Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Một bài báo cũ nói về văn học Chiêm Thành

Lại Nguyên Ân
Thứ năm ngày 19 tháng 9 năm 2013 9:26 AM

    Trong khi đang đọc lại tuần báo Nhật Tân, tôi thấy một bài báo nói về văn học Chiêm Thành của tác giả Phạm Ngọc Thọ (? - ?), xin giới thiệu với bạn đọc và bạn văn có quan tâm.
    Về tờ Nhật Tân, tờ báo ra ngày thứ tư hàng tuần, số 1 ra ngày 2/8/1933, số cuối cùng ra ngày 20/2/1935 (theo Nguyễn Thành: Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam, Nxb. VHTT, H., 2000). Bộ sưu tập Nhật Tân hiện còn tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội, chỉ có đến số 76 (23/1/1935); mỗi số 12 trang khổ A2, sau rút xuống 8 trang; tòa soạn: 15 Hàng Da, Hà Nội; chủ nhiệm: Đỗ Văn; quản lý: Phùng Tất Đắc. Tuy có đăng tin tức và bình luận các đề tài thời sự chính trị, song đây chủ yếu là tờ báo xã hội, văn hóa; là nơi đăng tải truyện Hòm đựng người của Nguyễn Triệu Luật (dưới bút danh Phất Văn nữ sĩ), tiểu thuyết Tắt lửa lòng  và rất nhiều truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, các phóng sự Cạm bẫy người và Kỹ nghệ lấy Tây của Vũ Trọng Phụng,…
    
    Bài báo Văn học Chiêm Thành dưới đây không phải một bài viết kỹ, song lại là bài báo nói đến một đề tài ít được đề cập trên dư luận báo chí văn nghệ đương thời. Tác giả nêu vấn đề nhưng cũng biết rất ít tài liệu về thực trạng một bộ phận văn học đáng được biết đến nhưng lại hầu như chẳng có nguồn nào để biết; một vài tài liệu gián tiếp được nêu ra, chỉ như một gợi ý, một nhắc nhở, song thậm chí đến ngày nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.
    LẠI NGUYÊN ÂN
Sưu tầm và giới thiệu

VĂN HỌC CHIÊM THÀNH

    Nếu không có những tòa cổ tháp và những tượng đá là những vết tích còn sót lại để chứng cho một nền kỹ nghệ tinh xảo, thì có lẽ ta không thể biết rõ một tí gì về nước Chiêm Thành đã mất.
    Là vì sử chép một cách mơ hồ. Mà chỉ từ khi nước ta giao chiến với Chiêm Thành thì ta mới bắt đầu chép sử họ. Những người chép sử lúc đó là những vị quan trong triều mà vua giao cho việc ấy. Những người này không chép đúng sự thực, lại thêm bớt vào, cốt để ca tụng những công trận của ta, và nói xấu người Chàm là kẻ thù nghịch mình. Cho nên bây giờ, muốn tìm tòi nghiên cứu đến văn học Chiêm Thành, cũng không biết tìm đâu.
    Từ xưa đến nay, ở nước nào cũng vậy, văn học khi nào cũng đi theo mỹ thuật và kỹ nghệ. Văn học thịnh thì mỹ thuật thịnh, văn học suy thì mỹ thuật cũng suy. Bởi thế, đã có một nền mỹ thuật tinh xảo như ta đã nhận thấy, thì văn học Chiêm Thành ắt hẳn xưa kia cũng sáng sủa phong phú lắm.

    Cứ xem những bia cổ còn sót lại ở các tỉnh Trung Kỳ như Quảng Nam (ở làng Đồng Dương và làng Mỹ Sơn) cùng Khánh Hòa (Nha Trang) thì ta thấy trên mặt bia có khắc một thứ chữ Phạn (Sanscrit). Vì nước Chiêm Thành đã chịu cái ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ và theo đạo Phật nên lối chữ Phạn ấy rất thịnh hành về đời bấy giờ.

    Sử có chép rằng họ thường lấy lá cây thay giấy để viết, và họ có 13 tạng (tên bộ kinh nhà Phật) gồm hơn 3600 cuốn, mà chữ đều viết ngang và viết bằng ba cách: cách viết triện, cách viết thảo, và cách viết khải.

