Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tôi khẳng định Kinh Dương vương là thủy tổ người Việt Nam

Hà Văn Thùy
Thứ tư ngày 11 tháng 9 năm 2013 5:53 AM

Lời người viết: Dăm năm trước, để phản bác ý tưởng “Từ những dấu vết ngữ pháp Việt trong cổ thư Trung Hoa có thể nhận ra tiếng Việt là cội nguồn của ngôn ngữ Hán” của GS. Lê Mạnh Thát, ông Trần Trọng Dương có bài “Lâu đài cất bằng hơi nước.” Là người có sử dụng tư liệu của học giả họ Lê cho bài viết “Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán,” tôi có bài “Lâu đài trên mây hay dự cảm sáng suốt” nói lại. Ông Trần Trọng Dương đáp lại bằng bài “Một lần và lần cuối thưa chuyện với ông Hà Văn Thùy,”  Khi biết tác giả là Thạc sĩ Hán Nôm rất trẻ, tôi nhận ra mình dại.
Mấy năm nay, với nguồn tư liệu dồi dào, tôi không chỉ khẳng định “Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa” mà còn phát hiện “Giáp cốt văn là sản phẩm của người Việt.” Đọc một số bài của Tiến sĩ Trần Trọng Dương mới đây, tôi mừng nhận ra một khuôn mặt mới, sắc sảo.
Tuy nhiên, với bài viết đang chấn động dân cư mạng và gây hoang mang cho bạn đọc này, tôi buộc phải lên tiếng, dù có dại thêm một lần.

Trong bài viết “Kinh Dương Vương – ngài lài ai?”* đăng trên tạp chí Tia sáng, Tiến sĩ Trần Trọng Dương cho rằng:  “(Kinh Dương Vương) chỉ là ảo ảnh diễn hóa từ nhân vật Kinh Xuyên trong tiểu thuyết truyền kỳ của Trung Quốc.” Bài viết dẫn nhiều tài liệu tham khảo với chứng lý chặt chẽ, khiến cho những học giả Hán Nôm dù với lòng tự hào dân tộc tràn ứ cũng khó lòng phản bác.  Chắc chắn không ít người sẽ tin theo tác giả!

