Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"XIN ĐỪNG KHINH BỎ NHAU"

Blog Gocomay
Thứ năm ngày 13 tháng 5 năm 2010 9:37 PM

 
Mây hình tám con rồng chầu trên bầu trời đền Đô (Ảnh: Nguyễn Đức Thìn)
Nhận được tin vui phim của chú em Như Vũ được giải Cánh Diều Vàng 2009, nhưng mặt mũi Diều Vàng thế nào thì tới hôm qua mới được xem hết toàn bộ 2 cuốn phim đó. Chúc mừng thì đã. Sự kiện đại hỷ qua hàng tháng rồi nên nay chỉ xin có vài cảm nhận muộn màng dưới góc nhìn của độc giả thông thường để nói về hai cuốn phim dung dị mà ấn tượng này!
Xin tóm lược sơ qua, nội dung phim nói về một thầy giáo làng tên là Nguyễn Đức Thìn. Nguyên là đội viên đội du kích thiếu niên Đình Bảng nổi tiếng trong Kháng Chiến Chống Pháp xưa. Như Lẽ thông thường, người thiếu niên can đảm này sẽ được hưởng hoa trái thành qủa rực rỡ khi cuộc kháng chiến thành công. Nhưng tai họa ập tới với 2 cái chết oan khuất của người thân! Đó là cái chết của chú ruột, một người CS bị qui tội oan và bị hành quyết ngay trên bờ ao đình (Đình Bảng) và bố đẻ bị qui sai địa chủ... nên uất ức sinh bệnh mà chết. (sau đó được nhà nước minh oan, sửa sai...).
Bản thân giáo Thìn lại mắc chứng bệnh hiểm nghèo, bệnh Phong, phải vào Trại Phong Quỳnh lập - Nghệ An chữa trị. Khỏi bệnh ông Thìn được trở lại nghề gõ đầu trẻ ở quê. Ngay buổi tái lên bục giảng đầu tiên anh giáo làng đã bị sự khinh miệt tới từ đám học trò của mình với chữ “Thìn Hủi„ trên bảng. Không vì thế mà nản lòng, thầy Thìn đã ôn tồn giáo hóa những trẻ nhỏ ngỗ nghịch và sau đó còn khuấy động được cả một phong trào “Nghìn việc tốt„ (1963) thật rầm rộ từ trường cấp 2 Tam Sơn-Bắc Ninh, nơi thầy khởi xướng sau đó lan ra cả miền Bắc, làm chấn động dư luận lúc bấy giờ....
Tấm gương sáng như thế phải hơn 20 năm sau đó thầy Thìn mới được chính thức ghi nhận với danh hiệu Anh Hùng lao Động (1985), trước sự hoan hỷ của nhiều đồng nghiệp và cả sự dửng dưng của vài người ghen ghét đố kỵ (tiêu biểu lời phát ngôn của ông hiệu trưởng nhà trường). Sáu năm sau ông Thìn còn phải “tự nguyện„ xin nghỉ hưu khi mới 51 tuổi. Lý do chỗ của người “Anh Hùng Lao Động„ đang cần một khoảng trống để nhận những người khác về thay thế.
Về hưu thầy giành dụm từ đồng tiền hưu ít ỏi mua sắm máy ảnh và máy quay Video để kiếm sống và phục vụ cho các công tác xã hội. Nhờ làm trưởng ban tuyên truyền có công vận động lòng hảo tâm của thập phương đã tái thiết trùng tu lại Đền Đô thờ 8 đời vua nhà Lý (Lý Bát Đế) ở quê nhà mà một lần nữa các vị lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và nhà nước đương thời như các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng khi tới dâng hương nhà đền đã bắt tay và ôm hôn thắm thiết nữa. Người hiểu (đa số) thì mừng cho lãnh đạo đã được may mắn “ghé mạn thuyền rồng„ với người du kích thiếu niên dũng cảm mưu trí năm xưa và người anh hùng trong phong trào thi đua “Nghìn việc tốt„ nổi tiếng thời chống Mỹ. Người đã vượt lên bao nỗi oan khiên của gia cảnh và bệnh tật để trở thành một con người có ích, “người thắp lửa„ như tên gọi của bộ phim chứ trong thâm tâm tôi nghĩ thầy Thìn đâu có cầu cạnh gì khi được chụp ảnh chung với các vị ấy. Bởi vậy chỉ có người không hiểu (thiểu số) mới ghen tỵ và chê bai các vị lãnh đạo đã vồn vã thắm thiết với thầy Thìn: “sợ không? Ai lại đi ôm một thằng hủi„....
Xem phim, ai thì tôi không biết, chứ tôi tâm đắc nhất với hai trích đoạn của Chiếu Xá Thuế và Chiếu Hối Lỗi của hai vua Lý Thái Tông và Lý Cao Tông ghi tạc ở Đền  Đô - thờ Lý Bát Đế, nơi thầy Thìn đang phụng sự như sau:

