Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG KHOẢNH KHẮC NGUYỄN VIỆT CHIẾN

Nguyễn Tham Thiện Kế
Thứ sáu ngày 25 tháng 9 năm 2009 7:40 PM
 
Chiến là người làm thơ lãng mạn, sống cũng lãng mạn và đa tình. Thô mộc, khi cần thể hiện sự bực mình cũng văng tục chẳng kém ai, cứ oang oang giữa toà soạn bắt tất cả mọi người phải nghe. Tuổi gần như lớn nhất toà soạn, nên hắn thoả mái xưng hô mày tao với cả sếp Nguyễn Quốc Phong (bấy giờ là Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên). Người có thiên lương như anh, dù qua mọi cơ hàn, vùi dập, nóng lạnh của thời cuộc vẫn đứng vững và vượt qua.
“Ta học mùa xuân cách tặng hoa”
Cơn mưa kết xuân đón hạ ập trên Hội trường Ba Đình vừa lúc dừng lễ kỷ niệm 50 thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Trước mưa, các văn nhân chỉ biêt lượn quanh sảnh chờ giờ G từ phía nhà ăn hoặc níu nhau ký tặng sách, chụp ảnh.
Và tôi cũng chẳng ngoại lệ.
Trần Nhương đứng giữa Lê Đạt và Nguyễn Việt Chiến, quay phải quay trái giơ cao máy ảnh kiếm thêm người thứ 4. Tôi đứng gần nên nhận được lời mời ngẫu nhiên. Nhoáng nhoàng chuỗi bấm tạch tạch nhờ tay máy Nguyễn Đình Toán. Oách. Bốn nhà văn, bốn thế hệ đứng trong mưa xiên thưa, trên bậc đá hoa cương nghiêm lạnh, đỡ lưng là mặt tiền toà Hội trường Ba Đình ướt đầm…
Liên kết bốn người vụt tan mảnh. Trần Nhương “ring” Lê Đạt đi như hiện vật triển lãm. Trống trơn. Nguyễn Việt Chiến ngơ ngác nhìn ra khoảng trống xanh của những ô cỏ, rồi quay lại nhìn tôi như dò hỏi, tò mò một cách ể oải nhưng ấm áp. Rám nắng, hoa râm đan cài như mộng mạ nơi chân tóc, áo kẻ dài tay gam xanh sẫm, quần ka-ki hạt dẻ, nửa gấu sau bị gót đôi giày khô khát như hai chiếc bánh mỳ mốc nhai rách. Bờ vai xuôi trĩu xuống vì sức nặng nào đấy đang dồn ép. Một gánh mơ hồ nhưng tôi cảm nhận được nó lấp ló trong ánh mắt, lúc trầm âm u, lúc sáng quyết liệt.
Dưới rã rời mưa thưa cuối cơn, không hiểu sao trong lúc đưa chân chạy trời, tôi chợt thấy hiện lên trong trí nhớ câu thơ của Nguyễn Việt Chiến: ”Ta học mùa xuân cách tặng hoa”. Một câu thơ truyền thống, giản dị kiểu khẩu ngữ trịnh trọng mà vẫn sang kiểu cách. Nó như tự thú, như châm ngôn ứng xử và tổng kết kinh nghiệm. Đọc thầm cũng thú, mà đọc to trước đám đông cũng không hư hao phong vị.
Quay lại nhìn tôi lạ lẫm, nhà thơ không nghĩ tôi thuộc thơ mình chăng.
Nguyễn Việt Chiến là nhà thơ đặt được dấu ấn riêng đặc sắc trong mỗi thể loại thơ truyền thống lẫn cách tân. Là một trong những nhà thơ tiên phong đặt dấu mốc đổi mới thơ thuộc thế sau 1975. Và nhà thơ tự nhận về mình trách nhiệm luận bàn về điều đó một cách nghiêm cẩn...