Tuy nhiên, chỉ trong câu ngắn dẫn trên, sự nông cạn hàm hồ của vị tiến sĩ đã bộc lộ. Thứ nhất, tuy xuất hiện lần đầu trong Đường kỷ nhưng câu chuyện về Liễu Nghị không phải là sáng tác của đời Đường mà là một truyền thuyết dân gian. Truyền thuyết, như ta biết, là “ánh xạ của những sự kiện có ý nghĩa lớn của quá khứ, được ghi lại trong ký ức cộng đồng rồi lưu truyền trong dân gian.” Cố nhiên, trong khi được kể lại qua truyền miệng, truyền thuyết sẽ có những dị bản với sai khác ít nhiều về tên nhân vật, về địa danh hoặc một số tình tiết… Tới lúc nào đó,  người ta sử dụng nó vào những mục đích khác nhau: nhà văn chế tác thành tiểu thuyết truyền kỳ, người viết sử liên kết với những chi tiết khác để phục dựng sự kiện xảy ra trong quá khứ.
Tại sao Tiến sĩ không nói “Ngô Sĩ Liên lấy từ truyền thuyết dân gian” mà lại nói lấy từ tiểu thuyết truyền kỳ của Trung Quốc? Giữa truyền thuyết dân gian và tiểu thuyết truyền kỳ khác nhau một trời một vực. Sự dẫn sai nguồn, lập lờ này làm mất tính chính danh của sử gia, làm giảm lòng tin vào sử sách.
Càng hàm hồ hơn khi tác giả cho truyện Kinh Dương Vương vào cùng một bị “tiểu thuyết truyền kỳ Trung Quốc!” Phải chăng truyền thuyết đó của Trung Quốc?  Sai lầm chết người! Có lẽ nào tác giả không biết rằng vùng Ngũ Lĩnh vốn là Xích Quỷ, Văn Lang của người Việt? Cho tới đời Tam Quốc, nơi này vẫn chưa là đất Hán. Có chuyện rằng, để đánh Lưu Bị, Tào Tháo nhờ Hứa Tịnh do thám tình hình nước Thục. Trong thư gửi Tào Tháo, Hứa Tịnh viết rằng: ông đã đi từ Hội Kế (Cối Kê - Hàn Châu ngày nay), qua Giao Châu, Đông Âu, Mân Việt, cả vạn dặm mà không thấy đất Hán.
(从会稽“南至交州,经历东瓯、闽越之国,行经万里,不见汉地” – Từ Hội Kế nam chí Giao Châu, kinh lịch Đông Âu, Mân Việt chi quốc, hành kinh vạn lý, bất kiến Hán địa.) Như vậy, tuy thuộc Hán nhưng suốt vùng Giang Nam vẫn là đất Việt! Thập niên 1950, sau khi làm chủ Trung Hoa, nhà cầm quyền Trung Quốc phải bỏ nhiều công sức đồng hóa khối dân Việt ở đây vì họ vẫn theo phong tục và nói tiếng Việt. Chỉ tới sau năm 1958, tiếng phổ thông mới được dùng rộng rãi. Vậy thì dân cư Trung Quốc khu vực này, nói đúng ra, phải gọi là người Trung Quốc gốc Việt! Người hiểu thực trạng này sẽ không nói những truyền thuyết đó là tiểu thuyết truyền kỳ Trung Hoa! Ngay những tác giả đời Đường biên thành tiểu thuyết cũng chính là người Việt!
 Sự lầm lẫn tai hại này khiến thế giới mạng hoang mang, thậm chí có vị tiến sĩ đã viết trên blog của mình: “còn mãi về sau thờ một ông vua giả có nguồn gốc Tàu!”

Cũng có sự thực là, truyền thuyết trên không tồn tại đơn độc mà có liên hệ với những sự kiện khác. Đó là châu Kinh, châu Dương trên lưu vực Dương Tử, hai địa danh Việt từ xa xưa. Ai dám chắc không có mối quan hệ nào giữa vùng đất Kinh, Dương với danh xưng Kinh Dương Vương? Các bậc vua chúa, công hầu thường lấy đất đặt tên hiệu. Đó còn là truyền thuyết về Thần Nông hơn 3000 năm TCN. Còn là câu ca Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nuớc trong Nguồn chảy ra… Điều này có nghĩa, câu chuyện về con gái Động Đình Quân không phải xuất hiện thời Đường hay Tần Hán mà xa hơn nữa, ở thời xa thẳm của tiền sử. Nhà tiểu thuyết không cần nhưng người làm sử phải biết kết nối những điều tưởng như rời rạc, riêng rẽ ấy ngõ hầu phục nguyên gương mặt đã khuất của lịch sử. Từ những dị bản truyền thuyết khác nhau, nhà tiểu thuyết dùng tên Kinh Xuyên. Trong khi, nhà sử học chọn tên Kinh Dương Vương.

Bài viết cũng lộ ra chỗ yếu chết người, lộ ra “gót chân Achile” trong luận thuyết của Tiến sĩ Trần Trọng Dương. Là người biết đọc chữ Hán, ông Trần Trọng Dương đưa tất cả những tài liệu chữ Hán liên quan lên bàn nghị sự rồi cả quyết, những gì ở ngoài cổ thư Trung Hoa đều không có giá trị!
Xin thưa, không phải cổ thư Trung Hoa là tất cả lịch sử! Cổ thư, chỉ ghi chép sự kiện từ thời Tần Hán về sau. Vì vậy, dù đọc tới nát 24 bộ quốc sử (nhị thập tứ sử) thì người Trung Quốc cũng không biết tổ tiên họ là ai, tiếng nói của họ từ đâu ra, chữ viết của họ do đâu mà có! Tuy “Hoa Viết đồng chủng đồng văn, ” do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, cố thư Trung Hoa có thể soi sáng cho nhiều sự kiện của sử Việt, thì cũng chỉ từ sau thời Tần Hán thôi! Bắt cổ thư trả lời mọi câu hỏi của sử Việt khác nào bắt dê đực đẻ?! Tham vọng dùng thư tịch Trung Hoa giải quyết triệt để vấn đề Kinh Dương Vương chỉ là chuyện leo cây tìm cá!

