Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Mắt sóng - bức chân dung người đàn bà trong điệu múa Rumba

(PGS.TS. Trần Thị Trâm)
Thứ sáu ngày 27 tháng 12 năm 2013 5:38 AM
 
Có thể nói Mắt Sóng của Phương Thảo chính là bức chân dung người đàn bà thơ đang độ tuổi 50 đằm chín: thành đạt, tự tin, năng động và tràn đầy hấp lực đang phiêu lãng cùng vũ điệu Rumba lãng mạn, nhẹ nhàng, tình tứ. Vẻ sang trọng và duyên dáng của điệu nhảy cổ điển dường như đã lan tỏa khắp tập thơ, thấm sâu vào từng con chữ như một tấm hộ chiếu dẫn dắt bạn đọc tìm đến bức thông điệp về giá trị cuộc sống của những người đàn bà Việt thời đương đại, những con người tài hoa: tự trọng, tự tin, đảm đang, trung hậu.
Bức chân dung thế hệ được tác giả phác thảo bằng 54 bài thơ kèm theo là những tấm hình minh họa đầy ấn tượng. Gương mặt của người đàn bà trong thơ như lạ như quen, trên môi rạng rỡ nụ cười tỏa sáng đã làm nên bức chân dung của những Eva thời hiện đại- ba trong một: một bóng hồng mềm mại,dịu dàng, một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, một người tình say đắm, nồng nàn đang rất cần nương tựa vào một bờ vai:
                   Em đàn bà yêu say đến đỉnh trời
Vẫn dại khờ tưởng như còn thơ bé
(Em đàn bà)

Nhưng như một đối cực, người đàn bà mềm yếu mong manh tưởng như dễ vỡ ấy, khi cần lại quyết đoán, sâu sắc, rắn rỏi: Cứng như đá và lạnh lùng như đá (Vũ điệu của đá) luôn có đủ bản lĩnh để vượt qua bao cám dỗ, đủ đa tình mà vẫn chẳng đa đoan, mang vẻ đẹp lộng lẫy mà bí ẩn thật khó nắm bắt của “Bức tranh lửa dịu dàng”.
Nổi bật trong thơ chị, là hình ảnh người đàn bà đắm đuối vì thơ và luôn đau đáu trong tim niềm khát khao được tận hiến mình cho xác chữ bừng hương (Thơ):
                             Mong con tim
Có một ngày xích đạo
Biển mây cháy rực
Thăng hoa đến tận cùng hư ảo
 (Tranh lửa)
 Vì vậy, cũng giống như những tập thơ trước, Mắt sóng vẫn là thứ thơ thiên về cảm xúc, giàu nội lực của một cây bút đang thời kỳ sung sức, có bút lực lớn và bút hồn thấm đẫm mỗi vần thơ. Chẳng thế mà chỉ trong vòng dăm  năm Phương Thảo đã xuất bản tới 5 tập thơ (riêng năm 2013 còn thêm một tập tản văn dày dặn). Mà tập nào cũng có bài hay, có tứ mới, thể thơ nào dù lục bát, thơ tự do, hay thơ văn xuôi cũng đều có những bài, những câu để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc. Thơ Phương Thảo đa dạng về đề tài, về cảm xúc, về thể loại và giọng điệu.Không bó hẹp trong đề tài tình yêu muôn thuở như nhiều cây bút nữ khác, chị luôn có ý thức mở rộng đường biên của đề tài phản ánh. Là người lịch lãm, hiểu biết rộng, đi nhiều và dường như tất cả những vẻ đẹp của Việt Nam- đất nước con người đã đã lọt vào con mắt thơ của chị. Với mỗi đối tượng chị lại cố gắng tìm ra được một cách biểu đạt khác nhau.
 Không hiểu người đàn bà ấy bằng cách nào mà có thể cùng một lúc làm nhiều việc thế: việc nhà, việc nước, việc làm thơ… tất thẩy đều vẹn toàn! Nhưng có lẽ đó là một quy luật: để thành đạt người phụ nữ không thể không vượt gộp, bởi quỹ thời gian của đời người hữu hạn. Để tận hiến cho nghệ thuật, người phụ nữ thông minh phải biết lựa chọn, biết tận dụng tác động tương hỗ từ những sức mạnh khác nhau để tạo nên một sự hài hòa nhờ cộng hưởng được ánh sáng của trí tuệ và ánh sáng của trái tim. Chính con tim mẫn cảm đã giúp họ dễ dàng phát hiện chất thơ từ cuộc đời phồn tạp và tìm thấy những những khoảnh khắc thơ thiêng liêng để thơ hóa cuộc đời.