Những sáng tác của Nguyễn Việt Chiến minh chứng sự chuyển từ cách cảm hướng tới nội dung chuyển đổi dựa trên cấu tứ vững chắc của truyền thống và phép “làm chữ” tinh tế, khiến cho nội dung và hình thức hữu cơ nhuần nhị khiến cho người đọc bị mê dụ bởi sự chân tự hồn thơ nên quên mất vết nhọc nhằn của lao động trên từng số phận chữ. Cứ y như là nhà thơ đã quờ tay nhặt được đâu đó những câu thơ có sẵn. Những bài thơ, câu thơ, ít chữ, đẫy ắp lung linh hình ảnh riêng một thứ ánh sáng đẫm tình thi nhân…
… Rồi thì hai anh em cũng chạy đến khoảng hiên trống,  một góc khuất của nhà ăn giữa tàng cây trĩu mọng nước. Vuốt mặt. Một khóm hồng không hiểu sao lại được trồng ngay dưới luồng nước xiết của ống thoát nước xả thẳng vào bồn hoa. Gốc hồng mới đốn phạt đầu đông, mùa xuân đã kịp chồi nhánh. Những bông những nụ vừa vật vã trong xoáy nước đổ từ trời lấm lem vụn rêu đen, bẫm tái hãy còn ngã rạp chưa kịp hồi thân…
Nguyễn Việt Chiến ngu ngơ niềm tin chân thành trong hình sắc lam lũ, mướt mải, căng thẳng của nhà báo chuyên “kéo rèm” rọi sáng những khoảng tối; song hành với một tâm hồn giàu phẩm chất thi sỹ. Nhạy cảm và cực đoan hoà quyện. Nóng và lạnh. Lý đấy đến cùng, tình chỉ biết buông tay. Và câu chuyện về thơ lại tiếp sau chút chen ngang tác nghiệp báo chí. Khi thơ lên tiếng, dường như con người nhà báo trong Chiến biến mất. Dường như anh làm báo là để thể hiện lẽ sống. Còn thơ ca, ấy là tình yêu thường trực, là linh hồn vượt bay trên bầu trời xứ Đoài cội rễ để nâng đỡ bao nỗi nhọc nhằn, hiểm nguy của lẽ sống ấy.
Câu thơ vô tình tôi đọc chỉ để tăng thêm tình thân, đã động đến miền thiêng trong Nguyễn Việt Chiến, đấy là chốn Thi ca ngự trị. Cánh cửa vụt mở giữa khu vườn cây cao bóng cả Ba Đình. Anh nói và nói. Độc thoại. Tôi hưởng ứng bằng những âm tiết không định dạng. Chính xác thì chỉ có Nguyễn Việt Chiến nói về những khơi gợi cảm xúc mới của người yêu thơ mới. Về không gian nghệ thuật độc lập tương đối nào đấy của những nhà thơ có cách tân tìm hướng cho thơ bắt đầu từ dấu mốc 1975.
Tôi đã từng chứng vô số các nhà thơ đọc thơ, và nói về thơ, nhưng chưa thấy mấy ai lại hoan cuồng như Nguyễn Việt Chiến.
Cuối năm này khi sự nghiệp báo chí của anh gặp lúc cam go, ngoặt gấp thì tôi hay những điều anh nói trong khu vườn mưa Ba Đình chính là những điều anh gửi gắm trong tập sách “Thơ Việt Nam - Tìm tòi & Cách tân 1975-2005”  NXB Hội Nhà văn, tháng 12.2007). Cũng lạ, ngay cả lúc lửa cháy dưới chân ấy, mà Nguyễn Việt Chiến vẫn dồn tinh lực cho Thơ.