Chỉ có thể khám phá sự thật bằng hệ quy chiếu khác: tìm tới tận cùng cội nguồn tộc Việt!

Bằng ba cuốn sách: Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt (NXB Văn Học 2007), Hành trình tìm lại cội nguồn (Văn Học, 2008), Tìm cội nguồn qua di truyền học (Văn Học, 2011) cùng nhiều bài viết khác, chúng tôi đã chứng minh rằng, để đi tới con người hôm nay, tổ tiên ta đã kinh qua hai thời kỳ. Kết hợp những phát hiện di truyền học lấy AND từ chính máu huyết chúng ta với tư liệu khảo cổ học, cổ nhân chủng học, văn hóa học của người Việt, chúng tôi chứng minh được rằng, 40.000 năm trước, người Việt cổ Australoid từ Việt Nam đi lên khai phá Trung Hoa. Khoảng 7000 năm trước, tại văn hóa Hà Mẫu Độ vùng cửa sông Chiết Giang diễn ra sự gặp gỡ hòa huyết giữa người Việt Australoid và người Mongoloid săn bắn hái lượm có mặt ở đây từ trước, sinh ra chủng người mới Mongoloid phương Nam. Đó chính là người Việt hiện đại, tổ tiên xa của chúng ta. Lớp người Việt mới này tăng nhanh số lượng và tới khoảng 5000 năm TCN trở thành chủ nhân của vùng Sơn Đông, Hà Nam, Hà Bắc. Sơn Đông có núi Thái Sơn, là nơi ra đời của những vị tổ huyền thoại của người Việt: Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông. Còn Hà Nam nơi có con sông ngày nay mang tên Hán Thùy, nhưng trước đó, người Dương Việt chủ nhân gọi là sông Nguồn. Đồng bằng phì nhiêu do sông Nguồn sinh ra có tên là Trong Nguồn. Tại đây diễn ra sự kiện Kinh Dương Vương được phong làm vua nước Xích Quỷ năm 2879 TCN rồi chuyện Đế Lai làm vua phương Bắc, Lạc Long Quân làm vua phương Nam.

 Do đất đai trù phú, nên Trong Nguồn thường xuyên bị những bộ lạc du mục Mông Cổ ở phía bắc Hoàng Hà nhóm ngó, cướp phá. Năm 2698 TCN, người Mông Cổ mở trận công kích lớn vào Trác Lộc bên bờ nam Hoàng Hà, đánh tan liên quân Việt của Đế Lai và Lạc Long Quân. Đế lai tử trận, Lạc Long Quân dẫn đoàn quân dân Việt vùng quê Núi Thái, Sông Nguồn dùng thuyền theo Hoàng Hà ra biển rồi đổ bộ vào Rào Rum - Ngàn Hống đất Việt. Cùng ngôn ngữ và gần gũi về chủng tộc, người Việt bản địa mở lòng đón tiếp những người mới rồi chung tay xây dựng nước Văn Lang. Văn Lang với kinh đô Hạc Trắng là gì nếu không phải chính là Xích Quỷ được dời đô và thay quốc hiệu? Cũng lúc này, người Việt mang gen Mogoloid phương Nam trong đoàn di tản hòa huyết với người bản địa Australoid, sinh ra lớp người Mongoloid phương Nam mới, mà thủ lĩnh là Hùng Vương, cụ tổ trực tiếp của chúng ta hôm nay, cùng câu ca:
                 Công cha như núi Thái Sơn
                 Nghĩa mẹ như nước Trong Nguồn chảy ra
Người Mông Cổ vào chiếm Trong Nguồn, hòa huyết với người Việt bản địa, sinh ra người Hoa Hạ. Do người Việt quá đông nên sau vài ba thế hệ, người Hoa Hạ cũng chuyển hóa thành người Việt mang gen Mongoloid phương Nam. Ý thức được nguồn gốc của mình, các đế vương Trung Hoa sau này coi Trong Nguồn là đất phát tích của họ và hướng về Thái Sơn thờ tự rất tôn kính. Đến thời Đường, sông Nguồn (tiếng Việt còn đọc là Hòn, Hớn, Hán) chuyển thành Hán Thùy, còn đồng bằng Trong Nguồn được gọi là Trung Nguyên. Vì vậy, hơn 2000 năm chúng ta không tìm ra quê gốc!

