Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ THƠ…XƠ XÁC VÌ THƠ

Đàm Quỳnh Ngọc
Chủ nhật ngày 25 tháng 4 năm 2010 5:39 AM

 

Tôi cầm bút viết văn cũng hơn 20 năm rồi, bạn bè cùng nghề ở trong và ngoài tỉnh có nhiều, gặp gỡ nhiều, tiếp xúc nhiều. Nhưng kể cũng lạ, những lúc nghĩ ngợi về nghề, bao giờ trước mặt cũng là hình ảnh nhà thơ Thạch Quỳ như… biểu tượng cho thơ: Người gầy gò, tóc xoã ngang vai, áo tuyềnh toàng mở phanh cúc ngực, đôi mắt sáng lên như có lửa, bàn tay giơ lên hạ xuống theo nhịp đọc thơ…

Thời gian quen nhà thơ Thạch Quỳ cũng bằng thời gian tôi theo con đường văn chương. Có lẽ nghiệp văn của tôi cũng bắt đầu từ ngày gặp ông, hình như cuối những năm tám mươi. Đó là một buổi sáng ở thành phố Vinh, các cột điện ở thành phố còn bằng gỗ, người đi xe đạp nhiều như đi xe máy bây giờ. Hiệu sách cũng ít, cả thành phố chỉ vài nơi, người tìm sách đọc lơ thơ, cuộc sống còn khó khăn“ cơm áo không đùa…”. Hiệu sách nhân dân tôi tìm đến nằm trên đường Lê Hồng Phong, khách có đôi người. Tôi mải mê tìm kiếm sách mà mình cần nhưng không thấy, đang thất vọng bởi một lần từ quê vào Vinh là một lần khó. Bỗng có một người gầy gò cũng đang đi tìm sách, bắt gặp đôi mắt ngơ ngác của tôi đã hỏi thăm và chia sẻ về chuyện sách vở. Tôi mừng run trải nỗi niềm, biết và quen nhà thơ Thạch Quỳ từ lúc ấy, ngày ấy. Tôi được biết ông làm việc ở Hội VHNT Nghệ Tĩnh, ông động viên tôi viết văn nếu như mình đã có ước mơ. Ông còn dặn dò cẩn thận, những sáng tác đã viết được gửi về Hội đề tên ông. Ngày gặp ông buổi đầu tình cờ chỉ có vậy. Thời gian ngắn sau đó, tôi gửi truyện ngắn đầu tay đến ông và được in trân trọng vào số tết năm 1986. Tôi nhớ mãi kỷ niệm này, còn nhà thơ Thạch Quỳ, ông có còn nhớ không?

Nhà thơ Thạch Quỳ sinh năm 1941 tại Đô Lương trong một gia đình có nhiều người đặc biệt, hiểu biết văn chương. Theo lời những người già quê ông kể lại thì ông ngoại Thạch Quỳ đã thi đỗ ba khoá tú tài, ông nội một đêm có thể đọc thuộc hơn 50 trang sách chữ nho. Mẹ ông và bà ngoại là cả một kho tàng văn học dân gian truyền miệng.

Trí tuệ từ người ông, tâm hồn phong phú từ người mẹ đã hun đúc nên nhà thơ có tài năng, có cá tính mạnh mẽ thích đắm mình vào những suy tưởng mới mẻ, khát vọng của riêng mình: “ Một cái tôi thẳng thắn lạnh lùng/ Từng đối mặt với bạo tàn chết chóc/ máu trào tuôn, sẹo đóng tự trong hồn/ Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết/ nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn (Tôi ). Đúng như câu thơ Thạch Quỳ đã viết, trong cuộc sống thường ngày ông sống rất thật, không che dấu cảm xúc như những người khác. Ông yêu, ghét ai đều bộc lộ ra ngoài, và công khai điều đó, dám làm, dám chịu…thiệt thòi với một lối sống mà bây giờ nhiều người đang né tránh. Quan điểm sống của ông cũng vậy, ông bộc bạch: “ Tôi muối mặn với cuộc đời dân dã/ Tôi áo cơm no đói với ngày thường” ( Tôi )

