Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tờ hoa ngời ánh tài hoa

Đường Văn
Thứ hai ngày 16 tháng 12 năm 2013 9:47 PM


(Đọc tùy bút Tờ hoa* của Nguyễn Tuân)

    Nguyễn Tuân viết:

    Giữa rừng tây Bắc đầy hoa, đầy bướm, đầy ong, cái tôi thấy say say trong chính mình, là mặc dầu không có được một chuyến đi bằng một đời ong, mình cũng là một con sinh vật đang nung một thứ mật gì. Sự tích lũy ở mình cũng ngày ngày có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống.

    Thật là khiêm tốn nhưng cũng thật tự tin, và hào hứng về chính tài hoa và bản lĩnh sáng tạo của mình. Đọc tùy bút và một số truyện ngắn (cũng mang dáng dấp của thể văn xuôi đỏng đảnh này) của Nguyễn Tuân, người đọc các thế hệ đã được uống say nhiều nhiều giọt mật ong rừng nguyên sinh tinh khiết, thơm tho, nồng nàn mà những Làng hoa (1956), Trang hoa (1962), Tờ hoa (1966) là 3 giọt đặc sánh và tỏa hương ngây ngất, được chưng cất từ làng đào Nhật Tân, Quảng Bá, huyện Từ Liêm, quận Tây Hồ, từ cánh đồng hoa muối Vĩnh Linh, Quảng Bình chói chang cát , gió và từ một công trường làm đường nào đó ở miền Tây Tổ quốc đầy ong, đầy bướm, bạt ngàn hoa, qua cả chục năm trường nhà văn – như con ông cần cù ăn hoa nhả mật.
    Nhắm nháp từng chữ, câu trong Tờ hoa với niềm khoái cảm lâng lâng, trong niềm kính phục vô hạn, thấy lòng mình  như cũng bừng nở từng đợt sóng hoa nhập cùng hồn văn Nguyễn Tử. Chúng ta ngạc nhiên, có lúc đến sững sờ trước kiến văn quảng bác, sức liên tưởng, tưởng tượng lạ lùng, phi thường, tài viết cứ như chơi chơi đùa đùa mà thực ra là tử công phu. Bảo rằng tản mạn thì hình như cũng thật là tản mạn! Câu mở đầu có vẻ khô khốc như chỉ lãnh một nhiệm vụ thông tin đơn thuần về thời gian, địa điểm. Nhưng đến câu văn thứ 2 với vị ngữ nhìn ra, điệp lại tới 3 lần đã nhấp nhánh cảm xúc nơi hơi văn và con chữ. Tiếp đến các câu 3, 4, 5… con người, phong cảnh, sự việc, tình cảm cứ nhộn nhịp, ấm áp, phong phú mãi lên. Hơi văn theo đà ngòi bút cứ bốc dần, bốc dần, mở thóang ra cả 2 chiều sâu và rộng. Từ việc dõi theo cả vạn chuyến ong bay tìm hoa, làm mật, ngẫm sang việc đàn bướm tốt mã hào nhoáng triệu triệu lần bay vào hoa nhưng chẳng để lại gì, thoắt chuyển sang quá trình hoài thai làm ngọc khổ đau nặng nhọc, đèo bòng của loài trai biển. Đang từ cái sự đầu thai vào vườn người, nghĩ đến những ngọn hoa sáng chói, hoa tập kết miền Bắc nhưng bộ rễ cắm sâu tận đất rừng Tây Nguyên, U Minh. Liên tưởng xa xôi hơn, tới cả những bông hồng đẫm máu Liđixê, bông hồng xanh của nhà họa sỹ lập thể tí hon làm Lênin rơi nước mắt…
