Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Cuộc hội ngộ của cố nhân

Trịnh Kim Thuấn
Thứ sáu ngày 18 tháng 4 năm 2014 5:14 AM


 

Bất tri tam bách dư niên hậu.
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Nhận được Email của cụ Tiên điền Nguyễn Du, các khách mời đều đến đúng hẹn, như ông Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, ông Đặng Trần Côn, bà Đoàn Thị Điểm và Bà huyện Thanh Quan...

Vẫn ngôi nhà gỗ nhỏ, xinh xắn như thuở nào. Sạch sẽ và ngăn nắp . Phòng khách gồm mấy kệ sách, trên vách còn treo mấy cây cung, các ống nứa đựng tên, dăm ba con thú nhỏ nhồi bông… Đây là những kỷ vật, kỷ niệm của người thợ săn núi Hồng Lĩnh năm nào (Hồng Sơn lạp hộ)

Trà nước được mang ra, sau khi chào hỏi, khách được mời thì tươi cười, còn chủ nhà lộ vẻ hơi buồn. Ông nói:

- Quí vị thử nghĩ xem, Truyện Kiều tôi sáng tác đến nay là hơn 200 năm(*), nên có thể có những điều đến nay không hợp người hiện đại. Dưới trần gian hiện nay có một anh thợ thơ tên là Đỗ Minh Xuân. Anh ta chê thơ tôi rườm rà, là dở, là dùng nhiều từ Hán Việt, điển tích. Tất nhiên, mấy trăm năm qua các bậc thức giả của nước Việt chưa thấy ai chê, ngay cả đến Thượng thư Phạm Quỳnh của triều đình Huế, thế kỹ trước còn nói: “Truyện Kiều không chỉ đối với văn hóa nước nhà mà đối với văn học thế giới cũng chiếm được một địa vị cao quý... Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn...”. (**)

Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều mĩm cười nói:

- Chuyện nầy tôi có nghe qua, dưới trần hiện nay lu bu lắm Ngài ạ! mua quan, bán tước, học thiệt, học giả. Các quan chức đương thời hễ đăng đàn diễn thuyết là lên án chế độ Phong kiến, thời chúng ta sống là bóc lột, là thối nát... Còn hiện nay thì bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ... đều có giá là bao nhiêu tiền cả. Ngay cả đến Giáo sư cũng có ông đạo văn, trộm văn búa xua, thưa gởi rùm beng. Thời của chúng ta các khoa thi cử đều nghiêm túc, có bị ai tố cáo là Cử nhân, Tiến sĩ giả hay không? Chỉ có 1 vụ ì xèo là ông Chu Thần Cao Bá Quát vì mến mộ tài nghệ của mấy sĩ tử, văn hay nhưng tiếc thay lại phạm huý (một điều lệ khắc nghiệt và vô lý của thời ấy), lấy muội đèn sửa lời văn lại, không may bị lộ, bị cách chức và đi tù, thực chất là ông ta không có nhận tiền của ai.

Ông Đặng Trần Côn tiếp lời:

- Trách cái anh thợ thơ Đỗ Minh Xuân một, thì phải trách ông Giáo sư già Vũ Khiêu trăm, nghìn lần. Ông Vũ Khiêu đã đánh mất lương tâm, "nối giáo" cho Đỗ Minh Tâm làm điều xằng bậy. Đây là  ý kiến của một nhà văn dưới trần vừa đăng trên trang Blog Quê Choa:

“Nếu dụng ý của ông là muốn “phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại quần chúng” (lời ông Vũ Khiêu) thì công bằng mà nói đó là một dụng ý không thể nói là không đáng hoan nghênh. Nhưng ông lại dùng cái cách sửa đổi quá nhiều chữ trong tác phẩm, như tác giả Thế Anh viết trong bài SAO ÔNG VŨ KHIÊU LẠI NỐI GIÁO CHO VIỆC SỬA TRUYỆN KIỀU VÔ LỐI?: “Ông Đỗ Minh Xuân đã thay thế khoảng 1/3 chữ nghĩa của Truyện Kiều mà ông cho là rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh” thì thật là một việc có lẽ chưa từng có trong lịch sử văn học thế giới (?)”.

