Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nguyễn Huệ Chi với cả ngàn năm cổ-cận đại

Hoàng Quốc Hải
Thứ tư ngày 23 tháng 10 năm 2013 9:25 PM

 


Xem mục lục, đọc các biên mục phân loại nhân vật lịch sử, giai đoạn lịch sử và các vấn đề về văn học sử của bộ sách “Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật” đủ biết nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Huệ Chi có dụng công khoa học khá chặt chẽ.
Với 1200 trang sách khổ lớn, tác giả khảo cứu rất đa ngành: thơ, văn, lịch sử, chính trị, tôn giáo, phong tục, tín ngưỡng… Đặc biệt là việc minh định về sự nghiệp của khá nhiều các nhân vật lịch sử sáng giá, có liên quan đến văn chương xuyên suốt 10 thế kỷ.
Tôi vô cùng kinh ngạc về kiến văn và lượng tri thức để kiến giải lịch sử và văn chương của học giả Nguyễn Huệ Chi.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng đọc tập “Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật” của nhà văn hóa Nguyễn Huệ Chi, quả tôi có liên tưởng đến “Quần thư khảo biện” của nhà bác học Lê Quý Đôn.
Lê Quý Đôn là bậc tài năng kiệt xuất, mấy trăm năm hồ dễ có được một người như ông. Nhưng tài năng như Nguyễn Huệ Chi cũng không dễ gì kiếm. Bởi nó không thuộc loại có thể đào tạo được.
“Quần thư khảo biện”, Lê Quý Đôn thâu tóm đủ các Nhà, đủ các Trường phái triết học và chính trị của Trung Hoa từ nhà Hạ đến nhà Tống trải hơn bốn ngàn năm. Và ông bình giá theo quan điểm khách quan khoa học khá là minh triết. Còn như “Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật” của Nguyễn Huệ Chi, ta thử khảo sát đôi nét, chắc sẽ cho kết quả làm ta ngạc nhiên, nếu không nói là sửng sốt.
Đây là công trình đồ sộ của cả một đời người. Phải là người có tâm, có tầm, có trí tuệ ở bậc cao, và hơn hết phải có lòng kiên nhẫn phi thường mới làm nổi. Bởi hầu hết các tài liệu nghiên cứu đều nghèo nàn. Người nghiên cứu phải kiêm luôn cả công việc điền dã, sưu tầm và phân loại.
Tài liệu để nghiên cứu không chỉ nghèo nàn mà còn rối rắm khó minh định, đôi khi đưa ta vào ngõ cụt. Đơn cử một trường hợp mà giáo sư Huệ Chi nghiên cứu về Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng với Hưng Ninh vươngTrầnTung,hoặcTuệ Trung Thượng sỹ là hai người hay chỉ là một người mang hai tên, hai danh hiệu.
Vì sao phải làm rõ? Bởi không nhẽ lại có một vị tướng tham chính suốt đời, đồng thời là một nhà tu hành để lại nhiều trước tác vô giá. Vì thế nhà nghiên cứu văn học cổ Huệ Chi mới ra sức tìm tòi giải mã.
Nguyên nhân của sự rắc rối này, giáo sư Huệ Chi viết: “Khi biên soạn Hoàng Việt văn tuyển, một trong hai bộ hợp tuyển có tiếng của mình, Bùi Huy Bích đã chọn vào đây bài Phóng cuồng ca và ghi tên tác giả Trần Quốc Tảng” (trang 379).
Giáo sư Huệ Chi còn cho biết, trong Hoàng Việt văn tuyển, ông (tức Bùi Huy Bích) viết về tiểu sử Quốc Tảng như sau: “Trần Ninh vương Quốc Tảng (con thứ Hưng Đạo) hai lần đánh lui giặc Mông Cổ, được ban cho coi giữ quân dân lộ Hồng, sau lui về phong ấp Tịnh Bang (nay là xã An Quảng huyện Vĩnh Lại) đổi tên là thôn Vạn Niên. Tự đặt hiệu là Tuệ Trung Thượng sĩ. Thường cưỡi thuyền rong chơi ở sông Cửu Khúc, ngâm thơ và sáng tác Phóng cuồng ca” (trang 379).
“Chính vì mấy lời trên đây mà nhiều nhà nghiên cứu về sau đã dứt khoát coi Trần Quốc Tảng là một tác giả văn học Lý - Trần, cũng như đã mạnh dạn đem Thượng sĩ ngữ lục bổ sung vào khối lượng tác phẩm vốn quá nghèo nàn mà họ Bùi đăng ký cho Trần Quốc Tảng” (trang 380).
“Từ một Trần Quốc Tảng tướng lĩnh thuần túy trong lịch sử, qua vay mượn của Bùi Huy Bích đã trở thành một Trần Quốc Tảng thiền sư, thi sĩ, tác giả bài Phóng cuồng…” (trang 381).
Với kết luận trên, giáo sư Huệ Chi đi vào giải mã sự kiện. Trước khi xem xét vấn đề này, ta nên biết Bùi Huy Bích là ai và ảnh hưởng của ông trên văn đàn ra sao.
Theo sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” do Ngô Đức Thọ chủ biên in năm 1993 thì Bùi Huy Bích sinh năm 1744 mất năm 1802, quê quán xã Định Công huyện Thanh Trì trú quán xã Thịnh Liệt cùng huyện.
Năm 26 tuổi đỗ Đình nguyên, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ sửu (1769) niên hiệu Cảnh Hưng 30 đời Lê Hiến tông.
Năm 1777 ông được bổ chức Đốc đồng Nghệ An. Năm 1784, sau khi quân Tam phủ đưa Trịnh Tông lên ngôi chúa, ông được thăng chức Hành tham tụng, tước kế liệt hầu… Lại thăng chức Đồng bình chương sự kiêm Tham tụng nhưng ông cố từ không nhận, rồi cáo bệnh về quê nhà. Qua triều Tây Sơn và Gia Long ông đều ở ẩn.
Bùi Huy Bích, tự Hy Chương hiệu Tồn Am là nhà văn học, sử học có danh tiếng, để lại khá nhiều tác phẩm, trong đó có bộ Hoàng Việt thi tuyển và Hoàng Việt văn tuyển do ông sưu tập, tuyển chọn. Ngoài ra còn có các sách như Nghệ An thi tập, Tồn Am thi văn tập, Châu Phong tạp thảo…”
Sơ qua một chút trích ngang như vậy cũng cho ta thấy Bùi Huy Bích là một người tài cao, học rộng. Là người có nhân cách đáng kính. Chức đến tham tụng mà vẫn cố khước từ, cáo bệnh về quê để giữ tròn danh tiết một kẻ sĩ, chứ không chịu cộng tác với cái thứ chính quyền thối nát thời tàn Lê mạt Trịnh. Một người như thế đứng ra làm sách đương thời còn kính trọng, huống chi hậu thế.
Về học giả Bùi Huy Bích, cụ Phương đình Nguyễn Siêu (1796-1869) có nhận xét như sau:
“Văn chương tài trí của ông đều có thể giúp ông nổi tiếng một thời, nhưng ranh giới vua tôi thời Lê - Trịnh có quan hệ về danh nghĩa sau đổi sang đời khác, người cầm bút ai dám thứ lượng, việc mai một nghĩ là không ít. Há đâu phải sinh ở đời đó, đều là sự bất hạnh của sĩ phu ư? Đến cuối đời sự hình phạt càng ghê gớm, nếu không vượt lên được thì phải theo đuôi hổ, đó là nỗi thương tâm của sĩ phu vậy…”
Sinh sau Bùi Huy Bích hơn nửa thế kỷ mà cụ Nguyễn Siêu vừa kính trọng vừa cảm thông với cụ Bùi đến như vậy. Dường như cụ Siêu nói vậy cũng là để an ủi chính mình nữa. Bởi thân phận Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát sống dưới thời Tự Đức cũng có hơn gì. Chính Nguyễn Siêu cũng phải từ quan về nhà mở trường dạy học, còn Cao Bá Quát thì vung gươm chống lại triều đình để dọn lấy đường đi cho chính mình.
