Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Chuyện "cải cách" từ sổ tay của một cô giáo

Nguyễn Khắc Phê
Thứ tư ngày 10 tháng 9 năm 2014 6:13 AM


Huế 9/9. Thân gửi anh Trần Nhương. Nghe tin Hà Nội đang có triển lãm về “Cải cách ruộng đất” và sáng nay, báo "Tuổi trẻ" dành cả 1 trang về sự kiện này, trong đó có trích ý kiến của ông Trần Chiến Thắng (nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá –Thông tin& Du lịch): “…Vào thời điểm như thế này cần có một đánh giá chính thức. Cũng đã đến lúc chúng ta phải sòng phẳng với lịch sử… Về sửa sai, triển lãm cũng mới chỉ có những nhấn nhá thuộc về nguyên tắc. Sửa sai thì chúng ta sửa sai những cái gì? Cũng phải có thóng kê về sửa sai thì có bao nhiêu người được sửa sai kịp thời. Bao nhiêu người không kịp, có những vị bị đội cải cách xử rồi, chôn rồi…” Tuy cuốn tiểu thuyết của tôi không chỉ viết về  “Cải cách”, nhưng nhân dịp này đưa lên mạng câu chuyện của một “người trong cuộc” để “bổ sung” cho phần triển lãm còn sơ sài. NKP

*

…Tâm không ngờ những trang sổ tay lem nhem của cô em lại có sức cuốn hút như thế, mặc dù Hải chỉ ghi lại một cách thật thà những điều cô nếm trải ở quê thời thơ ấu.

…Cùng với việc thầy tôi bị bắt là ruộng vườn, nhà cửa đều bị tịch thu. Chúng tôi bị đuổi ra ở trong túp lều của anh Cu Trạc - một kẻ chuyên bắt chó trộm gà quanh xóm. Lúc này, anh Hưng đã trốn ra Hà Nội…Một tháng trời, chúng tôi không được ra khỏi nhà - nội bất xuất, ngoại bất nhập. Cũng may, dạo đó nhà có một cây mít mật rất cao, chẳng ai dám trèo để hái quả. Vì vậy, mẹ tôi cho chọc khi mít còn xanh, rồi thái ra phơi khô để nuôi gia súc. Đó là chút thực phẩm duy nhất đã cứu sống mẹ con tôi trong những ngày nước sôi lửa bỏng ấy. Ngoài ra thì tôi cứ lê la trong vườn để nhổ rau má, mỗi khi nghe mẹ nhắc: “Đói thì ăn rau má, chớ ăn bậy ăn bạ mà chết!”

Một hôm chú Chắt Hoè liều qua mặt Đội, ném vào nhà cho mấy củ sắn. Vì hiếm hoi đói khát, nên mẹ con tôi đã ăn cả lớp vỏ hồng bên ngoài. Tôi được ưu tiên và cũng vì thế mà tôi bị say sắn suýt chết. Mẹ tôi phải liều ra hái một nắm lá rau khoai lang giã lấy nước đổ cho tôi uống (gọi là “liều” vì mọi thứ trong vườn đều là của “nông dân”, nếu thấy bị suy suyển là khó thoát tội phá hoại sản xuất!) Tôi nôn thốc nôn tháo ra hết nên mới qua khỏi cơn nguy kịch. Tôi nhớ hình như không chỉ có chú Chắt Hoè, thỉnh thoảng đêm đêm lại nghe tiếng “bịch” đầu hồi nhà và sáng ra, khi thì thấy vài củ khoai, khi thì nắm cơm nguội…

Gần nhà tôi là trụ sở của Đội. Từ nơi ấy luôn vẳng ra những tiếng kêu khóc của những địa chủ “phạm tội” gì đó bị đánh đập, tra khảo. Mẹ tôi bảo rằng thà chết đói chứ nhất quyết không chịu nhục, dứt khoát không cho tôi lấy bất cứ thứ gì trong vườn. Không kiếm được cớ gì để bắt mẹ tôi, chẳng hiểu kẻ nào đó đã mấy lần khiêu khích để nhử mẹ tôi vào tròng. Lần đầu, họ bẻ song cửa lấy đi mấy lọ thuốc nam. Mẹ tôi lặng thinh. Lần thứ hai, họ cắt đứt dây và chặt nát vành xe kéo sợi. Mẹ tôi vẫn cứ lặng thinh. Nếu mẹ tôi mắc mưu chửi đổng mấy tiếng là họ có cớ bắt liền.