    Cũng như nước ta, nước Chiêm Thành lúc đó là một chư hầu của Tàu. Bởi giao tiếp với Tàu, nên về đời nhà Nguyên, nhà Tống, vào khoảng thế kỷ thứ XIII, Hán học rất thịnh hành ở nước họ. Tháng 5 niên hiệu Hồng Vũ thứ 2, nhà Minh có sai sứ sang truyền cho Chiêm Thành dùng khoa cử để chọn người.

    Người Chàm, nhiều người rất thông chữ Hán. Bấy giờ ta còn thấy vài bài thơ chữ Hán của họ lưu lại hay chẳng kém gì thơ của các cụ danh nho của ta ngày xưa.

    Ở bộ sách Minh Thi Tông có chép một bài thơ của  sứ nước Chiêm Thành đi sang cống bên Trung Quốc:

        Hành tận hà kiều dương liễu biên
        Phiếm phàm cao quải viễn triều thiên
        Vị hành tiên thức quy tâm tảo
        Ứng thị Yên sơn hữu đỗ quyên
    
DỊCH
        Đi qua đầu cầu sông Hoàng hà, bên hàng dương liễu
         Cánh buồm treo cao, trời buổi mai xa
        Chưa đi đã biết lòng về sớm
        Ấy là chim đỗ quyên ở núi Yên sơn

và một bài đề là: Giang lầu lưu biệt
        Thanh chương phủ lâu lâu phủ đệ
        Viễn nhân tống khách thử kinh qua
        Tây phong Dương Tử giang biên liễu
        Lạc diệp bất như quy tứ đa

    DỊCH
        Núi xanh che lầu, lầu che bến
        Người xa đưa khách qua chốn này
        Gió tây thổi cây liễu bờ sông Dương Tử
        Lá rụng chẳng nhiều bằng lòng muốn về

    Ở bộ sách Trạc anh đình bút ký có chép một bài thơ của vua Chiêm điếu Thẩm Kính Chi. Thẩm Kính Chi nguyên là một nghĩa sĩ của nhà Tống. Thẩm trốn sang Chàm xin vua Chiêm Thành giúp binh để khôi phục cơ đồ. Nhưng vua Chiêm nghĩ rằng nước nhỏ thế yếu, không giúp được nên không nhận lời. Thẩm lưu lạc mãi ở đấy. Nhà vua lấy lễ quốc tân ưu đãi ông. Sau ông lo buồn mà chết, vua Chiêm làm lễ chôn cất tử tế và điếu ông bài thơ này:

        Thống khốc giang nam lão cự khanh
        Xuân phong uẩn lệ vị thương tình
        Vô đoan thiên thượng biên niên nguyệt
        Tri sử nhân gian hữu tử sinh
        Vạn diệp bạch vân già cố quốc
        Nhất phần hoàng thổ cái hương danh
        Anh hồn hảo trục đông phong khứ
        Mạc hướng biên ngung oán bất bình [1]  
        
         DỊCH
        Khóc thương ông Cự Khanh người Giang Nam
        Gió xuân lau nước mắt vì thương tình
        Bỗng đâu trên giời biên năm tháng
        Nên khiến đời người có thác còn
        Mây trắng muôn lần che nước cũ
        Đất vàng một đống lấp danh thơm
        Hồn thiêng cứ gió đông theo đuổi
        Chẳng trông bên cạnh lòng căm hờn

    Xem đấy ta cũng có thể biết rằng văn học của Chiêm Thành hồi bấy giờ cũng đã đến cái thời kỳ thịnh vượng lắm, và đó là nhờ có tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ, và thâu thái được cái văn hóa Trung Hoa.
PHẠM NGỌC THỌ
Nguồn:
Nhật Tân, Hà Nội, s. 29 (28 Février 1934), tr. 8.
Chú thích
[1]  Trong bộ Annam chí lược cũng có chép bài thơ này. Song tác giả lại cho là của vua Lê Thánh Tôn điếu ông Trần Trọng Huy nhà Tống. (nguyên chú)