Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Sách, với tôi...

Đường Văn
Thứ năm ngày 13 tháng 6 năm 2013 4:27 PM

(Tản văn)

Trang sách mới mở đời thơm bát ngát!
(Tế Hanh)
 
 Xưa nay, trên thế giới thật lắm người yêu sách, đam mê đọc sách. Nhưng có lẽ số người không thích đọc sách, cả đời chẳng mó đến quyển sách, e lại nhiều hơn?! Yêu sách, ham đọc cũng mỗi người một kiểu, một lối không hoàn toàn giống nhau. Không ít bậc thức giả đã nói, viết, hồi ức về chuyện đọc sách, học trong sách, theo sách của mình. Bên Tàu có Tả Khâu Minh, Khổng Tử, Tư Mã Thiên bụng chứa muôn quyển, Đỗ Phủ – thi Thánh: Độc thư phá vạn quyển/Hạ bút như có thần. Phương Tây: Huy gô, Puskin, nổi tiếng thần đồng đọc sách, M.Gorki từng viết 2 truyện ngắn xúc động: Sách và Tôi đã học tập như thế nào…Ở Việt Nam ta, các nhà bác học trung đại từ Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đến cận đại, hiện đại Phạm Quỳnh, Cao Xuân Huy, Phan Khôi, Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoài Thanh… đều là những thư viện sống. Sách quý bao giờ cũng là những người thầy, người bạn thầm lặng yêu quý nhất. Điều đó khỏi phải bàn.
 Ở đây, tôi chỉ muốn tản mạn đôi điều về những kỷ niệm yêu sách, đọc sách, học sách của riêng tôi trong hơn nửa thế kỷ qua mà thôi!
 Mối quan tâm của tôi với sách, với việc đọc lần đầu tiên là vào năm 5 tuổi, khi bố tôi dẫn đưa con trai đầu đến nhà ông cậu – giáo viên dạy tư lớp vỡ lòng. Lớp mở ngay tại nhà. Để dỗ tôi, cụ giáo Vi đưa cho thằng cháu gọi bằng ông 1 cuốn sách mỏng có nhiều tranh vẽ màu sắc rực rỡ. Đó là cuốn Kể chuyện bằng tranh cho thiếu niên, nhi đồng. Tôi đọc hết 1 lượt mất gần 1 tuần, thấy khá hứng thú.
 Nhưng nếu nói đến những cuốn sách đầu tiên trong đời khiến tôi thực sự bị cuốn hút, say mê, khơi ngọn lửa tình yêu sách, niềm ham mê đọc sách càng ngày càng sâu mạnh, thì lại không phải là cuốn truyện thiếu nhi ấy mà là những cuốn sách hoàn toàn dành cho người lớn. Đó chính là bộ Tam quốc diễn nghĩa và tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy.
 Ấy là buổi sáng phiên chợ Vẽ Soi (27 tháng chạp hằng năm;) năm 1958, khi tôi đang ngấp nghé chuyển sang tuổi thứ 10. Xin được bà nội 2đ (giá trị bằng khoảng 50 – 60.000 đ bây giờ), tôi hân hoan đi chơi chợ phiên áp tết (vì nguồn đốc đầu tiên của chợ làng Vẽ (Đông Ngạc) là đặt tại địa điểm bãi Hoa (Soi) ngoài đê; bây giờ đã thành khu đất xây trụ cầu Thăng Long) đông nghìn nghịt người mua kẻ bán, ồn ào, ầm ỹ. Tôi len lách giữa dòng người hối hả, cuồn cuộn, tình cờ dừng chân ở 1 quầy bán hàng xén bầy ngay trong lều chợ. Đập vào mắt là 2 cuốn sách mỏng, 1 bìa vàng nhạt, một xanh nhạt, nhan đề Tam quốc diễn nghĩa, tập 1, 2 có 2 tranh vẽ: đào viên kết nghĩa và Lã Bố vào cung gặp cha nuôi Đổng Trác. Hỏi giá tiền, cả 2 cuốn mới có 1, 8đ. Mua cả 2 tập, vẫn chưa hết 2 đ bà cho. Tôi bỗng thấy háo hức, tò mò. Muốn biết ngay tam quốc là gì, diễn nghĩa thế nào? lập tức xòe tiền mua ngay 2 cuốn sách dịch đó. Còn 2 hào mua 4 chiếc kẹo bột, quay về luôn, không xem chợ nữa! (Vì hết tiền và muốn đọc sách ngay). Chỉ 2 hôm sau, tôi đã ngốn xong 2 tập đầu của bộ tiểu thuyết lịch sử vĩ đại Trung Hoa và cứ mê mẩn với những câu chuyện anh hùng nghĩa hiệp, triều đình, chiến tranh ly kỳ, rắc rối từ hai nghìn năm trước tận nước Tàu xa xôi. Lời văn dịch của cụ Cử Phan Kế Bính, thêm sự hiệu đính kỹ lưỡng của cụ Phó bảng Bùi Kỷ càng thêm gọn, rõ, độc đáo và hấp dẫn với văn phong khúc triết, đặc Tam quốc.