Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Về làng

Nguyễn Duy Nghiã
Chủ nhật ngày 24 tháng 11 năm 2013 6:17 AM

Làng tôi thế mà hên. Nhà Văn hoá mới khánh thành khang trang nhất xã, nhì huyện, gần đường cái quan, từ đầu năm đến giờ đã có hai vinh hạnh lớn. Người ta bảo vì nó được xây trên đất lành, khởi công giờ hoàng đạo, ngày đẹp, được Lão làng như tiên, hiền hậu, con cháu đề huề, động thổ, nên  vinh dự sau gấp bội kỳ đầu. Được đón Vua.  
Lần đầu là Lễ Công nhận “Làng nghề truyền thống”. Số là do làng ít ruộng, người đông, dân tình tái cấu trúc lao động xoay ra nghề “hàng xay hàng xáo” chứ có tinh xảo, truyền đời gì đâu mà được liệt vào “Nghề truyền thống”. Chiêm mùa hai vụ, thóc vào bồ, các bà, các chị lại gồng gánh đi các làng đong thóc về oằn mình xay, chồn chân giã gạo, vừa lãi vừa có mẹt tấm, ca cám. Tới thời tân tiến, máy xay sát chạy tít mù, tung cám bụi mù, ào ào ra gạo, rải tới cả Hà Thành. Đến đoạn bung ra, hạt gạo không bị “ngăn sông cám chợ”, các hộ đua nhau mua gạo thô trong Nam, lau bóng, pha trộn, đóng gói rồi kìn kìn xuất đi muôn nẻo. Máy xay sát được chuyển đổi mục đích sử dụng sang nghiện ngô, trộn cám thành thức ăn chăn nuôi tăng trọng. Đời mới, ăn nhậu tùm lum, thúc bách nhiều hộ nhảy ra làm giò chả, quay gia cầm, thịt xông khói, bánh Tây.... Hàng quê, không thương hiệu độc quyền nhưng đắt khách. Nhiều hộ phất lên trông thấy. Nhưng tiếng máy inh tai, bụi, khói, nước thải, rác rưởi, xú uế, tệ nạn...cũng tăng theo tỷ lệ thuận, đỉnh cao là trận vỡ hụi điên đảo năm rồi. Nhà cao tầng bị  siết nợ. Con nợ cao chạy xa bay. Người già còm cõi ky cóp phòng lúc trăm tuổi bỗng chốc trắng tay, dở điên dở dại.  
Ấy vậy gặp thời cao trào lục lọi truyền thống, mấy tay chấp bút vẽ vời thành Làng nghề “Chế biến lương thực, thực phẩm” thấy hay. Thế là khi được cải giấy của trên “sức” về vinh danh là “Làng nghề truyền thống” lấy làm vinh hạnh.  
Các chức việc trong làng tất bật. Những nhà có máu mặt rút ruột tài trợ. Cờ dong, trống mở long trọng rước Bằng Công nhận trên kiệu sơn son thếp vàng rồng rắn khắp làng, thuê cả đội kèn đồng của xứ Đạo về cử các hành khúc “Đi cùng năm tháng”. Cứ theo đồng phục mà nhận ra các khối nam, phụ, lão, ấu và những người hết thời binh nghiệp quay về nghề cũ.   Khách khứa đông vui. Mít tinh trọng thể. Đãi đàng thịnh soạn. Quà cáp “cây nhà lá vườn” nặng tay.
Nhưng tất thảy đó không thấm tháp gì so với lần đón Vua về. Nghe nói trước cả tuần Tỉnh truyền lệnh cho Huyện. Huyện cử người xuống Xã, Xã gọi Làng lên. Làng triệu đủ các Ban ngành đoàn thể để lo cho việc siêu hệ trọng. Từ sáng sớm, dọc theo đường cái quan về làng cách một đoạn lại thấy tốp người lố nhố đóng chốt ở các nút giao thông. Dân làng ai được “chấm” mới vào diện đón Vua. Các Bô lão tuổi vàng, tuổi bạc choàng lão y màu nổi bật theo độ tuổi để thể hiện sự quan tâm. Học sinh đồng phục, khăn quàng mang màu chiến đấu, có thày cô dẫn đến địa điểm tập kết. Đoàn thể nào cũng phải chỉnh đốn hàng ngũ mới được vào Nhà Văn hoá. Đến sớm và đông nhất là các lực lượng chức năng. Sắc phục thẳng ly, mũ quân hiệu, quân hàm gác hai vai, sao vạch ken dày.
Nhà Văn hoá ngày thường rộng tuyềnh mà hôm nay chật cứng. Hội trường thường ra dù có Đại hội cỡ nào cũng còn thừa khoang đủ kế bàn đánh bóng bàn. Sân Nhà Văn hoá đủ chơi bóng chuyền, đấu cờ Người.... Lúc này trong Hội trường đã lỉnh kỉnh càng máy quay vô tuyến từ các hãng lăm lăm tác nghiệp. Ánh sáng chói loà dọi lên sân khấu chờ chộp hình ảnh lịch sử, làm cho các ngọn đèn  của Nhà Văn hoá ngày thường oách là thế nay chỉ như con đom đóm. Cần máy thu thanh tua tủa chờ nuốt lời vàng, ý ngọc. Ngoài sân phải căng tấm dù ngũ sắc, xếp ghế nhựa  mới đủ chỗ.
