Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Các giáo sư, nhà nghiên cứu nói chuyện "Thoát Trung về văn hóa"

Lê Tâm
Chủ nhật ngày 17 tháng 8 năm 2014 7:55 PM

Theo GS Nguyễn Văn Tuấn: “Không thể coi là ngẫu nhiên những việc như truyền hình dày đặc phim Tàu, phố xá đầy đèn lồng Tàu, sư tử Tàu nhảy vào án ngữ đền chùa, sách cho thiếu nhi in hình cờ China là cờ Tổ quốc...”.
 
­­Thoát khỏi sự lệ thuộc 

Chiều 15.8 tại Hà Nội, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà xuất bản (NXB) Tri thức đã tổ chức cuộc tọa đàm “Thoát Trung về văn hóa” với sự tham gia của rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà giáo dục. 

Không thể coi là ngẫu nhiên khi những ­­con phố treo đầy đèn lồng Trung Quốc.

Mở đầu cuộc tọa đàm, GS Chu Hảo - Giám đốc NXB Tri thức cho biết: “Chúng tôi mở cuộc tọa đàm này không phải có ý định bài xích mà chỉ muốn tập trung vào việc làm thế nào để chúng ta có thể thoát ra khỏi những ảnh hưởng tiêu cực về văn hoá, khoa học, chính trị, để trở thành một người bạn láng giềng tốt mà thôi. Trọng tâm là chúng ta phải đánh vào tâm lý lệ thuộc, tôn sùng văn hóa ngoại lai đã ăn vào tâm lý của không ít người ”.

TS Nguyễn Xuân Diện • Tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm: Muốn thoát Trung chúng ta không thể coi đó cuộc đào thải các giá trị văn hóa mà quan trọng là phải có sự cầm cương, điều tiết.
Tôi thấy hiện nay truyền hình đã không còn chiếu phim truyền hình Trung Quốc, Bộ VHTTDL cũng vừa có chỉ thị cấm đưa các linh vật lạ sư tử Tàu vào các cơ sở thờ tự, đó là những tín hiệu đáng mừng...  
Nhà thơ Hoàng Hưng giải thích: “Văn hoá ở đây xin được hiểu theo nghĩa bao gồm các giá trị văn hoá tinh thần như ý thức tư tưởng, triết lý, đạo đức, tâm linh, lối sống... Như thế văn hoá là nền tảng sâu xa và lâu bền của sức mạnh dân tộc. Không thể thoát Trung về kinh tế, an ninh, chính trị nếu không thể thoát Trung về văn hoá. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều ý kiến của các giáo sư đang làm việc ở nước ngoài quan tâm đến tình hình văn hóa trong nước". 

"Chẳng hạn, từ Australia, GS Nguyễn Văn Tuấn gửi về một bài viết cho biết ý kiến: “Không thể coi là ngẫu nhiên những việc như truyền hình dày đặc phim Tàu, phố xá đầy đèn lồng Tàu, sư tử Tàu nhảy vào án ngữ đền chùa, sách cho thiếu nhi in hình cờ China là cờ Tổ quốc... Sự lệ thuộc ngoại bang nó ghê gớm ở chỗ làm cho dân tộc không còn tự chủ và độc lập trong suy nghĩ, và người ngoài nhìn với ánh mắt khinh thường”, Nhà thơ Hoàng Hưng nêu ví dụ. 

Tiếp nhận có chọn lọc

Rất nhiều các ý kiến của các nhà văn, nhà phê bình, nhà nghiên cứu như Phạm Toàn, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Xuân Diện… đều thống nhất ở một điểm: Văn hóa Trung Quốc là một nền văn hóa lớn, có nhiều thành tựu rực rỡ, Việt Nam cũng như Hàn Quốc, Nhật Bản… đều nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Hán hóa, cũng như toàn bộ châu Âu nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Latin. 

Bởi vậy, việc có sự giao thoa văn hóa, tiếp biến và ảnh hưởng văn hóa là sự không thể tránh khỏi. Việc chỉ bàn đến chuyện “thoát Trung” trong văn hóa là một khía cạnh hẹp mà trọng tâm là phải hướng đến sự “thoát Á”, tức là thoát khỏi sự lạc hậu, chậm phát triển để khơi dậy sức mạnh tiềm tàng, đạt tới sự văn minh, phát triển của toàn nhân loại. 

