Trang chủ » Tin văn và...

VĂN HÓA THÊ THIẾP CỦA TRUNG QUỐC ĐÃ TRỞ LẠI

Stephen Wong
Thứ tư ngày 29 tháng 7 năm 2009 11:54 AM

THƯỢNG HẢI – Câu ngạn ngữ “Đằng sau mỗi người đàn ông thành công đều có một người phụ nữ” đã bị bóp méo trong bối cảnh Trung Quốc, nơi mà dường như đằng sau mỗi ông quan chức tham nhũng có ít nhất một cô vợ bé. Một quan chức chống tiêu cực gần đây đã cho công luận biết rằng 95% các quan chức tham nhũng bị phát hiện trong những đợt thanh kiểm ở Bắc Kinh đều có vợ bé.

Nền văn hóa đàn ông lấy nhiều thê thiếp vốn tồn tại hàng thiên niên kỷ ở Trung Quốc nay đã trở lại, với nhiều quan chức Đảng Cộng sản và quan chức chính phủ đang có ít nhất một cô “vợ hai” với tư cách là biểu tượng cho địa vị hay để thỏa mãn nhu cầu tính dục của mình.

Tháng này, khi nói chuyện với các quan chức Đảng và chính phủ ở thành phố Đông Quản thịnh vượng ở tỉnh Quảng Đông, ông Qi Peiwen, một quan chức cao cấp trong Ủy ban Trung tâm về Điều tra Kỷ luật đã cảnh báo các quan chức về chuyện “gái gú”, nói rằng có bồ chứng tỏ quan chức dễ bị tham nhũng biến chất.

Bình luận của ông Qi đã khởi đầu cho một làn sóng phản hồi trong truyền thông đại chúng và các chat-room trên mạng về sự phục hưng của nền văn hóa thê thiếp cổ xưa của Trung Quốc trong giới quan chức.

Ông đưa ra con số gây sốc: 95% quan chức tham nhũng có ít nhất một vợ bé. Một số người đùa rằng xu hướng này đã khiến cho những người không phải quan chức sẽ khó tìm vợ hơn nữa, vì tỷ lệ giới tính ở Trung Quốc đang rất chênh lệch. (Theo Liên đoàn Phụ nữ Toàn Trung Quốc thì tỷ lệ giới tính của trẻ sơ sinh năm 2005 là cứ 119 bé trai mới có 100 bé gái.)

Truyền thống đàn ông lấy nhiều thê thiếp vốn có từ xa xưa ở Trung Quốc đã bị Đảng Cộng sản đả phá khi Đảng này lên cầm quyền trong cuộc cách mạng năm 1949. Với “nắm đấm sắt” của nó, Đảng này dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Mao Trạch Đông cũng đã thành công trong việc trừ tiệt những “hiểm họa xã hội khác” như mãi dâm hoặc ma túy. Nạn đa thê ngày nay vẫn được coi là trái pháp luật, ít nhất là trên giấy tờ.

Khi Trung Quốc tiếp nhận công cuộc hiện đại hóa kinh tế và các giá trị tư bản, thì một dòng chảy ngầm giải phóng tình dục và suy đồi vật chất cũng nổi lên, dẫn đến sự trở lại của các cô vợ lẽ và sự tăng cao nạn ngoại tình.

Đối với những người có tiền và có quyền, thì việc có vợ bé đã trở nên thời trang, đặc biệt là giới quan chức. Dường như từ các quan chức cao cấp trong Đảng và chính phủ cho đến những người tổ chức nghiệp đoàn công nhân – hễ ai nắm được quyền lực thì đều có cơ hội lấy được vợ bé cả.

Quan chức cao cấp nhất bị truy tố trong những năm gần đây là Trần Lương Vũ, cựu Bí thư đảng Thượng Hải và thành viên Bộ chính trị. Ông ta bị kết án tù 18 năm vì tham nhũng, và bị cho rằng đã có ít nhất hai vợ bé.

Người hiện đang giữ kỷ lục về số vợ bé là Xu Qiyao, cựu giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Giang Tô, đã bị kết án tử hình vì tham nhũng nhưng đã được giảm án. Ông Xu, người chịu trách nhiệm các dự án cơ sở hạ tầng ở tỉnh phía đông Trung Quốc này, có hơn 140 vợ bé. Các quan chức chống hối lộ đã kinh ngạc khi tìm thấy nhật ký sex của Xu, trong đó ghi lại tên của tất cả các cô vợ bé của ông ta và kinh nghiệm quan hệ tình dục với họ.

Các quan chức tham nhũng và vợ bé của họ nay đã trở thành mục tiêu của những đồn đại trong giới truyền thông và giới blogger Trung Quốc.

Một số người sử dụng internet ở Trung Quốc đã biên soạn danh sách các hồ sơ do các quan chức tham nhũng ghi lại về số lượng và nhan sắc của các cô vợ bé của họ, cũng như số tiền đã sử dụng cho họ. Danh sách này được đưa rộng rãi trên các website phổ biến.

Quyền lực, tiền bạc và sex

Nền văn hóa thê thiếp mới của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở giới quan chức chính quyền. Hiện tượng này đã trở nên phổ biến, với cái gọi là những “làng hầu thiếp” mọc lên như nấm ở các tỉnh thành ven biển.

