Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HAI ĐẠI SƯ VÀ MỘT ĐÀN ANH TRONG GIỚI SÂN KHẤU

Nguyễn Hiếu
Thứ năm ngày 13 tháng 5 năm 2010 8:00 PM

 
        Tác phẩm tự biên tự diễn hay cách kiếm sống của văn nghệ sĩ thời gian khó
               Thập kỉ 70 của thế kỉ 20, giai đoạn giao thời của đất nước với hàng loạt biến đổi từ sự chia cắt hai miền, từ chiến tranh, giặc giã chuyến sang non sông liền một khối, đất nước thanh bình với nhiều cuộc cải tạo nọ kia. Tuy vậy, nổi nhất trong thập kỉ này là sự vất vả đời sống nhân dân nói chung và dân văn nghệ sĩ nói riêng. Vào những năm chớm nửa cuối của thập kỉ đó anh cán bộ nào may mắn có được chuyến công tác vào nam thì có thể coi là một bước ngoặt lớn trong đời. Anh, chị nào có chút khả năng kinh doanh thì quả là đổi đời nếu không chí ít sau chuyến công tác đó trong nhà cũng có đôi ba vật dụng để tự hào khoe với hàng xóm chả khác gì chuyện công du nước ngoài thủa ấy. Nhưng có phải ai cũng có được chuyến công tác lý tưởng đó  nên sự vất vả trong đời sống như một tấm lưới vô hình chụp lên đại đa số cán bộ, nhân dân. Để phần nào bớt đi những khó khăn thường nhật thì tùy khả năng từng người. Kẻ không ngề nghiệp thì đi phe tem phiếu, anh cán bộ, viên chức, chị công nhân thì nhận dán hộp giấy, cánh nghệ sĩ thì đi viết thuê. Cũng là may dạo ấy nở rộ hội diễn văn nghệ quần chúng. Thế là các nhạc sĩ, đám nhà văn, dân đạo diễn tha hồ nhận đơn đặt hàng sáng tác chỉ có điều hoàn thành xong tác phẩm thì phải quên ngay đứa con tinh thần của mình. Có đánh đòn cũng không dám nhận mình là người đẻ ra nó. Tôi còn nhớ nhạc sĩ , ca sĩ  tiếng tăm Thịnh Trường, rồi nhạc sĩ lừng danh Lưu Bách Thụ tác giả ca khúc kinh điển “dân Nam ơi biết ơn cụ Hồ” của Đài TNVN đẻ cho xí nghiệp nọ, nhà máy kia mấy ca khúc tự biên tự diễn. Tôi dạo đó trong nhóm của vợ chồng nhạc sĩ Công an vũ trang Trần Danh tác giả nhạc múa “ong bò vẽ “và đạo diễn truyền hình Danh Liên đạo diễn phim “Hoàng lê nhất thống chí”. Theo phân công tôi viết ca từ, Trần Danh làm nhạc, Danh Liên dàn dựng. Không dưới một chục ca khúc tự biên tự diễn cho các cơ sở công nghiệp Hà Nội của nhóm tôi đã ra đời đoạt không ít huy chương vàng, bạc cho những tác phẩm đội lốt văn nghệ quần chúng đó. Nhưng có lẽ do bị hình ảnh Danh Liên bụng chửa vượt vẫn tối tối đến dựng ca khúc cho xí nghiệp kẻ giấy Ngọc Xuân ám ảnh nên cho đến nay tôi vẫn còn nhớ như in nhịp điệu và ca từ của ca khúc “Ngọc Xuân Hành khúc” “nỗi nhớ em bay ngang. Dòng kẻ em đi thẳng. Ở giữa là tình ta ..”. Tôi còn tham gia nhóm kịch tự biên với những kịch bản ngắn dưới sự đạo diễn của  NSƯT Phạm Bằng. Cho đến bây giờ hình ảnh bàn bạc, sửa chữa những kịch bản tầm xí nghiệp dưới bóng cây roi sân nhà nghệ sĩ ở phố Hàng Giầy cùng bà vợ phúc hậu tảo tần của Phạm Bằng vẫn in đậm. Rồi hình ảnh tôi bồn chồn ở hậu trường sân khấu rạp  Đại Nam khi chỉ đạo đêm diễn kịch bản của tôi viết cho trường trung cấp Thủy Lợi Cầu Giấy là những kỉ niệm khó quên…Bên cạnh những tác phẩm kiếm sống đó, những năm tháng của thập kỉ 70 đó tôi vẫn cố loay hoay để làm sao có được vở diễn trên sân khấu chuyên nghiệp. Chính sự loay hoay, vất vả với nghề sân khấu trong những năm tháng đó tôi mới có vinh dự tiếp xúc và nhận được những lời dậy dỗ, chỉ bảo của hai tượng đài sân khấu Việt nam mà tôi luôn luôn coi là hai bậc đại sư trong nghề. Đó là nhà viết kịch kiêm đạo diễn Lộng Chương. Nhà thơ, nhà văn kiêm đạo diễn, kịch tác gia  Thế Lữ.
