Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chuyện nhà văn Ma Văn Kháng kí tặng sách

Nguyễn Anh Tuấn
Thứ ba ngày 17 tháng 12 năm 2013 6:22 PM


Sách do nhà văn ký tặng một ai đó là chuyện chẳng có gì đáng nói. Nhưng dòng ký tặng của nhà văn Ma Văn Kháng viết cho tôi trên cuốn sách mới nhất của ông lại gây cho tôi một ấn tượng thực sâu sắc, khiến tôi xúc động mãi... Hôm ấy, khi biết tin Nxb Hội nhà văn tổ chức cuộc ra mắt cuốn tiểu thuyết "Chuyện của Lý" (Tại Nxb, chiều 15/11/2013),  tôi vác máy quay đến để ghi vài hình ảnh của nhà văn và những người hâm mộ... Tôi đã đọc ông từ lúc còn là học sinh phổ thông, cho đến khi vào đại học, rồi ra công tác, và cho đến tận giờ vẫn đọc ông hầu chẳng thiếu cuốn nào. Dĩ nhiên là ông chẳng hề biết tới tôi- một kẻ cũng học sư phạm văn rồi cũng lên miền núi dạy học như ông, và cũng viết đôi ba truyện ngắn truyện dài về miền núi được xuất bản hẳn hoi... Nếu tôi liều tới xin được bắt tay ông, chắc ông cũng sẽ chỉ hờ hững bắt tay một kẻ hâm mộ vô danh, để dành thời gian trao đổi với các nhà văn tên tuổi, các quan chức. Chẳng hề gì, miễn là tôi được tận mắt nhìn thấy một nhà văn quen thuộc với mình như tâm lý một người đọc vẫn có. Và với tôi, còn một lý do ích kỷ riêng: trong kho lưu trữ hình ảnh về các nhà văn tôi yêu thích thế là giờ đây có thêm tư liệu quý về ông- người mà tôi muốn gặp từ lâu nhưng chưa có dịp...
Sau khi quay được một lúc diễn từ chúc mừng, tặng hoa tác giả và các nhà văn phát biểu, quay cả phỏng vấn của mấy đài với các nhà phê bình về cuốn sách, thì thấy nhà sách Hàn Thuyên ôm các chồng sách ra hành lang phòng họp để bán. Tôi liền ra mua ngay một cuốn. Tôi định bụng sau khi tan cuộc sẽ tới nhà văn xin chữ ký. Nhưng rồi thấy mấy người cứ mua sách xong lại chạy ngay vào phòng, cúi lom khom để xin chữ ký nhà văn đang ngồi hàng ghế đầu, tôi cũng sốt ruột. Với lại, kiểu này thì lát nữa cả một đám đông sẽ mang sách ùa tới nhà văn, tôi không chen nổi, và chắc ông sẽ ưu tiên những người mà ông biết, bạn bè của ông, rồi những người nổi tiếng trong văn giới... Vậy là, mặc dù có người vẫn đang đứng diễn thuyết, tôi đành phạm luật "khiếm nhã", nhờ một cô phóng viên mới ra trường đang tác nghiệp đem cuốn sách tới nhà văn xin chữ ký: "Giúp chú với, chú vướng máy quay mà..." Cô gái nhiệt tình đem cuốn sách của tôi vào. Nhưng tôi thấy nhà văn không cầm bút ký ngay như với mọi người, mà nói nhỏ gì đó với cô. Rồi cuốn sách của tôi lại được mang ra. "Chú ơi, bác Kháng muốn biết bác ấy ký tặng cho ai?" Tôi vội nói đủ họ tên. Rồi cuốn sách đó lại quay trở ra lần nữa cùng vẻ hơi giận dỗi. "Chú làm nghề gì cơ?" Tôi hơi sững người giây lát, nhưng cũng nói cho cô biết công việc của tôi. Một lát sau, cô chạy ra đưa sách cho tôi, không kịp nhận được lời cám ơn thì đã giơ máy ảnh lên trước một diễn giả mới...
Chữ nhà văn viết thận trọng, không có vẻ gì là vội vã trên trang đầu sách đập vào mắt tôi: "Rất cám ơn và thân tặng đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn- chữ ký- Hànội 2013". Một cảm xúc kỳ lạ chợt ùa ngập khiến tôi bất giác rưng rưng... Nhà văn quả là một con người cổ kính - theo cái nghĩa chân thực và đáng quý nhất chứ không phải theo cách nghĩ của không ít người trẻ tuổi bây giờ: "Cổ lỗ sĩ", "Ông già Khốt-ta-bít"... Cái cổ kính của một trí thức cũ Hà Nội thường xưng hô "bác - tôi" với cả người ít tuổi hơn mình rất nhiều. Cái cổ kính của một người từng trải song không mất đi sự chân thành hồn hậu trong quan hệ ứng xử dù thân hay sơ ; và cũng bởi từng trải mà có lòng độ lượng, kèm một nụ cười châm biếm kín đáo với lỗi lầm có thể tha thứ được ở người cộng tác, đối thoại...Đằng sau sự cổ kính của dòng ký tặng sách, tôi đọc thấy một sự lịch lãm nhân hậu, đặc biệt là thái độ trân trọng người đọc hết mực của nhà văn. Sự trân trọng đó cũng vô tình biểu hiện bản lĩnh cùng nhân cách của nhà văn trước câu chữ, trước số phận những con người mà ông thương mến, xót xa, và không chỉ coi là chất liệu sống cho văn học... Đến giờ tôi mới thấm hiểu vì sao nhà văn lấy hai câu của của nhà thơ trào phúng ứ nước mắt Tú Xương làm đề từ cho cuốn hồi ký "Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương" (Nxb Hội nhà văn, 2011):
Những là thương cả cho đời bạc
Nào có căm đâu đến kẻ thù
Và tôi bỗng nhớ tới hình ảnh ẩn dụ "con quay kỳ lạ" của J. P. Satre về sự "xuất hiện"
của tác phẩm văn học khi có một hoạt động cụ thể gọi là sự đọc, và tiếp sau đó là sự "vận động" không ngừng của nó trong lòng công chúng bạn đọc theo lối "quay" theo những vòng tròn xoáy trôn ốc, và chúng càng "vận động" thì càng có cơ hội tiệm cận đến chân giá trị  tác phẩm. Cũng theo Satre: "Tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn có thể tiếp tục; ở ngoài sự đọc, nó chỉ là những vệt đen trên giấy trắng."
Lúc này, sau khi đã xả cho vơi cái ấn tượng về dòng ký tặng đó, tôi mới bắt đầu giở đọc trang đầu tiên kể về sự sống chào đời của một cô bé người Dao, để rồi sẽ được "quay" theo số phận của cô trong vòng quay của những con người nơi đầu nguồn xa xôi nhưng cũng đủ bão táp phong ba để sản sinh ra những Con người cùng những Kẻ- người-thú...

Hà Nội, 17/11/2013
Đạo diễn, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn