Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Điện Biên Phủ nhìn từ phía Pháp

Nguyễn Chính Viễn (St)
Thứ tư ngày 16 tháng 4 năm 2014 8:44 AM
1 - Nước Pháp bàng hoàng 
Cả nước Pháp như chết lặng. Im lặng trên chiến trường và im lặng trên chính trường. Đối với người Pháp, Điện Biên Phủ (ĐBP) là một đốm đen trong lịch sử, một bước ngoặt khởi đầu cho sự tan rã của đế chế thực dân   50 năm nhìn lại, người Pháp vẫn tự hào họ có những tướng giỏi, những chiến binh dũng cảm, những phương tiện hùng hậu. Thứ duy nhất mà họ thiếu là chính nghĩa. Tờ Le Point kể lại sự bàng hoàng của người Pháp sau thảm bại ở ĐBP. Ngày 7-5-1954, sau 57 ngày bom đạn ầm ào khủng khiếp, máu lửa, những trận chiến giáp lá cà trong một khung cảnh bi thương, sự yên lặng chết chóc đột ngột bao phủ xuống lòng chảo ĐBP.  Christian de La Croix de Castries - tổng tư lệnh tập đoàn, được nâng hàm tướng trong thời kỳ bị bao vây - đã ra lệnh ngưng bắn lúc 17g30 kèm theo lệnh phá hủy tối đa trang thiết bị quân sự. Trong các chiến hào ngập bùn đất vì mưa phùn, những binh sĩ mỏi mệt, bơ phờ, cạn kiệt đạn dược, ngột ngạt vì mùi tử thi xung quanh mình, chờ đợi những con người nhỏ bé mặc quân phục xanh và đội nón cối đã đánh bại họ, nay đến bắt họ làm tù binh. Ở Paris, lúc xế chiều, Thủ tướng Joseph Laniel đăng đàn, gương mặt tái nhợt và căng thẳng. Trong bầu không khí ảm đạm, ông thông báo cái tin khủng khiếp bằng một giọng nhợt nhạt: "Cứ điểm trung tâm ĐBP đã thất thủ sau 20 ngày đêm chiến đấu khốc liệt". Sảng sốt, các nghị sĩ đồng loạt đứng bật dậy như một người duy nhất. Chỉ trừ những nghị sĩ cộng sản vẫn ngồi lại tại chỗ. Làm sao nước Pháp lại đi đến thảm họa này? Thảm bại ở ĐBP không chỉ làm vỡ toang sự hiện diện Pháp ở Đông Dương mà còn báo hiệu những bi kịch tương lai của sự sụp đổ chủ nghĩa thực dân. Nó báo hiệu tấn thảm kịch Algeria trên nền sự tan rã chính trị của một Đệ tứ cộng hòa đang bước vào giai đoạn hấp hối. (...) Pierre Mendès France được bầu làm thủ tướng như một biện pháp chữa cháy (ngày 17-6-1954, tức năm ngày sau khi Joseph Laniel từ chức -). Được triệu tập khẩn cấp đến Matignon, ông không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng tốc các thương lượng với Việt Minh vốn đã được khởi đầu tại Genève bởi ngoại trưởng dưới trào Laniel là Georges Bidault. Trong bài diễn văn nhậm chức, Thủ tướng Mendès France tuyên bố: "Mục tiêu của tôi là hòa bình". Hòa bình để có thời gian tập trung giải quyết các vấn đề ở Tunisia và Morocco và để bảo toàn "an toàn cho những khu lãnh thổ ở Algeria của chúng ta".Nước Pháp chẳng còn gì trong tay để thương lượng. (Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc ngày 8-7 và Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết ngày 21-7). Đông Dương thuộc Pháp đã tiêu tùng và đoàn quân lê dương cúi gằm mặt trở về. Trong năm đó, cuộc chiến Algeria bắt đầu (ngày 1-11). Và trong các vùng núi Bắc Phi, nhiều sĩ quan Pháp lại thề rằng lần này họ sẽ không đầu hàng. Một tấn bi kịch khác lại hình thành...N.QUÂN (Trích dịch từ bài viết của Pierre Beylau trên tuần báo Le Point số 1648)
