Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Sao Mai và nước mắt

Nguyễn Hưng Hải
Thứ ba ngày 29 tháng 7 năm 2014 8:31 AM

 

Nhà văn Sao Mai và nhà thơ Hữu Thỉnh đã giới thiệu tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam cách đây hơn 20 năm. Chưa có gì để trả nghĩa với ông, Sao Mai đã là người thiên cổ. Thanh thản như cày xong thửa ruộng hay còn nặng nỗi ưu phiền, hỡi nhà văn Sao Mai?

 

Nhà văn Tô Hoài-bạn hữu của Sao Mai, trong một phút cao hứng nào đó, chả đã từng nói, từng viết: “Lão Sao Mai có một nụ cười rất đểu” là gì! Nhưng hình như trong suốt cả hành trình đi kiếm sống, hành trình đi theo mê đắm của cái đẹp, Sao Mai không tự có cái cười rất “đểu” ấy. Tuyên ngôn trước khi về đất của ông là vợ con có được miếng cơm, manh áo; như thế không còn lý do gì để chúng ta không tin ông, yêu ông, thương ông và hình như cả “ghét” ông nữa.

 

Sinh thời, Sao Mai là con người của những nghịch lý và mâu thuẫn? Khi người ta im lặng thì ông ồn ào. Lúc người ta sôi nổi thì ông lại trầm ngâm. Bái biệt chốn kinh kỳ ngỡ tưởng đã an phận với miền sơn cước Thanh Sơn, ông còn trở ra Việt Trì gần chục năm? Hình như không ai nỡ trách cứ ông. Người ta nể ông, vì số đông hôm nay đều hiểu rằng, sự không “chấp hành” một cách ngoan đạo của ông là tư chất không an phận của một nhà văn. Và chính nhờ tư chất ấy mà không có sự chấm hết của một đời văn.

 

Chênh vênh giữa hai thái cực, chúng ta có một Sao Mai “thịt gà rang muối, rượu tràn trăng”.Hai mươi tuổi đã in tập truyện “Uất” và nổi lên như một nhà văn trẻ đầy hứa hẹn trong một tương lai của văn học cách mạng (hồi năm 1946). Hai mươi sáu tuổi, ông đã vào hoạt động trí thức vận và nửa công khai bảo vệ văn hóa cách mạng trong nội thành, từng bút chiến với nhóm nhà văn có khuynh hướng chống cộng, rồi dẫn đến “cơ bắp chiến” với nhà văn Thượng sỹ… để bị báo chí in bằng giấy “trong kế hoạch” của Pháp lu loa. Ba mươi tuổi - tán thành việc nhà văn xóa bao cấp, Sao Mai về làng quê vừa đánh giậm, vừa cày ruộng, vừa viết tiểu thuyết và chèo. Ba lăm tuổi ông đưa “bầu đoàn thê tử” từ Nam Định trở lên Hà Nội, để rồi sau đó với cái ba-lô kháng chiến và một chiếc va-li của Nguyễn Mỹ-tác giả bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” đưa cho, định hướng cho tiểu đội vợ con nhằm tới Văn Luông -Thanh Sơn mà lặn lội. Ấy đã là năm 1964 và Sao Mai vào tuổi ba mươi chín.

 

Khác với số đông nhà văn thoát ly gia đình, Sao Mai đi đâu cũng tha lôi vợ con, vừa đi vừa đẻ, vừa đi vừa tạo lập, vừa vỡ đất khai hoang vừa viết; để rồi lại nhận lấy yêu thương, giận dỗi và hình như có cả những sự “mang tiếng” nữa.

 

Hồi sức về kinh thành Thăng Long còn nguyên vẹn trong ông những buổi chiều vợ con đi bóc trộm vỏ cây ven Hồ Tây, để sáng sáng lại ra chợ Mơ bán đổi lấy vài lon gạo tẻ. Nguyên vẹn trong ông những đêm đi câu cá trộm, vớ được toàn đỉa đói; những vương vít của son phấn ả đào nơi phố Khâm Thiên từng níu kéo.