Tức tối vì chẳng thế nào bắt được bà, họ giở thủ đoạn hèn hạ là chặt vài nải chuối xanh ở trên cây theo kiểu vội vàng làm sứt quả này quả khác. Thế là họ vu cho mẹ tôi: “Chỉ có mụ mới cắt vội cắt vàng như rứa!” Thân phận chúng tôi giờ đã thành con ong cái kiến còn biết kêu ai? Lập tức, mẹ tôi bị lôi đi. Đó là đêm kinh hoàng nhất trong đời tôi. Vừa lo sợ ma quỷ, sợ có kẻ đột nhập, vừa lo cho mẹ không hiểu sẽ phải chịu cảnh khổ nhục như thế nào. Chúng tôi đã nghe tin về cái chết thê thảm của bà Khang. Bà là chị ruột của ông Hà Huy Giáp (sau này là Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá) và là mẹ của anh hùng Lý Chính Thắng, một trong những chiến sĩ biệt động đầu tiên đã hi sinh ở Sài Gòn từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. (Hiện nay, một con đường lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được mang tên anh!) Thế mà bà bị ngâm ở ao đến cổ, để đĩa bám đầy mình, rồi ban ngày bị cột vào bừa kéo trên các thửa ruộng đất cày lổn nhổn giữa nắng hè gay gắt. Hai ba ngày sau, bà tắt thở…

May sao, mờ sáng hôm sau, mẹ tôi được thả về. Mặt mày bà hốc hác, phờ phạc, hai đầu gối sưng tấy, đầy những vết tím nho nhỏ. Chả là họ cho lũ nhóc lôi mẹ tôi quỳ xuống ổ kiến lửa để trói. May sao chú Chắt Hoè lấy cớ chúng trói không chặt, xua lũ nhóc đi, để ông trói lại; nhưng rồi ông đã đưa mẹ tôi tới một chỗ khác an toàn hơn và chỉ trói hờ lấy lệ thôi. Nếu không có người nhân đức như chú Chắt Hoè, có thể mẹ tôi, nếu không chết vì bị đoạ đày thì cũng tìm cách tự tử như nhiều người không may bị Đội xếp vào loại phải đấu tố thời ấy.

Về chuyện tự tử, nếu không phải là chuyện của ông Hàn Đ. - thông gia với chú Huệ thì khó mà tin được. Ông Hàn chỉ có chưa đầy chục mẫu ruộng, cũng chẳng làm hào lý hay chức sắc gì trong làng mà cậy thế ức hiếp nông dân, nhưng ông là người có học, không chỉ biết chữ Nho mà biết cả tiếng Pháp - có lần tên đồn trưởng Pháp đi qua làng, viên lý trưởng đã nhờ ông làm phiên dịch - ông biết thế là khó thoát khỏi tội chết. Thực ra, gia đình ông không sợ chết mà sợ mất xác ở trại cải tạo, nên nhất quyết tự tử để được chôn cất trong làng, sau này con cháu còn biết mồ mả mà thăm viếng. Cái khó là tự tử cách nào để người sống không bị liên luỵ, nếu không vợ con, họ hàng sẽ bị quy tội “cố ý thủ tiêu kẻ thù giai cấp để bịt đầu mối phản động”. Tội ấy không bị khép tội chết thì cũng bị tra khảo đến thân tàn ma dại. Bàn tính mãi, rút cục bà Hàn khóc hết nước mắt nhưng cũng phải nghe lời ông đi mua cóc - nghe nói ăn mật cóc sẽ chết vì ngộ độc. Đang thiếu đói, tìm cóc ăn thịt là chuyện thường. Vì quá quyết tâm để chết, ông Hàn ăn một lúc cả chục cái mật cóc, không ngờ vừa nuốt khỏi cổ đã trào ngược ra. Không chết được bằng mật cóc, ông bàn với vợ con một kế hoạch “treo cổ hai giai đoạn”. Thoạt đầu, đề phòng có người đột nhập làm lỡ kế hoạch, một mình ông lên treo cổ trên “lẫm” - tức là căn gác đựng thóc và chống lụt. Mấy mẹ con ôm nhau ngồi dưới nhà, vừa muốn trèo lên “lẫm” can ngăn ông, vừa lo thắt ruột lỡ có cán bộ Đội vào thì lộ hết kế hoạch, nên dù đau đớn khóc thầm đến hết nước mắt, lại mong sao mau mau nghe tiếng ghế đổ vọng xuống - đó là dấu hiệu ông Hàn đã thắt cổ xong! Khi biết ông Hàn đã chết thật rồi, mấy mẹ con cũng phải chờ đến quá nửa đêm, lúc chắc chắn không còn ai tuần tra canh gác, mới sang nhờ chú em hạ xuống, khiêng ra vườn, rồi lại treo lên cây để ông được chết lần thứ hai. Sáng ra thì mẹ con mới được kêu khóc thoả thuê, trách ông sao dại dột trốn mẹ con ra vườn treo cổ. Đội gọi đến tra hỏi, cứ nhất mực như thế mà khai, nên rồi cũng được yên…

