Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Đôi lời cùng nhà báo-đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn

Phùng Thành Chủng
Chủ nhật ngày 12 tháng 5 năm 2013 4:36 PM

Qua bài “Đọc lại “99 khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy” của đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, nhằm trao đổi với bài viết: “99 khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy đòi hỏi người đọc phải có rất nhiều “kiến văn” của tôi, để tránh sự hiểu lầm về phía bạn đọc, tôi xin được có đôi lời cùng đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn như sau:
1. Đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn viết:
“Song tôi nghĩ đó không phải là những điều kiện tiên quyết, và hơn nữa, nếu chỉ vậy thì thực không đủ! Hơn nữa những đoạn thơ ông trích từ “99 khúc tặng Liên” để minh chứng cho sự “giải mã” của mình, theo tôi lại là những đoạn thơ khô khan, chỉ nhằm minh họa cho các lý thuyết Kinh Dịch, Tử vi, Phật pháp... mà NNB (Nguyễn Nguyên Bảy) vốn thông thạo với tư cách là đại sư phong thủy. Những kiến thức dày đặc về triết học Á Đông, về sử học, nhân học, văn học dân gian… được thể hiện trong thơ NNB thực ra không làm nên giá trị thơ anh, chúng chỉ là cái phông nền của cảm xúc, của ý tưởng, của tứ thơ mà không phải lúc nào cũng được sử dụng đúng chỗ, đắt giá, thậm chí đôi khi chúng làm thơ anh nặng và rườm”.
Xin thưa: Tôi không nói kiến văn là điều kiện tiên quyết càng không nói giá trị thơ Nguyễn Nguyên Bảy là ở “… những kiến thức dày đặc về triết học Á Đông, về sử học, về nhân học, văn học dân gian…” và chính vì sợ bạn đọc hiểu lầm như đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: “… và hơn nữa, nếu chỉ vậy thì thực không đủ…” tôi đã phải mở đóng ngoặc đơn () mấy dòng ở cuối bài:
(Xin xem thêm bài: Đặc sản Nguyễn Nguyên Bảy - Những câu thơ hay, đẹp và sang trọng trong “99 khúc tặng Liên” coi như phụ lục của bài viết này).link:
http://trannhuong.com/tin-tuc-15368/ve-tap-tho-99-khuc-tang-lien.vhtm

Vậy mà tôi vẫn bị (được) đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn cố ý hiểu lầm(!)
- Những đoạn thơ tôi trích từ “99 khúc tặng Liên” không phải để minh chứng cho sự giải mã của mình mà là minh chứng cho cái “tít” của bài viết là “…đòi hỏi người đọc phải có rất nhiều kiến văn”, nhưng không phải tất cả là “… những đoạn thơ khô khan” chỉ nhằm minh họa cho các lý thuyết Kinh Dịch, Tử vi, Phật pháp…” như đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn viết. Xin được dẫn lại những đoạn (trong số những đoạn đã dẫn) không thể nói là khô khan:
"Nhện buồn sao chửa giăng vui/ Chấu chưa cắn hết những lời tro than”
“Em rạng ngời gương nguyệt”
(Khúc 094. Viết trên giường bệnh)
“Sướng đỉnh phóng lúc trăng buông”
“Thi nhân cười gạo sôi vung
Đũa cả em ghế một vùng tám sen
Này giò này chả này nem (Bản chính thức in là men!)
(Khúc 093. Tiệc tình)
“Chu tước thoải bờ sông
Vườn rừng xanh Huyền vũ” (Bản chính thức là huyền vũ: chữ huyền không viết hoa)
(090. Tự hoạ sau cùng)
“Chim vợ gù giọng thuỷ
Chim chồng gù giọng thổ
… Thuỷ thổ âm dương tương khắc
… Khắc này là khắc tương sinh
… Chim trống gù đàn ba dây.
Chim mái gù đàn sáu khúc
Đàn ba dây là Càn tam liên
Đàn sáu khúc là Khôn lục đoạn
... Khắc này là khắc tương sinh
... Cầu cho tình tu thân đắc trung đắc chính
Đắc câu văn người vợ mình”
(089. Lời Chim câu)
“Khổn chị Dậu, khổn Thuý Kiều
Đâu phải khổn  nào cũng khóc
Đầm kiệt làm gì có nước
Khổn Thị Nở, khổn Chí Phèo
Rạch mặt chửi cả làng Vũ Đại
Cháo hành lò gạch trăng mơ
Khổn Cao Bá Quát thánh thơ
Gươm đàn kháng khổn
Tru di tam đại về trời

