng hon-đa từ Sịa, về chơi với chúng tôi cho vui. Tình cờ hỏi “chức vụ” anh sau khi về hưu, lần đầu tôi biết cuộc đời anh như là một pho tiểu thuyết. Nghe anh nhắc đến chức “Phó Chủ tịch Hội Người tù yêu nước”, hỏi thêm, mới biết anh đã bị tù ở PQ. Năm 1973, theo Hiệp định Paris, anh được trao trả cho “Mặt trận” tại Lộc Ninh, ra Bắc theo đường Hồ Chí Minh, nghỉ an dưỡng ở Quảng Bình, năm 1974, lại trở về Thừa Thiên tiếp tục chiến đấu...
- Ở tù ra, anh có bị nghi ngờ, theo dõi chi không?
- Không! Trong tù có tổ chức Đảng và liên lạc với cả cơ sở bên ngoài, nên ai thế nào đều biết, trừ số “hồi chánh”. Như tôi, tổ chức biết tôi bị bắt khi đang chiến đấu , lại có danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” nên đã cử tôi làm Bí thư chi bộ…
Mấy năm ở tù, không biết bao nhiêu là thử thách khốc liệt. Chỉ nghe anh kể một lần tra tấn mà rùng mình: Chúng cho tù nhân chọn cách bị trùm mền nhận xuống nước sôi hay túm hai tay vào cây lồ ô đã chẻ tước ra, leo lên rồi tuột xuống. Nhìn ống lồ ô sau khi chẻ ra, chẳng khác chỉ một bó dao sắc ghép lại, thật ghê cả người, nhưng chọn cách này, may ra thoát chết. May mắn hơn cho anh là đang lúc anh bị tra tấn thì có Đoàn Hồng Thập tự quốc tế đến…
Anh Trai ngửa bàn tay. Vết sẹo bị mảnh lồ ô xé toạc da 40 năm trước vẫn còn đây!
Tôi đã gặp anh Trai mấy lần. Vậy mà hôm nay mới biết người cán bộ văn hoá hiền lành, với dáng người thấp đậm, khuôn mặt hiền lành vui vẻ ấy đã sống như một anh hùng. Cũng thật bất ngờ khi nghe anh Trai nói: “Đồng chí Trương Tấn Sang cũng ở tù PQ dạo đó. Đồng chí ở trong “Đảo uỷ”…Năm ngoái, ra thăm lại PQ, anh em mới có dịp gặp nhau. Đồng chí Nguyễn Văn Quang, nguyên Bí thư Thành ủy Huế cũng từng bị tù ở PQ…”
Câu chuyện của anh Trai bên bãi biển Tân Mỹ đã giúp tôi hiểu phần nào một giai đoạn lịch sử đặc biệt của PQ. PQ là đảo lớn nhất Việt Nam và cũng là nơi có nhà tù lớn nhất Việt Nam, gần 4 vạn tù binh quê ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong nước đã bị giam ở đây! Cuộc chiến của 4 vạn con người không 1 tấc sắt trong vòng dây kẽm gai còn ít được nói đến, có lẽ vì một thời chúng ta chỉ chú ý việc tuyên truyền cho chiến thắng mà quên những số phận không may đã lấy thân mình lót đường đến đỉnh vinh quang, dù họ không là liệt sĩ thay thương binh.  