(Ấy là bây giờ nhớ lại, khái quát thế, chứ hồi ấy đã hiểu gì lý luận thể loại với văn chương! Chỉ thấy tự nhiên bị cuốn hút, hấp dẫn đến mê say, chẳng gì cưỡng nổi mà thôi!) Những tranh vẽ minh họa của các họa sỹ Trung Quốc cũng rất đẹp, hấp dẫn kiểu riêng. Lập tức định hình trong đầu óc thiếu niên chân dung ba anh em Lưu Quan Trương, mỗi người mỗi vẻ, Tào Tháo kiêu hùng, Lã Bố anh tuấn mà phản trắc, Đổng Trác bụng phệ, dâm ác…quần hùng quá phức tạp, cũng  chẳng làm nên trò trống gì! Cũng phải đến 2, 3 tháng sau mới mua tiếp được tập 3 ở cửa hàng sách nhỏ nhà Mến Rện (học cùng lớp với tôi), phố Vẽ. Rồi 1 tháng sau lại mua tiếp 2 tập 6, 7. Tôi vẫn nhớ cảnh cầm tập sách mỏng về trong mưa bụi cuối xuân, vừa giở đọc đoạn Tam cố thảo lư nổi tiếng. Mấy câu thơ hoài cảm của người đời sau lập tức găm ngay vào trí nhớ non nớt của cậu học sinh lớp 4:
Xông pha mưa gió kiếm hiền tài,
Lững thững về suông, dạ cảm hoài!
Ngẩng đầu lả tả hoa lê rụng
Vướng mặt bời bời bông tuyết rơi…
Chói lòa ánh bạc Ngọa Long phơi…
 Tâm trí tôi hòa đồng với tâm trạng Lưu Huyền Đức buồn rầu, thất vọng khi đã 2 lần vất vả mà chưa gặp mặt được người hiền Khổng Minh. Mới biết trận Xích Bích hoành tráng như thế nào, cuộc đấu trí, đấu lực giữa Tào Tháo - Chu Du - Gia Cát lắt léo, kỳ thú ra sao…Một thời gian sau, lại mua được tập 8: tranh giành Kinh Châu, Lưu Bị vào Xuyên, Tào Tháo đánh bại Mã Siêu…Rồi mới mua được tập 4, 5 trong sự khắc khoải đợi chờ. Cho đến cuối năm 1959, đầu năm 1960 thì mua và đọc xong trọn bộ Tam quốc diễn nghĩa, 13 tập do NXB Phổ thông ấn hành. Có lẽ đây là 1 trong những bộ sách được người đọc Việt Nam nhiều thế hệ thích đọc nhất, trong đó có tôi. Đọc đi đọc lại  không biết bao lần. Cốt truyện và nhiều đoạn, cả lời văn đã thuộc làu mà vẫn ham đọc lại, rồi liên tưởng, tưởng tượng, so sánh, nhận định, bàn luận, tranh cãi… không biết chán. Tôi đã đẽo 1 cây long đao, chuốt 1 cây xà mâu, 1 ngọn giáo dài bằng tre để cùng bọn bọn chăn bò chiều chiều ngoài đồng chơi trò đóng vai các nhân vật Tam quốc mà đại náo cầu Tràng Bản, tam anh chiến Lã Bố… Cứ nghĩ mình là 1 Tử Long đang phá vòng Đương Dương, cứu A Đẩu hay Trương Dực Đức bên cầu tiếng thét kinh! Vân Trường quá ngũ quan trảm lục tướng hào hùng…Tào A Man cắt râu, quẳng áo ở Đồng Quan…Tôi đã không biết bao lần nghiên cứu tỉ mỉ tấm bản đồ Trung Hoa thời Ngụy - Thục – Ngô, với sự tò mò, thích thú của 1 nhà chính trị, quân sự, ngoại giao rất trẻ con. Đọc đến đoạn Khổng Minh ở trại Kỳ Sơn, ốm nặng, ngồi xe 4 bánh quạt lông, khăn lượt thăm lần cuối các trại quân thở dài ngậm ngùi than: - Từ đây, ta không  được ra trận đánh giặc nữa. Trời xanh thăm thẳm, giận này biết bao giờ nguôi! Lòng trẻ cũng thấy nao nao, rưng rưng thương tiếc ông vạn đại quân sư gặp chủ, không gặp thời, vẫn cúc cung tận tụy đến chết mới thôi!