Nhà tôi thì đã có thầy tôi bị bắt rồi, nên họ chỉ muốn mẹ công nhận thầy tôi là phản quốc hại dân này nọ. Không nói thì có thể họ sẽ đánh đến chết, mà nói thì uất ức và trái với lòng mình. Mẹ bèn bảo họ: “Giờ tui già rồi, lẩn thẩn không nhớ gì nữa, không nói được cả câu dài như các ông bảo; nên xin các ông cứ nói trước dăm ba tiếng cho tui nói theo.” Như thế, mẹ tôi cũng thấy đỡ ấm ức và oan uổng trong lòng. Về sau, tôi hỏi, cả đến ông Huân cách mạng kiên cường là thế mà cũng phải tự tử, vì sao mẹ lại có thể chịu đựng được những nỗi khổ nhục ngày ấy, mẹ tôi bảo: “Mẹ tin cụ Hồ, mẹ chờ ngày Thầy con được minh oan và chờ gặp lại anh Tâm. Mẹ tin anh ấy không chạy theo Tây như người ta nói…”

Về chuyện mụ Cháu Vị nghe lời xúi giục của Đội nhảy lên vu cho Thầy tôi chuyện này chuyện nọ, tôi chỉ nghe nói lại và chính o Hảo đã bác bỏ nên tôi chẳng ghi ra làm gì nữa. Tôi cũng nghe nói hôm đó, ít người chịu lên đấu tố Thầy tôi, ngoài mụ Cháu Vị chỉ có Cu Trạc lên “làm chứng” là đã thấy tận mắt chị Thanh chuyển tài liệu phản động từ “tên Huân” cho Thầy tôi và nhiều lần thấy gia đình tôi mua súng ống dựng khắp nhà chờ dịp nổi loạn! (Chả là trước “Cải cách”, các đơn vị bộ đội trên đường hành quân thường ghé nhà tôi nghỉ tạm. Chính tôi cũng được sờ súng ống của các anh và có lòng yêu các anh bộ đội từ ngày đó!) Để có thêm bằng chứng, họ gọi Kỳ-câm lên. Cháu mà khai cho bác thì quá chính xác, chứ đâu như Cu Trạc là người cả làng đều bất tín nhiệm. “Toà” cao giọng hỏi: “Có đúng mày đã nhiều lần làm liên lạc cho tên Huy với tổ chức “Liên tôn chống Cộng” phải không?” Kỳ-câm nào biết mô tê gì, chỉ u ơ u ơ nhưng “Toà” coi như đã có thêm nhân chứng! Tội cho Kỳ-câm, mấy ngày sau, do đói quá, mờ sáng đi lấy câu-đày ngã xuống bàu nước không gượng dậy nổi, đến trưa, nhà chú Huệ mới biết đưa xác về…

Còn tôi, có một đêm đói quá, phải lần mò sang nhà chú Huệ xem có gì ăn không. Tôi đang ngấu nghiến nhai mấy củ khoai lang thì cán bộ Đội vào làm gì đó. Không kịp chạy trốn, mự Huệ bèn bế tôi bỏ vào chum rồi đậy lại. Cái chum to thường đựng khoai khô, cau khô, nay để không, người tôi thì quắt queo như con nhái nên không đến nỗi chật chội. Nhưng bó người lâu quá, cái nắp “con cúi” bện bằng rơm cũng khá kín làm tôi xuýt chết ngạt. Khi cán bộ Đội rút lui, mự Huệ lôi tôi ra khỏi chum thì chẳng khác chi một cái xác không hồn…

