Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chuyện thật khó tin

Hoàng Ngọc Trúc
Thứ năm ngày 19 tháng 9 năm 2013 10:58 AM

Hoàng Ngọc Trúc
 
          Dưới gốc cây bàng cạnh cổng chợ, chị bán mắm cáy hỏi chị bán mắm tôm:
          - Vừa rồi, khắp nơi người ta ầm ĩ về cuốn sách “Bài tập tiếng Việt nâng cao lớp 2” (Tập 1) của nhà xuất bản ĐHSP, cậu có biết không? Tôm bảo:
          - Không! Mà có chuyện gì vậy?
          Cáy nói:
          - Ơ hay, cậu thờ ơ với thời cuộc nhỉ? Cuốn sách ngoài bìa ghi “Bài tập tiếng Việt nâng cao lớp 2” (tập 1) nhưng trong lời nói đầu lại viết: “Bộ sách Bài tập tiếng Việt nâng cao là tài liệu dành cho học sinh tiểu học, nhằm giúp học sinh học tốt môn toàn…” thế có điên không chứ? Tôm hỏi:   
          - Thế có chuyện ấy thật à?
          Cáy:
          - Thật chứ, tớ bịa ra làm sao được. Người thật việc thật hẳn hoi nhé: Chị Lê Hiền ở Vĩnh Hồ, Đống Đa, Hà Nội, chị Bích Hằng (đường Lạc Long Quân, Hà Nội) đều đã đọc cuốn sách này rồi. Tôm hỏi:
          - Sao cậu biết kỹ thế? Cáy bảo:
          - Tớ đọc báo mà.
          Tôm nghĩ một chút rồi nói:
          - Họ viết như vậy, biết đâu có ý sâu xa của họ mà mình chưa hiểu hết. Có thể đó là phương pháp giảng dạy tích hợp chăng? Trong văn có toán. Và ngược lại trong toán có văn mà.
          Cáy có vẻ bực tức nói:
          - Cậu chỉ giỏi cái biện hộ “tích” với chả “hợp”, có cái cẩu thả tắc trách thì có. Ăn lương nhà nước (tiền thuế của dân đóng góp) mà làm việc đầu óc cứ để đâu đâu, chỉ khổ cho bọn trẻ thơ thôi. Ngừng một lát Cáy nói tiếp:
          - Cậu còn nhớ cách đây khoảng mươi năm, họ thay sách lớp 1. Chữ (a) bao đời nay đều đứng ở vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng chữ cái tiếng Việt vì nó phù hợp với trẻ thơ phát âm khi mới tập nói: a, ba, bà… chúng con chào cô ạ. Thế mà khi thay sách họ đùng đùng đưa chữ (e) lên đứng trước chữ (a) có trái khoáy không? Một nhà văn ở thành phố Hồ Chí Minh nói một câu xanh rờn “Học sinh sắp tới đây khi gặp cô giáo sẽ chào là: Chúng con chào cô ẹ”.
          Nghe Cáy nói xong, Tôm bảo:
          - Như vậy vẫn còn là may chán.
          Cáy dãy nảy như đỉa phải vôi:
          - Cậu lại bênh họ rồi. May là may cái nỗi gì? Có mà họ làm hại con cháu mình thì có.
          Tôm dõng dạc nói:
          - Theo mình chữ (a) hay chữ (e) đổi vị trí cho nhau trong bảng thứ tự chữ cái cũng không ảnh hưởng gì mấy đến hòa bình thế giới. Mẹ đi chợ về con có chạy ra chào “Mẹ đi chợ về ẹ” hoặc cô giáo vào lớp, học sinh đứng dậy chào “Chúng con chào cô ẹ” cũng chẳng sao, nghe nhiều rồi sẽ quen tai thôi. Ý mình nói may mà còn rất may nữa là đằng khác là ngày ấy người soạn sách lại đưa chữ (i) lên đầu bảng chữ cái thì còn khốn nạn biết chừng nào. Cô giáo sẽ không có lỗ nẻ nào mà chui xuống được mỗi khi gặp học sinh hồn nhiên lễ phép đứng chào…