Cũng nòi đồng điệu, sau này trong một bài vịnh về Nguyễn Du, cụ Võ Liêm Sơn đặc biệt chia sẻ:
“…Tiếc cụ sinh nhằm thời hủ lậu
 Để cho tục học ố thiên tài”
 Phải chăng cả hai cụ Phương đình Nguyễn Siêu và cụ Võ Liêm Sơn đã gửi các thông điệp đó cho thời nay, cho thế hệ chúng ta.
 Trở lại công việc giải mã văn chương và lịch sử của giáo sư Huệ Chi, trong sự nhầm lẫn của bậc tiền bối. Việc này quả không dễ. Bởi trên cả hai phương diện văn chương và lịch sử, Bùi Huy Bích lừng lững như một trái núi. Không ai dám nghĩ rằng Bùi Huy Bích lại có sự nhầm lẫn không đáng có một cách dại dột như thế. Chính chỗ này cũng làm giáo sư Huệ Chi băn khoăn, ông viết: “Là người có vốn kiến thức, chắc chắn là rất rộng, lẽ nào Bùi Huy Bích lại không hề biết đến quốc sử, hoặc lầm lẫn ở ngay chỗ mà người bình thường cũng khó có thể lầm?” (trang 380).
 Công việc tháo gỡ của giáo sư Huệ Chi xem ra rất có lớp lang khoa học. Nếu không khoa học sẽ không thuyết phục nổi giới khoa  học. Bởi suốt hai thế kỷ, biết bao công trình nghiên cứu đã gắn chặt cái tên Trần Quốc Tảng vào với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Và cái tên kép Trần Quốc Tảng – Tuệ Trung Thượng sỹ là chủ sở hữu của “Phóng cuồng ca”, của “Thượng sỹ ngữ lục” v.v… mà Bùi Huy Bích đã ám thị khiến ít người dám nghĩ đến việc xem xét lại.
Nghi ngờ là một thái độ khoa học. Mặc dù vậy, trước đó giáo sư Huệ Chi cũng “… đinh ninh rằng Trần Quốc Tảng là tác giả Thượng sĩ ngữ lục không có gì phải bàn cãi” (trang 378).
Thế rồi vào một ngày đẹp trời, đọc lại Đại Việt sử ký toàn thư thấy “Trần Quốc Tảng có tước hiệu Hưng Nhượng vương, chứ không phải Ninh vương hay Hưng Ninh vương” (trang 380). Giáo sư Huệ Chi lần giở chính sử và cả trước tác để truy nguyên. “Theo Đại Việt sử ký toàn thư trong kỳ bình công khen thưởng vào cuối năm đó (1288) Trần Quốc Tảng được phong chức Tiết độ sứ. Còn Tuệ Trung Thượng sĩ thì Toàn thư tuyệt nhiên không nhắc gì tới.” (trang 382).
Ở một đoạn khác, giáo sư Huệ Chi viết tiếp: “… Sau khi nhậm chức mười năm, sử còn chép Trần Quốc Tảng vâng mệnh vua Trần Anh tông cầm quân đi đánh sách Sầm Tớ (ở miền núi Thanh Hóa ngày nay…) Không cần nhà chép sử giải thích thêm, ta cũng đoán được là Trần Quốc Tảng vẫn còn giữ chức Tiết độ sứ từ 1287 đến 1297 hoặc đã được phong một chức cao hơn, chứ có ai lại giao việc cầm quân cho một người đã về ở ẩn và khoác áo nhà sư, dù cho người đó chỉ “tu tại gia” và xưa kia đã từng ở trong hàng tướng lĩnh” (trang 382).
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Quốc Tảng mất vào năm 1313. “Đúng một năm sau ngày ông mất (1314) nhân dịp Trần Minh tông lên ngôi, Triều đình đã truy tặng ông chức thái úy “là chức quan tổng thống việc binh”. Thử đặt câu hỏi: có một triều đại nào có hành động kỳ cục là đem một phẩm trật thuộc hàng quan trọng bậc nhất về võ mà truy tặng cho một người từ lâu đã không còn dính líu gì đến công việc binh bị của nhà nước hay không, chưa nói người đó lại là nhà tu hành, đã thoát ly xã hội thế tục?” (trang 384).