Cùng với sự cải cách và mở cửa của Trung Quốc, hệ tư tưởng Marxist-Maoist chính thống đã bị thải loại và không gian rỗng này được lấp đầy bằng chủ nghĩa vật chất. Những thèm khát vật chất được “giải phóng”. Người ta cần nhiều quyền lực hơn, nhiều tiền hơn, và hình như là nhiều sex hơn. Lấy “vợ lẽ” nay là mốt đang thịnh hành trong giới có tiền và có quyền.

Jin Weizhi, tổng giám đốc một công ty sữa quốc doanh, đã bị kết tội hối lộ và tham ô vào năm 2000, từng tuyên bố: “Lấy vợ bé không phải chỉ là thỏa mãn nhu cầu cơ thể. Đúng hơn đấy là một biểu tượng của địa vị. Nếu anh không có vài phụ nữ, người ta sẽ coi thường anh.”

Các cô hầu thiếp vẫn thường bị buộc tội là xúi giục các quan chức hối lộ hay phạm các tội lạm quyền khác. Thực ra, các quan chức thường rót cho vợ bé các thứ quà hậu hĩ, tiền bạc – hay hợp đồng cho các dự án sinh nhiều lãi.

Trong một trường hợp cực đoan, Deng Baoju, một chủ ngân hàng ở thành phố Thâm Quyến đang phát triển mạnh mẽ, đã chi 18,4 triệu tệ (2,7 triệu đôla Mỹ) tiền của ngân hàng mình cho cô vợ bé thứ năm của mình trong vòng 800 ngày, trung bình 23.000 tệ một ngày. Ông ta bị tuyên án 15 năm tù về tội lừa đảo.

Tham nhũng và vợ lẽ luôn đi cặp với nhau, theo bản tin năm 2008 của tờ báo Tuần san Phương Nam đặt ở Quảng Châu sau khi điều tra 41 quan chức cấp tỉnh trong một vụ thăm dò tiêu cực từ 1998 đến 2008. Tờ báo này phát hiện 36 người trong số họ có vợ bé.

Tờ Tuần san Phương Nam trích lời một vợ của một quan chức cấp cao ở miền trung Trung Quốc nói rằng khu vực dành cho quan chức mà bà đang sống “giống như một làng góa phụ” bởi vì đàn ông rất hiếm khi về nhà. Nhiều người vợ biết rõ chồng mình ngoại tình, nhưng chọn cách giữ im lặng để bảo vệ quyền lợi của gia đình.

Vi phạm luật chống đa thê có thể bị tù đến hai năm theo luật Trung Quốc, nhưng có bồ thì ít khi bị phạt, miễn sao các ông không đăng ký kết hôn chính thức.

Hạn chế văn hóa thê thiếp

Sự phục hưng của nền văn hóa thê thiếp đã buộc Đảng Cộng sản năm 2007 phải khởi đầu một cuộc thanh kiểm đối với nạn quan chức có vợ bé. Đảng này đã tiến hành cuộc điều tra đầu tiên về tình trạng hôn nhân của các quan chức chính quyền và Ủy ban Bắc Kinh thậm chí còn lệnh cho quan chức phải báo cáo những thay đổi trong hôn nhân cho chính quyền. Cho đến nay thì những biện pháp này không có tác dụng gì mấy.

Thậm chí, hầu như ông quan chức cao cấp nào bị điều tra tiêu cực cũng đều bị phát hiện có ít nhất một vợ bé. Điều này đã khiến giới truyền thông đề nghị rằng các tổ chức chống tiêu cực nên bắt đầu điều tra tiêu cực bằng cách điều tra xem các quan có vợ thiếp hay không..

Để ngăn chặn việc các cô vợ bé lợi dụng quan hệ của họ với các quan, giới quan chức pháp luật đã mở rộng cách hiểu về luật chống hối lộ nhằm bao hàm cả việc tặng quà cho vợ bé của quan chức.

Tháng này chính quyền thành phố Mi Sơn ở tỉnh Tứ Xuyên đã ra lệnh cấm “những quan hệ bất thường” giữa quan chức và phụ nữ. Tuy nhiên lệnh cấm đã bị chỉ trích vì không thực tế – chính quyền không nói rõ “quan hệ bất thường” là gì hay quan chức sẽ bị phạt như thế nào.

Cũng giống như hầu hết giới truyền thông đại chúng trên thế giới, truyền thông Trung Quốc bị thu hút bởi những chuyện hấp dẫn về quan chức và vợ bé của họ. Tuy vậy, nếu thủ phạm vẫn còn đang nắm quyền thì ít ai dám chất vấn về việc họ có chung thủy với vợ hay không, hay họ có liên quan đến tham nhũng hay không. Ở Mỹ, thống đốc Mark Sanford của bang South Carolina – người suýt mất ghế vì đi gặp vợ bé – hẳn là phải ganh tị với các đồng sự của mình ở Trung Quốc lắm.

Nguồn: http://www.atimes.com/atimes/China/KG26Ad01.html

NL dịch