Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thân tứ đại trả về tứ đại

Huỳnh Văn Úc
Thứ ba ngày 27 tháng 8 năm 2013 5:46 AM

- Bạch Hòa thượng, trong các bài giảng của Ngài con thấy hay nhắc đến thân tứ đại. Vậy thân tứ đại nghĩa là gì?
- Đạo Phật nói rằng thân này khi đủ duyên thì do tứ đại hòa hợp mà thành, hết duyên thì mất, tứ đại lại trả về cho tứ đại. Tứ đại là đất, nước, gió, lửa. Trong tiếng Phạn đất là pathavi; nước là apo; gió là vayo; lửa là teyo. Chất cứng như xương cốt là đất, chất lỏng như máu và dịch là nước, hơi thở là gió, nhiệt lượng trong cơ thể người là lửa. Con người từ khi sinh ra cho đến khi lìa đời cũng phải vay mượn tứ đại từ bên ngoài để tồn tại. Miệng ta ăn cơm uống nước, thức ăn vào người ta sẽ thành da thịt, xương cốt và sinh ra nhiệt lượng. Đó là ta vay mượn đất, nước và lửa. Còn khi mũi ta hít vào thở ra chẳng phải là mượn gió đó sao?
- Bạch Hòa thượng, vậy ngũ uẩn là gì?
- Ngũ uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là bản thân con người với lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Thọ là các cảm giác. Tưởng là các nhận biết về âm thanh, màu sắc, mùi vị. Hành là những hoạt động tâm lý như yêu thích, ghét bỏ sau khi có tưởng. Thức là ý thức hình thành do lục căn tiếp xúc với môi trường và xã hội. Con người khác các sinh vật khác là do con người là một sinh vật có ý thức.
- Bạch Hòa thượng, tại sao Đạo Phật nói rằng thân này là tạm bợ và huyễn hóa?
- Thiền sư Đạo Hạnh có bài kệ rằng:

Thân như điển ánh hưu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bổ úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Dịch nghĩa:
Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi, thu đượm hồng
Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy như cỏ hạt sương đông.


Thân người như bóng chớp, có đấy rồi lại không, một hơi thở hắt ra mà không hít vào là thân người không tồn tại nữa. Tứ đại hòa hợp thành thân người nhưng lại mâu thuẩn lẫn nhau, lửa thịnh sinh nóng sốt nhức đầu, gió thịnh sinh nhức mõi xương cốt. Vì vậy mà lúc nào thân này cũng sẵn sàng mang bệnh để tan rã, tứ đại lại trả về cho tứ đại, ngũ uẩn cũng không còn. Vì vậy trong Kinh Bát Nhã có câu: sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức, diệc phục như thị; có nghĩa là sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức, cũng đều như thế. Những kẻ phàm phu tục tử chấp thân này là thật, là quí nên bị tam độc tham sân si khống chế, gây ra biết bao lỗi lầm, hại người, hại dân, hại nước.
- Bạch Hòa thượng, Ngài là bậc chân tu, đạo cao đức trọng, sau khi Ngài viên tịch chư đệ tử chúng con muốn ướp xác người để lưu lại cho con cháu muôn đời mai sau liệu có nên chăng?
- Thiện tai! Thiện tai! Đệ tử các con có lòng quí ta như thế làm cho ta thật cảm động, nhưng ướp xác thì các con chớ có làm. Làm như thế thì những lời ta giáo huấn các con từ đầu buổi nói chuyện đến giờ coi như vô ích. Làm như thế là trái với tinh thần Đạo Phật, vì Đạo Phật xem thân này là tạm bợ, huyễn hóa, khi thân này chết đi thì thân tứ đại lại trả về cho tứ đại mới hợp lẽ Trời.
* Tài liệu tham khảo: Bước đầu học Phật-Hòa thượng Thích Thanh Từ-Nhà xuất bản Tôn giáo.