Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Mấy lời về Trò chơi văn chương của Hoàng Dân

Đường Văn
Chủ nhật ngày 15 tháng 12 năm 2013 7:27 PM

(Thay lời Tựa)

    Đó là trò chơi sáng tạo văn chương nghệ thuật, một trong những loại trò chơi tao nhã, cao quý, nhưng mà đau óc, đau tim, vất vả, khốn nạn… mà những ai đã trót đa mang, đèo bòng thành nghiện thì đố mà dứt được! Còn hơn cả nghiện thuốc lào, chẳng kém chi mấy cái thuốc phiện, hêrôin! Có điều bệnh nghiện ấy không gây ra cháy nhà, chết người, cũng không thành thân tàn ma dại hay vợ ghê, con ngán. Gia sản theo nhau đội nón ra đi đến mức sạch bách! Rồi thân bại, danh liệt…ra đê mà ở! Chỉ có điều là cái tiếng  dở, hâm, gàn, hấp… thì không sao tránh nổi! Nhất là làm văn, viết thơ khi tuổi đời đã mãn chiều xế bóng, khi đã cầm cái sổ hưu lẩy bẩy trong tay… mà vẫn vào loại lão văn sỹ nghiệp dư:
     In chi nhiều, chỉ những tặng và cho,
Biếu chưa hết thì đem muối dưa!
Cũng đỡ đói lòng mùa giáp hạt,
  Vẫn thích chơi văn, vẫn thích đùa!
    Ấy là tâm sự, tâm tình  bấy lâu nay của Hoàng Dân, của tôi và của không ít bạn văn, thi hữu khác, mỗi khi thai nghén một bài thơ, một cái truyện hoặc khi chuẩn bị cho ra lò một sản phẩm sáng tạo văn chương mới.

    Cầm  trên tay tập bản thảo trên trăm trang với nhan đề là lạ: Trò chơi văn chương của anh bạn cũ (hiện cả hai vợ chồng cựu giáo đang ngụ xứ Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội), trong tôi chợt nảy ra mấy ý nghĩ nửa vui nửa buồn, kỳ kỳ quái quái như vậy… Nhưng đến khi đọc xong dòng chữ cuối cùng của cuốn sách thì tự thấy không thể không có đôi lời về cái trò chơi chữ nghĩa rổn rảng mà hồn người mang mang này.
    Tôi cho ràng Tâm sinh tâm diệt là 1 truyện vừa có không ít những trăn trở đổi mới nơi bút pháp thể hiện. Nhìn chung,  tác giả đã thành công.
    Cái nhan đề mượn lời kinh Phật hàm ý sâu xa, nhuốm màu tôn giáo nhưng khá phù hợp với nội dung cốt truyện và tư tưởng chủ đề, được thể hiện ở 1 đoạn văn chương 20:
    Tâm sinh thì tâm diệt. Sống cô đơn, chết cô hồn. Tự mình gây ác thì lại tự mình phải diệt ác. Nạn do trời gây ra còn có cơ tránh, gỡ. Nạn do người gây ra thì vô phương!
    Chọn chủ đề mang tính bản thể, tự tu, tự sám hối đầy triết lý này, thật ra không mới. Nhưng cái mới là ở cách triển khai nó trong thời đại @ hôm nay với những con người phức tạp, hoang mang, hoài nghi và mặc cảm trong tâm hồn mà giản đơn, tầm thường trong đời sống vật chất và tinh thần hằng ngày, trong khát khao, hi vọng cùng những hạnh phúc và bất hạnh (là chủ yếu) nơi trần thế…
    Nhân vật chính là hắn (được kể ở ngôi thứ 3 (tên Tiến) nhưng rất gần với cách kể ở ngôi thứ nhất dù không xưng tôi, hay ta…).
    Cách kể, đúng ra là cách dựng truyện của người viết khá linh hoạt.
    Những thủ pháp kể, tả của các nhà văn xuôi hiện đại trong, ngoài nước được vận dụng chắc tay và hiệu quả.
    Các thời gian nghệ thuật: hiện tại, quá khứ, tương lai đồng hiện, nối tiếp, quay ngược, xen kẽ, vòng tròn, chồng mờ… đều thấy có mặt.
    Nhịp văn nhìn chung nhanh, hoạt nhưng vẫn kĩ càng trong từng đoạn, từng câu, từng nhận xét.
    Nhiều hình ảnh, so sánh bất ngờ, táo bạo. Không ít nhận xét, bình luận, triết lý về thời thế, con người, cuộc sống…sâu sắc, thú vị.
    Cốt truyện xoay quanh cuộc đời của nhân vật Tiến (Phó giám đốc một công ti nào đó, một gã không vợ con, sống cô đơn, cuối truyện, bị đồng nghiệp đẩy vào bệnh viện tâm thần để tranh ghế). Thật ra, kiểu nhân vật này từng được các nhà văn nổi tiếng thế giới xây dựng rất thành công (Ví dụ Phòng 6, Người tu sỹ vận đồ đen… của Tsêkhốp, Nhật ký người điên của Lỗ Tấn…). Nhưng hắn vẫn là sản phẩm riêng của Hoàng Dân với số phận và tính cách riêng: u ẩn và sắc sảo, cô đơn và cao thượng, rắc rối mà không phức tạp... Đúng là một nhân vật, một típ người của những thập kỷ bản lề giữa 2 thế kỷ 20 – 21.
    Tôi thích nhất 5 chương (từ chương 15 –20): trường đoạn kể - tả - dựng về đám tang và hậu đám tang thi sỹ tài hoa, trác táng, yểu mệnh Lưu Hiên – bạn thân của hắn. Đó là những chương truyện viết không chỉ kỹ càng, tinh tế, cảnh, người sắc nét, ấn tượng; mà dụng ý tư tưởng - nghệ thuật của tác giả đặt vào cũng được biểu hiện kín đáo, gợi mở và thành công. Riêng đoạn hai chị em hắn ngồi thuyền đi dọc sông Hồng để thả tro người đã khuất không chỉ mang tính hiện thực thời đại cao mà còn mang tính biểu tượng và ám ảnh người đọc sâu sắc. Tôi nghĩ đoạn thả tro cốt đó có thể là đoạn hay nhất, xúc động và mới mẻ nhất của truyện.
    Tính tư liệu, đa thể loại cũng là một nét mới, hiện đại trong truyện vừa này. Những tin tức xã hội, văn hóa được trích dẫn, cắt dán gần như trực tiếp từ báo chí hằng ngày, cuốn vở trích ghi tạp bút như là nhật ký của Lưu Hiên được đưa vào làm cho tiểu thuyết hư cấu rất gần gũi với tiểu thuyết phóng sự, tiểu thuyết tư liệu; mà ở đó, nội dung hư cấu giảm thiểu, nhường chỗ cho nội dung hiện thực chính xác và sự thật chiếm lĩnh đến tối đa.
    Tôi cho rằng, Tâm sinh tâm diệt  là một sáng tác thành công đáng ghi nhận cả về 2 phương diện tư tưởng và nghệ thuật và có những nét mới về nghệ thuật biểu hiện. Trên phương diện thể loại, nó khẳng định, rằng ngòi bút văn xuôi tiểu thuyết của Hoàng Dân đã chín thêm một mùa thu hoạch khả quan.
    Chúc mừng anh!