Như thế, cũng có thể coi như tôi đã được “đến” PQ. Và PQ không còn là đảo xa nữa…   
***
Quả là “cầu được, ước thấy”! Chỉ ít ngày sau khi nghe chuyện PQ trên bãi biển Tân Mỹ, tôi may mắn có tên trong danh sách đi PQ, do Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế tổ chức theo chương trình viết về “Biển đảo quê hương”. Gọi là “may mắn”, vì tôi là người cao tuổi nhất được “chấm” coi như đủ sức nhập đoàn! Tuy chẳng phải vượt trùng khơi sóng gió như ra Trường Sa, nhưng người yếu… thần kinh chưa hẳn đã chịu nổi. Đi tàu hỏa hơn nửa ngày và suốt 1 đêm, tàu chậm hơn 1 giờ, hồi hộp lo lỡ chuyến máy bay ra đảo đã mua vé trước; khách đi PQ khá đông, máy bay nhỏ, ngày 5-6 chuyến vẫn hết chỗ; đến nơi, chưa kịp “định vị” chỗ ở mới, đã lo lên xe đi thực tế! “Cấp tập” như thế cũng do nhà… nghèo, đỡ một đêm ngủ khách sạn là giảm được nửa triệu đồng. Đến với nơi gọi là PQ, là “Đảo Ngọc” mà theo kiểu con nhà nghèo thì kể cũng… vui; vui vì không có tiền bay từ Huế vào, nên anh em suốt đêm trên tầu hỏa tha hồ chuyện trò, lại chọn đi PQ mùa ít khách nên được ở loại biệt thự ngay sát bờ biển như… đại gia vậy; cũng vui vì khỏi lo tính mua quà gì về cho vợ con cả, mặc dù PQ nổi tiếng với đặc sản nước mắm, hồ tiêu, ngọc trai…   
Tác giả Trương Thanh Hùng trong một cuốn sách viết về PQ (“Văn hoá dân gian đảo PQ”, NXB Phương Đông, 2008), sau khi giải thích “PQ có nghĩa là một quốc gia, một nước giàu có”, lại viết rằng “tên gọi này khó có thể xuất hiện dưới vương triều của Gia Long vì triều đình không thể chấp nhận việc có “một nước trong nước”…”
Việc kiểm chứng tên PQ xuất hiện lúc nào đành chờ các nhà khảo cổ và nghiên cứu lịch sử. Chỉ biết với diện tích gần bằng nước Singapor, hình thế, sản vật, tài nguyên phong phú như thế, nếu có ai đó, vào một lúc nào đó gọi PQ là một “nước” cũng không phải là quá đáng. Biển hào phóng đã đành, mà PQ còn có cả một khu rừng nguyên sinh mênh mông với những cây cổ thụ như giữa đại ngàn Trường Sơn! Vì thế mà lịch sử mấy trăm năm qua của PQ đã ghi không biết bao lần bị bọn hải tặc và một số nước lân bang kéo vào cướp phá. Nguyễn Ánh và Tây Sơn-Nguyễn Huệ cũng đã có mấy cuộc thư hùng ở đây. PQ cũng là căn cứ địa chống Pháp của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực cho đến lúc ông bị hành hình (ngày 27/10/1868)… Rồi trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, PQ đều có những sự kiện ở tầm quốc gia. Không chỉ đến thời chống Mỹ, Trại tù binh khổng lồ ở PQ mới được quốc tế chú ý; từ năm 1950, thực dân Pháp cấu kết với Mỹ đưa đến PQ trên 30.000 tàn quân Quốc dân đảng của Trung Hoa. Cư dân trên PQ hôm nay có người là hậu duệ của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, cũng có người là con cháu tàn quân Quốc dân đảng Tàu Tưởng, lại có không ít người từng là lính ở hai bên chiến tuyến, hết chiến tranh, ở lại làm dân PQ…
Chỉ riêng đặc điểm về dân cư, PQ đã là một vùng đất độc đáo. Thật tiếc là trong khi “tiền nhân” đã biết nhìn ra sự “đắc địa” của PQ từ lâu thì chúng ta đã chậm nhìn thấy lợi thế của biển đảo, trong đó có PQ. Nếu tôi không nhầm, thì đã có một thời gian dài, hòn đảo được nhắc nhiều nhất là Cồn Cỏ tiêu biểu cho vùng đất thép anh hùng giới tuyến và Côn Đảo - một “địa ngục trần gian” với kỳ tích “Vượt Côn Đảo” mà nhà văn Phùng Quán đã miêu tả! Chúng ta chậm chân, nên ngày 14/3/1988, mất thêm đảo Gạc Ma ở Trường Sa và 64 chiến sĩ hải quân đã phải nằm lại mãi dưới đáy đại dương; còn ở PQ thì những kẻ “nhanh chân” là “giặc nội xâm” - theo đúng cách gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh - từ năm 2003-2004, những kẻ cầm quyền thoái hóa đã thi nhau chiếm những mảnh đất ngon lành ở PQ, vị Chủ tịch PQ có đến 34 lô đất! Tỉnh ủy Kiên Giang đã kết luận những vụ cướp đất ở PQ là sai phạm rất nghiêm trọng! Vậy mà trước ngày chúng tôi ra PQ (20/8/2012), một số báo lại lên tiếng cảnh báo “PQ đang bị băm nát!”