Đến đây có thể nói, nhà nghiên cứu văn bản học, về một nhân vật có liên quan đến cả lịch sử và văn học, đã khẳng định một cách dứt khoát Trần Quốc Tảng chính là Trần Quốc Tảng.
Trần Quốc Tảng không phải là người có thêm biệt danh là Tuệ Trung Thượng Sỹ.
Vậy Tuệ Trung Thượng Sỹ là ai?
Qua nhiều minh định có căn cứ từ trong lịch sử, giáo sư Huệ Chi kết luận: “Như vậy, lần lượt cởi bỏ những chỗ rối do sự dài dòng về chức tước gây nên, bài Thượng sĩ hành trạng cho ta một giải đáp bước đầu sáng rõ: Tuệ Trung Thượng sĩ là con thứ nhất của Trần Liễu và là anh ruột của Hoàng hậu Nguyên Thánh, vợ Trần Thánh tông. Thật là một tư liệu lạ lùng! Không những ông không phải là Trần Quốc Tảng mà còn đứng vào hàng bác ruột Trần Quốc Tảng; ông không phải là con trai Trần Quốc Tuấn mà lại là anh ruột Trần Quốc Tuấn” (trang 386).
Đoạn văn vừa nêu, giáo sư Huệ Chi trích trong Thượng sĩ hành trạng nằm trong tập Tuệ Trung Thượng sĩ ngữ lục do chính Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân tông soạn. Cuốn này nằm trong bộ “Trần Triều Dật tồn Phật điển lực”. Đó là bộ Phật điển còn sót của đời nhà Trần. Sở dĩ nói “còn sót” là do giặc Minh tàn bạo cướp và đốt trong cuộc xâm lăng hủy diệt văn hóa nước ta vào đầu thế kỷ 15.
Vì là Trần Nhân tông soạn, thì độ chính xác chẳng còn gì phải nghi ngờ nữa.
Tới đây có thể nói giáo sư Huệ Chi đã giải mã hoàn toàn sự rắc rối văn chương và lịch sử, và hoàn trả sự thật cho sự thật. Nghĩa là có một bậc chân tu là Trần Tung có pháp danh Tuệ Trung Thượng sỹ do Trần Thánh tông phong tặng, đồng thời ngài có nhiều trước tác lưu danh hậu thế. Lại nữa vẫn có một danh tướng Trần Quốc Tảng sử sách còn lưu danh mãi mãi.
Với phương pháp nào giáo sư Huệ Chi đạt dược hiệu quả này. Bằng vào cách tháo  gỡ, tôi nghĩ giáo sư đã giải mã bằng phép giải cấu trúc. Ông lặng lẽ giải thoát sự giam hãm vô tình của học giả Bùi Huy Bích, trong sự nhầm lẫn đáng tiếc đã kéo dài xuyên hai thế kỷ. Phải nói đây là một kỳ tích đáng ghi nhận không chỉ về học thuật, mà cả lòng dũng cảm của giáo sư Huệ Chi.
Tôi nghiệm ra rằng trong nghiên cứu cũng như trong sáng tác, nếu người cầm bút không dũng cảm thì không thể phá được xiềng xích để tự cởi trói mà đi vào cõi sáng tạo. Tuy nhiên không phải người cầm bút nào cũng làm được việc đó. Công trình này đã được giáo sư Huệ Chi công bố lần đầu từ năm 1977 trên Tạp chí văn học.
Lần thứ hai ông công bố trong “Hội nghị khoa học về Yên Tử” lần thứ nhất tại Quảng Ninh từ ngày 18 đến 20 tháng 11 năm 1981, do giáo sư Phạm Huy Thông và nhà thơ Nông Quốc Chấn thứ trưởng Bộ Văn hóa đồng chủ trì. Công trình này đã in trong kỷ yếu Hội nghị.
