Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Những ngôi đìnhlàng và...

Trịnh Kim Thuấn
Thứ ba ngày 11 tháng 2 năm 2014 9:50 PM

Đọc bài “Yêu cái đình làng”  của nhà văn Nguyễn Quang Lập, ký ức ngày xưa của tôi xôn xao sống lại. Bởi Nguyễn Quan Lập viết về cái đình làng Phan Long ở thị trấn Ba Đồn quê ông, kể về ngôi đình làng nầy vào năm 1965, đình bị bom Mỹ san phẳng, đến năm 2007 có ông Nguyễn Xuân Đức (bạn thời thơ ấu của nhà văn) bỏ ra cả triệu đô xây mới lại cái đình.


Tuổi tác của tôi và Bọ Lập xấp xỉ nhau, quê tôi cũng có đình (làng nào cũng có mà!), nhưng may mắn hơn, quê tôi ở, chiến tranh không "sờ" tới những ngôi đình. Thời thơ ấu, khoãng năm 1956 – 1965, đối với bọn con nít và đám thanh niên nam nữ thì lễ cúng đình hàng năm (Lễ Kỳ Yên) là lễ hội lớn nhất, vui nhộn nhất của địa phương.

Đến ngày cúng đình, người ta đi như trẩy hội. Người lớn đến đình cúng bái, cầu Quốc thái Dân an, mưa thuận gió hòa … Trai gái trong làng thì đây là dịp hẹn hò tốt nhất mà không bị gia đình ngăn trở, còn con nít thì khỏi nói... (Gần như người trong mọi nhà đều đi cả, trừ những người đi không nổi !).

Đình làng quê tôi là đình thần Bình Thành Tây, thuộc ấp Bình Phú, xã Hòa An (Hòa Bình cũ) huyện Chợ Mới – An Giang. Đến nay tôi vẫn chưa biết đình thờ vị thành hoàng là tiền hiền, công thần hay danh tướng nào, nhưng độc đáo nhất là ngay ngày cúng đình - ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch - trùng với ngày Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương.

Lễ cúng đình, tiết mục chính vẫn là các suất Hát Bội trưa và tối trong đình. Thuở nhỏ thì tìm cách đến sớm chen nhau ngồi trên sân khấu hai bên cánh gà, nếu con nít đông quá và gây mất trật tự thì bị đuổi xuống hết. Lớn nữa thì đứng dưới, tìm cách được gần sân khâu để dễ xem, vì người xem hát đông, chật cả đình.

Bên ngoài, khoảng sân đình rộng là hàng ăn, hàng uống, bong bóng bay, bong bóng thổi…, còn có các sòng tài xỉu, lắc bầu cua chơi suốt đêm. Thời thập niên 1960 – 1970 có các đoàn xiếc mô tô bay là xôm tụ hơn cả, người lớn và trẻ em đều thích, giá vé  bình dân. Đó là một cái rạp xiếc hình tròn, khá to, được lắp ráp lại bằng nhiều tấm ván, chiều cao khoãng 4 – 5 mét. Khán giả đi cầu thang cây phía bên ngoài, đứng trên cùng mà xem. Bên trong là khoãng trống, những chiếc xe gắn máy chạy với tốc độ cao trên các tấm ván thẳng đứng, từ thấp lên cao và trở xuống.  Mỗi suất diển thời gian khoãng 15 – 20 phút, đều có nam, nữ diễn viên … Tiếc là trò xiếc hấp dẫn và độc đáo nầy ngày nay không còn. Được biết nữ ca sĩ Bạch Yến (sinh năm 1942, vợ GS.TS Trần Quang Hải, dâu của GS.TS Trần Văn Khê) nổi danh với bản nhạc Đêm Đông, trước khi nổi danh là ca sĩ, từng là diễn viên xiếc mô tô bay.

Ngoài ra còn có xổ số Lô tô, xem Mười cửa địa ngục...

Qua lễ kỳ yên, có nhiều mối tình đơm bông kết trái, bằng chứng là các đám cưới ở quê. Tôi còn nhớ, khoãng 9, 10 tuổi, bọn trẻ chúng tôi có 1 trò chơi tinh nghịch, thay vì tiền cha mẹ cho ăn quà, thì bớt lại hùn với nhau mua từng xâu kim tây, rồi vào trong đình len lỏi trong số người đang mê xem Hát Bội. Thấy 1 nam 1 nữ đứng gần nhau len lén lấy kim tây xâu vạt áo của 2 người lại, lùi ra sau, để có được 1 trận cười khoái chí, khi nhìn thấy vẽ mặt ngạc nhiên của đôi nam nữ nầy, có cặp vạt áo bị rách (đều là áo mới cả), mặt mày nhăn nhó, có chị hung dữ, cự cãi cho là chàng trai nầy cố tình trêu chọc mình. Nhưng cũng có bạn làm không khéo, bị phát hiện, nhận mấy tát tay nổ đom đóm … Vui lắm các bạn ạ !