 Song song với việc nghiền ngẫm bộ truyện, tôi bắt đầu mở rộng tìm mua, mượn đọc những tác phẩm liên quan, viết, vẽ  về Tam quốc; các tập truyện tranh minh họa Tam quốc, Chẩn bệnh cho các nhân vật Tam quốc. Đọc Tam quốc chí (Phan Xuân Hoàng) là tập nghiên cứu phê bình mỏng, gọn  đầu tiên (sau Lời nói đầu  của NXB THXTQ in trong tập 1) được tôi nghiên cứu lại, đến cuốn Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc (Trần Xuân Đề), Bình giảng Tam quốc (Mộng Bình Sơn), Giáo trình LSVH Trung Quốc, Luận bàn Tam quốc (Mao Tôn Cương), Gia Cát Lượng đại truyện, Tào Tháo… Và bộ sách gần đây nhất, tôi đã đọc 1 cách thích thú: Phẩm Tam quốc (Dịch Trung Thiên)…
 Về văn bản bộ truyện này, với tôi, cũng lạ. Bộ 13 tập, mua lần đầu, theo thời gian, ba chục năm sau, bị tản mác hết sạch. Tôi cũng đã sưu tầm được 1 tập Tam quốc song ngữ chỉ tiếc là in giấy xấu. Năm 1989, Tam quốc được in lại, 40 tuổi, tôi mua lại trọn bộ lần thứ 2. Ít năm sau lại mua bọ 3 tập tái bản lần thứ 3 và đến năm 2010, sau 41 năm, mua lại được bộ 13 tập tái bản như lần XB 1959.
 Có thể nói Tam quốc diễn nghĩa là bộ sách đầu tiên cuốn hút, ám ảnh, say mê cả đời tôi. Trong các tiểu thuyết cổ điển Trung quốc, nó xứng đáng là đệ nhất kỳ thư. Sau này tôi mua, mượn đọc cũng khá nhiều bộ khác từ Tây du, Thủy hử qua Đông Chu liệt quốc, Thuyết Đường, Tàn Đường, Nhạc Phi diễn nghĩa, Phấn trang lâu, Vạn hoa lâu, Thanh cung 13 triều, Ngũ hổ bình Nam, Hồng lâu mộng, Kim Bình Mai, Liêu trai chí dị… nhưng không có bộ nào sánh được với Tam quốc trứ danh.
 Xem phim bộ Tam quốc (1994) và Tân Tam quốc (2010) cũng vô cùng lý thú  nhưng không làm giảm đi cái khoái thú mỗi lúc buồn chán lại vớ lấy 1 cuốn TQ, giở đọc bất kỳ 1 hồi nào đó. Thích đọc và tự hào chỉ vì Hoàng Lê nhất thống chí là truyện Việt Nam, thực ra về nghệ thuật kể chuyện thì Ngô gia Văn phái chỉ là cái bóng mờ vụng về của Tam quốc – La Quán Trung mà thôi!
 Về chuyện đọc và bình Tam quốc, có thể kể cả ngày, viết mãi không hết, không chán. Xin được chuyển sang những kỷ niệm đọc sách khác.