Trích dẫn Nguyễn Việt Chiến trò chuyện với Nguyễn Hữu Hồng Minh: ”Với mong muốn để tự thân cái mới trong thơ có thể tạo ra một không gian thẩm mỹ để độc giả làm quen với những xu hướng cách tân, để góp phần tạo ra một thói quen mới, một cách đọc mới nhằm nâng cao tính thưởng ngoạn chủ động của người đọc. Có một điều, thơ mới khó đọc hơn thơ cũ, không chỉ vì năng lượng tư tưởng của thơ cách tân có nhiều dạng thức mới, mà còn bởi sự chối bỏ vần điệu của thơ tự do khiến cho nhiều độc giả quen thưởng thức thơ có vần điệu thấy khó vào, khó hiểu. ...”        
  Tôi vẫn nhớ mưa rớt trong khu vườn nghiêm. Bỗng thinh lặng chen ngang như là nhà thơ hụt giọng. Tôi quay sang, thì bắt gặp ánh mắt anh hoang mang, lạc sắc nhìn đăm đăm vào khóm hoa hồng tơi tả dưới cửa ống thoát nước mưa. Như là sự trầm cảm nào đang níu kéo anh.
- Thân phận của thi ca cũng giống như khóm hoa tơi tả kia. Vì thơ ca mong manh như nhan sắc vậy, nó chỉ có mỗi sức mạnh duy nhất là thể hiện được niềm vui và nỗi buồn của hồn người. Dù vùi dập, đoạ đày nhưng màu sắc thực của nó vẫn xuyên thấu qua ố tạp vấy lên. Chính vì lẽ ấy, Thơ mãi là niềm cao vọng của con người…
Mỗi kiểu chiến đều phải trả giá
- Thơ anh rõ là … thơ… vậy mà cái tên anh nghe đẫm những giao tranh khói lửa, nếu chiết tự theo nghĩa đen thông tục thì có phải là nước Việt chiến đấu không …
Nhà thơ ngẩn ra cười. Nụ cười sáng rỡ, hiền hiền giữa ưu tư.
- Thì biết làm sao, cái tên do cha mẹ đặt nó in dấu một thời đại. Suốt ba cuộc chiến tranh Đông Dương thì hầu như toàn bộ những đứa bé trai của nước Việt đều mang những cái tên Chiến, Chinh, Hùng, Dũng, Thắng, Quyết, Cường thậm chí đến những bé gái cũng mang những cái tên ngùn ngụt khói súng bom…Thơ Việt giai đoạn này cũng vậy…ùng oàng!
- Tên các con anh có được đặt theo cái cách đặt tên của …
- Tên người cũng chỉ là mảnh nhỏ khái quát thời đại, nước Việt chưa bao giờ ngừng chiến đấu cả. Không chiến với kẻ ngoại xâm, thì chiến với mỗi cái tôi vị kỷ. Mỗi kiểu chiến đều phải trả giá cả…
Tôi chợt nhận ra chiếc cặp đen bạc bụi méo mó, chỉ khâu đứt buột bung lòng thòng nhiều góc, lũng lẵng sau lưng nhà thơ như tảng đá Tăng-tan. Tiếng chuông điện thoại chói nhức. Được “khai quật” khỏi túi quần lọc xọc chìa khóa, chiếc điện thoại bóng mồ hôi, mờ nét bàn phím như bắp ngô lai gặm dở. Tôi lảng xa.
Tiếng Nguyễn Việt Chiến trầm, gắt, sắc, tự tin:
-Tôi bảo đảm mọi dữ liệu tôi đưa ra hoàn toàn xác thực. Tôi còn băng ghi âm. Tôi nhớ từng cái dấu phẩy (,) sai, từng nấc hắng giọng trong băng từ. Tôi  kiểm tra lại, nhưng vẫn sẽ là như văn bản đang ở trước mặt anh.
  Khoanh vòng tay dài rộng trên tỳ gờ tường lan can, Nguyễn Việt Chiến cầm chiếc máy ghi âm cổ lỗ, chằng buộc vỏ nhựa bằng sợi nịt buộc hàng, lẫn băng dính như nửa viên gạch chỉ, môi mím lại. Ngón tay trỏ cứng rắn chuyển sắc run run trên phím bấm play. Điện thoại lại thúc giục. Nhìn màn hình, nhà thơ từ chối cuộc gọi. Bóng mây lướt qua gương mặt.