Đến tập thơ này người đọc đã nhận thấy ở Phương Thảo rõ ràng một phong cách nghệ thuật riêng, một gương mặt thơ có cá tính riêng, có giọng điệu riêng không nhòe mờ, không hề bị lẫn trong đội ngũ trùng trùng những nhà thơ chuyên và không chuyên hôm nay. Bởi chị đã tìm được một lối đi riêng giữa muôn nẻo đường chung: chọn hướng tiếp cận cuộc sống từ phía ánh sáng và biết giữ cho con tim mình ngọn lửa yêu thương, thơ chị dường như là những khúc hoan ca về tình yêu cuộc sống qua một giọng điệu trẻ trung mà sâu lắng, ngọt ngào và bừng bừng sức sống, hiện đại mà không đứt đoạn với truyền thống. Bởi mĩ học bao giờ chẳng là sự gặp gỡ giữa hai đối cực?

Vì thế, như một biểu tượng của sức trẻ, mùa xuân đã xuất hiện trong thơ chị với một tần số lớn (Giêng hai, Lắng xuân, Nõn xuân, Khúc tháng giêng…):
Không chỉ yêu mùa xuân mà người đàn bà làm thơ trong tim có lửa ấy còn rất yêu tháng Tư – cửa ngõ mùa hè, mùa của những đóa loa kèn tinh khiết ngậm hương. Bởi nếu mùa xuân tượng trưng cho sức trẻ thì mùa hè là thời khắc vạn vật đạt được đỉnh cao mơ ước (Xuân - sinh, hạ - trưởng), là mùa của những bông hoa gạo đỏ rực một góc trời, tạo khí quyển lý tưởng cho một tình yêu nồng nàn đang đến:
Kìa mặt trời tháng Tư
Anh nồng nàn nắng hạ
Này nắng gió tháng Tư
Em rạng ngời đôi má…
Một trời hoa gạo đỏ
Khoe nồng nàn tháng Tư
(Năm có hai tháng Tư)

Nếu những vẻ đẹp tinh tế của hoa gạo tháng Tư, vẻ đẹp thầm kín của người đàn bà đang độ cháy lên để sáng, vẻ nên thơ của cố đô Huế với bao trầm tích văn hóa ngàn đời… mang đến cho thơ chị nét duyên dáng và sự sâu sắc, thể hiện sự lịch lãm của người làm thơ đầy trải nghiệm, thì vẻ đẹp hào hùng của núi cao, biển rộng (Tây Nguyên lộng gió, Đà Lạt mộng mơ, Ba Vì xanh ngắt, Thảo nguyên bất tận, Sa Pa hùng vĩ, biển sóng mênh mông) lại góp phần làm nên một nét phong cách khác ở chị, đã mang đến cho thơ chị một sức sống dào dạt, thanh tân - là những khúc ca reo vui về tình yêu cuộc sống.
 Dĩ nhiên, thoảng hoặc ta cũng gặp nỗi buồn rơi vào thơ chị, bởi có ai cuộc đời chỉ dệt bằng toàn những niềm vui. Đó có thể là một nỗi cô đơn triết học trước sự hư ảo của cuộc đời, hay sự nuối tiếc tuổi trẻ như bóng câu vụt đi không trở lại:
Vắt kiệt mình làm hương cả đời em chiu chắt
Mùa vẫn xanh  mà em đã thu
 ( Sen Tháng Mười)