 Tôi nhớ mãi lần đầu đọc Tây du ký, 7 hồi đại náo thiên cung của Tề Thiên Đại thánh Tôn Ngộ Không oai trấn 4 cõi. Hai sợi râu trên mũ Tôn cứ vắt vẻo quất qua quất lại không biết có phải bắt nguồn từ chiếc mũ của nhân vật Kinh kịch, hý kịch Trung Hoa? Nhớ mãi cảnh lũ trẻ trộm cắt dây song trên bè sông Nhuệ giả làm gậy như ý đánh nhau lộn bậy. Nhớ buổi trưa nắng gắt, học xong, đi bộ vào tận hiệu sách đường Bưởi mua bằng được tập 5 in màu vàng nhạt. Vừa đi vừa mê mãi đọc hồi yêu quái di hầu  6 tai giả làm Tôn Hành giả. Giả khéo đến nỗi tất cả mọi người, mọi thần đều không phân biệt nổi! Cuối cùng,  phải nhờ đến Phật pháp vô biên mới úp được yêu quái trong bát tộ vàng của Như lai…Đọc Tam quốc, Tây du khi chăn bò dưới lòng sông, trong vườn phi lao cũng các bạn mục đồng là 1 cái thú của lũ trẻ chúng tôi. Trong lòng những trẻ nít làng Trèm khi ấy, đứa nào chẳng muốn làm 1 Triệu Tử Long, một Ngộ Không Hành giả, dù chỉ trong chốc lát?
 Cuốn tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy! 2 tập của nhà văn N. Ôxtrốpxki (Ucraina); (Thép Mới dịch qua bản tiếng Pháp), lần đầu tiên tôi được nhìn thấy và đọc lướt qua ở trên nóc tủ chè nhà ông Nhu (cậu Bao, bạn cùng xóm), khi ấy làm công tác Đoàn thanh niên xã. Tôi đã thích mê và chỉ ít hôm sau lại xin tiền bà nội, xuống hiệu sách Vẽ mua bằng được. Tập 1 bìa màu nâu, vẽ cảnh Pa ven đang hoa kiếm chém xả vaò đầu 1 tên bạch vệ. Tập 2, màu xanh sẫm, vẽ cảnh Pa ven nhận thẻ Đảng viên Bônsơvich từ tay bí thư đảng, lão thành cách mạng, đồng chí Tôcarếp. Mối tình đầu vói Tônhia Tumanôva khiến tôi say mê theo; mối tình kìm nén với Rita Uôtchinôva hấp dẫn tôi, rồi đoạn trên công trường Baiarơca, đoạn Paven chiến đấu với bệnh tật với thân thể gầy guộc, nét mặt khắc khổ; đặc biệt là đoạn văn như chân lý nhân sinh quan của người cộng sản trẻ tuổi: Cái quý nhất của con người là đời sống. Người ta chỉ sống có một lần…Chúng tôi cũng muốn như Paven, sống như anh, chiến đấu như anh, yêu như anh… Có thể nói đó là cuốn sách gối đầu giường của thanh niên Việt Nam những thập kỷ 50 – 70 thế kỷ 20, đã đóng vai trò cực tốt tuyên truyền lý tưởng cộng sản bằng nghệ thuật. Mặc dù mãi sau này, tôi mới biết và nhận ra, về nghệ thuật, nó chẳng có gì là cao tay, xuất sắc, chuyên nghiệp. Thế mà những đoạn như đoạn chia tay giữa Paven và Tônhia  trên cầu sông Đnhiep cứ ám ảnh hoài trong nắng hoàng hôn uể oải. Tônhia nhìn dòng sông, mắt đẫm lệ: - Lẽ nào tình bạn của chúng ta lại có thể tắt như ánh  nắng chiều nay? Pa ven nhìn người bạn gái từng một thời rất đỗi thân yêu ấy với cái nhìn cảm thông sâu sắc, nói dịu dàng:…- Muốn thế, em phải đi với các anh…
 Chao ôi! đọc lại đoạn văn đặc tiểu thuyết ấy, bây giờ, chỉ thấy cải lương, giả tạo, sáo rỗng một cách ngô nghê mà khi đó và trong nhiều năm cứ ám ảnh như là 1 trong những đoạn miêu tả tình yêu và lý tưởng trữ tình nhất, sâu lắng nhất?!