Gần đây vào năm 2010, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ông lại cho in trong “Gương mặt văn học Thăng Long”. Và lần này in trong tập đại thành “Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật”. Qua mỗi lần in lại được hoàn thiện thêm.
Về giá trị của công trình, tự nó nói lên tất cả, khỏi cần phẩm bình. Tôi chỉ muốn nói đôi điều về lợi ích do công trình này đem lại.
Trước hết có khá nhiều công trình biên khảo về Phật học thời Trần đã tiếp tục mắc nhầm lẫn. Ngay cả các thiền sư, các hòa thượng cũng lý giải Trần Quốc Tảng với hai gương mặt. Gương mặt thiền sư, thi sĩ và gương mặt kia là một vị tướng lẫm liệt.
Cho tới nay thì không còn công trình khảo cứu nào mắc lỗi đó nữa. Nhưng quả thực mãi tới năm 2000, tôi còn khiêm tốn nhắc một vị hòa thượng đáng kính nên sửa lại sự nhầm lẫn giữa Trần Quốc Tảng và Tuệ Trung Thượng sĩ trong các sách của cụ đã được tái bản nhiều lần.
Có một trường hợp nhầm lẫn đáng yêu, nhưng cũng đáng buồn về một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử. Ông này đọc bài “Phóng cuồng ngâm” liền nảy cảm hứng viết về Trần Quốc Tảng. Ông cho rằng Quốc Tảng là người có cá tính mãnh liệt. Làm tướng thì thao lược dũng mãnh, lại mang tâm hồn thi sĩ vừa lãng mạn vừa hào sảng. Và dám có ý kiến trái ngược với cả mấy người anh em khi được cha (Trần Quốc Tuấn) hỏi.
Vì vậy ông dồn hết tâm lực để xây dựng nhân vật này. Khoảng năm 1987-1988 gì đó, ông khoe với tôi rằng ông đang viết tiểu thuyết về Trần Quốc Tảng và rất thích. Tôi có nói ông coi chừng Quốc Tảng và Tuệ Trung là hai bác cháu chứ không phải là một nhân vật đâu. Ông cười khẩy và mắng nhẹ tôi: “Cậu thì biết cái gì”. Mặc dù tôi biết rất rõ, nhưng không dám cãi với người lớn tuổi hơn mình, và từng được các nhà phê bình coi trọng.
Khoảng một năm sau gặp lại, ông than phiền: “Cái tiểu thuyết của tớ viết sắp xong thì đổ mẹ nó mất rồi. Gần 500 trang chứ có ít đâu”. Và ông trách tôi: “Tại cậu không nói với mình một cách quyết đoán”.
Điều đáng buồn là tác giả này lại khá thân với giáo sư Huệ Chi.
Thật ra việc này tôi được biết từ sau miền Nam giải phóng. Vì tôi kiếm được một bản photocopy bản dịch của Viện Đại học Huế về bộ lịch sử “An Nam Chí lược” do soạn giả Lê Tắc. Sách dịch xong và in vào năm 1960 do sự tài trợ kinh phí từ “Hội Viện trợ Văn hóa Á Châu” thông qua “Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam” thuộc chính quyền miền Nam Việt Nam.
Nếu có bộ sử này trong tay thì sự kiện lịch sử gây tranh cãi như nêu trên, được giải quyết hết sức đơn giản. Vì người soạn là Lê Tắc, gia thần của Trần Kiện, con của Trần Quốc Khang. Lê Tắc là chứng nhân lịch sử, nên các sự kiện ông ta chép khá trung thực. Tuy nhiên lời lẽ đôi chỗ có vẻ xu phụ nhà Nguyên, bởi chủ tớ ông ta đầu hàng quân Nguyên trong công cuộc chống giặc năm Ất dậu (1285) của toàn thể quốc dân Đại Việt. Tội phản quốc thì không thể nào tha thứ. Nhưng đứng về mặt sử liệu, nó có một giá trị rất tốt cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời trung đại.
