Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"Bán thơ"

Trần Trương
Thứ ba ngày 3 tháng 12 năm 2013 9:20 PM

Vào trang báo mạng tranngocươc.blogtiengviet.net của Trần Ngọc Ước, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, ngay ở đầu trang, tôi gặp lời đề tựa: “Quẩy gánh bút nghiên đong thế sự / Lục tìm nhân cảnh đọ đầy vơi” và mấy bài thơ của anh, của bạn anh, trong đó có bài thơ “Lời bạn”:
 “Họ chê em lập dị
Tính ngồ ngộ điên điên
Bạn mang thơ đến tặng
Lại xem giá gửi tiền.
Bạn bảo thiếu lịch sự
Coi thường tình cảm nhau.
Em thì em nghĩ khác
Thơ in suông được đâu...
Có thi sĩ cực nhọc
Giữa cảnh sống gieo neo
Con thiếu tiền ăn học
Thơ thì... ngại kỳ kèo.
Kìa...! Bác cứ nhận giúp
Cũng là trân trọng nhau
Nghệ thuật và cơm áo
Có tách biệt được đâu...”
Tôi tìm gặp anh. Dưới đây là nội dung trò chuyện:
- Đọc “Lời bạn”, tôi thấy rất ấn tượng. Ngoài tình cảm chân thật và rất có ý thức của người bạn trong thơ, tôi thấy vẫn còn có điều gì khác nữa anh muốn nhắn gửi tới Bạn đọc. Tôi chưa tìm được “chìa khóa” để mở ra cái “điều gì khác” đó. Anh có thể cho tôi và độc giả hiểu thêm “điều khác” đó được không?
- Cảm ơn anh đã đọc và lưu ý đến bài thơ tôi viết. Thực ra, câu chuyện trong thơ là có thật. Khi tôi mang ấn phẩm thơ đầu tay “GIỌT NẮNG TRONG MÂY” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2003 về nhà, chưa kịp tặng ai thì bạn tôi là Nguyễn Văn Sông, công nhân Mỏ than Vàng Danh đến chơi và “đề nghị” mua một quyển. Tôi bảo Sông: “Tớ tặng chú thôi! Bạn bè với nhau sao phải mua!”. Sông lật bìa sau của tập thơ xem giá rồi rút tiền trả tôi. Ngượng ngùng vì cử chỉ của bạn, tôi bảo: “Thôi! Tớ lấy nửa tiền để khỏi phụ thiện chí của chú!”. Với thái độ dứt khoát, Sông không nghe mà bảo: “Thơ có in suông đâu. Giá trị nghệ thuật cũng phải tính bằng bát cơm chứ anh!”. Và thế là bạn tôi ấn tiền vào tay tôi với những câu nói mà tôi chỉ việc sắp xếp lại thôi đã thành một bài thơ khá hoàn chỉnh như anh thấy (cười).
Tuy nhiên, những câu, chữ rất thật trong thơ chỉ là cái cớ để tôi chuyển tải một vấn đề khác. Anh có thấy bài thơ gồm bốn khổ tách biệt mang bốn ý khác nhau không? Này nhá: Bốn câu đầu:
 “Họ chê em lập dị
Tính ngồ ngộ điên điên
Bạn mang thơ đến tặng
Lại xem giá gửi tiền.”
Anh biết đấy! Một vấn đề khá nhức nhối là thời nay có hiện tượng thơ in tràn lan, nhiều tập thơ không có đủ giá trị thơ đích thực, nhiều tập viết ra chỉ thấy chữ, thấy vần mà không thấy có tứ, ý nào nổi bật. Vậy thì ai sẽ mua loại thơ đó nhỉ? Ở câu thứ tư tôi viết: “Lại xem giá gửi tiền”, đặc biệt là hai chữ “xem giá”. Tôi ngụ ý: Trước khi trả tiền cho một thứ gì đó, ai cũng vậy, cần xem kỹ giá cả và chất lượng của nó rồi mới quyết mua, mới rút ví trả tiền. Người đưa ra giá cho ấn phẩm thơ không ai khác ngoài Nhà Xuất bản. Một câu hỏi đặt ra: Tại sao đảm nhận trọng trách trước độc giả, Nhà Xuất bản lại để “lọt lưới” những ấn phẩm kém chất lượng như thế? Tại mặt trái của cơ chế thị trường tác động hay tại khả năng thẩm định văn học kém? Mà kém như vậy thì ai mua kia chứ?
        Ở khổ thơ thứ hai:
 “Bạn bảo thiếu lịch sự
Coi thường tình cảm nhau.
Em thì em nghĩ khác
Thơ in suông được đâu...”
Theo tôi, một tác phẩm hay, bạn đọc sẵn sàng bỏ tiền ra mua và đọc trong sự say mê, trân trọng. Còn tác phẩm không hay hoặc dở thì sao nhỉ? Giữa lúc công nghệ thông tin bùng nổ, nhìn đâu cũng thấy chữ, liệu còn lưu tâm đến những câu văn, câu thơ luộm thuộm, sáo rỗng, có khi còn dở hơi... nữa không? Vậy thì ai lịch sự, ai coi thường tình cảm nhau đây? Người tặng hay người nhận? Về vấn đề này cũng rất tế nhị. Thôi! Ta hãy để mọi người tự hiểu và tự trả lời.