 Sau này, tôi sẽ còn có dịp đọc rất nhiều tác phẩm cổ điển của văn học Nga cũng như văn học phương Tây khác nổi tiếng hơn, hay hơn Thép đã tôi nhiều, cả về nội dung và nghệ thuật, nhưng vẫn không có tác giả nào, tác phẩm nào thay thế được vị trí đặc biệt của Ôxtrôpxki! Kể cả 1 nữ tác giả lừng danh khác Vôinitsơ với tuyệt tác Ruồi trâu. Năm học lớp 3, có lần tôi tình cờ được nghe ké thầy Tị đang kể cho học sinh lớp 4 trường Đông Ngạc nghe chuyện lão Thầy cả (cha cố) mật thám, lợi dụng sự cả tin, nhẹ dạ của Ắctơ để khám phá tổ chức bí mật mà anh mới tham gia, lần đầu tiên tôi mới được nghe 2 tiếng Ruồi trâu – nhà cách mạng Ý. Tôi lại tìm mua bằng được cuốn tiểu thuyết này và đọc mê mải, nhiều lần sống mũi còn cay vì mối tình khắc kỷ của anh với cô gái nhỏ Dim – Giê ma, vì cái chết bi hùng của anh…
 Mỗi cuốn sách hay ám ảnh người đọc một khác. Trong nhiều cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đã đọc, tôi thích nhất 2 cuốn: Người cá (Nga) và Hai vạn dặm dưới biển (Juynvecnơ. Pháp). Ám ảnh đến mức, mình chỉ muốn làm anh chàng Íchchian để được hít thở không khí trong lòng biển, vẫy vùng dưới đại dương sâu thẳm và được cô gái xinh đẹp Guturiê yêu…Nhìn ao, nhìn sông đều tưởng có thằng quỷ biển đang chơi đùa ở dưới. Gần đây, vừa đọc trên trang mạng một bài viết ngắn về các nguyên mẫu của nhân vật người cá; xem lại một đoạn phim cũ, vẫn thấy bồi hồi!...Còn con tàu ngầm Nautiluyt chạy bằng sức điện kỳ diệu đi vòng quanh 4 đại dương dưới sự chỉ huy tài tình của thuyền trưởng Nêmô chở theo 3 hành khách bất đắc dĩ… thì khỏi nói! Nhưng hấp dẫn nhất có lẽ vẫn là chương đầu khi mọi người trên thế giới đều tưởng con tàu ngầm vỏ thép hình điếu xì gà khổng lồ là quái vật hay dải đá ngầm di dộng!
 Mỗi giai đoạn cuộc đời, tôi lại chuyển sở thích sang một loại sách khác nhau. Ngoài 50 tuổi, mới đọc mới làm quen với chưởng bộ Kim Dung, trong khi nhiều năm trước đó vẫn kỳ thị, coi thường loại tiểu thuyết này một cách ngây thơ, ngu xuẩn! Tác giả bằng tuổi cha tôi mà sao đầu óc có thể tưởng tượng phong phú nhường ấy. Tác phẩm đầu tiên của Kim Dung mà tôi đọc một cách háo hức là tiểu thuyết chưởng ngắn nhất Tuyết sơn phi hồ trên tạp chí Văn học nước ngoài năm 1998. Sau đó, lần lượt mua, đọc 12 – 15 bộ tiểu thuyết kiếm hiệp hiện đại của Tra tiên sinh Hồng Kông, thấy không muốn đọc các chưởng bộ của các tác giả khác, dù cũng đã cố thử. Những Cổ Long, Gia Cát Thanh Vân, Lương Vũ Sinh… thảy đều nhợt nhạt, vớ vẩn trước Kim đại hiệp, minh chủ! Theo dõi vài lần các bộ phim truyền hình Tiếu ngạo giang hồ, Anh hùng xạ điêu, Thiên long bát bộ, Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên - Đồ long ký, Hiệp khách hành, Lộc đỉnh ký… lại càng phục tác giả và nền điện ảnh Trung Hoa hiện đại. Ngạc nhiên và khâm phục hoài khi đọc thiên khảo cứu công phu, uyên bác và sắc sảo Vô Kỵ giữa chúng ta của Đỗ Long Vân. Có thể nói đó là nhà Kim Dung học số 1 ở Việt Nam. So với ông, Vũ Đức Sao Biển, tác giả của bộ Kim Dung giữa đời tôi, 5 tập, cũng đã là một công phu và tình yêu không nhỏ, chẳng là cái gì đáng kể! Trần Mặc, Nghê Khuông, những học giả Trung Hoa viết về Kim Dung cũng rất sâu. Còn từ Bùi Giáng đến Vương Trí Nhàn, ÔngVăn Tùng, Đỗ Lai Thúy … luận về KD thì cũng chỉ nói theo nói dựa và cảm tính chủ quan thôi. Nhưng không hiểu sao, chỉ được ngót chục năm, mấy năm gần đây, trong tôi, niềm say mê đọc lại Tra Lương Dung lại giảm nhiều?!