 

Chưa quên lãng tử phiêu du và liều mạng thời trai trẻ, Sao Mai đã là người “thiên cổ”. Buổi mới đến Văn Luông (một xã vùng cao của huyện miền núi Thanh Sơn, Phú Thọ)- đêm lập lòe ánh đuốc của người dân bản xứ ra đón, ông bảo - vào lúc đó, ông cứ ngỡ lạc vào bộ tộc nào của người da đỏ. Cảm giác “sởn da gà” bám riết lấy ông là tiếng hú của thú dữ, tiếng nỉ non của con vượn già đói khát ngay đầu hồi. Nhớ về buổi ấy, Sao Mai đã kể: Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Mỹ, cả Chế Lan Viên nữa, tất cả đều đã có mặt ở chốn Văn Luông này. Chẳng biết ngày đó, các ông đã nói với nhau những gì, đã căn dặn những gì với một Sao Mai ‘như chai lọ bị bỏ quên, như nét mực nhòe trên trang giấy ố’. Để rồi trong sự ngưỡng vọng chân thành, người ta lại nghĩ đến ông như chút ánh vàng của mùa hoa cải. Tất cả đã qua thời, cũng như cái cây rau cải ấy, hết ngồng lên là đến độ ly ti cho bướm, ong về tha hương đi nơi khác.

 

Sao Mai đã vắt đến kiệt cùng chua ngọt của tâm trí cho những trang văn không bị suy dinh dưỡng, không bị tật nguyền. Ông là người đã thừa hưởng sự “hy sinh” của nhiều người. Nhưng chính ông có lúc lại lầm tưởng, mình là người phải chịu lắm những sự hy sinh. Chính mâu thuẫn ấy trong con người ông đã làm nên một nhà văn Sao Mai của những sự đào thải liên tục và quả quyết; và đào thải có tính chất quyết định đối với ông là gạt vội những ý nghĩ vụn vặt sang một bên, để quay vội về với chính mình: cắm cúi vào số phận con người, ngẩng nhìn cõi vô định; quyến rũ đồng loại quay trở về hiện thực với tâm linh, thiện - mỹ… Sao Mai nhiều trắc ẩn. Nhưng có lẽ mặc cảm về thân phận còn lớn hơn. Khi nghiên cứu về mô-típ của dòng tiểu thuyết triết luận, Nguyễn Khải sở hữu “đặt các viên bi-a tôn giáo cạnh nhau, thì Sao Mai là nhà văn đã may mắn đẩy được viên tín ngưỡng cần đẩy vào tâm hồn bạn đọc; và Sao Mai đã tự vận động trở thành một nhà văn đích thực của nhân dân”

 

Ngày ông giã từ kinh thành Thăng Long, có người cho rằng ông trốn chạy. Nhưng bản ngã của Sao Mai khẳng định điều ngược lại. Bằng vào những năm tháng ở Văn Luông ông có “Tìm đất”, “Làng Cao”, “Sông Rừng”. Thương và nể trọng tài văn Sao Mai, anh em hội viên đã động lòng “trắc ẩn” bầu ông vào Ban chấp hành Hội, và tỉnh đã cử ông giữ chức Phó Chủ tịch Hội VHNT, mặc dù Sao Mai lúc đó tuổi đã cao, lại không phải là đảng viên, không trong biên chế nhà nước. Những năm “nước lọ, cơm niêu” ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, ông đã có thêm “Tiếng gọi rừng xa”, “Mắt chim le”, và “Sáng tối mặt người” - một cuốn tiểu thuyết mang tính tự sự, đầy nhân văn, có thể coi như là tặng phẩm của ông cho đồng loại trước khi về đất.

 

Như chúng ta được biết thì Sao Mai đã từng vào trại di cư Pa-gốt, Hải Phòng; đã từng hoạt động trong nội thành Hà Nội suốt một thời chưa ngã ngũ – Lại cũng đã từng chơi với Phùng Quán, Tô Hoài, Xuân Diệu, dạy dỗ Văn Chinh, Nguyễn Tham Thiện Kế - chơi thân với nhiều quan khách và những bạn viết trẻ. Có lẽ cũng vì thế mà người đời tuy rất ngưỡng vọng nhưng cũng lại thật: không thể nào hiểu nổi về ông.

 

Con người từng uống no đời thôn dã, lấm láp trong mây mù Thanh Sơn vào những ngày trước khi xảy ra chính biến ở Liên Xô, đã tâm sự gì với viên đá lát Hồng Trường trước lăng Lê-Nin; đã nghe được gì trong âm âm tiếng đất nơi trang trại… của đại văn hào Léptônxtôi. Tuyết lạnh hay ông lạnh trong nỗi nhớ khôn cùng về quê hương, xứ sở ở nơi những cây bạch dương uốn mình theo chiều gió. Học được gì trong phong cách châu Âu, khi băng tuyết đã vào mùa tan chảy. Tiếng súng trên đấu trường ngày nào của Puskin như còn vọng lại, khi ông lỡ trớn trên sân ga, không kịp về đúng hẹn với Việt Trì, chỉ vì hấp tấp và lơ đễnh, hình như có cả sự khiêm nhường nơi chen lấn nữa.

