Trang chủ » Tin văn và...

HỌC LÀM DÂN CHỦ, TẬP LÀM DÂN CHỦ

Nguyễn Chính
Thứ tư ngày 29 tháng 7 năm 2009 5:00 AM
 
... Chưa lấy gì để xác định là [nước mình có lịch sử] bốn nghìn năm, hay bao nhiêu nghìn năm cả. Nhưng trong hàng ngàn năm ấy, nhân dân ta có rất nhiều truyền thống, như yêu nước, bất khuất chống ngoại xâm, hiếu học, lá lành đùm lá rách v.v… Nhưng có một truyền thống cực kỳ quý giá mà từ trước đến nay mình lại chưa bao giờ có, đó là truyền thống dân chủ. Cho nên tôi nghĩ bây giờ từ Tổng Bí thư đến người dân thường, phải học làm dân chủ, tập làm dân chủ. Phải bắt đầu học từ lúc còn ẵm ngửa, như cha mẹ các anh tập lẫy, tập bò, tập cày, tập bừa cho các anh ấy…” Nguyễn Khắc Viện
 
Ai cũng thừa biết, khai thác tài nguyên khoáng sản của đất nước không phải là bí mật quốc gia, càng không phải là chuyện “phạm húy” cấm kỵ  của một nhóm người nào, một thế lực nào, kể cả đảng cầm quyền. Vậy mà  việc  khai thác bauxite ở Tây Nguyên, được xác định là một chủ trương lớn của Đảng ta, đã được triển khai trong một thời gian dài từ a đến z, từ bàn giấy đến thực địa, mà hầu hết mấy triệu đảng viên của Đảng ở cơ sở đều không biết, còn người dân thì hoàn toàn mù tịt? Rõ ràng phải tìm nguyên nhân ở vấn đề dân chủ và công khai. Đã mất dân chủ thì không thể công khai được. Và, đã không muốn công khai, không dám công khai, cố tình ém nhẹm thì lại càng mất dân chủ. Lý luận thì như vậy. Thực tiễn cũng diễn ra  đúng như vậy. Tuy nhiên ở ta, cái “nguyên nhân” ấy lại bắt đầu từ cái gốc truyền thống dân tộc. Cách đây 20 năm, tôi may mắn được một nhà văn hóa lớn khai tâm, rằng: Dân tộc ta có rất nhiều truyền thống quý báu, nhưng có một truyền thống cực kỳ quan trọng lại chưa có, đó là truyền thống dân chủ …
Tôi xin được kể lại  chuyện này để bạn đọc cùng suy  ngẫm:
Trong nghề làm báo, tôi có hai người Thầy mà tôi không được học ngày nào và cũng mãi sau này tôi mới được gặp. Chưa được học ngày nào, nhưng “nhất tự vi sư” tôi lại được đọc và học được rất nhiều điều chí lý, bổ ích, thiết thực cho công việc làm báo trong những tác phẩm báo chí của các ông. Đó là Thầy Nguyễn Khác Viện và Thầy Thái Duy, tức nhà văn Trần Đình Vân.
Cuối năm 1988, tôi có dịp ra Hà Nội khi vừa đọc xong cuốn “Bi kịch của người khai phá” của Thầy Nguyễn Khắc Viện. Tôi liền nhờ Nguyễn Hùng Vỹ, một người bạn đang dạy ở Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, tìm đến nhà riêng kính thăm ông. Nhà ông lúc đó ở trong một con hẻm, phải hỏi thăm lòng vòng mãi. Khi chúng tôi đến, một cô gái chắc là con của ông mời chúng tôi vào nhà. Tôi nói, chúng tôi ở Nha Trang ra, xin được gặp bác Nguyễn Khắc Viện. Cô gái  bảo “ba em đang ăn cơm, mời các anh ngồi chơi chờ một chút”. Lúc đó khoảng gần 6 giờ tối. Căn nhà ông ở là nhà cấp 4, đã cũ, phòng khách cũng rất đơn sơ, với bộ xa lông thẻ bình dân. Lát sau, Thầy Nguyễn Khắc Viện bước ra. Ông mảnh khảnh trong bộ đồ bảo hộ lao động màu xanh đậm, nét mặt hiền từ, hơi mệt, nước da còn tái sau giải phẫu phổi. Chúng tôi cùng đứng dậy chào ông. Ông bắt tay mời chúng tôi ngồi, sau khi hỏi thăm công việc của từng người, ông ôn tồn bảo: “ Tôi có thể giúp gì được cho các anh đây”.
Tôi liền thưa: “ Dạ, chúng cháu vừa được đọc cuốn sách mới đây của bác “Bi kịch của người khai phá”. Chúng cháu chưa hiểu, nước mình bây giờ mở cửa chơi với phương Tây, buôn bán với Mỹ, Pháp… Trong sách, bác lại khuyên là nên làm ăn với Liên Xô và các nước Đông Âu trước đã. Sao mình không đi thẳng từ A đến C, mà  còn phải qua B làm gì nữa? ”. Ông chậm rãi trả lời: “Dù sao, cũng cần phải có thời gian làm quen. Nước mình bước ra cơ chế thị trường, lơ ngơ chẳng khác gì người nông dân lần đầu ra chợ Bến Thành, không cẩn thận lại bị nó lừa cho. Các anh ở Nha Trang  biết rồi đấy, vụ bán sắn lát của Phú Khánh đã là một bài học”.