Có dịp dạo ngang dọc PQ suốt  mấy ngày, quả là tôi đã thấy không ít đoạn đường ngổn ngang đất đá, cây cối, nhà dân bị phá đổ, nhiều đám đất ven bãi biển “ngon lành” đã bị rào chắn với duy nhất một lều tranh ở giữa để “xí phần”; nhưng thật may là không phải tất cả PQ đã bị “băm nát”. Khu rừng nguyên sinh hầu như còn nguyên vẹn, sông suối chưa bị ô nhiễm, chùa Cao, Dinh Cậu, các cửa sông vẫn là thắng cảnh được du khách ưa thích...PQ còn là địa phương “cấp huyện” đầu tiên trong cả nước có bảo tàng tư nhân  mang tên “Cội nguồn” - một tòa nhà 5 tầng hoành tráng, trưng bày đầy đủ các giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển của PQ với khá nhiều tư liệu gốc.
Chỉ tiếc “Trại giam tù binh Phú Quốc”, nơi giam giữ tù binh đối phương lớn nhất của chính quyền miền Nam từ năm 1967-1973, khu trại khổng lồ rộng khoảng 400 héc-ta, gồm hơn 500 căn nhà lợp tôn, bịt bùng đủ lớp hàng rào thép gai đã bị phá bỏ hết sau năm 1975. Không còn giữ được nguyên gốc một phòng giam hay một dụng cụ tra tấn nào, hiện vật duy nhất còn lại là những chiếc đinh dài đóng vào chân, tay tù binh, được tìm thấy khi khai quật các ngôi mộ liệt sĩ. Cũng thật là muộn màng, mãi đến sau năm 1993, khi tỉnh Kiên Giang công nhận đây là một Di tích lịch sử, công việc phục dựng một khu nhà giam với các mô hình “chuồng cọp thép gai” và các cực hình khác mà hàng vạn tù nhân ở Phú Quốc phải chịu đựng mới được bắt đầu.
Công việc “làm mới” một trong 12 khu trại giam PQ đã hoàn thành. Lần theo từng gian trong khu nhà giam, tôi lại nhớ đến anh bạn Phan Trai. Không biết anh đã bị đày đọa nơi nào? Có điều bất ngờ là trong phòng trưng bày tranh ảnh và các mô hình dụng cụ tra tấn, tôi lại “gặp” một người quê ở Thừa Thiên Huế: Tượng anh Trần Long (tức Trần Lời, Trần Văn Hải) ngày 20/7/1969, bị địch dùng hai tấm ván và bu-lông kẹp chặt cho đến chết! Cạnh đó là một chiến sĩ quê Nghệ An trong một cực hình khác…
Lịch sử đã sang trang. Hơn bốn mươi năm đã qua từ những năm tháng đau thương đó. Liệu có nên nhắc lại những nỗi đau? Để trả lời nỗi băn khoăn đó, xin dẫn lời thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam; trong “Lời giới thiệu” cuốn “Trại giam tù binh Phú Quốc - Những trang sử đẫm máu 1967-1973” xuất bản lần đầu năm 1995, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tái bản 2012 của tác giả Trần Văn Kiêm (một cựu tù binh Phú Quốc), ông  đã viết những lời thống thiết:
“Hỡi bạn bè và đồng chí, hỡi các tầng lớp nhân dân cả nước, các bạn thanh niên đang xây dựng cuộc sống hôm nay, hãy đọc và ngẫm nghĩ tập sách này, một khía cạnh nhỏ mà lớn của lịch sử đất nước…”
Quả là thật đáng “ngẫm nghĩ” trước sự tàn bạo ghê rợn ở Trại giam PQ. Chúng ta cảm phục trước tinh thần bất khuất của những chiến sĩ đã chiến thắng mọi sự đày đọa, tra tấn nhưng đồng thời nhận ra một điều thật đau lòng: kẻ địch tàn bạo đó cũng máu đỏ da vàng, cũng là con của mẹ Việt Nam! Thì ra, một chế độ chính trị phản động có thể biến con người thành dã thú, coi mạng sống của đồng bào mình như cỏ rác!