 

Đó là kỷ niệm của riêng ông- Còn về văn chương, khách quan đánh giá: đọc văn ông, có lúc thấy kiêu sa, xảo thuật trên từng câu chữ. Nhưng đôi khi lại cảm được đến từng “chân tơ” của sự “bộc tuệch”. Nói như Văn Chinh: “Sau cuốn “Sông Rừng” viết về khu kinh tế Thanh niên ở Thanh Sơn đã rõ một tư tưởng Sao Mai, dám chối bỏ một sẵn nong, sẵn né; để thơ thẩn với rừng nguyên sinh đầy nhọc nhằn và bất trắc-Rồi đây, sau “hú òa” của thời gian, tương lai bình tĩnh sẽ nhẩn nha đọc và bàn lại- cũng chưa muộn gì; nhất là khi chúng ta đã biết chắc Sao Mai không còn con đường nào khác là phải đi lại những nẻo đường do chính mình từng khai vỡ. Vậy là chẳng còn lý do nào để mà cứ bật đèn đỏ mãi về quá khứ một Sao Mai, nhất là khi ông đã giãi bày trong “Tìm đất”: “con đường mình đi có hoa mùa thu, có quả mùa thu, mùi thơm dằng dặc, càng đi càng chả hết…”

 

Ông đã gieo nhẹ được huyền thoại vào hiện thực, vẻ lạ vào sự quen, cái bất biến vào cái nhất thời. Nhưng dường như không chỉ có lực văn làm nên phong cách Sao Mai – ông là người còn biết ngượng khi viết những câu khiên cưỡng. Hú họa trong văn ông mới tìm thấy sự chập chững và non nớt của ngôn từ. Ông thường hay để những chấm lửng cả trong dẫn chuyện lẫn nhân vật nói. Đôi khi cao hứng lên làm thơ, thì thơ ông vẫn một lối lửng ấy để mà tăng đa nghĩa.

 

Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt bút pháp tô mây, nẩy trăng; phép bi-a; phép trong câu (ấy) có câu (khác); ngoài vị có vị -Sao Mai tránh được “Việt vị” mà con mắt văn-học-sử-trọng tài có camêra quay chậm.

 

Không thể nào hiểu hết Sao Mai nên mới còn một Sao Mai trong trân trọng và ngưỡng vọng của người đời. Để khắc họa được chân dung ông là điều không phải dễ. Nhưng Văn Chinh, người học trò xuất sắc của Sao Mai đã đúng khi nói về người thầy của mình: “Ném mình vào rừng một cách ngây thơ và đầy ham hố đến hơn 30 năm, trở ra Việt Trì, ông vẫn nguyên một bướng bỉnh Hải Phòng, một buông thả Thăng Long. Hình như chúng ta còn loáng thoáng nghe được từ đâu đấy, ở phía Sao Mai-tiếng rừng hú kêu, hú dọa- bi thương và rùng rợn với những chữ hạo nhiên-thiện chân- khí nén-nhịp sinh học-trộn thả cửa làm món nộm, món lẩu với những chữ nôm na quê mùa nhặt vội từ bình dân trong một tinh thần “không có gì và không có gì quan trọng hết”, từng quán xuyến Sao Mai suốt từ thời trai trẻ. Có thể bi “hớ” nhưng không mất gì, vì Sao Mai đã lắng lọc qua tạp âm của còi xe tranh đường, của phôn phắc chi-cho-mex, của chửi đổng và tiếng còi đòi bao cấp trở lại; để còn thấy một sự chuyển đổi tinh tế và chậm rãi của thế-thái-nhân-tình; vừa cốt lõi, vừa là mục đích cuối cùng của mọi cuộc canh tân”.. Nghĩ về ông, tôi lại hay nghĩ đến sự cả tin và những giọt nước mắt…

                                                                         

                                                                                                    N.H.H

Số Nhà 176 Phố Mai Sơn-                                                          

Phường Tiên Cát-TP Việt Trì- tỉnhPhú Thọ

     ĐT: 0168 4949 459  

Email: Nguyenhunghai 1959 @ gmail.com