Ở thị trấn Lấp Vò có đình thần Bình Thạnh Đông, ở thị trấn Vàm Cống có đình thần Bình Thạnh Tây, sau ngày 30/4/1975, 2 xã Bình Thạnh Đông và Bình Thạnh Tây gộp lại là xã Bình Thành, quận Lấp Vò thì thành huyện Thạnh Hưng (Đồng Tháp). Lúc nầy, đa số các đình làng đều được sử dụng làm kho chứa phân bón, thuốc trừ sâu cho cấp huyện và xã. Kể từ đó, các lễ cúng đình hàng năm dẹp bỏ. Các vị trong Ban Tế Tự đến ngày ấy thì họp mặt len lén lại mà cúng vái với nhau, như những hành vi vụng trộm!

Xã Bình Thành có ông Tư Nhơn là người làm Bí thư Xã lâu năm nhất. Qua nhiều nhiệm kỳ, ông nổi tiếng là người độc đoán, ông đã cho phá hủy hoàn toàn đình thần Bình Thành Tây để xây 1 rạp hát tên là Rạp Sông Hậu (bên bờ sông Vàm Cống). Rạp hoạt động được mấy năm, khi các đoàn hát cải lương tan rã dần thì cái rạp hát ấy dùng để chứa củi và trấu … Hiện nay là sân đánh cầu lông.

Còn đình thần Bình Thạnh Đông thị trấn Lấp Vò, sau năm 1990, kinh tế mở ra thì không còn để chứa phân bón, thuốc trừ sâu nữa, bỏ không, nhưng các thân hào, nhân sĩ địa phương xin cái đình lại thì không được. Ông Tư Nhơn không cho. Có ông Năm Thâu là một thân hào và là một doanh nghiệp lớn ở chợ Vàm Cống kiên trì đi xin lại cái đình. Ông đi từ huyện lên tỉnh, rồi từ tỉnh về huyện, phải mất mấy năm trời mới có được cái Quyết định của UBND tỉnh Đồng Tháp “cho lại” cái đình. Theo lời kể của anh Hai Nhơn (người đi theo ông Năm Thâu, hôm trình Quyết định cho ông Tư Nhơn) kể lại :

Khi  buộc lòng trả lại cái đình, trước khi chia tay, ông Tư Nhơn hỏi ông Năm Thâu:

- Thần đình nầy là thằng nào mà sao mấy ông trọng nó quá vậy ?

Ông Năm Thâu ậm ự, tấm tức và vội ra về, chỉ cần xin lại được cái đình là quí lắm rồi, đôi co mà chi.

Đình làng của tôi, đình thần Bình Thành Tây ấp Bình Phú, xã Hòa An (Chợ Mới – An Giang) đối mặt với cái đình Bình Thạnh Đông của thị trấn Lấp Vò (vừa mới kể), chỉ cách nhau có con sông Lấp Vò, sông nầy nhỏ.

Trước 30/4/1975, trước sân đình có 5 - 6 cây sao cổ thụ, 2 - 3 người ôm, được trồng từ thời Pháp thuộc trông rất uy nghiêm, bên trái có 3 phòng học. Sau 30/4/1975, chánh quyền Xã Hòa Bình (cũ) cho đốn hạ hết số cây sao nầy để đóng xa quạt nước …Sau đó xây thêm 1 số phòng học bên phải, bên trái của đình, làm trường cấp 2 “B”  Hòa An, khuôn viên của đình còn rất rộng, thoáng… Đến thời ông Ba Vân làm Bí thư Xã, lấy lý do mở rộng thêm trường học, phải phá đi cái đình, mặc dù nhân dân địa phương năn nỉ, kiến nghị, khiếu nại … vẫn không kết quả. Đình bị san phẳng, còn lại cái nền. Sau nầy do qui hoạch của Bộ Giáo dục, phần cấp 2 của trường chuyển về trung tâm xã (cách 4 km), trường chỉ còn lại cấp 1, cái nền của đình xây được cái Văn phòng của Ban Giám hiệu. Nay Trường tiểu học “B” Hòa An  được xây mới lại thì lần nầy cái nền đình biến mất luôn. Được biết, có 1 số doanh nghiệp, mạnh thường quân địa phương có cử người xin cất mới lại đình, nhưng không được .