Bữa ăn trưa giữa những bạn văn Bắc - Trung - Nam nồng những chuyện buồn, vui nửa thế kỷ của Hội Nhà văn, Nguyễn Việt Chiến nhai, nuốt ngắc ngứ giữa những cú điện thoại và những thìa nước canh. Chưa kể phải đáp lời vô số người xán đến kéo nhà thơ riêng ra góc, với thế nào, đến đâu rồi, liệu có thế nào không? Nhà thơ yên lặng, gật gật. Và đứng dậy từ biệt bạn bè trong tiếng chuông điện thoại.
  Đường Bắc Sơn mưa bỗng nhiên nặng hạt. Mặt trời đâu đó vẫn trên cao. Những khóm đào nở muộn, xoè hết cánh nhưng long lanh nao lên chấm đỏ. Ô tô nối nhau lặng lẽ. Tôi cầm tấm danh thiếp với địa chỉ email ghi bằng bút bi, vừa nhận từ nhà thơ. Một hẹn trao đổi thêm về thơ.
 Nguyễn Việt Chiến khòm lưng đẩy chiếc xe máy hằn những thương tích. Giỏ hàng bẹp rúm. Đèn xi-nhan bốn phía vỡ. Thứ bùn phát sinh từ bụi lưu cữu tứ phương trên mặt đường Hà Nội mỗi khi mưa xuống đen như hắc ín bám dính tất cả vào những chi tiết có thế. Chiếc mũ bảo hiểm dành cho các tay xe đua chuyên nghiệp có vẻ nặng như nhồi bê-tông, nồng mùi mồ hôi lưu cữu cũng bong sơn, sứt sẹo, buồn rầu, lầm lì một vẻ như chiếc xe máy. Nhà thơ đăm chiêu rồi cũng phải chụp chiếc mũ lên mớ tóc rối bời, che kín khuôn mặt phai bạc.
Lại một hồi chuông điện thoại hối hả….bóng nhà thơ loang chìm giữa đại lộ Hùng Vương.
Email tôi gửi đi cho Nguyễn Việt Chiến không có hồi âm.
Những bài thơ vẫn còn nằm trên mạng. Thay vào đó là tâm trạng phấp phỏng, lo âu khi tôi đọc những phóng sự điều tra dài kỳ trên báo Thanh Niên. Nhà thơ mà viết báo, khúc triết như luật sư có hạng. Những bài thơ lẻ viết vội đầy dự cảm vẫn xuất hiện ở đây đó ”…Ta không còn đủ thời gian để sửa chữa một lỗi lầm trước mẹ / ta cũng không đủ sức bắt thời gian quay ngược lại/ cái ngày đầu tiên mẹ sinh ra ta trên thế gian này….
….nước xóa trôi mọi ưu phiền bụi bặm ở trong ta/ nước xoa dịu những thương tích nhọc nhằn ở trong ta/ những vết bẩn trên mặt ta/  nước lau rửa hết/ thời gian là dòng chảy đầu tiên/cũng là dòng sông cuối cùng con người đến tắm lúc trở về với mẹ…”
 hoặc…
…Những người bay trong mơ/ phía bên dưới giấc mơ của họ / là một cánh rừng u ám/ nhưng phía trên giấc mơ của họ/ còn nhiều cánh rừng tăm tối hơn/ Những người bay qua đêm/ trong niềm tin của họ/ có một thứ ánh sáng riêng an ủi/ nhưng để vượt qua thất vọng và thất bại/ họ cần tới một thứ âm nhạc dẫn đường……
Năm đó dịp tàn xuân, Đỗ Doãn Hoàng trên đường đi làm phóng sự từ Hà Giang về bỗng gọi cho tôi, gịong nhão ra.
- Anh biết tin gì về Nguyễn Việt Chiến chưa?