    Trở về thời khắc hiện tại, nhìn chiếc đồng hồ đeo trên cổ tay chị phiên dịch Hoài Nam nào đó, Nguyễn Tuân đắm mình miên man về các loại đồng hồ thô lậu, cổ sơ, để rốt cuộc ngợi ca cái đồng hồ hoa thủy tiên mãn khai đúng phút giao thừa. Thiên tùy bút kết thúc bằng hình ảnh một cành mai trắng thay lời chúc mừng năm mới với niềm tin trong lành và mãnh liệt về thời gian và chiến thắng chỉ ủng hộ chúng ta. Bài tùy bút mở ra tại một công trường Tây Bắc, khép lại nơi bàn viết nhà văn, kể chuyện, bàn tán đông tây kim cổ nhưng cốt lõi vẫn xoay vòng quanh chuyện hoa, chuyện sáng tạo văn chương nghệ thuật, chuyện đất nước, xã hội, con người dân tộc và thời đại, chuyện Việt Nam nhất định chiến thắng đế quốc Mỹ, một trong những vấn đề thời sự nóng bỏng lức ấy, lại bật nổi lên giữa những tờ hoa, giữa những trang hoa…
    Như thế rõ ràng tản mạn, tự do mà vẫn tập trung và chặt chẽ. Đó là nét đặc sắc dầu tiên của tùy bút Tờ hoa của Nguyễn Tuân.
    Với Nguyễn Tuân, viết tùy bút như đề thơ bằng văn xuôi vịnh vào núi mây, sông nước với trái tim mẫn cảm của một hồn thơ lãng mạn bay bổng diệu kỳ, lại như nhà khảo cứu uyên thâm, sành sỏi, lọc lõi đến từng chân tơ kẽ tóc. Chỉ trong hơn 4 trang in, nhà nghệ sỹ - học giả này đã làm thoả mãn óc tò mò của người ham hiểu biết bằng những con số chính xác về quá trình ong tìm hoa, làm mật. Đọc đoạn viết về con trai hoài thai ngọc từ hạt cát biển vô tình lọt qua cửa trai, ta bỗng có cảm giác như ba nhà sinh vật, điêu khắc, nhà văn cùng hội nhập tuyệt đẹp nơi ông già làng Mọc có mái tóc sư tử. Chắc không ít nghệ sỹ ngôn từ phải ước ao, thèm muốn có được vốn từ dồng nghĩa, gần nghĩa và trái nghĩa cực kỳ phong phú của Nguyễn, để khi hứng lên, khi cần thiết, ông sẵn lòng tung ra, ném thia lia ra như muốn ganh đua cùng thiên nhiên, tạo hóa.
    Hạt cát, hạt bụi biển, hạt đau, hạt buốt sắc, hạt bụi bặm khách quan nơi rốn bể, hạt đau, hạt xót, hạt cát khối tình con…hạt ngọc tròn trặn ánh ngời…
    Như chính Nguyễn cũng vừa mới trải qua nỗi đau quặn thắt và niềm vui mỏi mệt, thỏa mãn của cơn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, tạo ra cái đẹp cho đời. Huy động bao nhiêu vốn từ ngữ để lột tả cho hết cái màu xanh của nước biển Cô Tô, thậm chí cái cà vạt trang sức của đàn ông lịch sự, gió Than Uyên, thác đá sông Đà… và giờ đây là hạt cát, hạt ngọc nơi lòng trai bể. Có phải có lúc Nguyễn Tuân cũng đã từng tự xếp mình, một cách kiêu hãnh, vào hàng những hóa công nhân tạo của nghệ thuật ngôn từ, với xác tín: văn phẩm của mình sẽ bất hủ cùng thời gian, tươi trẻ mãi, ngời ánh mãi như người từng được thụ bàn đào thiên tiên?
    Không ít người đọc rất thích được cùng tác giả chìm sâu vào ký ức để khảo cứu vân vi về các loại đồng hồ đông tây kim cổ. Đặc biệt thích là đồng hồ hương, đồng hồ hương vòng ngự dụng đeo ngọc đời Lý đượctái hiện, nhấm nháp bằng một câu văn dài, trang trọng, đài các, rất phù hợp với lối sinh hoạt cung đình của các vị vua chúa phương Đông.
    Hương vòng ngự dụng của vua nhà Lý xưa đọc kinh Phật có hạt ngọc đính vào từng vòng hương. Lửa hương cháy đến cữ ấy thì hạt ngọc lại đứt, rơi xuống và nghe ngọc gieo mình lanh lảnh vào một cái bình hồ kim ngân (thủy ngân), người đọc biết là đêm đã vợi đi một canh nữa.