 Ngày còn học trường làng, ông đã viết truyện ngắn, làm thơ gửi tạp chí Văn nghệ Quân đội và được in trang trọng. Ông tốt nghiệp Đại học Vinh, từng đứng trên bục giảng với tư cách người thầy dạy giỏi môn toán ở một huyện miền núi nghèo khổ. Nhưng xuyên suốt cuộc đời ông vẫn là thơ, những bài thơ của ông là gan ruột, là suy tư, là ý tưởng mới mẻ muốn xé toang quan niệm cũ, một quan niệm mới về cuộc sống mới, nỗi lòng khát khao muốn hiến dâng: “ Và nếu cần tôi sẽ hoá thân tôi/ Thành thuốc đắng, thành chanh chua, quả ngọt/ Thành chi nữa…trời ơi tôi muốn biết/ Phút lặng im bạn đã muốn mong gì…”( Tôi ) Những câu thơ của ông gần như vắt ra từ máu tuỷ con người: “ Cái nghèo/ Mày ẩn dưới gót chân em nứt nẻ/ Mày luồn lọt qua trăm ngàn mối chỉ / để nằm trong mảnh vá áo con ta/  mày sinh ra khi chưa sinh ta” ( Cái nghèo)

Và, ta hãy đọc câu thơ sau để thấy nhà thơ Thạch Quỳ đau khổ vật vã như thế nào vì thơ, với thơ: “Tôi gọi hồn về trong những câu thơ/ Giam trong ngục tối con chữ/ Hồn ơi, hồn hãy ở tù/ Để xác tôi yên giấc ngủ”

Tôi có đọc một bài báo ở đâu đó có nói rằng nhà thơ Thạch Quỳ xơ xác vì thơ. Vâng, đọc thơ của ông bằng tình cảm chân thành sẽ thấy nhà báo nào đó đã nói đúng sự thật phải không?

Cho đến nay nhà thơ Thạch Quỳ cũng đã có nhiều tập thơ được nhiều người tìm đọc: Sao và đất ( Thơ in chung, 1967). Tảng đá và nhành cây ( Thơ, 1973). Nguồn gió cơn mưa ( Thơ thiếu nhi 1978) Con chim Tà Vặt ( Thơ, 1985). Cuối cùng vẫn một mình em ( Thơ, 1996). Đêm giáng sinh ( Thơ, 2004 ).

          Nhà thơ đi dạy học, rồi làm cán bộ Hội VHNT tỉnh, và sau đó nghỉ việc nhà nước về hưu lúc độ tuổi chưa đúng với qui định. Cuộc sống của những người coi thơ là sự nghiệp vốn đã khổ, nhà thơ Thạch Quỳ lại còn khổ hơn. Chẳng biết có phải vì bài thơ: “Với con” hay không mà Thạch Quỳ đã nghỉ hưu sớm? Qủa tình bây giờ đọc lại bài thơ này: “ Con ơi con, thức dậy giữa ban ngày/ Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá/ Qua con đường đất đến con đườn rải đá/ Cha e con đến lớp muộn giờ…”  so với những bài thơ khác của nhà thơ thấy cũng bình thường. Nhưng thời ấy khác, bài thơ này ra đời năm 1979 lúc đất nước vừa qua cuộc chiến tranh gian khổ, cuộc sống đang được lý tưởng hoá, mau chóng tiến nhanh đến cuộc sống thiên đường, đã làm nhà thơ phải chịu cảnh lao đao vì: “chống chủ trương, chính sách”. Nhưng thời gian không lâu, bản chất nhà thơ được kết luận lại: Không có tư tưởng gì xấu, nhà thơ là người nhạy cảm nhìn nhận vấn đề gì cũng trở thành vật sống, là hiện thực, là điều nhà thơ mong muốn chân thật hơn mà thôi: “ Con ơi con, trái đất thì còn/ Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật/ Tất cả đấy đều là sự thật/ Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn…” Tất nhiên cuộc sống cứ bình lặng trôi đi theo qui luật, bài thơ: “Với con” và những gì đã xẩy ra rồi cũng chìm vào dĩ vãng, nhưng với Thạch Quỳ lại như là một tai nạn nghề nghiệp ít nhiều đã tổn thương đến tâm hồn ông. Có phải vì thế quãng thời gian sau này ông trầm lặng hơn trong cuộc sống, ít nói hơn, thận trọng hơn trong các mối giao lưu?