Trước 1945 nhiều học giả Việt Nam và Pháp đã tiếp cận tác phẩm này. Riêng các học giả Việt Nam vẫn khinh ghét Lê Tắc là tên phản quốc nên không dịch. Tiêu biểu là Trần Thanh Mại năm 1939 đã viết bài đăng trên tạp chí Tao Đàn số 3. Trong đó ông phê phán: “Một nhà viết sử bán nước, một quyển sử nhục nhã, Lê Tắc và quyển An Nam chí lược của y”.
Giáo sư Huệ Chi đã làm xong một việc rất đáng làm. Và không để cho sự nhầm lẫn của Bùi Huy Bích thành sai lầm của các thế hệ kế tiếp. Rất may là cuốn tiểu thuyết kia kịp thời phá sản, nếu không nó sẽ đóng đinh vào lịch sử một cách sai lầm nữa, và bằng hình tượng văn học thì thật là khó tháo gỡ.
Tới đây tôi muốn bầy tỏ thêm đôi điều về bộ sách “Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật” của học giả Nguyễn Huệ Chi. Thật khó mà đánh giá đầy đủ về giá trị của công trình này. Nếu chỉ nói riêng về bút pháp phê bình cũng cực kỳ phong phú. Ông không đi theo một lối mòn nào hết, mỗi trào lưu văn học, giai đoạn văn học, trường phái văn học đều lựa chọn cho nó một mã số thích hợp để giải mã. Kiến thức thì đa ngành, phương pháp thì đa diện. Quả thật ông là một nhà phê bình đa văn và uyên bác.
Điều đáng trân trọng là trong mỗi công trình to, nhỏ, dài, ngắn ông đều gửi đi một thông điệp tới người đọc. Và thái độ của ông thật quang minh chính đại. Nói thẳng, nói thật và tự chịu trách nhiệm chứ không ỡm ờ kiểu mập mờ tranh sáng tranh tối theo cái lối thánh phàm đồng cư, long xà lẫn lộn.
Dù chỉ là một bài tham luận, viết cho một hội thảo không lớn, về Tự lực văn đoàn họp tại Cẩm Giàng. Chưa đầy 20 trang sách đánh giá về một văn đoàn mà từ xưa ta rất dè dặt trong sự khen chê .Tôi rất tâm đắc với những nhận xét sau đây của học giả Huệ Chi: “Tự lực văn đoàn là một đoàn thể văn học hoàn toàn mang tính chất tư nhân, không ve vãn, nhân nhượng bộ máy đương quyền và không hề phát ngôn cho quyền lực dù lâm vào tình huống o ép khó xử nhất”  (trang 823). Ở một đoạn khác, giáo sư Huệ Chi viết: “Chỉ sau chưa đầy 3 năm kể từ ngày thành lập, Tự lực văn đoàn nghiễm nhiên là một hàn lâm văn học sang trọng, phát ngôn cho mọi chuẩn mực giá trị của văn học được công chúng xa gần thừa nhận” (trang 825).
Và đây nữa, coi như một kết luận khá thỏa đáng về Tự lực văn đoàn: “Bởi thế, khi xác nhận công lao của Tự lực văn đoàn như một hội đoàn có vị trí khai sáng trong văn học hiện đại, ta không nên quên rằng chính cái văn đoàn ấy, với đích nhắm nghệ thuật vô tư, trong sáng, với văn hóa ứng xử đàng hoàng, mẫu mực, phương pháp điều hành minh bạch, qui tụ được rộng rãi tinh hoa văn nghệ trong cả nước, đã khai sáng ra cùng với nó những hình thức thể loại mũi nhọn trong nghệ thuật hiện đại Việt Nam như hội họa, ca nhạc mà nó là nơi thể nghiệm nơi ghi dấu ấn của những đại biểu tiên phong” (trang 827).
Thật ra vai trò của bảy thành viên, cũng gọi là “Thất hiền” trong Tự lực văn đoàn có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong văn học sử nước nhà. Nếu thờ ơ hoặc đánh giá thấp họ, ta sẽ mang tội bất kính và vô ơn với các văn nhân khai sáng. Tôi đánh giá họ cao hơn nhiều những nhóm “Thất hiền” khác trong lịch sử văn chương trong nước và thế giới. Ví như đời Tấn (265-420) ở Trung Hoa có nhóm của Kê Khang, Nguyễn Tịch, Lưu Linh… Nhóm này chủ trương sống theo một thứ nghệ thuật tự nhiên chủ nghĩa, nhưng cực đoan đến bệnh hoạn.