Tôi lại hỏi: “Thưa bác, theo cháu HTX nông nghiệp là một mô hình cực kỳ phản động, bác thấy thế nào ạ?”. Ông bảo: “ Sau hòa bình, có dịp về  thăm quê ở Nghệ An, tôi thấy mâu thuẫn giữa những người nông dân trên đồng ruộng, là vấn đề tranh chấp nước tưới. Từ những năm 1956, tôi đã nhiều lần góp ý với Chính phủ, tập quán làm ăn đi sớm về muộn, thức khuya, dậy sớm của nông dân đã có từ ngàn đời rồi, chỉ nên dừng lại ở tổ vần công, đổi công thôi. Nhưng không ai nghe. HTX càng to, càng lớn thì càng nghèo, vì lãn công ghê gớm lắm…”.
Chúng tôi hỏi tiếp: “Thưa bác, với  hiện tình đất nước hiện nay, bác thấy thế nào ạ?”. Sau giây lát trầm ngâm, ông không trả lời thẳng vào câu hỏi này mà chỉ nói rằng: “Vừa rồi, anh Nguyễn Đức Tâm (lúc đó ông Tâm đang giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị) có đến thăm và hỏi tôi là, anh Viện ơi anh quen biết nhiều với giới trí thức văn nghệ sỹ, anh thấy họ nghĩ về chúng tôi thế nào. Tôi đã trả lời rằng, nói chung là họ buồn”. Ông chỉ nói vậy rồi mệt mỏi nhấp một hớp nước.
Chúng tôi cũng lặng im. Sau vài phút, ông bỗng nhìn thẳng vào chúng tôi, hỏi: “Các anh  đã học sử, có biết nước mình đã trải qua mấy ngàn năm không?”. Không đợi chúng tôi trả lời, ông nói tiếp: “Chưa lấy gì để xác định là bốn nghìn năm, hay bao nhiêu nghìn năm cả. Nhưng trong hàng ngàn năm ấy, nhân dân ta có rất nhiều truyền thống, như yêu nước, bất khuất chống ngoại xâm, hiếu học, lá lành đùm lá rách v.v… Nhưng có một truyền thống cực kỳ quý giá mà từ trước đến nay mình lại chưa  bao giờ có, đó là truyền thống dân chủ. Cho nên tôi nghĩ bây giờ từ Tổng Bí thư đến người dân thường, phải học làm dân chủ, tập làm dân chủ. Phải bắt đầu học từ lúc còn  ẵm ngửa, như cha mẹ các anh tập lẫy, tập bò, tập cày, tập bừa cho các anh ấy…”.  Ông phấn chấn, nói một hơi dài, ánh  mắt ông lúc ấy thật hoạt bát, trẻ trung.
Thấy ngồi đã lâu, sợ ông mệt, chúng tôi xin phép chào ông. Tiễn chúng tôi ra cổng, ông ân cần bắt tay từng người, rồi khép cánh cổng quay vào. Nhưng mới quay ra được mấy bước, chúng tôi đã nghe tiếng ông gọi quay lại. Ông chỉ vào chúng tôi: “ Này! Các anh còn trẻ. Các anh là nhà báo. Các anh phải lan tỏa kiến thức dân chủ trong dân mình. Phải nhớ  rằng, không có dân chủ là không có gì cả đâu nhé …”.
Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được gặp bậc Thầy của mình. Nhưng những bài viết của ông, cả lưu hành chính thức trên sách báo và  những bản photo tôi đều tìm đọc. Mấy chục phút được gặp ông, được trực tiếp nghe ông dạy bảo, đã để lại trong tôi ấn tượng  rất sâu sắc. Và, tôi đã thực hiện đúng điều ông dạy. Dù ở đâu, đến đâu, làm gì, tôi cũng tìm cách chuyển tải  đến các đồng nghiệp, đến những cán bộ có tâm huyết và những người dân,  tư duy và phát hiện mới mẻ, táo bạo “nước mình từ trước đến nay chưa bao giờ có truyền thống dân chủ và phải tập làm dân chủ, học làm dân chủ” của Thầy Nguyễn Khắc Viện, từ những năm 1980 của thế kỷ trước.
Trở lại chuyện đại dự án khai thác bauxite Tây nguyên, phải khẳng định rằng từ bản Kiến nghị của giới trí thức đến Tâm thư  của các vị cách mạng lão thành, là những bước thực hành dân chủ vì sự sống còn của đất nước, của dân tộc và lợi ích của  muôn đời con cháu. Song cũng phải thừa nhận một điều, suốt mấy thập kỷ qua, do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả “thói cam chịu” cố hữu, mà cái sự  học làm dân chủ, tập làm dân chủ của dân mình còn mờ nhạt quá, yếu quá. Và, chính vì mờ nhạt quá, yếu quá, nên  dân mình đã vô tình tự tước đi cái quyền được thông tin  Để năm tháng cứ qua đi, cái khẩu hiệu “ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vẫn chỉ là khẩu hiệu.  Tiếc lắm thay !
NC 
Nguồn:http://www.bauxitevietnam.info/c/4656.html