Vận khổn chẳng dám lộng lời
Cười qua khổn vói gọi trời mưa bay
Trạch kiệt rồi trạch lại đầy”
(078. Tụng Khổn)
“Yếm thắm không bỏ bùa sư
Mà sư cứ đòi xoa yếm thắm
Mẹ bảo này trọc đầu
Trong ngực tôi có Phật
Trọc đầu có sợ ố cà sa?
... Tôi ấp môi son vú mẹ
Lè phè nằm nghe Phật hát
... Ngày tôi phải rời xa yếm thắm
Mẹ bảo từ nay trong ngực con có Phật
Con thưa trong ngực con có mẹ”
     (070. Ba khúc dâng mẹ: 1. Phật hát)
“Con biết ở cõi trời
Mẹ muốn khóc cũng không thể khóc
Vì thế ở cõi người
Ngày ngày con đem tiếng khóc mẹ ra phơi
Lạy trời đừng phạt mẹ tôi
Tội đón nước mắt con bay ngược về mắt mẹ
Để mẹ lại được khóc
Âm dương cũng đạo làm người”
     (070. Ba khúc dâng mẹ: 2. Mẹ khóc)
 
... Trăng cười phơi phơi. Gió cười phơi phới. Âm dương phơi phơi tít mắt
                                            (063. Nhật ký Seattle, 4: Tuần trăng mật kỳ lạ)
“Năm nay dương gian cầu xin nhiều quá
Cá vàng thả đỏ sông quê,
Lửa hoá vàng cháy sôi bến nước
… Hạ thuỷ thêm thuyền Bát Nhã độ chúng sinh
…. Độ chúng sinh là việc Trời việc Phật.
Cát hung cứu giải hà sa
... Phật mở ngực bắc những cầu dải yếm
Vẩy nước phúc tiễn hồn cập bến
... Bể đời mang mang thả ngư cầu long
… Tràng hạt lần tay mò mẫm
Thăng hồn gõ mõ tụng chuông....
     (067. Nam mô Tết)
"Anh thả tro bụi cha vào sông
Xin mát mẻ hồn
... áp thấp gió mây cờ xí
Quân hồn ngợp trời nước lửa
Chiến thuyền phủ kín sông trăng
Cha thiêm thiếp nằm nghe bão nổi
... Củ khoai thờ ngoài đình làng
Cha thắp nhang tạ củ khoai thần
Trước một lễ hội rước dâu
áo đỏ áo xanh trăm sắc ngàn mầu
.... Sông hồn hắt đầu sôi
Khí hồn bắt đầu thăng
… Cửa mả mở
Với anh ba ngày như mới hôm qua
Một đời như mới hôm qua
Cha anh còn sống hôm qua
Mà hôm nay đã âm dương hai cõi...,
... Đón gạo thơm và muối trắng
Con trai anh rắc xuống như hoa”
                         (041. Sông Cái mỉm cười)
“Nơi ấy
Tôi là đứa trẻ đẻ rơi
Mẹ trẩy hội trên cầu dải yếm
Các bà tiên chuyền tay nhau bú mớm
Chuyền tay nhau hát hò
Chày Yên Thái tôi nghe
Trái bàng rơi tôi nhặt
Gạo làng Gióng tôi ăn
Sông Cái lắm thuỷ thần
Rằm Mồng Một dâng hoa chùa Bộc
Nơi ấy
Các bà tiên dạy tôi biết khóc
Các bà tiên dạy tôi biết cười
Các bà tiên cho tôi giấy bút
Dạy tôi vẽ lên trời hình Rồng thăng
Dạy tôi chép chữ thành vần
Dạy tôi làm chồng, làm vợ
Năm ấy sấm Trạng Trình ran nổ
Trời thật nhiều đạn bom
Nơi ấy lẽ Càn Khôn
Các bà tiên lần lượt về mây trắng
Con đưa mẹ đến đầu cầu dải yếm
Mẹ trắng vào mây
Mẹ thăng vào gió
Mẹ đi trẩy hội Tiên Rồng ...”
    (001. Kinh thành cổ tích)
“... Đùa nước thả đàn vịt cỏ
 Vịt giấy tom tom qua thác
 Gió cho vịt cánh
Chát chát qua ghềnh
Quần mưa áo nắng
Bắt con cá chao đào con cua trốn
Cứ thế thuyền trôi
Sông đời ơi có về xuôi?
Ơi!  Ơi!   Ơi!
Thuyền đời người xuôi được
Sông đời làm sao xuôi?
Về xuôi bỏ nguồn cho ai
Bỏ thác bỏ ghềnh cho ai
Không giông không gió
Không thác không ghềnh
Làm gì còn sông đời
Cho người yêu sông xuôi xuôi xuôi
Thế nhé chào thuyền xuôi …
Ừ xuôi ừ xuôi ừ xuôi ...”
    (014 Thác ghềnh sóng gió ơi!)
“Soi mình vui cả mặt gương”
    (026. Ngã bảy)

2. Đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn viết:
“Người ta có thể không cần có kiến thức về Âm Dương ngũ hành, Mùa tứ quý... cũng dễ xúc động tận đáy lòng, nếu thấm được cái “tinh chất khóc ngấm vào da vào thịt” của tác giả (Mùa Tứ Quý). Không cần hiểu triết lý cao siêu của đạo Phật, cũng có thể cảm được tiếng hát của Phật (Phật hát) thực ra cũng là tiếng khóc của Mẹ trong tâm tưởng nhà thơ (Mẹ khóc) và rung động sâu sắc trước hình tượng thơ “Tọa tòa sen Phật bà khóc) bởi cái thực tại đau đớn trong đó...”
Xin thưa: Đầu đề bài viết của tôi là “99 khúc tặng Liên” của Nguyễn Nguyên Bảy đòi hỏi người đọc phải có rất nhiều kiến văn” là nghiêng về phần lý tính và vì vậy để tránh hiểu lầm - như trên đã nói - tôi đã phải mở đóng ngoặc đơn mấy dòng ở cuối bài: (Xin xem thêm bài: Đặc sản Nguyễn Nguyên Bảy - Những câu thơ hay, đẹp và sang trọng trong “99 khúc tặng Liên” coi như phụ lục của bài viết này) do tôi đọc chọn, mang tính thuần túy cảm tính. Vậy mà đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn vẫn còn bắt bẻ?! Nhân đây, tôi bỗng nảy ra một ý thú vị muốn trao đổi cùng đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:
- Nếu cảm được cái hay của một bài thơ khi hiểu được nó và cảm được cái hay của nó mà không hiểu được về nó thì cái cảm nào sâu hơn (?) Và nữa, chưa kể người đọc còn phải là người đồng sáng tạo cùng với tác giả, như vậy đòi hỏi phải ngang bằng về mặt kiến văn chứ chưa dám nói cao hơn.

3. Đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn viết:
“Đây không chỉ là một tập Thơ Tình hiểu theo nghĩa hẹp, bởi toàn bộ câu chữ và tâm tư tác giả đã minh chứng hùng hồn cho cái điều giống như tuyên ngôn thơ và tuyên ngôn tình yêu này:
“Hỡi quá khứ với bao nhiêu mặn chắt
Ngươi cũng là vị biển của tình yêu”
(Biển đổ chiều)
- Xin thưa: Rất mong đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn chỉ dùm đoạn nào trong bài viết của tôi đã khiến anh phải phản bác lại: “Đây không chỉ là một tập thơ tình hiểu theo nghĩa hẹp... (!)”

4. Đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn viết:
“Trong lúc say sưa “chuyền tay chữ hát xuống thuyền” thơ NNB không phải bài nào cũng “đắc ý” làm thỏa mãn người đọc, thậm chí có những câu - đoạn mà nếu tôi được làm biên tập sẽ yêu cầu cắt bỏ không thương tiếc, ví như: “Ôi lớn lao quá đỗi/ Cuộc tình sông núi ta/ Hề chi ngã bảy ngã ba/ Khi non sông hát bài ca xum vầy...” (Hỏi đường).
- Xin thưa: Đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn nên sòng phẳng và minh bạch với tôi và nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy trong đoạn viết trên vì bạn đọc (nếu không đọc bài viết của tôi) sẽ dễ hiểu lầm là với tôi (và với nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy) “99 khúc tặng Liên” bài nào cũng “đắc ý”, cũng “làm thỏa mãn người đọc”. Lại nữa: 4 câu thơ anh dẫn, dễ làm người đọc hiểu lầm là tôi đã coi đó là những câu thơ hay, đẹp và sang trọng của NNB trong “99 khúc tặng Liên”.

5. Đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đã viện dẫn đến Đỗ Quyên (mà theo anh) là: ... “của một người bạn, nhà thơ - nhà nghiên cứu văn học hải ngoại: “... dường như ở thơ và Người thơ NNB có sự chen lấn nhau, khiến cho thơ (văn bản) bị Người thơ cưỡng bức... Hay tác giả coi đời sống thơ như một thứ đạo, mà tác phẩm chỉ là Phó sản của Sống Đạo? Thiển ý, đây là nút để mở thơ NNB ra đọc”.
Xin thưa: Như vậy là đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn đã tán đồng với nhận xét và đánh giá về thơ NNB của nhà nghiên cứu văn học (tôi không quan tâm đến quốc nội hay hải ngoại) Đỗ Quyên và đó là quyền của ông Đỗ Quyên và Nguyễn Anh Tuấn, tôi xin tôn trọng. Nhưng với tôi “... Thơ và Người thơ NNB không phải lúc nào cũng “có sự chen lấn nhau, khiến cho thơ (văn bản) bị Người Thơ cưỡng bức...” Và nữa, tôi không tán đồng với ý kiến “... Hay tác giả coi đời sống thơ như một thứ đạo, mà tác phẩm chỉ là phó sản của Sống Đạo?”. “Nói có sách, mách có chứng”, một lần nữa xin đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn hãy xem thêm bài viết: Đặc sản NNB - những câu thơ hay, đẹp và sang trọng trong “99 khúc tặng Liên” của tôi (Ngoài các câu thơ được dẫn trong bài viết, tôi còn có thể dẫn ra được nhiều hơn nữa).
Không lẽ với những câu thơ đó “Thơ và Người thơ NNB có sự chen lấn nhau, khiến cho Thơ (văn bản) bị Người Thơ cưỡng bức”? Không lẽ đó chỉ là “phó sản” chứ chưa phải là “Chính sản” (thơ) của Sống Đạo?
Cuối cùng, xin được lưu ý đạo diễn - nhà báo Nguyễn Anh Tuấn nếu muốn trao đổi về vấn đề gì thì nên cần và phải bám sát nội dung văn bản của bài viết của người mà mình cần trao đổi.

Phùng Thành Chủng