Sao mà không biết, nhưng tôi ừ hữ như muốn tránh nỗi đau nào đó. Hẹn gặp nhau quán cafe nhà sàn. Ông em nhà báo ma xó còn ắp dư hương rượu ngô bụi đường xa sơn nguyên ngồi bên khung cửa sổ nhà sàn thẫn thờ. Tôi bước đến bên mà không hay. Héo như dưa non lìa gốc. Sự long lanh tài hoa nhưng tinh quái của Đỗ Doãn Hoàng lặng chìm...
Như một sự thông linh, chủ quán café bật ti vi. Chương trình thời sự 9 giờ sáng vừa lên sóng ít phút. Bản tin cập nhật của ngày mới và đưa lại tin quan trọng phát từ tối hôm trước. Ngồi lặng, chúng tôi nghe tiếng café chậm nhỏ giọt, đan vào nhịp thở. Hình ảnh văn phòng làm việc toà soạn báo Thanh Niên. Những ánh mắt ngơ ngác. Tủ tài liệu. Máy vi tính. Nghiêng ngả. Nguyễn Việt Chiến nói. Nguyễn Việt Chiến đi. Nguyễn Việt Chiến tươi cười giơ hai tay lên cao chào đồng nghiệp bước lên xe... Những ánh đèn flat của máy ảnh đồng nghiệp hướng về anh, tung lóe lên như hoa.
Nỗi sợ trên đường và... bom thư
Nhìn lên màn hình tivi đã chuyển mục thời sự quốc tế, Đỗ Doãn Hoàng nhúng chót lưỡi vào tách café đen sánh không đường…
- Em đã sống cùng Nguyễn Việt Chiến khoảng 3 năm. Hắn là người làm thơ lãng mạn, sống cũng lãng mạn và đa tình. Thô mộc, khi cần thể hiện sự bực mình cũng văng tục chẳng kém ai, cứ oang oang giữa toà soạn bắt tất cả mọi người phải nghe. Tuổi gần như lớn nhất toà soạn, nên hắn thoả mái xưng hô mày tao với cả sếp Nguyễn Quốc Phong (bấy giờ là Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên). Hay phỏng vấn qua điện thoại của máy fax, bật loa to để ghi âm ngoài, rồi vừa phỏng vấn “nóng”, vừa gõ vi tính mổ cò, cứ rào rào như xóc ốc, nhanh như... người khác xài đủ mười ngón. Hắn luôn mồ hôi mướt mải, răng trắng ởn, dép lê lượn lếch thếch. Trông lúc nào cũng như đã tắm từ sáng hôm trước…
 Nghe nói, Nguyễn Việt Chiến là người lấy vợ vì tình yêu và cũng xa vợ vì tình yêu. Khi ra đi thì bỏ lại toàn bộ gia sản, chỉ có chiếc cặp đại đựng cả tài liệu lẫn quần sịp, điện thoại, chiếc máy ghi âm trông đã xót thương và chiếc xe máy như ngựa chứng hết mùa. Khi cảm thấy có lỗi, mặc vợ cào cấu, giật tóc, ấn bên này, dúi bên kia hắn vẫn cắn răng ngồi thiền nuốt nghẹn… Chẳng biết là do thơ văn lai láng được lắm nhan sắc mê hay do phải ngồi nhiều trên xe máy đi điều tra nội vụ mà hắn mắc chứng đau lưng triền miên. Em đã dán hết cả mấy phên Salonpas thành hình luôn bộ xương sống và xương sườn phía lưng anh ấy.
