Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÂN LONG - TÁC PHẨM MỘT ĐỜI THƠ

Đỗ Ngọc Yên
Thứ tư ngày 12 tháng 5 năm 2010 9:14 PM

 (NXB Hội nhà văn quý IV-2009)                                
 Với 55 năm cầm bút (1954-2009), chỉ trừ tập Đỉnh gió nhà thơ Vân Long viết trong 10 năm cuối chưa xuất bản thành tập riêng, còn các tập như Tia nắng(1954-1962), Qua những miền đất (giải thưởng Văn học công nhân   1975-1980), Gió và lửa (1980-1983), Vào thu (giải thưởng 5 năm Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, 1986-1991), Những khối hình câm (1990-1993), Dưới lá xanh (Giải thưởng Ủy ban toàn quốc các hội VHNT Việt Nam, 2002). Nghìn cây số hoa (thơ cho các em, 1970-1996)… đã từng được xuất bản riêng, nay được tuyển lại trong Vân Long – Tác phẩm 520 trang, gồm cả phần phụ lục về hoạt động thơ và công luận đánh giá thơ tác giả.
 Ngoài cuốn sách dầy dặn này, nhà thơ đã xuất bản nhiều tập chân dung văn học, phê bình tiểu luận và hàng trăm bài báo, bài trả lời phỏng vấn, ghi chép, tùy bút văn học…trên nhiều tờ báo, tạp chí trung ương và địa phương.
 Trước hết, tôi tạm gác sang một bên những luận bàn về nội dung, chất   lượng nghệ thuật, hình thức thể hiện…của cuốn sách, mà nghĩ rằng, đây (Vân Long – Tác phẩm) là biểu tượng, hình mẫu của một con người lao động nghệ thuật không biết mệt mỏi trong suốt hơn một nửa thế kỷ qua với một khối lượng khá đồ sộ về thi ca và các loại hình văn chương nghệ thuật khác.
 Có lẽ điều đáng trân trọng cần được ghi nhận trước hết là trong suốt cuộc hành trình văn chương- nghệ thuật của nhà thơ Vân Long, phần lớn thời gian và tâm huyết của ông đều hướng về Hà Nội. Tuy nhiên, ông không phải là người chuyên viết về Hà Nội, nhưng trong hồn thơ, giọng điệu ngôn ngữ thể hiện…cũng như những trang viết khác của ông, người đọc có thể dễ dàng nhận ra đích thị là hồn cốt của người Hà Nội, không lẫn vào đâu được.
 Thơ ông dù ngắn hay dài, dù viết về cái gì, ở đâu, đều để lại trong lòng bạn đọc, nhất là lớp người có tuổi những ấn tượng và suy ngẫm riêng.Theo tôi, nhà thơ Vân Long là một trong số những người khá trung thành với quan niện “văn dĩ tải đạo” mà các cụ ta xưa vẫn dạy thế. Tức là hầu hết thơ ông đều có ý trước khi có lời. Lời chỉ cần đủ chở ý chứ không cần khoa trương. Vì thế, xu hướng kiệm lời trong thơ ông ngày càng rõ nét hơn.
 Trong nghệ thuật, không ít những thành công thường bắt đầu từ sự bứt  mình ra khỏi lối mòn của xu thế chung đương thời và cũng có khi là một hướng đi ngược chiều để tìm kiếm một khoảng trời tự do cho mình và tư duy sáng tạo. Còn đối với Vân Long – Tác phẩm, tôi có cảm giác rằng ông luôn tìm cái riêng cho mình bằng sự thao thức, giằng co giữa cái thực và cái ảo, cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên, cái nhất thời và cái bất biến để rồi cuối cùng là sự chấp nhận, hòa đồng đặng tìm một hướng đi mà không nhất thiết phải đối đầu với thực tại. Đấy là cách đi riêng của Vân Long!
 Ngoài sáng tác thơ (điều này cần nhiều trang phân tích, không phù hợp với bài giới thiệu sách này), điều gây ấn tượng nhất với tôi là qua bài Một mình làm…Hội bảo vệ quyền tác giả của Trần Thi (in phần Phụ lục). Hoá ra ngoài việc làm thơ, ông còn tự nguyện làm một điều tra viên, cứu rỗi nỗi oan khiên cho những đứa con tinh thần bị phiêu lạc mất cha. Bài thơ Dặm về (còn có tên Mai chị về ) đã được coi là của nhà thơ Quang Dũng gần nửa thế kỷ qua với giới văn nghệ trong nước, cuốn Thi nhân tiền chiến xuất bản tại Sài Gòn trước năm 1975 cũng ghi như vậy. Từ một nghi vấn nhỏ, nhà thơ Vân Long đã làm một cuộc điều tra, ngõ hầu tìm ra tác giả đích thực của bài thơ. Cuối cùng tác giả của nó lại là ông Nguyễn Đình Tiên, đại tá, nguyên cục phó Cục xuất bản Tổng cục chính trị Bộ quốc phòng. (tuyển tập Thơ kháng chiến (1945-1954) khi tái bản, quý IV – 1995, NXB Hội Nhà Văn đã phải bổ xung bài Dặm về, bài thơ nổi tiếng lưu truyền từ lâu, nay tác giả của nó mới được đứng tên).
 Không những thế, trong thời gian làm Chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Hà Nội, ông còn lên tiếng đấu tranh với dư luận, bảo vệ cho những giá     trị thơ mà theo ông là chân chính. Đấy là trường hợp nhân Hội nhà văn Hà Nội trao giải thơ 2006 cho tập Hành trình của Hoàng Hưng được viết trong 10 năm (1995-2005), khi không ít người còn ấn tượng thơ Hoàng Hưng là biểu hiện của một tâm trạng buồn đau, bế tắc thì chính Vân Long vừa với tư cách đồng nghiệp vừa với tư cách Chủ tịch Hội đồng thơ đã lên tiếng minh oan cho tập Hành trình của Hoàng Hưng bằng một bài viết khá dài in trên Tiền Phong Chủ nhật ngày 24/9/2006.
 Một trường hợp khác nữa là khi tập Gửi V.B. được Hội nhà văn Hà Nội trao giải năm 2007, dư luận cũng ì sèo rằng chất lượng tập thơ chưa đáng được giải, Vân Long đã lời phỏng vấn tạp chí Thơ (8/2007), sở dĩ Gửi V.B.   
được giải vì nó “chân thực đến từng cảm giác thoáng qua”...(phần Phụ lục).
Thái độ sống trong hoạt động thi ca của nhà thơ Vân Long là thái độ nhập cuộc, bình đẳng để góp phần điều chỉnh, xây dựng một đời sống văn chương lành mạnh và dân chủ hơn.