Trong cuộc sống đời thường, nhà thơ Thạch Quỳ cũng có nhiều khốn khó như bạn bè đồng nghiệp:“ Cơm áo không đùa…” Ông chật vật, bức bách trước áp lực hiện thực của cuộc sống, đồng lương hưu như muối bỏ xuống sông. Ông cũng như mọi người, làm tất cả để mà tồn tại, để làm…thơ. Ông nhận lời đi nói chuyện về thơ, viết báo, tham gia các lớp tập huấn giảng dạy về nghiệp vụ sáng tác do Hội VHNT tỉnh mời. Những ngày tham gia lớp tập huấn ở các huyện vùng sâu, xa như Thanh Chương, Quỳ Hợp…ông rất vui, không phải vì tiền thù lao, đơn giản vì một số người dân cách trung tâm huyện lỵ hàng chục cây số biết tên ông cũng tìm đường đến nghe ông nói chuyện về thơ. Có người mang cả máy ghi âm thu lời ông nói đem về nhà phát trên loa đài xóm, xã cho bà con cùng thưởng thức thơ Thạch Quỳ. Việc gì ông không nhận lời thì thôi, đã nhận lời đều làm chu tất. Với hình thức bề ngoài ăn mặc tuyềnh toàng, không coi hình thức là quan trọng đã khiến nhiều người mới tiếp xúc nghĩ rằng ông luộm thuộm trong giờ giấc, cách làm việc không nghiêm túc, và đã có những lời nhận xét về ông chưa chính xác, kết luận sai về bản chất của một con người. Chính điều này làm ông khổ cũng nhiều. Tôi cũng đã nghĩ sai về ông, chỉ qua những lần cùng làm việc, đi thực tế với ông, tôi có cách suy nghĩ khác. Ông thường đúng giờ giấc hơn nhiều người tôi tưởng. Ngày lên đường, ông bao giờ cũng là người đến sớm, lên kế hoạch từng việc mình phải làm, và làm bằng được đúng như kế hoạch đã định.

  Đã mấy lần tôi đến nhà riêng của ông ở số nhà 228 đường Phong Đình Cảng, phường Hưng Dũng, thành phố Vinh với ý định muốn nghe ông nói chuyện thơ. Có lần ông ở nhà, đang đọc bản thảo góp ý cho bạn bè đồng nghiệp  và cho ý kiến, ông làm việc này thật thấu đáo chu toàn với bạn bè. Cái nào được thì ông nói được, cái nào yếu quá thì ông bảo gần được rồi đấy. Ông viết nhận xét rõ ràng từng ý, chữ ông viết tay, đẹp và sạch sẽ gọn gàng. Nhận xét của ông bao giờ cũng chỉ là gợi mở, khuyến khích, động viên. Có hôm ông  vội vàng đi đám cưới, đi mừng nhà, chẵn tháng trẻ thơ, đi giỗ chạp…Ông chưa bao giờ từ chối và sai hẹn thời gian với những lời mời như thế này. Không hiểu sao những lần gặp cảnh như thế, tôi cứ muốn đọc lại câu thơ của ông: “ Tôi mệt mỏi đến không còn sợ chết/ nhưng vẫn lòng ham sống thật tôi hơn…”

Ngày nhà văn Bá Dũng qua đời, tôi đến sớm đã thấy ông đến sớm hơn, ông đang hí húi thắp hương, gương mặt ông buồn bã vô cùng. Tôi biết hai ông này không hợp nhau về quan niệm, cách hành xử văn học cũng khác nhau. Cũng là tự nhiên tôi buộc miệng mà nói ra: “ Hôm nay mới biết nhà thơ Thạch Quỳ rất thương nhà văn Bá Dũng, thế mà hồi trước tôi cứ nghĩ…”. Nhà thơ Thạch Quỳ nói ngay: “Chuyện nào ra chuyện ấy, khoản nào ra khoản ấy…” Vâng, một lần nữa tôi lại hiểu thêm về nhà thơ Thạch Quỳ trong tính cách.

 

4-2010

                                                Đàm Quỳnh Ngọc. Hội văn học Nghệ thuật Nghệ An