Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Phải chăng có thần linh phù hộ ông?

Bích Nga
Thứ bẩy ngày 19 tháng 7 năm 2014 5:04 AM


( Về cuốn sách : Chuyện nghề của Thủy - Lê Thanh Dũng- Trần Văn Thủy. Nhà XB Hội nhà văn,2014)

 

            Cuốn sách Chuyện nghề của Thủy do hai tác giả Lê Thanh Dũng – Trần Văn Thủy viết khá hay và cuốn hút. Tôi đọc không bỏ sót một chữ, đọc một mạch, thâu đêm, và đọc đi đọc lại những điều tâm huyết mà hai tác giả đã ghi lai. Với cách viết giản dị, không phô trương, với âm hưởng của những thước phim tài liệu rất thât, sắc gọn, ngôn từ chọn lọc khiến cho người đọc thiện cảm..

Cuốn sách giống như một bộ phim tài liệu tuyệt vời ghi lại đời và sự nghiệp của nhà đạo diễn được người trong nước và ngoài nước biết đến, yêu mến và kính trọng – Trần Văn Thủy. Thời gian qua, ông và đồng nghiệp đã cho ra đời những bộ phim tài liệu có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao

Trang 6 cuốn sách, Lời trong phim Chuyện Tử Tế có đề cập đến Mục đích của cuốn phim này là : “ Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người, người tử tế, trước khi mong muốn và chăn dắt họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm…Nghĩ cho đến cùng, ở trên đời này, không có một nghề nghiệp nào, không có một công việc gì, và cũng không có một con người nào trở nên tử tế- nếu không bắt đầu từ tình yêu thương con người, sự trân trọng đối với con người và đi từ nỗi đau của mỗi con người”.

 Đó cũng chính là định hướng của tất cả những bộ phim tài liệu mà ông Trần Văn Thủy làm đạo diễn.

Với việc xây dựng các thước phim tài liệu về người thật, việc thật, làm được những điều như trên rất khó. Ông Trần Văn Thủy đã nói: “ Để thấu hiểu nỗi đau của con người không phải là một việc dễ dàng gì. Vâng! Không thể là một việc dễ dàng gì, nhất là khi ta không sống cuộc sống của người đời. Chỉ có sống cuộc sống của người đời, chia sẻ những nỗi buồn và niềm vui của người đời, thì may ra mới tìm được, hiểu được và làm đúng được đôi điều…Dù nhọc lòng, mất công, những điều chúng tôi, những người làm phim biết được chỉ bằng giọt nước, còn những điều chưa biết lại là biển cả” ( Trần Văn Thủy- trang bìa 1 cuốn sách).

Những cống hiến của ông đối với với ngành điện ảnh Việt Nam đã được ghi nhận, có những Bộ phim đoạt giải cao trong nước và quốc tế như:

- Bộ phim Những người dân quê tôi, phim đầu tay quay ở chiến trường khu V, đoạt giải Bồ câu bạc tại liên hoan phim quốc tế Leipzig- Đức- 1970 . 

            - Bộ phim Phản bội, về chiến tranh biên giới Việt trung 1979, giải vàng Liên hoan phim Việt nam năm 1980, giải Đạo diễn xuất sắc.

            - Hà Nội trong mắt ai ( bị cấm từ 1982 đến 1987), giải vàng liên hoan phim Việt Nam 1988, giải Biên kịch xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất.

            - Chuyện Tử Tế ( 1985), giải Bồ câu bạc Liên hoan phim quốc tế Letpzig, được báo chí nước ngoài gọi là “ Quả bom đến từ Việt Nam”, được hơn 10 đài truyền hình lớn trên thế giới mua bản quyền và được chiếu rộng rãi ở châu Âu, Nhật Bản, Úc và Mỹ.

            - Chuyện Từ góc công viên, Giải vàng liên hoan phim hội Điện ảnh Việt Nam

            - Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai 1999, giải vàng Liên hoan phim châu Á- thái Bình Dương lần thứ 43

Ông được nhiều người yêu kính về tài năng, nhân cách và sự kiên định tuyệt vời trong nghề nghiệp. Ý chí kiên cường đã giúp ông vượt qua sóng gió của nghề nghiệp để thực hiện được điều ông mong muốn là : Làm được điều mình yêu thích và hết lòng với nghề mình chọn .

 

Cuốn sách đã giúp chúng tôi hiểu về cuộc đời của ông. Những tháng ngày ở chiến trường, ngày đêm bom đạn rền vang, ông là người làm phim tài liệu về chiến trường khu V, luôn bám sát trận địa. “ Người phóng viên quay phim mặt trận tất nhiên phải mạo hiểm tính mạng, đến chỗ nóng bỏng nhất, chọn vị trí bao quát nhất để có thể quay nhiều góc độ, chiếm chỗ cao để hình rõ nhất nhưng người thì không được… chết! Phim không được hỏng. Nhiệm vụ của anh ta không phải để giành chiến thắng trong một trận đánh, không thể lấy thân làm giá súng hay lấp lỗ châu mai.. Nhiệm vụ của anh ta trước tiên là phải…sống, sống để quay phim, để đem phim về tận phòng in tráng thì mới “ hoàn thành nhiệm vụ”. Chết là toi cơm, bao nhiêu công lao đào tạo, trang bị đồ nghề đắt tiền, bao nhiêu hình ảnh quan trọng dở dang…đổ xuống sông xuống biển hết ”( trích trang 92 cuốn Chuyện nghề của Thủy). Ông đã thực hiện đúng như vậy.