    5 truyện ngắn của Hoàng Dân gồm 3 truyện lịch sử giả: Văn sách, Khoái lạc và Đàn bà, 2 truyện thế sự đời thường hôm nay: Giống người thuần chủng và Bin. Trò chơi văn chương của tác giả ở hình thức văn xuôi tự sự ngắn này xem ra dễ khiến anh thoải mái, tung tẩy hơn trong cách thể hiện. Nhìn chung, các truyện đều chặt chẽ, hàm súc trong ý và tứ, hiển ngôn và hàm ngôn. Nhưng người đọc cũng không khó khăn để nhận ra cái ý tại ngôn ngoại của  từng truyện và những vấn đề chung của cả 5 truyện. Chung quy vẫn là những trăn trở, nhức nhối về tính cách con người và những tiêu cực, suy thoái trong xã hội chúng ta hôm nay.
    Truyện ngắn chỉ là 1 lát cắt nhỏ, thậm chí rất nhỏ, rất mỏng từ hiện thực cuộc sống xã hội con người mà làm bật lên những vấn đề để khái quát tư tưởng chủ đề. Cái tài và cái tâm của người viết là ở chỗ từ tình huống nhỏ, mỏng ấy có đủ sức khái quát cao không? và khái quát vấn đề gì? có quan trọng, cấp thiết với đương thời không? có đặt hoặc giải quyết được 1 vấn đề nhân văn, xã hội khả dĩ mới mẻ, bức thiết gì không? .v.v. ..
    Từ những nguyên tăc lý thuyết cơ bản ấy soi vào chùm truyện của Hoàng Dân, thấy ông vừa sắc nhọn vừa đa dạng và tập trung trong tư tưởng – nghệ thuật của riêng mình. 3 truyện lịch sử giả (tôi mượn khái niệm của PGS.TS. Đặng Anh Đào khi phân loại một số truyện ngắn như Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp) của anh chỉ tựa hờ vào một vài chi tiết hoặc sự kiện không quan trọng của lịch sử để xây dựng cốt truyện, nhân vật, tình huống và gửi gắm vào đó những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hôm nay. Theo tôi, cả 3 truyện đều rõ ràng về dụng ý tư tưởng: Những người lãnh đạo cao nhất với chiến lược và chính sách sử dụng người hiền tài  (nguyên khí quốc gia) như thế nào để chấn hưng đất nước; với chuyện trả thù cá nhân như 1 nhu cầu nội tại khó cưỡng, một niềm vui  tiểu nhân thậm chí nâng lên thành khoái lạc bệnh hoạn; với cả những chuyện sinh hoạt cá nhân đồi bại, vô đạo và hậu quả bi hài của nó… Vấn đề đặt ra là ở chỗ bản thân các vị ấy có những cơ sở tâm lý, triết lý, đạo lý để tự giác thay đổi tận gốc quan niệm, tầm nhìn, tầm nghĩ và lối sống của mình vì dân, vì nước thực sự hay không?  Tôi e rất khó! Nhưng chính vì hiểu rõ điều ấy nên nhân dân hiền minh luôn chịu thiệt thòi, thời nào cũng vẫn phải kỳ vọng và đỏi hỏi sự thiện hóa, trong sạch và lương tâm hóa ở họ.
    Về cách thức thể hiện: mỗi truyện một kiểu. Riêng ở Khoái lạc có sự kết hợp khai thác cả cốt truyện cổ tích (Phật thoại Từ Đạo Hạnh – Đại Diên, sự tích chùa Láng) với lịch sử thời Nguyễn Gia Long, tạo ra sự hấp dẫn, thú vị mới.
    Giống người thuần chủng vừa gợi cho ta nhớ tới số phận của 1 nhà thơ nổi tiếng bị hàm oan, trù dập lên bờ xuống ruộng thời Nhân văn Giai phẩm vừa gợi nhớ một đôi nét về chính cuộc đời tác giả trong sự soi chiếu, đối sánh với những tấm gương mờ phản diện về những cán bộ nhà nước, những vị lãnh đạo cỡ to kha khá nhưng ngu dốt và gặp may, tha hóa và xảo trá, hèn hạ và ti tiện… ngay cả đến lúc về hưu chờ chết mà vẫn chưa thực sự sám hối, ăn năn, vẫn cứ muốn che đậy cái mặt nạ nhơ bẩn của mình nhưng không sao che nổi, thậm chí còn càng trở nên lố bịch hơn khi đối diện với người bạn nghèo không may thưở thiếu thời. Truyện viết khá dữ dội, giọng điệu có phần chì chiết, nghiệt ngã trong phê phán một kiểu người, một lối sống khiến một số người đọc nhạy cảm cảm thấy gờn gợn, vì sự hình như cố ý gai ngạnh của nó.
    Bin viết khéo. Dùng cái tốt, cái trung thành đến chết của loài súc vật khuyển  mã để chê trách và lên án thói hèn nhát, phản trắc và vô ơn của con người, thật ra không mới về nghệ thuật (có từ văn học dân gian, (xem truyện cổ tích: Cứu vật, vật trả ân, cứu nhân, nhân trả oán, truyện trung đại: Con hổ có nghĩa, truyện hiện đại: Tiếng gọi nơi hoang dã, Con bim trắng tai đen, Lão Hạc…)…
    Nhưng trong Bin, Hoàng Dân vẫn gây được xúc động của người đọc bởi cái tình thật, chuyện thật (y như thật) của anh. Cái kết truyện bằng những câu hỏi có lẽ không chỉ để dành cho con Bin khốn khổ, loài chó khốn khổ mà thôi!
    Gợi và mới, theo tôi, chính là ở đó.
    