Nhận xét về khuynh hướng văn học đời Ngụy - Tấn, học giả Lương Khải Siêu viết: “… Tuy rằng cõi văn học trong hai ngàn năm ở Trung Hoa, đại suất đều là giọng ấy cả, mà về đời Ngụy – Tấn, Lục triều đại loại càng tệ lắm, không từng có khí hùng hồn tiến thủ, chỉ toàn là cái giọng ủy mỵ đồi đường, đó cũng bởi cái động của học thuyết họ Lão họ Dương nó xúi nên thế vậy” (Nam Phong số 613).
Vào thế kỷ thứ 16 ở Pháp cũng có nhóm Thất hiền (Pléiade) do Pierre de Ronsard (1524-1585) làm chủ súy. Chủ trương của nhóm này cũng chỉ là “renouveler l’inspiration et la forme de la poésie franςaise” (đổi mới cảm hứng và hình thức thơ ca Pháp).
Sự đổi mới của nhóm Pléiade thực ra cũng chỉ là bước đệm cho thơ ca lãng mạn Pháp bùng nổ hai thế kỷ sau đó.
Nước ta vào thế kỷ 15 Lê Thánh Tông cũng có lập Tao đàn nhị thập bát tú do chính nhà vua làm Tao đàn nguyên súy.
Giữa thế kỷ 18 tại Hà Tiên, ông Mạc Thiên Tích lập Tao đàn Chiêu Anh Các.
Cả hai Tao đàn này cũng chỉ là nơi ngâm vịnh, xướng họa thôi chứ không để lại dấu ấn hoặc tác phẩm văn chương nào sáng giá.
Vài so sánh trên cũng đủ cho ta thấy vai trò và vị trí văn chương do nhóm Thất tinh Tự lực văn đoàn đem lại, nó lớn lao biết chừng nào trong nền văn học sử Việt Nam.
Sau rốt tôi muốn nói đến khả năng thẩm thơ của nhà văn hóa Nguyễn Huệ Chi. Đặc biệt là với mảng thơ thiền.
Qua cách bình về bài “Cáo tật thị chúng” của thiền sư Mãn Giác, tôi thấy Huệ Chi đã bén hồn thiền.
Thật ra trong giới văn chương thì bài “Ngôn hoài” của Không Lộ và bài “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác đã hớp hồn nhiều thi sĩ và các nhà phê bình văn học. Những hình tượng như:
 Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh
 Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

 Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
là những hình tượng quyến rũ khách thơ vô cùng.
 Vì vậy có rất nhiều bài dịch và bài bình cực kỳ hay, nhưng thuần nương theo cái lý của thế gian. Và vì thế họ làm mất hẳn cái hồn thiền. Chỉ tại thế gian trí năng đa biện, nên chỉ có thể tiệm cận chứ không tiếp cận được với thơ Thiền.
 Có biết đâu rằng, tư duy Thiền là trực giác, trực ngộ, nó lồ lộ như chân lý hết sức giản đơn, sao phải mất công săn tìm trong các ngõ cụt.
 Tôi tự hỏi, vì sao nhà nghiên cứu văn học Huệ Chi làm được một công trình khoa học đồ sộ xuyên suốt 10 thế kỷ như vậy.
 Phải thừa nhận, đây là công trình nghiên cứu văn học có một không hai.
 Ngoài những tố chất như tâm hồn, thông minh, ham học, khiêm tốn, đa văn, uyên bác, có ý chí theo đuổi công việc đến cùng v.v… như nhiều người đã đề cập, tôi nghĩ còn một lý do tiềm ẩn nhưng vô cùng quan trọng. Ấy là truyền thống văn hóa của gia đình. Và cũng bởi Nguyễn Huệ Chi là con cụ Nguyển Đổng Chi, một nhà văn hóa uyên bác đáng kính.

        Láng Thượng ngày 8.9.2013