Sau một tháng “cao trào”, chúng tôi được ra khỏi nhà. Ruộng nương không có, tôi phải đi bắt cua, bắt ốc kiếm sống. Nhưng hôm nào cũng bị một nhóm năm ba đứa trẻ đón đường xông vào, vừa cướp vừa chửi. Chúng chọn những con lớn rồi đốt rơm nướng ăn ngon lành, tôi chỉ còn biết khóc thầm, cam chịu nhặt nhạnh mấy con chết hoặc bé tí đem về. Sau đó, mẹ tôi lại kiếm tấm màn cũ may thành mấy cái rớ - tương tự như cái vó nhưng chỉ nhỏ bằng cái sàng gạo - để cất tôm tép. Cứ bỏ chút cám rang cho thơm vào rớ, rồi đặt xuống ruộng, lát sau cất lên, ít nhiều gì cũng có vài con. Cả buổi, đi hết bờ ruộng này đến thửa ruộng khác, tay chân mỏi nhừ, nhưng năng nhặt chặt bị, có khi cũng được đầy một bát tôm tép nhỏ. Tưởng rằng tép riu thì chẳng ai thèm cướp, nhưng khốn nỗi, không ăn được thì đạp đổ, chẳng biết lũ trẻ học theo ai hay có ai xúi giục mà chúng lấy cả rổ tép và rớ quăng xuống ruộng. Tôi chỉ còn biết ôm mặt khóc. Chẳng có Tiên Bụt nào hiện lên giúp, tôi lại chuyển “nghề” đi mót. Sợ bị chửi bới hay vu cho ăn cắp thóc chưa gặt, tôi chẳng dám bám theo chân người cắt lúa mà thường chỉ mót những thửa ruộng đã gặt từ hôm trước. Tích góp mấy hôm, được vài lon sữa bò, đem phơi rồi lấy cái vỏ chai mà lăn cho tróc vỏ - trong nhà tôi lúc ấy, chỉ còn duy nhất cách đó để làm ra hạt gạo. Sáng hôm sau, trước khi ra chợ mua rau muống về trồng, mẹ tôi nấu sẵn một bát gạo cho bữa trưa và phòng khi tôi đói có cái ăn. Tôi đang bị ốm, đắp chiếu nằm còng queo chẳng biết đất trời là gì. Ai ngờ Cu Trạc mò vào - cũng có khi y chỉ muốn “thăm” lại túp lều cũ của mình xem mẹ con tôi ăn ở ra sao - nhưng “ngựa quen đường cũ”, y nẫng luôn nồi cơm ủ trên bếp. Tôi nghe động, thò đầu ra khỏi chiếu, thấy thân hình cao to của y che lấp hết cánh cửa đã chết khiếp, chứ đâu dám kêu van. Thật là chó cắn áo rách!...

Để có thêm chất “tươi” bồi đắp lại cho cơ thể nay chỉ còn da bọc xương, chúng tôi thường bắt chuột để làm thịt. Cũng may sát bên mái lều xiêu vẹo có một cây cau khô, chuột hay vào làm tổ. Chỉ cần túm ống quần chụp vào một đầu, rồi lấy que chọc đầu kia là chuột chui tọt vào “bẫy”. Nguồn cung cấp pờ-rô-tít nữa là cóc nhái, cào cào, châu chấu, dế mèn…