Anh Đinh Bá Anh - người hiện đang làm cho một tổ chức của Đức nhận định: “Nếu muốn thoát khỏi ảnh hưởng của một nền văn hóa siêu cường nào đó, chúng ta phải có những yếu tố vượt trội, mạnh hơn họ, thắng được họ, trở thành tấm gương để họ học tập thì mới có hy vọng này”.

Ông Phạm Toàn • Nhà văn, nhà giáo dục:
Vấn đề hôm nay đặt ra hay (Thoát Trung về văn hóa - PV) nhưng theo tôi là lạc đề, bởi vì chúng ta giải quyết cũng được mà không giải quyết cũng được. Chúng ta hãy quên quá khứ đi, bắt đầu từ hôm nay, phải bắt đầu bằng một sự hiện đại...  
Nhà nghiên cứu Trần Đình Hiến cho biết: “Trong lịch sử Việt Nam, đã có một trường hợp thoát Trung rất đáng kính trọng, đó là tấm gương của nhà giáo Chu Văn An. Ông dâng thất trảm sớ, khi không được vua không đồng ý, đã treo ấn từ quan, về ở ẩn, đào tạo nên một thế hệ học trò đồng chí hướng với mình, để sau này ra giúp dân, giúp nước”. 

TS Nguyễn Xuân Diện thì nhìn vấn đề ở một khía cạnh gần gũi hơn: “Việt Nam may mắn đứng cạnh Trung Quốc với một nền văn minh rực rỡ, văn hoá Việt Nam được tiếp thu, thụ hưởng, ảnh hưởng... những thành tựu văn hóa vô cùng tốt đẹp như Đường thi, Tống từ, tiểu thuyết Minh Thanh, tranh thủy mặc… Tuy nhiên muốn thoát Trung chúng ta không thể coi đó cuộc đào thải các giá trị văn hóa mà quan trọng là phải có sự cầm cương, điều tiết. Tôi thấy hiện nay truyền hình đã không còn chiếu phim truyền hình Trung Quốc, Bộ VHTTDL cũng vừa có chỉ thị cấm đưa các linh vật lạ sư tử Tàu vào các cơ sở thờ tự, đó là những tín hiệu đáng mừng”. 

Một ý kiến nhận được rất nhiều sự tán đồng của mọi người là từ anh Nguyễn Hồng Sơn- 23 tuổi, đang là một hướng dẫn viên du lịch: “Chúng cháu muốn phải thoát Trung bằng giáo dục, nếu không dùng giáo dục để thay đổi thì làm sao đất nước này thay đổi. Chúng ta phải làm thế nào để khiến cho mỗi học sinh được tự chọn lấy văn hoá của mình, tự chọn lấy nền văn minh để học hỏi. Nền giáo dục phải khai phóng con người để tự tìm con đường cho mình”.

Nhà văn, nhà giáo dục Phạm Toàn là người phát biểu sau cùng, ông cho biết: “Vấn đề hôm nay đặt ra hay nhưng theo tôi là lạc đề, bởi vì chúng ta giải quyết cũng được mà không giải quyết cũng được. Chúng ta hãy quên quá khứ đi, bắt đầu từ hôm nay, phải bắt đầu bằng một sự hiện đại". 

"Như là chủ nghĩa “Now and Here” tức là ngay lúc này và ngay ở đây. Những người Úc, người Mỹ khi từ cựu lục địa châu Âu đến một vùng đất mới, họ không ngồi bàn cách làm sao để thoát Anh, thoát Ấn, thoát Pháp, thoát Đức… mà họ hướng vào hôm nay, tìm ra sức mạnh của ngày hôm nay để đạt tới một sự văn minh, phát triển cho nhân loại. Chúng ta phải làm việc mới nhưng không nên làm theo tư chất cũ nữa. Hãy đặt niềm tin vào giới trẻ, cần phải giải phóng tư tưởng cho họ”, ông Phạm Toàn lý giải quan điểm của mình. 

Nguồn: Dân Việt.