  Đó là chưa nói đến một hình thức “tra tấn” đặc biệt, tuy không thể hiện được bằng mô hình vật chất ghê sợ, nhưng có khi còn làm đau đớn nhiều tù binh hơn, đau đớn cả đến con cháu họ, ngay cả khi họ đã được trở về gia đình. Đó là âm mưu “cưỡng ép chiêu hồi”, lập “Trại tân sinh hoạt” mua chuộc và chia rẽ. Trong cuốn sách đã dẫn, ông Trần Văn Kiêm cho biết địch dựng lên các đội trật tự cùng với quân cảnh kềm kẹp, đánh đập dã man, ép buộc người tù chiêu hồi về với “Việt Nam cộng hòa.” Cuộc khủng bố ác liệt ở Trại D6 giữa năm 1970 được ông kể lại:
“… Hoàn cảnh anh em hết sức khốn quẫn. Nhiều người ban đêm khóc thầm, sợ chịu không nổi đòn roi, tiếp tục phải đi vào khu tân sinh hoạt. Chỉ khóc ban đêm chứ không dám khóc ban ngày, sợ bọn trật tự bắt gặp sẽ bị đánh đập. Bức bách quá, một số người tự tử để khỏi mang tiếng phản bội. Anh Hoàng quê ở Củ Chi tự mổ bụng lôi ruột gan ra và ngã xuống chết. Một anh quê ở miền Trung dùng miểng chai cứa cổ nhưng anh em cứu được. Có 3 anh, vào lúc 9 giờ sáng, chạy ra đứng cạnh hàng rào dây kẽm gai kêu tên lính gác bảo bắn chết các anh đi. Các anh mắng chửi khiêu khích nó. Nó nổ súng thẳng vào 3 người làm hai người chết tại chỗ…”
Cũng theo ông Trần Văn Kiêm, có khoảng 5000 người đã bị ép vào khu “Tân sinh hoạt”, dù họ không có ý phản bội cách mạng.
Như thế, sau những cuộc “tra tấn” cân não khốc liệt chọn chỗ đứng bên ranh giới “địch-ta” ấy, 5000 con người dù được tự do trở về với vợ con, cũng phải sống nhiều năm tháng trong sự dằn vặt và cả sự nghi ngờ của đồng đội, đồng bào quê hương! Ôi! Cái “ranh giới” như là vô hình mà sâu hiểm ấy, do những điều kiện lịch sử, địa-chính trị cụ thể và phức tạp, thực ra đã hiện hình từ lâu trên cả dãy đất Việt suốt gần thế kỷ qua, khiến cả dân tộc ta phải chịu bao thua thiệt và đau đớn, khiến bài học “đại đoàn kết” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao sau Cách mạng Tháng Tám vẫn luôn phải nhắc nhớ, cho đến tận hôm nay…
Đúng như tướng Trần Văn Trà đã viết, sau buổi thăm di tích Trại giam PQ, rồi đọc những “trang sử đẫm máu” ở đây, tôi cứ “ngẫm nghĩ” mãi. Cái nỗi đau khôn tả của hàng vạn con người từ hầu khắp đất nước bị dồn về nơi “địa ngục trần gian” ngay chính trên hòn đảo đầy tiềm năng trở thành “thiên đường” khiến ta càng căm giận lũ giặc “nội xâm” đã gặm nham nhở những mảnh đất “vàng” nơi đây trong những năm qua và thêm khát khao mong đến ngày PQ thật sự “cất cánh”. 