Phải nói rằng nếu tôi kinh ngạc về việc làm của ông kĩ sư là một thì tôi kinh ngạc về việc ủng hộ ông ấy của GS Vũ Khiêu đến mười.

Việc bác GS Vũ khen ngợi hết lời “công trình” của KS Xuân tôi biết chắc làm cho rất nhiều người biết qua về bác rơi vào trạng thái từ ngạc nhiên đến kinh ngạc. Nhưng bình tĩnh lại, tôi nảy ra được hai ý thế này:

Thứ nhất (ý này hơi ngộ nghĩnh một chút) nhà nước đã có quy định tuổi nghỉ hưu. Ai nghỉ hưu ở tuổi này nên gọi là nghỉ hưu lần thứ nhất. Vì sau khi nghỉ hưu nhiều người vẫn còn làm việc được. Với những người này cũng nên quy định tuổi “nghỉ hưu” lần thứ hai, để đề phòng sau tuổi ấy người ta dễ bị lẩm cẩm!

Thứ hai, kết hợp với vụ từ điển mà tôi đã nói ở phần đầu, làm sao tôi cứ thấy “lăn tăn” về những danh hiệu cao quý mà một số nhà nọ nhà kia…”quốc doanh” đã được tặng. Thế mới lạ chứ”. Quá kinh ngạc!- Về việc sửa Truyện Kiều / Trần Quang Hùng / Quê Choa 12/4/2014.

Bà Đoàn Thị Điểm cứ đứng lên, ngồi xuống, lấy làm lo lắng: “Bây giờ văn hoá, văn hiến… dưới ấy loạn quá rồi, chúng ta phải làm sao đây? Đến nỗi tại Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương xuất hiện hòn đá lạ, Đền thờ Ngô Vương ở Đường Lâm xuất hiện quái thú …Cách đây mấy hôm, ngày mùng 10 tháng ba, giỗ tổ Vua Hùng, bọn chúng nó mở vũ trường tại Đền Hùng… chơi tới bến nữa kia  ! Sau khi họ sửa Truyện Kiều xong, họ làm tới CUNG OÁN NGÂM KHÚC, xong CUNG OÁN NGÂM KHÚC, làm tới CHINH PHỤ NGÂM thì tiêu luôn cái gọi là Bốn nghìn năm văn hiến!… Đúng là bọn hiếp dâm văn hoá chứ bảo vệ văn hoá nỗi gì ?
Tố Như hỏi : Vậy ông Bộ trưởng Văn Hoá ở đâu ?

Đặng Trần Côn : Ông ta đang đi thuyết phục ngài Thủ tướng  tổ chức Asiad 18 !

Bà Huyện Thanh Quan tiếp lời: Thôi gác lại mấy chuyện ấy đi . Họ chê bọn ta sử dụng từ Hán Việt khó hiểu… Mai mốt không chừng họ loại bỏ hết từ Hán Việt, vốn đang chiếm đa số trong tiếng Việt để thay vào đó những từ thuần Việt. Ví như: Bệnh viện Phụ sản thì gọi là Xưởng Đẻ, nhà Vệ sinh gọi là nhà Ỉa Đái chắc?!...

Ở ngoàisân  có tiếng ngâm thơ sang sảng vọng tới :

  Quán rằng: Sấm chớp mưa rào
         Ếch ngồi đáy giếng thấy bao lăm trời.
  Sông trong cá lội thảnh thơi
         Xem hai con mắt sáng ngời như châu.
 Uổng thay đờn gảy tai trâu
         Nước xao đầu vịt, ngẫm âu nực cười…

                                                           (Lục Vân Tiên)

Cả bốn người trong nhà bước ra: - Chào anh Đồ Chiểu. Ông Nguyễn Đình Chiểu tay chống gậy, miệng đáp lễ chào mọi người và nói : - Mọi chuyện tôi cũng đã biết rồi, thôi buồn mà làm chi, trước đây tôi cũng đã từng bức xúc:

                      Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
                      Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Nhưng tiếc là, bọn gian ác hiện nay không còn là “mấy thằng” nữa, mà quá nhiều. Vì thế bút của tôi đã tà hết, đâm không xuể.