Cũng phải kể tới sự kiện khác: trận Trác Lộc! Truyền thuyết cùng cổ thư Trung Hoa cho rằng, Hoàng Đế và Viêm Đế (Thần Nông) là anh em trong cùng một bộ lạc do Viêm Đế lãnh đạo. Hoàng Đế mạnh lên, đánh bại Viêm Đế ở Phản Tuyền, giữ vị trí thống lĩnh. Viêm Đế chấp nhận vai trò phụ thuộc. Nhưng rồi Si Vưu, người của Viêm Đế nổi loạn. Hoàng Đế buộc phải tiêu diệt Si Vưu ở Trác Lộc.
Đấy thực ra chỉ là uyển ngữ lịch sử vì mục đích chính trị, giống như sau này người ta chế tác ra chuyện Hùng Duệ Vương nhường ngôi cho Thục Phán rồi Thục Phán thề tôn thờ các vua Hùng mà quên đi những dấu tích của cuộc chiến  khốc liệt khắp vùng Việt Trì, Phú Thọ! Trong con mắt nhà quân sự, hai đội quân của cùng một bộ lạc chỉ có thể tranh chấp vị trí chiến lược đông dân, kinh tế trù phú chứ không khi nào kéo ra bờ sông đánh nhau. Mặc khác, nếu trong cùng bộ lạc, trận chiến sẽ không thể huy động quân số đông và diễn ra ác liệt đến thế! Trên bờ nam Hoàng Hà, Trác Lộc thực sự là trận chiến sống còn giữa kẻ xâm lăng phương bắc và người quyết tâm giữ đất phương nam! Cổ thư Trung Hoa xác nhận sự thật này. Trong cuốn Kỳ môn độn giáp đại toàn thư có câu: Tích nhật Hoàng Đế chiến Si Vưu/ Trác Lộc kinh kim vị nhược hưu (Ngày xưa Hoàng Đế đánh Si Vưu, trận Trác Lộc đến nay còn chưa dứt). Cũng phải phân định điều này: Thần Nông sống trước 3000 năm TCN nên không thể cùng tranh chấp với Hoàng Đế là kẻ sau mình hàng trăm năm!