 Chiếu Xá thuế
“... Việc đánh dẹp phương xa làm tổn hại đến công việc nhà nông. Thế mà có ngờ đâu, mùa đông năm nay lại được mùa lớn! Nếu trăm họ đều no đủ thì Trẫm còn lo gì thiếu thốn?
Vậy xá thuế một nửa tiền thuế năm nay để an ủi nỗi khó nhọc lội suối trèo đèo những ngày đi đánh giặc.„ 
                                         Lý Thái Tông
*
Chiếu Hối Lỗi
“... Trẫm còn bé đã phải gánh vác nghiệp lớn, ở trong chốn cửu trùng sâu thẳm, không biết nỗi khó nhọc của đời sống muôn dân, lại nghe lời bọn tiểu nhân mà gây oán với người dưới. Dân đã oán thán thì Trẫm biết dựa vào ai?
Nay Trẫm sẽ sửa đổi lỗi lầm, cùng trăm họ bắt đầu canh tân. Ai có ruộng đất sản nghiệp bị sung công sẽ được hoàn lại.„
 
                                     Lý Cao Tông
Trộm nghĩ nếu sau 1975, các bậc “minh quân„ xứ mình mà học và làm theo được phần nào như các vị vua sáng cách đây ngót 1000 năm về trước thì nước mình chắc cũng chả đến nỗi nào. Đúng như câu bình luận sau đó của tiên sinh Sỹ Chung (người viết lời bình) rằng: “Sự bền vững của các vương triều, thường là nhờ vào đấng minh quân! Biết lo cho dân và biết sửa mình.... „
Thầy Thìn như cách nhìn của các tác giả bộ phim, đúng như “Người Thắp Lửa„ là vì thế!
Không dám phản biện cái công trình giản dị mà giầu tính thời sự đã giành được giải cao nhất của hội nghề nghiệp (Hội Điện Ảnh). Nhưng với ngu ý của một độc giả như tôi thì giá ngọn lửa đó mà được các thế hệ thầy trò và cả các cấp có trách nhiệm “trồng người„ trên cả nước hôm nay tiếp nối xứng đáng. Làm chấn hưng giáo dục, chấn hưng dân trí... thì đó mới là một ngọn lửa có hậu. Bằng không ngọn lửa Nguyễn Đức Thìn vẫn chỉ là ngọn lửa đơn lẻ như ngọn lửa chống tiêu cực mà cô độc phải rơi lệ trên VTV như “Người Đương Thời„ - thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Thường Tín hôm nào mà thôi!
Trước khi dừng lời, xin chép lại đây cái đoạn thơ giàu triết lý ở đầu và cả kết ngót 20 phút phim này:

Con người như giọt nước
Trong mênh mông biển đời
Khổ đau và hạnh phúc
Xin đừng khinh bỏ nhau
Hãy thắp lửa nhân ái
Cho cuộc đời bớt đau.....
(Nguyễn Đức Thìn)

Vâng cám ơn thầy Thìn, bằng khổ đau và hạnh phúc cả đời của mình, thầy đã thắp lên được một ngọn “lửa nhân ái„ qúi như thế. Mong sao mọi người hãy lắng nghe lời thỉnh cầu chân thành của thầy! hãy tiếp lửa, truyền thừa cho thầy.
Bởi con người chỉ có thể bớt đau khi cuộc đời dù khó khăn tới đâu.... thì cũng:
“Xin đừng khinh bỏ nhau„!

Blog Gocomay
(
http://vn.360plus.yahoo.com/vanph_vanpham/article?mid=4076)
*    *   *
Xem phim ở tín hiệu VCD ở đường links sau:
Người Thắp Lửa (cuốn 1)
• URL:
http://www.youtube.com/watch?v=VBoMin8B1MY
Người Thắp Lửa (cuốn 2)
• URL:
http://www.youtube.com/watch?v=pF6AUHtxFH8&feature=channel
________________
Tìm tag: Nguyễn Đức Thìn > Đền Đô > Lý Bát Đế > Người thắp lửa > Xin đừng khinh bỏ nhau