 Phóng viên nội chính nhưng sống khem kiệm bằng nhuận bút. Cafe bia rượu thuốc lá đá gà đá vịt cho vui. Có đồng tiền thưởng nào thì nhăm nhăm mang về đưa cho vợ nuôi con. Quãng năm 2.000 hắn bị trầm cảm, cả cơ quan thương, bảo hắn phải đi nghỉ dưỡng. Một lần bị xe máy đâm, hắn hoảng, cứ ngỡ ai rắp tâm ám sát vì những phóng sự điều tra, nên tẩu hoả nhập ma đề nghị cơ quan cho người bảo vệ. Trời ạ, Hà Nội như cái mẹt hàng xén, đâm quệt xe máy là chuyện thường. Tôi thì cứ thiển nghĩ, nhà thơ như hắn bắn thì phí đạn, đâm thì phí xe…
Nhận được lá thư hơi khác thường về độ dày, hắn đòi lên tầng 7 ở 62 Bà Triệu để mở, phòng khi có bom thư. Buồn cười mà không dám, em vặc: - Anh dốt bỏ mẹ, đã là bom thư thì leo lên tầng 100 bóc thư thì cũng chết tốt. Khi anh bóc thư, bom nổ thì cũng sập ít nhất tầng anh đang đứng, trên nữa dẫu là 1000 tầng cũng sập theo, đằng nào chả chết, sao anh lại chọn cái chết ở đống đổ nát của ngôi nhà 1000 tầng? Nghe thế, hắn mới thôi ý định trèo tầng 7 bóc thư. Thư ấy, hoá ra là của một fan nữ hâm mộ xin thơ tình của hắn…
 Tôi nhếch cười gượng, hình ảnh mái tóc trắng loá xoá trên gương mặt rắn rỏi của Nguyễn Việt Chiến như vẫn còn luẩn quẩn chưa phai. Tôi thực sự yêu thơ Nguyễn Việt Chiến, sau khi biết đến tập thơ Những con ngựa đêm. Những câu thơ dung dị, hư ảo hiện về rồi tan biến, dẫu tôi đang cố phục hồi mặt chữ để đọc to một câu. Thay vào đó tôi đã lẩm bẩm ngớ ngẩn.
- Vào… vào những chỗ ấy sao tóc bạc nhanh thế nhỉ…
Đỗ Doãn Hoàng lắc đầu, méo cả nụ cười.
- Làm thơ hay như hắn, lại được nhiều nhan sắc mê mệt như hắn không bạc tóc sớm mới là lạ. Anh thấy hắn trắng xoá đầu chẳng qua bị câu lưu không được đi tân trang tút tít nên mới lộ diện ra. Hắn cực kỳ lương thiện, sống toát mồ hôi vì viết và ghi âm, vì đi phỏng vấn, vì làm báo. Mà nay… Nhưng em tin, người thiên lương như hắn sẽ rất sớm vượt qua cơn khốn bĩ…
Tôi hiểu Đỗ Doãn Hoàng ạ! Sự ẩn ức ở Hoàng lẽ đương nhiên. Một con ngựa đang đau... Con ngựa của Nguyễn Việt Chiến đang đi trong đường ven bóng tối. Đây tôi cũng chỉ sơ giao với nhà thơ, mà còn thấy thương thơ xót người nữa là. Nhưng đằng sau số phận kia, những câu thơ kia, tất cả chúng ta còn cảm nhận được một điều thiêng liêng cao cả hơn số phận người và số phận chữ đó là trách nhiệm làm người tử tế với chân lý đã được xác tín.
Căng thẳng, sôi sục rồi cũng qua. Và 251 ngày đặc biệt của Nguyễn Việt Chiến được chấm dứt với sự ân hạn đặc biệt và niềm tự hào đặc biệt của đồng nghiệp khi ngắm nhà thơ trong niềm vui vỡ oà giữa nước mắt và vòng tay vồ vập.