 Với quy mô như thế của trận Trác Lộc, cho thấy, cuộc chiến năm 2698 TCN bên bờ Hoàng Hà chỉ có thể là cuộc chiến giữa hai nhà nước hay liên minh bộ lạc hùng mạnh. Cổ thư Trung Hoa cho biết, bên Mông Cổ là liên minh các bộ lạc, do Hiên Viên lãnh đạo mà không cho biết lực lượng của Si Vưu ra sao. Nhưng từ lực lượng của Hiên Viên, ta cũng biết lực lượng của Si Vưu không nhỏ. Lực lượng đó chỉ có thể có nơi những nhà nước hay liên minh bộ lạc mạnh. Từ cuộc di tản theo sông Hoàng Hà của Lạc Long Quân (vết tích còn lại trong Ngọc phả Hùng Vương) vào thời điểm này, có thể thấy trận Trác Lộc có sự liên minh giữa hai nhà nước của Đế Lai và Lạc Long Quân. Điều này còn chứng tỏ, thời điểm ra đời của nước Xích Quỷ năm 2879 TCN là có cơ sở!
  Cũng phải nói tới sự kiện này: cậu bé làng Dóng! Lịch sử chưa bao giờ ghi nhận vào đời Hùng vương có chuyện giặc Ân xâm lăng nước ta. Vua Bàn Canh không thể vượt chặng đường quá xa xôi, băng qua sông lớn Trường Giang, mạo hiểm đương đầu với sự chống trả của những quốc gia Bách Việt để tới nước ta. Nhưng vì sao có chuyện cậu bé làng Dóng? Đó chính là ánh xạ của sự kiện, sau khi xâm lăng vùng đất Ân ở Hà Nam, nhà Ân Thương tiếp tục đánh người Việt, mở rộng địa bàn. Người Việt chống trả quyết liệt nhưng rồi dần dần thua cuộc. Một bộ phận người Việt từ đây chạy về Việt Nam, quê gốc của mình, mang theo hình tượng đẹp nhất của cuộc kháng chiến rồi phục dựng trên đất Việt truyện Thánh Dóng với những địa danh Bắc Ninh!

Từ phân tích trên, ta thấy rằng, sử gia Ngô Sĩ Liên đã kết nối tài tình câu chuyện ghi trong Đường Kỷ với những chi tiết mảnh vụn rời rạc của lịch sử để phục dựng giai đoạn quan trọng thiết yếu trong lịch sử tộc Việt. Nhờ khám phá chính xác của ông, năm sáu trăm năm nay, chúng ta có được định hướng con đường tìm lại cội nguồn để không biến thành đám trôi sông lạc chợ. Tuy nhiên, do thời gian xa xôi,  chứng lý lại mong manh, nên không khỏi có những ngờ vực. Những người thiển nghĩ cho đó là chuyện “ma trâu thần rắn” hay “chỉ là ảo ảnh diễn hóa từ nhân vật Kinh Xuyên”… cũng không lạ!
Nay, nhờ phát hiện mới của khoa học nhân loại, chúng ta đã phục dựng lại diện mạo thực của lịch sử. Thật đáng mừng là những phát hiện khoa học hôm nay đã chứng minh dự cảm thiên tài của người xưa: Kinh Dương Vương là vị thủy tổ đích thực của tộc Việt!

Vừa mới xuất hiện, bài viết của Tiến sĩ Trần Trọng Dương đã lan nhanh như nước lũ trên mạng toàn cầu. Trên một vài trang mạng cho thấy bài viết đã gây sốc mạnh. Nhiều người hoang mang mất lòng tin vào điều thiêng liêng nhất của dân tộc, vào cái hấp lực cuối cùng gắn kết người Việt với nhau. Chắc chắn không phải là mong muốn của nhà nghiên cứu nhưng vô hình trung, đây là đòn “giải thiêng” nặng nề nhất đánh vào lòng tự hào, vào khối đoàn kết dân tộc!
Tuy nhiên, rất may là, tới nay, nhờ tri thức của khoa học nhân loại chúng tôi đã đi tìm tới tận cùng quá khứ dân tộc Việt, khám phá chính xác hành trình mà tổ tiên chúng ta đi suốt 70.000 năm qua cho tới hôm nay. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy phát biểu của Tiến sĩ Trần Trọng Dương là hoàn toàn sai lầm.

Bằng sự vững tin ở những chứng lý khoa học không thể phản bác, chúng tôi xin một lần nữa khẳng định: KINH DƯƠNG VƯƠNG LÀ THỦY TỔ CỦA NGƯỜI VIỆT!

 Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 9 năm 2013
                                                                                  HVT

*http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&News=6723&CategoryID=41