    Tóm lại, trong  Trò chơi văn chương mà Hoàng Dân tạo dựng, cống hiến bạn đọc, theo tôi, cứ căn cứ vào văn bản, thì: một vừa,  5 ngắn. Cả vừa, cả ngắn đều biểu hiện những nét bạo, mới, thậm chí gai góc, dữ dội và nhạy cảm cảu một cây bút văn xuôi qua 2 thể loại văn xuôi: truyện ngắn và truyện vừa. Chính vì vậy mà chúng chưa thể in theo con đường chính ngạch mà phải chọn con đường tiểu ngạch (lưu hành nội bộ) rất hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng này. Nhưng méo mó, có còn hơn không, muộn còn hơn không! Theo tôi, như thế lại càng quý vậy thay một tấm lòng và bản lĩnh một ngòi bút sắp ngấp nghé mùa thu vàng lần thứ hai cuộc đời như anh!
    Dù hay, dù chưa thật hay, riêng với tôi, mỗi lần đọc Hoàng Dân, dù nhẹ, dù nặng, nhạnh, chậm… vẫn đem lại những ám gợi, dư vị khác nhau, không trộn lẫn với nhiều bạn văn nước Việt về tình đời, tình người trung thực và có phần đắng đót của một cựu binh thời chống Mỹ./.


Trèm, chiều muộn 15 – 11 – 2013.
ĐV