 Say mê đọc qua e - book mấy năm nay cũng chỉ thuần về phương diện kỹ thuật. Vẫn cứ thấy đọc sách truyền thống, trên giấy trắng in đẹp, là lý thú nhất, không gì có thể thay thế. Cùng 1 Anh hùng xạ điêu, cùng một Anna Karênhina, thử đọc trên cả 2 phương tiện; đọc sách giấy vẫn thích hơn! Như thế có cổ giả, âm lịch không? Không rõ! Nhưng với riêng tôi, đọc, suốt đời là 1 thú vui tinh thần, món ăn tinh thần không thể thiếu! Mỗi ngày trôi qua, không được lướt qua một hai tờ báo, tạp chí, vài chục, vài trăm, thậm chí một,  hai quyển sách mỏng, dày nào đó, là cứ thấy trống rỗng, vô vị thế nào!
 Có những cuốn sách có thể đọc 1 hơi, một lèo suốt ngày, suốt đêm, cho bằng xong, rồi ngay sau đó, có thể bắt đầu đọc lại. Bão biển (Chu Văn), năm 1970, với tôi chẳng hạn. Đọc đến mờ sáng, suốt đêm, gấp sách lại, đầu óc bừng bừng, người như lên cơn sốt… mà như thành 1 con người khác. Ngược lại, có những cuốn sách cứ rỗi rãi, buồn chán lại đem ra đọc đi đọc lại, có khi lướt nhanh (Tam quốc, Conan đoi…), có khi lại nhẩn nha nhấn nhá, nhấm nháp từng câu, từng chữ và mỗi lần đọc lại cơ hồ phát hiện thêm được điều gì mới mẻ, lý thú về nghệ thuật ngôn từ: Nguyễn Du, Tônxtôi, Sê khốp, Sôlôkhốp (Sông Đông êm đềm), Pautôpxki, Lỗ Tấn, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử…Ngược lại, cũng có những cuốn không bao giờ muốn đọc lại nữa!
 Cố nhiên, ông thầy có gì? Có sách! Sách - kiến thức là gia tài vô giá, thể hiện sự đánh giá cơ bản trình độ ông thầy. Nhưng chán vạn ông thầy không cần đọc, không thích đọc, không có nhu cầu đọc hằng ngày và trong cả đời hành nghề dạy học mà vẫn làm nghề khá hiệu nghiệm (dạy Ngữ văn hẳn hoi đó!). Kể cũng buồn cười! Với riêng tôi, nhiều lúc cũng muốn quẳng đi, bán cân đi, thậm chí đốt béng đi, cho sạch đi cái tủ sách riêng gom góp cả đời. Vì chắc chắn 2 đời kế tiếp, lũ cháu, con tôi cũng chẳng mấy quan tâm, yêu quý, giữ gìn. Và chính tôi, cũng đã nhiều lúc thấy sự vô vị, vô bổ, sự cũ kỹ, già nua, sách vở của đống sách vở lưu niên ấy. Cái thú mê sách đến cầu kỳ, gần như ích kỷ, bênh hoạn của Nguyễn trong truyện ngắn Mê sách, theo tôi, cũng chỉ là một cách, một kiểu lãng mạn hóa, thi vị hóa một lối sống tài tử của cụ Nguyễn mà thôi!
 Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cuối cùng, tôi vẫn chưa muốn vĩnh biệt sách như vĩnh biệt những cố nhân thầm lặng và chung thủy. Hằng ngày, hằng đêm, tôi vẫn tìm cách giết thời gian bằng sự đọc bất cứ thứ gì đến tay, có trong tay và vẫn lấp lóe trong trí, hồn niềm vui nhiều ít trong sự đọc thầm, nghĩ ngợi miên man đó. Có lẽ tôi sẽ mang theo 1 vài cuốn sang thế giới bên kia, Kiều chẳng hạn, Tam quốc, Sông Đông chẳng hạn, hay thu trong 1 e - book cho gọn nhẹ? Còn lũ sách xếp cao chồng đống, phủ bụi bên phòng kia, tùy lũ hậu duệ muốn làm gì thì làm, dù để gió cuốn đi… cũng mặc, cũng đành!
Chiều 3  10  – 6 – 2013
ĐV