Đa số các đình được dùng chứa thuốc trừ sâu, phân bón các loại, nên sau khi nhận được đình đều bị hư hại nặng, nền lún sụp, tường long tróc, lỡ lói, cột, kèo, rui mè bị ẩm mục… Ngân sách nào mà cấp để sửa chữa hay cất mới lại đình? (đúng ra là phải bồi thường đó chứ!). Nhân dân địa phương gom góp lại. Từ từ thôi, đình nghèo thì chậm, đình giàu thì nhanh, đến nay đều vượt qua được cả, các ngày cúng đình hiện nay đều long trọng, lớn, vui ….

Đặc biệt là xã Hội An (Chợ Mới – An Giang), khi nhận lại thì đình hư hỏng rất nặng. May thay, nhờ quyết tâm của Ban Tế Tự, ông Trưởng Ban là ông Sáu Chấp đã trên 80 tuổi, (sắc thần được thờ giữ tại nhà ông), rồi anh Cao Thiện Lễ (nay đã mất), anh Ba Do, anh Ba Be, anh Năm Rựa … ,đặc biệt có sự yểm trợ nhiệt tình của ông Nguyễn Hữu Khánh (Út Vũ), nguyên Bí thư tỉnh An Giang đã xây mới lại đình, cùng các công trình phụ trợ. Đình khang trang, đẹp...

YÊU CÁI ĐÌNH LÀNG : ……"Đến khi đình làng xây xong, to đẹp gấp mười đình làng cũ, thì ai nấy mới vỡ ra chính đình làng là nơi cất giữ hồn làng. Bấy lâu nay hồn làng phân tán khắp nơi, bây giờ tụ cả vào đình làng. Ba Đồn lâu nay như cái xác không hồn, ai nấy nhởn nhơ mà sống mà không biết mình đang ở trong cái xác không hồn. Thật là đáng sợ. Thế mới biết 1 triệu đô Đức bỏ ra là quá rẻ, quá rẻ. Giử được hồn  làng cho con cháu muôn đời, ai bảo 1 triệu đô là đắt ?" -  NGUYỄN QUANG LẬP.

Mặc dù có 1 triệu đô, vẫn là nhờ xin được tấm giấy phép cất lại đình, nên dân thị trấn Ba Đồn cất mới lại được đình làng Phan Long, hồn làng mới tề tựu về, nhân dân phấn khởi …  Nếu thử tính, sau 30/4/1975 thì phân nửa nước Việt Nam (miền Nam cũ) có bao nhiêu người như ông Tư Nhơn và ông Ba Vân? Có bao nhiêu ngôi đình bị xóa vì những lý do không đâu? Dù đình bị phá, xin phép xây lại đình vẫn không được ,dù kinh phí 100% là của dân đóng góp, mặc dù những người có thẩm quyền cấp phép cất lại đình hiện nay thì họ rất tin tưởng vào chuyện thần thánh, tâm linh … Ôi ! tội cho những làng không còn đình, hồn làng phải phân tán khắp nơi ...

Hiện nay, hàng năm tôi đều đi cúng đình ở đình làng Hội An (Chợ Mới – An Giang) và đình làng Hội An Đông (Lấp Vò – Đồng Tháp). Ngày cúng liền nhau, bên nầy đưa sắc thì bên kia thỉnh sắc (chỉ cách nhau cái rạch Cái Tàu Thượng nho nhỏ). Khi đến cúng đình nghe tiếng trống múa lân, lòng lại bâng khuâng thương nhớ, nhìn các trẻ thơ, các thanh thiếu niên nam nữ đi đứng, giỡn hớt, nhớ lại các sòng tài xỉu, nhớ lại các đoàn xiếc mô tô bay, nhớ lại lúc hồi hộp cầm cây kim tây xâu 2 vạt áo lại ….

Thỉnh thoảng đi ngang 2 cái đình bị mất, tự hỏi: Giờ nầy 2 ông Tư Nhơn và Ba Vân có gặp 2 ông thần đình nầy không nhỉ ? Ông thần đình Bình Thạnh Tây Vàm Cống thì vào ở chung với ông thần đình Bình Thạnh Đông Lấp Vò thì được rồi, nhưng tội cho ông thần đình Bình Thành Tây Hòa An, liệu lên ở chung với ông thần đình An Mỹ ( Hòa An) được không nhỉ ?

Có lẽ được thôi, giờ thì khấm khá cả rồi, các lễ hội thời nay, các Thần đều khá giả cả thì các nhóm ăn theo cũng được thụ hưởng nhiều "lộc" chứ ! Chỉ thật tội nghiệp cho các vị thần không còn đình .


07/02/2014  TRỊNH KIM THUẤN.