- Nhưng tôi thấy hai câu sau bổ trợ cho toàn khổ thơ rất hợp lý và cụ thể lắm. Một phản biện rõ ràng, có lý!
- Đúng thế! Việc buông lửng không có mệnh đề phụ hai câu đầu để bạn đọc không thể khẳng định ai mất lịch sự, ai coi thường tình cảm của ai. Hai câu sau thì rất cụ thể: Muốn in thơ phải có tiền. Hay nói cách khác: Muốn có sản phẩm phải đầu tư. Có điều, đầu tư vào sản phẩm nào? Đây tôi muốn nói cả về giá trị vật chất và giá trị tinh thần. Người xưa có câu: “Thuyền đua thì lái cũng đua / Con cóc cũng nhảy, con cua cũng bò” để ám chỉ những ai đó a dua, chạy theo danh hão, bắt chước người khác mà thiếu cẩn trọng trong việc đầu tư, dẫn đến đổ bể... Rõ ràng, đây là lời nhắc khéo, rằng: “thơ có in suông được đâu”, cẩn thận không lại quăng tiền qua cửa sổ, thiên hạ họ thấy, họ cười cho!   
- Câu chữ của anh khá giản dị, khơi khơi, thấy nhiều vấn đề cần bàn quá! Đọc khổ thơ thứ ba, tôi cảm thấy xót xa. Phải chăng, anh cũng định nhắc nhở giới cầm bút chúng ta “đừng quá ngộ nhận mà quên đi trách nhiệm thực của mình”?
- Anh trả lời giúp tôi rồi đấy (cười). Hai câu đầu thì rõ quá rồi:
 “Có thi sĩ cực nhọc
Giữa cảnh sống gieo neo”
Cực nhọc, lăn lộn với con chữ, nhiều khi quên cả gia đình, dẫn đến tình cảnh thiếu thốn. Quên ăn vì chữ. Làm được bao nhiêu dồn để in thơ, mong có được sản phẩm để đời. Sự thật... anh thấy đấy! Có nhiều tập thơ in ra rồi tặng nhau không xong. Và hậu quả được thể hiện ở hai câu sau:
 “Con thiếu tiền ăn học
Thơ thì... ngại kỳ kèo”
Giữa nhịp sống ồn ào, thơ hay còn mất giá, thơ dở thì sao nhỉ ? Đặc biệt, tôi nhấn mạnh ba chữ: “ngại kỳ kèo”. Ngẫm từ tôi ra thôi, mình rất ngại khi mang thơ đi bán. Hình như từ “bán” nó chạm vào điều gì đó như là lòng tự trọng từ trong sâu thẳm của Người Thơ.  Tự nghìn xưa, thơ được coi là sản phẩm trí tuệ cao quý và người làm thơ được coi là bậc cao nhân, trí sĩ. Thơ họ viết ra được người đời đón nhận một cách trang trọng. Nhiều bài thơ đã lưu truyền hậu thế. Cá biệt, có bài thơ được thời nay đấu giá đến hàng ngàn, hàng triệu đô-la. Cho nên, người làm thơ thường ngại kỳ kèo mặc cả và người đời thường khoác lên họ cái danh là “kẻ sĩ”. Hai câu cuối của khổ thơ thứ ba như một lời trách cứ với bất kỳ ai vì chạy theo danh “kẻ sĩ” hão huyền mà nhãng quên giá trị thực của Thơ...
- Bốn câu kết của bài thơ anh đã dùng những câu nói rất thật của bạn mình. Liệu còn gì để bàn thêm không? Tôi đọc, vẫn thấy văng vẳng một điều gì đó mà chưa rõ?
- Sự thật diễn ra như tôi đã kể. Những cử chỉ của bạn tôi rất đáng trân trọng:
 “Kìa...! Bác cứ nhận giúp
Cũng là trân trọng nhau”.
Hai câu là một lời cảm thông. Những đồng tiền người trả cũng như thơ của người tặng được nâng lên mức nhân ái, cao thượng. Tuy nhiên, cử chỉ, lời nói của người trả tiền càng nhân ái, cao thượng bao nhiêu thì cũng lại là sức nặng đè lên những con chữ của người viết bấy nhiêu. Có câu hỏi ngầm đặt ra trong ý thơ này: Cái giá người ta trả cho những câu chữ của mình đã xứng đáng chưa hay là vì nhiều lý do khác nữa? Tôn trọng bạn chính là tôn trọng mình. Đây cũng là vấn đề rất tế nhị. Xin để Bạn đọc tự trả lời!
Ở hai câu kết, ý nghĩa rất cụ thể, như khẳng định chân lý: Càng lãng mạn, viển vông, xa rời thực tế bao nhiêu, cái giá mỗi người chúng ta phải trả cho chính mình lại càng đắt bấy nhiêu:
     “Nghệ thuật và cơm áo
    Có tách biệt được đâu...”
- Cảm ơn anh đã cho tôi và độc giả biết thêm ý nghĩa sâu xa của bài thơ rất thực!