Thêm một điều đáng bàn là, thơ Phương Thảo càng ngày càng nghiêng về lối thơ hiện đại. Hiện đại thể hiện rất rõ trong quan niệm về thơ, hiện đại trong lớp ngôn từ được sử dụng, hiện đại ở giọng điệu, hiện đại trong cách xử lý đề tài, trong cách lựa chọn thể loại… Ý thức rất rõ bản chất nghệ thuật là sáng tạo, là không ngừng đổi mới, là không được lặp lại người khác và nhất là không được lặp lại chính mình, vì thế, với tinh thần cầu thị, chị luôn lắng nghe, luôn học hỏi, luôn trăn trở để tìm tòi những cách diễn đạt mới. Trong Mắt sóng ta dễ dàng bắt gặp những câu thơ mang dáng vẻ hiện đại, rất gần với Lê Đạt- vị chủ soái của phong trào đổi mới thơ ca cuối thế kỷ XX:
Phấp phỏng em
Trái xanh yêu
Cuồng nhiệt anh
Mọng nắng chiều
 (Mùa sông)
Và không ít từ mới lạ, được hình thành bằng sự chuyển đổi cảm giác, bằng cách hữu hình hóa cái vô hình, hay nhân hóa những vật vô tri vô giác: ngón xuân, phím thơ, đóa đêm, muốt mắt, câu thơ ươt, mắt sóng, ngực sóng… với những liên tưởng mới mẻ và táo bạo: “Đêm oằn lưng đặc quánh nhiệm màu” (Viết cho bà mẹ liệt sĩ), Ven sông hoa dại gài then gió (Bâng quơ)…

Nếu hiện đại đồng nghĩa với sự ngắn gọn, hàm súc, trẻ trung, đa dạng và biến ảo thì Mắt sóng đang vận động theo hướng như thế. Những bài thơ trường thiên dài tới 170 câu trong Khúc ru lưng núi, được thay bằng những bài tứ tuyệt và những bài ngắn nhưng có sức chứa một dung lượng hiện thực lớn. Nhiều câu thơ đầy triết lý, hàm súc mà rất gợi:
Đa tình bỗng rụng vào thơ
Ánh trăng rụng chín cả bờ vai  đêm
 (Rụng)
Trong Mắt sóng, nét đổi mới thi ca còn nằm ở sự đa dạng về thể loại. Thể lục bát truyền thống với những cách tân khéo léo (Lắng xuân, Rụng, Sa Pa, Khát) vẫn phát huy được hiệu quả cao, nhưng để làm mới mình, chị đã sử dụng rất linh hoạt các thể thơ khác nhau. Có bài thất ngôn tứ tuyệt như Đường thi nhưng lại được gieo vần lưng một cách đắc địa:
Ven sông hoa dại gài then gió
Trên trời mây trắng nắng lung liêng
Tóc rối xuân tươi người quên tuổi
Dưới thềm hoa cỏ đỏ hao gầy
                   (Bâng quơ)
Có bài thơ tự do: có dòng thơ 1 tiếng, 2 tiếng, 3 tiếng, bốn tiếng… (Trước biển, Ngực sóng,…). Có cả thơ văn xuôi như Khúc tháng Giêng… Song, dù ở thể loại nào, thơ chị cũng có những bứt phá khá ngoạn mục.
Rõ ràng, với Mắt sóng, phong cách thơ của Phương Thảo đã được định hình chắc chắn và ổn định. Đây chính là dấu mốc quan trọng trên hành trình của người đàn bà làm thơ Phương Thảo. Biết tiết chế những sôi động, ồn ào buổi đầu, thơ chị trở nên sâu lắng hơn và sang trọng hơn.Nhưng hình như người đọc vẫn cứ thấy tiếc những bung phá trong Khúc ru nơi lưng núi. Hy vọng Mắt Sóng của Phạm Thị Phương Thảo sẽ  đem đến niềm vui cùng sự trải nghiệm và phiêu lãng của tác giả tới bạn đọc.
 
 
Hà Nội, Mùa Thu 2013