***
Mấy ngày ở PQ, tôi luôn quan tâm đến việc “định vị”;  trước hết, vì giữa mấy lớp biệt thự lô nhô xếp san sát trên một sườn đồi đầy cây cảnh ven các lối đi uốn lượn rất thơ mộng, nhưng khách cũng rất dễ…nhầm phòng, nhất là khi đầu óc đang đuổi theo những ý thơ, nét nhạc hay lơ mơ vì tí “hơi cay” sau lúc dạo chợ đêm để biết món ăn chế biến từ thủy sản của PQ phong phú đến mức nào. Không may, gõ cửa nhầm phòng các ông Tây bà đầm thì …rách việc! Đó chỉ là chuyện vặt vui vẻ, sự lạc hướng đáng kể hơn là nhiều lúc không nhận ra đâu là Đông-Tây-Nam-Bắc. Cũng vì dân Việt ta, trong tiềm thức sâu thẳm, đã nghĩ đến đảo, tất nhiên là hướng biển Đông. Nhưng PQ lại ở biển Tây, nên có lúc hướng ra biển, nhưng trước mặt lại là phía Tây! Cái vị trí địa lý đặc biệt đó cũng là lợi thế của PQ, nhất là với bà con ngư dân, mùa nào cũng ra khơi được. Khi bên phía Đông biển động, thì cho thuyền chuyển sang phía Tây. Có lẽ nhờ thế mà biển PQ có nhiều cá cơm và nước mắm PQ trở nên một thương hiệu nổi tiếng.
Có phải vì muốn giúp du khách dễ “định vị”, khách đến PQ được phát liền một bản đồ, mặt trước là toàn cảnh PQ khá chi tiết, mặt sau là bản đồ Việt Nam với đầy đủ hệ thống giao thông từ nội địa đi các hải đảo.
 Một chiều, sau khi thăm cảng An Thới ở cực nam PQ về, trong cảm hứng “bình an” và “thơ thới” nơi biển lặng đầy tôm cá, tôi mở tấm bản đồ để “định vị” lại nơi mình vừa đến. Có lẽ chưa bao giờ tôi “ngắm nghía” hình hài đất nước mình mê mải như thế! Ôi chao! Quả là “rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu”! Và thật là thú vị khi lần theo các tuyến giao thông đường thủy kết nối bằng những chấm xanh, từ PQ về Hà Tiên, Rạch Giá, rồi các đường bay kết nối bằng những chấm đỏ từ PQ đi TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội. Tầm mắt đang hào hứng hướng lên phía Bắc, chợt ngưng lại ở Hoàng Sa, xốn xang như chạm phải một nỗi đau âm ỉ, không thể bịt lại, không thể quên đi. Gang tay đo thử trên bản đồ, thấy quần đảo Hoàng Sa chỉ cách Huế bằng quãng từ Huế đến Qui Nhơn, các vua nhà Nguyễn đã cho quân lính ra đem về nhiều sản vật quý từ mấy trăm năm trước, vậy mà nay biệt lập với với đất liền Tổ Quốc! Trong khi đó thì trớ trêu thay, từ Trung Quốc lại có đường bay ra Hoàng Sa và từ Đài Loan có đường bay ra đảo Ba Bình (Trường Sa). Vì chúng ta đã bị mất hai vùng đất ấy từ mấy chục năm trước. Đảo Ba Bình bị chính quyền Đài Loan chiếm trái phép ngày 20/5/1956, còn Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm ngày 19/1/1974. Hai vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ Quốc bị cướp trắng mà hình như không một mẩu tin nào được đăng trên các tờ báo lớn ở miền Bắc, sách giáo khoa môn lịch sử càng không nhắc đến! Chỉ vì thời đó, Hoàng Sa và Ba Bình thuộc quyền quản lý của Chính phủ “Việt Nam cộng hòa”!
Dân tộc ta từng trải nỗi đau vì cái ranh giới “Vĩ tuyến 17” chia cắt đất nước hai chục năm cùng với cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa “hai phe” đã làm biết bao gia đình ly tán, chia rẽ. Có thể nói, sự “bỏ quên” cả mấy chục năm hai vùng đất Tổ quốc ở biển Đông bị xâm chiếm là di họa của sự nhầm lẫn đặt ý thức hệ trên Tổ quốc thiêng liêng, một nỗi đau đến nay mới thật thấm thía. Thì ra chính trị, phe phái chỉ nhất thời và luôn thay đổi, còn Tổ quốc thì trường tồn! Sự tỉnh ngộ này liệu có muộn quá không?...
Đêm ấy, trong căn biệt thự số 176 của Khách sạn “Sài Gòn-Phú Quốc”, chăn ấm, nệm êm mà tôi mất ngủ. Rồi mơ thấy những đường bay chấm chấm đỏ nối liền Huế-Hoàng Sa, Hà Nội-Hoàng Sa, Đà Nẵng-Hoàng Sa, Sài Gòn-Hoàng Sa, những đường cong đỏ tươi tạo hình nan quạt trên bản đồ trông thật ngoạn mục…
Tỉnh dậy, kể lại giấc mơ với bạn, liền bị cười chê:
- Ông già lẩn thẩn rồi! Còn lâu ông ơi! Không chừng nó còn ngoạm hết cả Trường Sa đó!           
Ờ, 74 tuổi, già rồi; lại lẩn thẩn nghĩ: Thằng đế quốc tư bản xấu xa còn nhớ trả lại Hồng Kông, Ma-cao cho “Trung Cộng”, chúng ta là đồng chí “bốn tốt” với “16 chữ vàng”, sao lại không tin có ngày “các đồng chí” sẽ trả lại Hoàng Sa, Gạc Ma cho ta?
Nghe vậy, bạn tôi lại cười, bảo:
- Ông cứ ngồi đó mà chờ! Trừ phi “Trung Cộng” biến thành tư bản như Anh quốc!
Tôi cũng bật cười. Nhưng mà đau. Đau thật chứ, PQ xa thế mà nay đang ở dưới chân mình, còn Hoàng Sa trông gần vậy mà hóa ra xa vời!
***
Khi tôi viết những dòng này thì một hội nghị xúc tiến việc thực hiện quy chế vùng lãnh thổ đặc thù cho PQ vừa được tổ chức và Cảng Hàng không quốc tế PQ vừa được khai thông trước thềm năm mới 2013. Thế là từ nay những chiếc máy bay cỡ lớn từ nhiều miền đất trong nước và quốc tế mang theo mỗi chuyến vài trăm, chứ không chỉ 6-7 chục người như trước, sẽ dễ dàng đến với PQ. Vấn đề là PQ muốn đủ sức hút để trở thành một điểm “hội tụ” thì không chỉ có hạt tiêu, nước mắm, ngọc trai… – dù đó là đặc sản PQ, cũng không chỉ nhằm thu hút du khách bởi những nơi nghỉ dưỡng “an thới” đầy đủ tiện nghi như… Tây, cũng không nên biến PQ thành một “Ma-cao” thứ hai, mà PQ phải trở nên một đô thị xanh, hiện đại, mỗi công trình, mỗi vườn hoa, mỗi con đường…đều thể hiện được những sắc thái, những giá trị văn hoá tiêu biểu của Việt Nam.
Tưởng đến ngày vui ấy, tôi như thấy ranh giới của PQ được “Trời cho” rộng mở mãi theo những đường bay ngày một vươn xa với tấm lòng hiếu khách, với tình hữu nghị, hòa bình, chứ chẳng cần “bành trướng” tham lam kiểu “lưỡi trâu”, “lưỡi bò” chi đó cùng lũ lượt hạm tàu đen ngòm họng súng như ai…
Hy vọng là sau những lầm lỡ, chậm trễ, ngày vui ấy không còn xa nữa; và lúc đó, PQ sẽ trở nên gần gũi không chỉ với người Việt Nam…