Bao nhiêu là chuỗi thở phào trút khỏi lồng ngực và niềm tin vào trái tim có lúc lắt lay lại thắp sáng. Những con ngựa đêm mỏi gối chân chồn đã tìm về dưới mái những ngôi chùa trong đêm gõ móng. Đời người như bóng câu qua cửa, nhưng 251 ngày câu lưu trong đời người thì lại là câu chuyện có 251 cuộc đời khác gộp lại. Chúng ta nghe nhà thơ kể: ”Ngày nào mẹ tôi cũng tụng kinh, niệm phật ở nhà. Thời gian qua, tôi trở thành nỗi đau lớn nhất của mẹ khi chiều nào mẹ cũng ra ngõ trông chờ và gọi thầm tên tôi trong mòn mỏi: “Chiều xuống rồi… về nhà đi con, sao mày đi đâu lâu thế”. 
  …Tôi thức trắng đêm suốt 5 tháng để viết bài thơ “Những ngôi chùa trong đêm” như một lời tạ lỗi của đứa con bất hiếu đối với người mẹ khổ đau đã sinh thành ra mình…
…rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ làm bằng nước mắt
  rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ xây bằng đức tin
  rồi mẹ bảo: có ngôi đền làm bằng lời cầu nguyện
  rồi mẹ bảo: chiều xuống rồi về nhà đi con
…Đức tin ở một ngày mai
… nơi nước chảy trong đá
   nơi trăng soi trong đá
  nơi máu thức trong đá…
Đây không những là thơ mà còn như một khúc kinh cầu nhật tụng hàng ngày của thân mẫu nhà thơ. Không hiểu sao, tôi cứ tin là như thế.
Giữa Quốc tử Giám, ngày Thơ Việt Nam 2009, Nguyễn Việt Chiến trên thảm đỏ lại thống thiết đọc thơ ngợi ca Tổ Quốc và con người, trong rưng rưng nỗi niềm… SAU ĐÔNG GIÁ LÀ MÙA XUÂN TƯƠI MỚI, PHẢI CHĂNG NHÀ
THƠ TRANG NGHIÊM ĐỨNG KIA CŨNG ĐANG LÀ TA HỌC MÙA XUÂN CÁCH TẶNG
HOA..
Tôi ở Phú Thọ, khoảng cách Việt Trì- Hà Nội không xa nhưng cũng chẳng gần cho chuyện thơ phiếm. Những bài thơ vẫn còn bỏ dở giữa tôi và Nguyễn Việt Chiến từ một hai năm trước ở sảnh toà nhà Hội trường Ba Đình cũ hôm mưa tàn xuân.
Rồi tình cờ sắp đặt trong bữa giỗ tưởng nhớ một nhà thơ xứ Đoài, chúng tôi gặp nhau: Nguyễn Việt Chiến, tôi và cả Đỗ Doãn Hoàng cùng chạm mặt. Hoàng nhìn tôi ý nghĩa. Không ai muốn nhớ rằng mình đã ngậm ngùi thế nào, trong buổi sáng trung du nặng đến từng hơi thở. Cái nắm tay thật chặt, tôi nâng lên chén rượu vốn rót ra để nhớ một nhà thơ ra đi phút chốc lại thành mừng thêm một nhà thơ trở về.
- Chùm thơ ngày ấy, ông gửi tôi quá dài… quá dài với báo Thanh Niên.
Nguyễn Việt Chiến, cụng ly. Rắn rỏi, nâu sẫm, ánh mắt nhìn thẳng hồn hậu. Ngửa cổ cạn một hơi.
 Giữa ồn ã, tôi bỗng nhớ ra và để nhắc mình nhiều hơn là muốn nói với nhà thơ.
 - Tại sao nhỉ, có dấu vết nào của thời kỳ phóng viên nội chính không nhỉ. Những bài thơ hay nhất và quan trọng của Nguyễn Việt Chiến đều gắn với một chữ ĐÊM: Những con ngựa ĐÊM. Những ngôi chùa trong ĐÊM. Gặp Nguyễn Du trên sông mưa ĐÊM. Tại sao thế? Thưa anh.
 Ngẩn ra, nhà thơ cười hì, rót thêm vào khắp các chén vơi quanh mình.