May sao, như có thần linh phù hộ, ông đã sống, đã có phim mang từ mặt trận trở về. Tác phẩm đầu tiên của ông, Những người dân quê tôi đã thành công, được giải  Bồ câu bạc ở liên phim quốc tế Leipzig 1970.

Và rồi, biết bao trắc trở trong nghề , có lúc khiến ông lao đao, ông có thể vào tù như chơi nếu như ông không có sự can đảm bảo vệ chính kiến và những bộ phim đầy tâm huyết với nước, với dân do mình làm ra. Đã có lúc ông băn khoăn và như thấy nhà mình luôn có người theo dõi để xem ông có làm gì hại cho nước không... Với người khác, khó khăn có thể đã làm cho họ nản lòng. Nhưng với ông, sự kiên định với lý tưởng yêu nước, yêu dân,  những thước phim tài liệu sống động của ông và các đồng nghiệp vẫn ra đời trong hoàn cảnh khó khăn ấy. Những phim họ làm ra được đánh giá cao trong nước và quốc tế. Phải chăng, trong nhiều hoàn cảnh trớ trêu ông vẫn thoát hiểm là do ông được tổ tông phù hộ? Bởi, những tác phẩm của ông làm sáng rõ hơn truyền thống yêu nước của người dân đất Việt.Ý chí quật cường của cha ông, của dân tộc đã truyền vào những người thật, việc thật trong các thước phim tài liệu của người đạo diễn tài ba.

            Những thăng trầm của cuộc sống và sự nghiệp của Trần Văn Thủy đã khiến cho người xem cuốn sách vừa xót xa, vừa cảm phục.

Ông được học hành đến nơi đến chốn, từ trường học cho đến trường đời. Ông luôn tìm kiếm hướng đi vào lòng người cho những cuốn phim tài liệu quay việc thực, người thực. Xem các phim của ông người ta thấy được sự cảm thông với những nỗi đau, trắc trở của thân phận con người, hướng con người tới những điều nhân bản nhất là được sống trong sự yêu thương, không phải dối trá. Những đớn đau mà con người phải chịu đựng được sự cảm thông , chia sẻ của đồng loại sẽ khiến cho cuộc sống đỡ trăn trở hơn, phim của ông đạo diễn Trần Văn Thủy đã làm được điều đó.

            Ông không chỉ thành công trong nghề của mình mà ông còn làm cầu nối văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới. Phim của ông làm đạo diễn được chiếu ở nước ngoài và được nhiều nước mua để chiếu. Ông được mời đi giảng dạy và hội thảo về văn hóa ở nhiều nước. Bạn bè gần, xa, các nhà khoa học, học sinh…gần gũi, trao đổi với ông nhiều điều về nghiệp vụ điện ảnh, về đời sống xã hôi, về quan điểm sống…. Tầm nhìn và suy nghĩ của ông đã vượt qua biên giới Việt Nam. Những tác phẩm sau này của ông càng thể hiện trí tuệ và cái tâm của người làm phim tài liệu.

 

            Một cuốn sách không phải viết theo dạng hồi ký, mà viết theo hồi ức với tư liệu đầy ắp, không ca tụng mà cũng không phô trương, nó giống như một cuốn phim tài liệu nói về một con người giản dị nhưng tài năng, tâm sáng và nhân hậu, đau đáu với nỗi đau khi đất nước còn ngổn ngang trăm mối. Bao giờ người dân Việt mới có một cuộc sống giàu có, văn minh, thịnh vượng? Đó là trăn trở của ông, đạo diễn Trần Văn Thủy.

            Nhà văn Nguyên Ngọc đã viết về ông, Trần Văn Thủy, như sau: “ Có thể nói không ngần ngại rằng anh là người làm phim tài liệu chính luận giỏi nhất nước ta. Trần Văn Thủy có một cái gì hơi giống Trịnh Công Sơn, bởi sự hòa quyện tuyệt vời giữa hình ảnh và lời bình, nâng giá trị của tư liệu lên rất nhiều. Một nhà văn chính luận sâu sắc trong vai trò một đạo diễn, luôn trực diện với những vấn đề nóng hổi của nhân sinh”.

           

            Muốn hiểu hơn về đạo diễn Trần Văn Thủy và cuộc đời phong phú, tài hoa của ông hãy đọc cuốn Chuyện nghề của Thủy.

Được đọc cuốn sách hay thật là thích thú.

            Cám ơn hai tác giả Lê Thanh Dũng và Trần Văn Thủy đã cho ra đời cuốn sách đáng đọc này./