    Nhà văn muốn nhắc nhủ người đọc hôm nay chớ nhanh quên những gì cha ông từng sáng tạo, đừng vội loá mắt, ù tai trước những kỹ thuật hiện đại. Bánh xe răng cưa mà rối chân tóc thì sao bằng đồng hồ gà gáy vang trên mặt sông vắng? Thời gian tự nhiên, vật lý, lịch sử … đều chỉ có 1 chiều. Thuận theo tự nhiên và lịch sử thì rước sau cũng sẽ thành công. Ngược lại, chỉ chuốc lấy thật bại, mua cười thế gian! Phải chăng đó chính là những suy tư chiêm nghiệm của Nguyễn qua cái bảo tàng kỷ niệm đồng hồ độc đáo của ông?
    Bởi vậy, phong phú, uyên bác và tài hoa nghệ sỹ là phẩm chất thứ hai của thiên tùy bút Tờ hoa.
    Phong cách thể hiện của văn Nguyễn Tuân là vừa cổ vừa mới. Nói cụ thể hơn là cổ trong mới, mới trong cổ. Đứng trước đối tượng  tâm đắc, say mê, ông thích đào sâu, lật đi lật lại đến tận kiệt cùng các bề mặt, các chiều kích, nhất là chiều sâu lịch sử của nó. Nguyễn Tuân ưa vang bóng nhiều thời, nhiều nơi để hóa thân và thăng hoa cảm xúc, ấn tượng cùng cái đẹp, cái tráng lệ, hào hùng của ngày hôm nay trên đất nước ông bà. Nguyễn Tuân thích dùng và dùng rất hiệu quả những từ ngữ Hán Việt cổ, cơ hồ đã bị lãng quên từ lâu, dưới ngòi bút tài hoa của ông, lại thêm 1 lần tái sinh, đẹp trang nghiêm kỳ lạ: Những tinh hồn, bổn mạng, khối tình con, thiên cổ, tất niên… xuất hiện cùng với nhiều từ ngữ mới, hiện đại, mới có chừng vài chục năm lại nay: lập thể, siêu thực, hồng xanh… mà không thấy sự chật chưỡng, lệch pha, khiên cưỡng. Nguyễn Tuân, khi cần thiết, lại có khả năng sáng tạo ra 1 từ mới của riêng ông một cách bất ngờ, rất thú vị bằng nhiều cách:
-    Có khi đảo lại trật tự từ biến từ cũ thành từ mới: Bãi cátcát bãi, trâu bò bò trâu, thơm lừng lừng thơm;
-    Có khi lại động từ hóa một danh từ. Ví dụ:  Đình Bạch Mã năm nào cũng tất niên bằng một cuộc thi hoa thủy tiên.
-    Tạo ra những cụm từ (ngữ ) mới: cái phút không giờ, giọt tài nguyên Tổ quốc, ngọn hoa sáng chói công khai, bông hoa nở tập kết…
    Trong Tờ hoa, ta gặp những câu văn vừa trữ tình trầm lắng vừa đùa cợt dí dỏm:
    Đối hoa xuân, lắng ong mật mà thêm ngẫm tới đàn bướm tốt mã chấp chới bay, lộng lẫy những sắc phần của sáo ngữ ồn ào.
    Có phải nửa câu trên giọng nghĩ ngợi trầm tĩnh, nghiêm cẩn, chậm rãi bao nhiêu thì nửa dưới lại phảng phất nụ cười nhẹ nhàng, thâm thúy bấy nhiêu? Câu văn cổ như thoáng nhịp biền ngẫu ở trên, thì ở dưới lại nhanh nhẹn như văn báo chí tốc tả. Có những câu văn nhịp nhàng, ngân nga uốn lượn như câu thơ giàu nhạc, giàu vần bên những câu gồ ghề, góc cạnh và cả những câu dài tầng tầng lớp lớp khi diễn tả những trạng huống hay tâm lý rắc rối, phức tạp của lòng người.
    Tất cả, tất cả,… tôi ví như những cánh hoa, nụ hoa, đài hoa, đoá hoa, tràng hoa… kết thành những tờ hoa trắng và trong, tinh và khiết, độc đáo, tài hoa nhất mực, ngời ánh lên trong tùy bút của Nguyễn Tuân, thứ tùy bút không bao giờ có phiên bản thứ 2!
 
•    Tuyển tập Nguyễn Tuân, tập 2; NXB Văn học, 1982.
•    .

Trèm, 8 - 11 – 2013. ĐV