Bước vào nhà, ngồi và nhấp ngụm trà , ông nói tiếp :

- Chuyện của ông GS Vũ Khiêu, tôi thấy  hắn ta tương tự như nhân vật Lương Sinh trong truyện ngắn BÚT MÁU của nhà văn Vũ Hạnh. nhưng có vẻ tệ hơn Lương Sinh nhiều, vì sau cùng Lương Sinh còn biết hối hận khi trở lại chốn xưa và nhìn thấy nhiều nấm mồ của dân oan bị thác oan, cùng các nông dân nghèo khổ ngồi than khóc và chưởi bới tên nho sinh chó đẻ nào mà phóng bút lên các tấm văn bia nầy...

Còn ông Giáo sư đương thời, tuổi đã cao, gần đất xa giời rồi mà vẫn phóng bút chổ nầy, “giáng bút” (sic!) chỗ nọ... chưa biết quả báo là gì.

Mới đây thôi : : Khánh thành văn bia tại khu tưởng niệm các vua Hùng (TT 9-4-14) -- Ông Vũ Khiêu viết văn bia về vua Hùng có những câu như thế này: "Bác Hồ mở lối, ánh triêu dương rực sáng cả mây trời / Cờ Đảng soi đường, sóng cách mạng ào lên như bảo bể" ... (Tran Huu Dung Viet Studies)

 Khổ thay, khổ thay. Đúng là Giang sơn dễ đổi, bản tánh khó dời…

Nghĩ đến Truyện Kiều tâm huyết của mình bị sửa vô lý như thế,  ngài Tiên Điền buồn rơi nước mắt.

Ngài đã nói trước rằng: Ba trăm năm sau, thế nhân có ai thấu hiểu mà khóc cho Ngài, nhưng ngược lại, nay mới hơn hai trăm năm mà Ngài phải rơi lệ vì thế nhân...

Kế là Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm đều có tâm trạng  lo lắng : “Không biết bao giờ họ sửa chữa đến thơ của mình?”. Lòng thầm mong cho  ông Giáo sư già Vũ Khiêu chết sớm thì cũng đỡ có người  “nối giáo cho giặc”, trong những vụ sửa thơ cổ nhân.

Cụ Đồ Chiểu tiếp tục ngâm nga:

Quán rằng ghét việc tầm phào
Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tới tâm
Ghét thời Kiệt, Trụ mê dâm
Để dân đến nỗi sa hầm, sẩy hang…

Đặng Trần Côn tiếp theo :

Tố Như lòng những băn khoăn.
Trần gian nay lại có thằng chơi ta !

Vũ Khiêu ơi hỡi Vũ Khiều .
Sao mầy lại lấy Truyện Kiều chơi tao ?
…………………………………………………………………………………

13/4/2014. TRỊNH KIM THUẤN

Chú thích:

* Có thuyết nói Nguyễn Du viết Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc (1814-1820). Lại có thuyết nói ông viết trước khi đi sứ, có thể vào khoảng thời gian làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-1809). Thuyết sau được nhiều người chấp nhận hơn [2]. Ngay sau khi ra đời, Truyện Kiều được nhiều nơi khắc in và lưu hành rộng rãi. Hai bản in xưa nhất hiện còn là bản của Liễu Văn Đường (1871) và bản của Duy Minh Thị (1872), đều ở thời vua Tự Đức [2].  (Theo WIKIPEDIA)

**  Lời: Tại Hội Khai Trí Tiến Đức năm 1924 tại Hà Nội Phạm Quỳnh, một học giả và Thượng Thư Bộ Lại dưới Triều Nguyễn, đã đọc một bài diễn văn lịch sử, trong đó có một câu được coi như “Kim Chỉ Nam” cho những người luôn đề cao và phát triển chữ Quốc Ngữ: phát biểu của học giả Phạm Quỳnh, một danh nhân trong làng văn học Việt Nam. (Theo Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều của Hoàng Thạch)