- Cũng biết sao nữa. Tự dưng nó vận vào thơ tôi ấy mà…
Không, tôi không tin là đơn giản như thế. Tôi nghĩ nhà thơ còn cách trả lời khác.
Buổi chiều ấy, sau khi lang thang mót thêm cuộc rượu chờ của mấy người bạn, tôi đành phiền Nguyễn Việt Chiến đưa vòng lên bãi đỗ xe phía Hồ Tây. Nhà thơ phơi phới vê ga, nhấn tay cương con ngựa chứng hết thời nhan sắc, tha tôi ngật ngưỡng sau lưng. Chiếc mũ bảo hiểm dành cho các tay đua chuyên nghiệp, thì nhường cho tôi, hôi như mũ trùm Sò. Nhà thơ kiếm chiếc mũ bảo hiểm của con trẻ, ép cố cũng che được lưng đầu.
Tất bật như chàng trai 15 và điềm tĩnh như sư trụ trì. Ừm hừm. Nguyễn Việt Chiến là thế nào nhỉ. Nhìn tấm lưng áo đẫm mồ của nhà thơ tôi đặt câu và lẩn mẩn hình dung .
Trầm tích văn hoá gốc không gian Bắc Bộ, kết tinh phố thị và quê làng cổ, mà điểm nhấn là Hà Nội và xứ Đoài cật ruột lúc nào cũng phảng phất niềm đau hư thực, hạnh phúc mờ nhoà cõi người, cõi Phật trong giọng trầm Nguyễn Việt Chiến. Một giọng thơ mà đọc bất kỳ lúc nào cũng không có cảm giác cũ mà cũng không gai gợn cách tân. Nhà thơ của những cảm giác về hình ảnh để gọi ra câu chữ về phận người, dù hạnh phúc hay đau khổ vẫn sang trọng một cách Nguyễn Việt Chiến, chứ không phải nhà thơ nhăm nhăm đi tìm câu chữ:
Thành phố cũ như một con tàu đắm/ nằm mơ dưới sao trời và nghịch lý của rong rêu…..
Đường Bắc Sơn nhạt nắng. Tiếng động cơ ngập ngừng. Chúng tôi dừng lại tìm dấu tích bậc thềm. Bức ảnh trong máy Trần Nhương nhờ Nguyễn Đình Toán chụp hôm ấy có được in hình? Lê Đạt đã thành bậc tiền hiền của Hội Nhà văn. Hội trường Ba Đình làm phông nền cho bốn người trong mưa hôm nào cũng biến vào hư không. Khoảng trống hàng rào vây quanh đang chờ mọc lên toà Quốc hội mới. Nhà thơ nhìn ngơ ngác vào trống vắng, âu lo, hy vọng.
- Kỷ niệm lần thứ 55 năm hoặc 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam, không biết có  được tổ chức long trọng ở Hội trường Ba Đình mới không nhỉ.
Tôi vẫn đang mải tưởng đến hình ảnh Trần Nhương níu Lê Đạt. Nhà thơ già cười hết cỡ, hở cả chiếc răng cửa sứt. Nhà thơ trẻ (so với Lê Đạt) Nguyễn Việt Chiến thì tay đưa ra trước, nhìn thẳng với tất cả sắc thái trang nghiêm lẫn dịu dàng của kẻ mộng du…
                                                            NTTK
Box:
Trong các trang tin thời sự người ta không còn nhắc đến nhà báo Nguyễn Việt Chiến. Nhưng đã có một Nguyễn Việt Chiến nhà thơ trở về với những chiêm nghiệm sắt máu, mà bất cứ người nghệ sỹ có chút phiêu lưu cũng thèm sở hữu, nhưng chắc sẽ ngại ngần trải nghiệm. Tâm thế đàng hoàng và sòng phẳng, không hề có dấu vết oán thán, trách cứ hay đổ lỗi thời cuộc. Thật không dễ cho một nhân cách con người, và càng không dễ cho một nhà thơ.

Tác giả gửi cho trannhuong.com