Trong thời kỳ đói khát, thấy ai nhắc đến thịt là tôi thèm nhỏ dãi ra ấy, có hôm tôi thấy con chó mực tha về sau vườn một cục gì đó. (Tôi phải “mở ngoặc” nói về hai con chó một chút. Khi chúng tôi bị đuổi ra túp lều nhà Cu Trạc, chúng đi theo, nhưng thỉnh thoảng lại mò về nhà cũ, tuy mỗi lần như thế lại bị đánh đuổi. Chúng nhớ nhà cũ và quan trọng hơn là phải tìm đến cầu tiêu (hố xí) để…kiếm ăn! Những ngày đó, chúng tôi còn không có cơm ăn thì đành phải để chó tự kiếm sống. Con Vàng thì chỉ mấy ngày sau “mất tích”. Chắc là có kẻ đã bắt nó làm thịt. Con Mực khôn ngoan hơn, không biết nó tìm chỗ trốn hay đi kiếm ăn xa, có khi hai-ba ngày không về, sáng ra mở cửa đã thấy nó nằm liếm láp vết thương trên lưng. Chẳng biết ai đánh nó hay chúng cắn xé nhau trong cuộc chiến khốc liệt tranh miếng ăn giữa lúc hiếm hoi. Tuy thế, có lần nó bắt được một con cóc, vừa thấy tôi mở cửa liền tha lại bên chân tôi. Nó đã thấy tôi mấy lần trượt ngã khi đuổi bắt cóc nhái một cách vất vả mà!) Vì thế, thấy nó tha về cục gì đó đứng gặm sau vườn, tôi chạy vội ra, trong bụng mừng thầm: Biết đâu nó mò ra tận chợ, đánh thó được miếng thịt trâu thịt bò hay cái giò heo cũng nên! Nhưng khủng khiếp quá, tôi vừa cúi nhìn cục thịt nó tha về đã phải kêu thét lên và vụt quay vào nhà, mặt cắt không ra giọt máu. Cục thịt đó là một cái đầu lâu! Tuy tai, mắt, mũi đã biến dạng, nhưng tôi nhận ra ngay vì mớ tóc rậm hầu như còn nguyên…Về sau, tôi nghe kể rằng ở làng trên có một vị cũng thuộc bậc tiền bối cách mạng như ông Huân, bị vu là “Quốc dân đảng” phản động, uất ức quá đã cắn lưỡi tự tử, sau một hồi chửi mắng thậm tệ “cán bộ Đội” và “chuỗi rễ” có mắt như mù rồi hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!” ba lần. Viên Đội trưởng tức giận cho hai du kích chẻ đôi một cây tre rồi kẹp ngang cổ “tên phản động ngoan cố” lôi lên đồi. Dọc đường, vấp bờ ruộng, gốc cây nhiều lần, mép cây tre chẻ ra thì sắc như dao nên chưa tới nơi, cái đầu đã đứt ra. Chắc là hai du kích đã vùi tạm thủ cấp đâu đó ở bên đường, nên khi gia đình đi chôn cất người bị nạn, tìm mãi vẫn không thấy đầu! Tôi cũng không biết chắc cái đầu con Mực tha về có phải là của vị cách mạng tiền bối đã chết oan không…

Sau vụ “cái đầu lâu”, tôi không dám hé răng nói đến chuyện thèm ăn thịt nữa. Cho đến một buổi chiều, tôi đang nhai miếng khoai khô cho đỡ đói thì bỗng nghe mùi thịt nướng thơm lừng từ bên kia hàng rào - tức là từ phía nhà cũ của gia đình tôi, bay qua. Không nén được, tôi ra hàng rào ngó qua mới hay người ta vừa làm thịt hai con hươu. Nhà cửa, ruộng vườn, đồ đạc thì đã chia cho mụ Cháu Vị, Cu Trạc và mấy người nữa, nhưng hai con hươu không ai dám nhận. Có phải ai cũng nuôi hươu được đâu. Vậy thì cách hay nhất là giết thịt, chặt chia cho mỗi người một miếng. Chỗ mẹ tôi dựng rào chắn làm nơi cho hươu ra dạo chơi ngắm trăng đã bị phá tan hoang. Sẵn tre gỗ, họ đốt nướng thịt hươu, lửa bốc đỏ rực cả một góc vườn.

Tôi chạy vào kêu mẹ ra, cũng chẳng biết để làm gì. Mẹ đang ngồi vá áo bên thềm, cúi đầu đáp nhỏ, giọng nghẹn ngào: “Mẹ biết rồi! Tội quá!...” Thì ra mẹ đang khóc cho số phận hai con hươu mà mấy năm qua mẹ đã không quản mệt nhọc, thức khuya dậy sớm, chăm chút che chắn cho nó những đêm mưa rét, kiểm tra từng sọt cỏ, nắm lá anh Hưng lấy về…(*)

 

Những dòng chữ - những cuộc đời bi thảm khiến trang sách nặng trĩu, hút chặt cặp mắt cận thị của Tâm, níu anh xuống tấm phản lúc nào không biết. Mãi đến lúc có tiếng đập cửa, rồi tiếng kêu lảnh lói “mở, mở cửa mau” của bé Lan, anh mới giật mình nhỏm dậy, lúi húi ra rút chốt cửa…

(Trích chương 25, tiểu thuyết “Biết đâu địa ngục thiên đường” – NXB Phụ nữ 2010, tái bản 2011)



(*) Trong đoạn “ghi chép” trên đây, có sử dụng tư liệu của cô giáo N.T.T.H., sau khi được tác giả đồng ý.