2 - Trận chiến cuối cùng
Tại khu cứ điểm trung tâm, lính Pháp ngừng bắn lúc 17g30 ngày 7-5-1954. Toàn bộ bộ tổng chỉ huy bị bắt. Nhưng ở Isabelle (Hồng Cúm) phía nam lòng chảo, cuộc chiến vẫn tiếp diễn trong đêm ngày 7 rạng sáng 8-5-1954: những toán quân Pháp cố tìm đường rút về phía Lào. Anh lính lê dương Jean Dens là một trong số này. Đại tá Lalande viết lệnh chuẩn bị lui quân. Tôi phải chuyển những chỉ dẫn này đến tất cả các đơn vị. Không còn giao thông hào nào sử dụng được. Căn cứ giống như một cánh đồng mênh mông đã bị cày nát. Một viên sĩ quan bảo tôi tình hình đen tối quá, rằng sẽ có một trận tan xương nát thịt. Sau cuộc "du ngoạn", tôi trệu trạo nuốt mấy miếng rồi nổi lửa đốt kho dù để nó không rơi vào tay Việt Minh (VM). Từ 17g30 chỉ còn Isabelle đơn thương độc mã. Chúng tôi hứng trọn những trận mưa khủng khiếp của pháo binh VM: các kiểu đạn pháo và tên lửa Kachiusa. Tướng Giáp đã điều khoảng 14.000 quân vây Isabelle. Chúng tôi chỉ còn 700 người, không bị thương cũng kiệt sức. (...) Mọi việc rối tung rối mù khi mọi người biết một toán đã đi thoát. Ai cũng muốn rút an toàn. Nhưng VM đã đón sẵn và thế là bắt đầu cuộc đụng độ tàn bạo. Cùng lúc phải "nếm" đạn, lựu đạn, đạn cối và cả pháo hạng nặng của VM, chúng tôi bị dồn về phía trong , thương binh lại cố theo đường cũ về trạm phẫu thuật tiền phương. Tôi chờ nửa đêm để thử cơ may. Tôi bì bõm lội qua sông Nậm Rốm, cố thoát ra khỏi đống thép gai, hứng trọn cú sốc, một tràng đạn lia trúng máy bộ đàm trên lưng. May có nó làm lá chắn. Tôi vứt máy bộ đàm xuống sông rồi đi tiếp. Chính lúc ấy tôi trúng đạn, vài mảnh vào chân, không nặng lắm, ba mảnh khác vào lưng và cổ và một nhát dao hoặc luỡi lê chọc vào vai phải. Tôi mất rất nhiều máu. Chỉ còn nước quay về trạm xá. Một chặng đường cam go, máu lẫn với bùn, quần áo rách tươm. Cuối cùng tôi cũng đến nơi. Nhưng toàn bộ mái trạm quân y được bảo vệ bằng túi dù nilông đang bốc cháy. Tôi cũng bò được vào trong. Một y tá tiêm morphin và băng bó sơ cho tôi. Tôi ngất đi. (...) Sáng tinh mơ (8-5), khát khô cổ, tôi lò dò ra ngoài. Xung quanh yên tĩnh đến rợn người. Ai đó nhận ra một chi tiết lạ lùng: "Ô này, có tiếng chim hót". Chúng tôi thấy kỳ lạ thế nào ấy. Tất cả đã kết thúc. Trung thành với truyền thống, chúng tôi, lính của đoàn quân lê dương, là những người cuối cùng cầm cự. Sống sót, người không ra người, ngợm chẳng ra ngợm, sốc, bị thương hoặc kiệt sức, mình đầy bùn và máu, bốc mùi khủng khiếp, một thử thách nữa bắt đầu với chúng tôi: sự cầm tù.
Trích ghi chép của Franck Renaud (đại diện Trường báo chí Lille tại VN)