Lối thường ngày qua khu Nhà Văn hoá nay căng băng giây nilông trắng ngoại nhập, cách một đoạn gạch đỏ như biển báo an ninh là 3 hàng chữ: Hàng đầu chữ Việt “Khu vực cấm vào”. Hai hàng Anh ngữ, chữ Hán tiếp sau. Người vô tình xăm xăm đi như mọi ngày bị chặn lại, ngỡ rằng trong đó đang bị phong toả, giữ nguyên hiện trường để nhà chức làm việc. Hàng quán vỉa hè dẹp. Nhà nghỉ, cara ôkê, mát xa... tắt đèn nhấp nháy, cửa đóng then cài.  
Ngóng lâu, tê chân. mỏi gối mới thấy xe hú còi dẫn lối từ đường cái quan rẽ xuống dốc vào Nhà Văn hoá. Lần lượt trên hai mươi xe con đời mới, biển số “miễn kiểm soát” lừ lừ dừng trước Cổng ngợp cờ phướm, băng rôn. Bước ra xe, những gương mặt rạng rỡ vẫy chào. Những bó hoa tươi được trao. Những cái bắt tay niềm nở. Cả đoàn chủ, khách sang trọng đi giữa hai hàng thiếu nhi cà rùng trống ếch, tiến vào Hội trường.
Tiếng ông Trưởng ban tổ chức oang oang giới thiệu quý danh, chức vụ, có người 2,3 chức. Và, ông cũng chủ động vỗ tay làm mồi cho những tràng lẹt đẹt, thưa dần. Đón Vua, Quan tỉnh đông. Quan huyện đủ. Quan xã không thiếu một ai. Chức dịch các làng cùng xã cũng có mặt. Các vị chính gốc quê làm quan to tứ xứ cũng được mời về. Quan Làng trang phục chỉnh tề, chạy như cờ lông công.  
Hình ảnh từ hội trường được truyền qua cái tivi cỡ bự đặt ở sân. Một báo cáo dằng dặc kể lể thành tích vạch hướng tiến lên, được vị trưởng làng ê a đọc bằng cái giọng “đặc trưng nhà quê”: “l:”, “n” lẫn lộn. Đại loại như: Phát huy thế mạnh từ “nuá -  nang - nợn -  nạc - nuồng” (hạt lúa - khoai lang - con lợn - củ lạc - cây luồng), “lông” thôn (nông thôn) ngày càng tươi mới. Dân bản địa quen tai tỉnh quơ. Quan khách tủm tỉm.
Mọi người ngưỡng vọng đón hiểu dụ của Vua. Vẫn chất giọng pha tạp giữa cái quyền uy của bậc minh quân với sự thẽ thọt của nhà thuyết giáo, nụ cười phụ mẫu, nhưng toàn là lời lẽ từng ra rả phát trên đài, in đặc trên nhật trình. Có lẽ canh cánh lo âu hậu hoa từ bộ phận không nhỏ, nên đến với dân ngày vui kết đoàn mà Vua cứ dõng dạc đốc thúc hoàng thân quốc thích phát huy chí, kiên định lập trường, quên mình bảo vệ sự tồn vong của hoàng triều. Các sử gia lăm lăm mấy lần định khai nghiên bút lại thôi. Dân chúng lúc đầu cố im ắng, rồi chuyện riêng rộ lên, tạp âm át loa đài. Mấy khi rỗi hơi gặp nhau, toàn tin “hot”. Nào là siêu bão thế kỷ, vụ làm chết người ném xác xuống sông chục ngày rồi chưa mò được. Được chiếu cố là con liệt sỹ không bị dựa cột mà chỉ ngồi tù oan mới có...10 năm, là phúc tổ...
Đến lượt quan đầu Tỉnh đáp lễ. Thay mặt cả Tỉnh, Ông ngợi ca công ơn trời biển của Triều đình, gương đức độ của Vua, nguyện tin tưởng tuyệt đối, trung thành vô hạn, viết tiếp trang sử truyền thống, quyết giành giành thắng lợi vẻ vang....
Màn chót là trồng cây lưu niệm. Cây đa bánh tẻ mới được tức tốc tậu về, hạ thổ vội vàng. Bất đồ, ngọn gió hào phóng ùa tơi, cây nghiêng ngả. Cuống quýt kẻ đỡ, người gia cố chằng dây, cũng may lúc Đức Vua tới thì nó yên vị. 9 chiếc xẻng mới toanh, cán gỗ soan trắng. Hai giá gương đóng vội đỡ hai chậu thau nước sóng sánh. Một dãy khăn mặt bông trắng bóc tem. Mấy xẻng đất hất vào. Bình ôdoa tôn trắng vung vẩy tưới. Rửa tay. Vỗ tay. Vẫy chào. Lên xe. Hơn hai chục chiếc xe ngon cắn đuôi vun vút về kinh thành ngàn năm văn hiến.
Thứ dân thuộc hạng “ngồi nhà”, chép miệng: Đột xuất thế này, mấy căn nhà nhân ái sẽ phải hoãn, giãn. Quả là dân quê thiển nghĩ, được Vua về “Ngày hội đại kết đoàn” là vinh quang “nghìn năm có một”, không được tận mặt ngắm mặt rồng cũng phí, chẳng được nghe phun châu, nhả ngọc cũng hoài ./.