   Với đạo diễn Lộng Chương.
         Vào thập kỉ 70 của thế kỉ 20 tôi đang ở tuổi dưới 30, độ tuổi ăn không biết no, làm không biết mệt. Dạo đó trong lĩnh vực kịch không kể hàng chục vở ngắn, dành cho tự biên tự diễn của các hội diễn quần chúng cùng xấp xỉ từng ấy câu chuyện truyền thanh viết cho Đài, tôi viết khá nhiều kịch bản dài hơi. Thời gian này vì mới ra lò từ khoa văn trường Đại học Tổng hợp văn nên tôi bị ảnh hưởng khá lớn các kịch tác gia thế giới theo dạng học trò thuộc bài như chùm kịch dài bộ ba “bản giao hưởng kiến thiết mở đầu như thế nào ?“ viết sau chuyến công tác ở thủy điện Thác Bà vào giữa năm 1971 do Bộ xây dựng tổ chức với hàng loạt cây bút đã nổi danh trong giới văn nghệ sĩ như Nguyễn văn Bổng, Huy Phương, Lưu Công Nhân… Ảnh hưởng khá đậm hành động ngầm trong ngôn ngữ của Sê khốp tác giả  “vườn anh đào”. Ngay đầu đề vở hài “chuyện như thế thì cần phải nói ?” là nhại lại nhan đề vở hài ” chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ thế “của Xếcxpia. Nếu tôi nhớ không nhầm thì tôi viết vở này vào năm 73, 74 gì đó nhân có một chuyện lình xình tham ô, mất dân chủ ở một số nhà máy ngành công nghiệp Hà nội thì phải. Viết xong lấy làm tâm đắc lắm nhưng nhìn vào các đền đài sân khấu như đoàn kịch Hà Nội đang diễn Hoa Pháo của Trần  Vượng, hay đoàn kịch nói Trung ương( Nhà hát kịch nói Việt nam bây giờ) đang diễn bộ ba kịch ngắn “đồng chí “của Chu Nghi... thì thấy thật xa vời. Thế là viết xong đành lôi ra đọc rồi nhấm nháp một mình. Nhưng có lẽ cũng do quen thuộc một số diễn viên khi làm kịch tự biên tự diễn nên loanh quanh thế nào vở hài của tôi rơi vào đoàn kịch Công nghiệp Hà Nội(CNHN). Trưởng đoàn hình như là Ủy viên thường vụ công đoàn Hà Nội tên Thể, một đàn ông cao to, đẹp trai tính tình mềm mỏng. Tên thì có vẻ nghiệp dư như vậy nhưng vào thập kỉ 70 đây là một đoàn kịch được quản lý chặt chẽ với không ít diễn viên có tay nghề mà các đoàn chuyên nghiệp mơ ước nhất là số diễn viên công nhân nhà máy cơ khí Đống Đa như chị Hạnh, anh Đạt, anh Đức…. Thế hệ của đoàn kịch đó ngày nay còn sót lại cây hài có lỗi diễn rất tự nhiên là chị Ngọc Tuyết. Một hôm đi làm về ( nhà tôi dạo đó ở khu tập thể của trường cấp 2 Xuân đỉnh) tôi nhận được giấy mời kiêm thông báo kịch bản của tôi được đoàn kịch CNHN chấp nhận dưới sự dàn dựng của đạo diễn Lộng Chương. Đọc đi đọc lại mấy dòng trên tờ giấy đánh máy mà ngợp thở vì niềm vui quá lớn đột ngột đến với tôi. Dạo đó đang độ cuối xuân, trời xe lạnh vào tối, câu lạc bộ Lao Động cách nhà tôi hơn 10 cây số, ăn vội vàng bữa chiều tôi hăm hở đạp. Đến nơi thấy diễn viên đã tề tựu đông đủ quanh một người đàn ông tầm thước, mặt mũi phương phi, lộ rõ nét tinh anh, hào hoa, tay cầm be rượu. Tôi rụt rè đi vào. Có thể do lúng túng nên chân tôi va mạnh vào thành ghế đau điếng. Tất cả mọi người quay lại khiến tôi càng ngượng ngịu. Người đàn ông mà sau này tôi mới biết là bác Bác Lộng Chương mỉm cười giơ tay vẫy vẫy tôi. Tôi hít mạnh một hơi dài mạnh dạn đi lên.”Cậu là tác giả đúng không ? Trẻ. Rất trẻ .Nhưng mà này. Cái này cậu đề là hài kịch. Nhưng đúng ra là náo kịch. Được đấy. Tôi sẽ dựng theo cách của tôi. Nhưng cậu phải chiu khó. Tối nào cũng nên đến, nếu có cái gì không đúng ý, cậu cứ nói. Gì thì gì cũng phải hiểu nhau thì vở diễn mới khá được”.”Dạ dạ, cháu sẽ cố “.”À này, sau đây tôi sẽ phân vai. Mấy hôm nay đọc vở, tôi đã tìm ra chìa mở hành động kịch rồi “. Đang nói bình thường đột ngột giọng bác Lộng Chương cao vút lên. ”Cảnh nhấn trong vở tớ sẽ cho cha giám đốc nhân vật ngồi oai nghiêm sau cái bàn giữa sân khấu, trước mặt  có cái gạt tàn phóng to, điếu thuốc lá đang hút tỏa khỏi lên lơ mơ, ngoằn ngoèo như bình hương. Hình tượng đó là sự phê phán về độc quyền và mất dân chủ. Cậu thấy thế nào?”.”Dạ ,dạ. Cháu chưa được xem nên chưa thể nói được ạ?”. ”Chà. Thế là được”.Vậy là từ buổi tôi hôm đó hơn hai tháng trời khi vào buổi tối ở CLB Lao Động khi đạo diễn tổng thể các màn, khi thì vào ban ngày ở nhà bác Lộng Chương( một căn nhà ở giữa phố mà bài trí hệt nhà ở nông thôn. Có cả tấm dại nứa che cửa ) để chỉnh sửa một vài vai tôi đều có mặt. Đang chỉ đạo cho diễn viên thỉnh thoảng bác lại quay về phía tôi, như có ý hỏi. Vào thời gian tạm nghỉ bác lại rót chén rượu ra, thấy tôi từ chối. Bác gật gù vừa nhấm nháp rượu vừa nói chuyện về rất nhiều đề tài bằng cách nói điềm đạm khác hẳn chất hài khi bác thị phạm cho diễn viên. Nhưng nói gì  thì nói ,cuối cùng câu chuyện vẫn quay về kịch. Cho đến bây giờ tôi còn nhớ những nhận xét về hài kịch của vị đại sư này. Bác cho kịch là một thể loại khó nhưng hài kịch còn khó gấp bội. Mô li e mới là thiên tài nhưng hài kịch của Mô li e không thể bằng Xếcxpia. Ông này là đệ nhất viết bi kịch nhưng cũng là đệ nhất hài kịch. Hài của Xếcxpia thâm ra thâm, cười ra cười, mà cười của cha viết kịch người Anh hoạt lắm, đời lắm mà tự nhiên.  “Cái Quẫn của bác cũng chưa nhuyễn hẳn. Nhưng tay Hoạt giỏi nên lão ta tìm ra được nhiều miếng cù khá ra phết”. Tôi rụt rè xin bác nhận xét vở của tôi. Bác nâng chén rượu lên xoay xoay “ muốn viết hài cho ra hài phải có năng khiếu. Cái này của cậu tôi thấy được nên tôi mới nhận dựng. Cũng từ cái này tôi thấy mừng vì có thêm một tay viết hài. Thế mạnh của cậu là có học hành  đàng hoàng. Nhưng muốn viết hay phải quan sát kĩ cuộc sống .Cuộc đời nhiều tình huống hài  bất ngờ mà không cây bút nào nghĩ ra nổi đâu. Nhưng vào kịch anh phải biết chọn lọc và dùng nhiều hình thức. Chứ cứ bê nguyên cuộc sống bình thường lên thì khó mà hấp dẫn người xem lắm. Người xem bao giờ cũng thích lạ, phát hiện. Từ đó mới hấp dẫn được họ. Nói vậy là tôi tin cậu. Tiếc là bây giờ không phải đoàn nào, đạo diễn nào cũng chấp nhận sự sáng tạo lạ”. Dòng dã hơn hai tháng hai bác cháu tôi làm việc cùng dàn diễn viên nhiệt tình để chờ ngày ra công diễn. Bất đồ vào hôm tổng duyệt, một ông mặt trắng, bé nhỏ, bây giờ tôi còn nhớ tên là Yết hình như sau đó làm giám đốc Cung hữu nghị Việt Xô thì phải từ Mátxcơva về sau chuyến công tác. Mới xem vài cảnh của vở diễn, ông đã lắc đầu tay xua xua ,giọng ráo hoảnh ”Dẹp đi. Vở này công diễn làm sao được. Ai lại bôi xấu giám đốc  đề cao công nhân như vậy. Làm thế dễ bị hiểu lầm lắm”. Tôi nhớ lúc đó bác Lộng Chương rất điềm tĩnh giải thích nhưng ông Yết vẫn dứt khoát giữ ý. Sau tuyên bố của ông Yết dàn diễn viên chán nản bỏ về hết. Hội trường chỉ còn hai bác cháu. Bác Lộng Chương vỗ vỗ vào vai tôi nói khẽ giọng như một người cha “ bác thì không sao. Nhưng với con. Tác phẩm đầu tay đúng không. Thiệt cho con quá. Nhưng biết làm sao. Người ta có quyền. Bác mong con, sau vụ này con đừng nản chí là được. Còn yêu kịch thì còn viết. Nhớ chưa?” Tôi lặng lẽ gật đầu, chào bác thui thủi ra về giữa đêm cuối xuân lặng giá. Lặng lẽ đạp hơn mười cây số về đến nhà. Vợ tôi ra mở cửa. Tôi im lặng không nói câu gì, nhưng thấy buồn buồn cổ họng. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra ,thì vợ tôi thét thật to khi thấy tôi thổ ra một bụm đỏ lòm toàn máu. Sau đêm đó tôi bắt đầu cai thuốc lá. Đó chính là lần cai thuốc đầu tiên của tôi sau hơn 10 năm nghiện nặng .     
           Thế Lữ và những lời dậy
        Láng giềng của tôi trong khu tập thể của trường Cấp 2 Xuân Đỉnh có gia đình mà chồng là thầy giáo dậy nhạc họa tên là Đức, người làng Bưởi. Tình cờ tôi được biết bố thầy Đức là bạn cùng lớp ở trường Bưởi với nhà thơ, nhà viết kịch, đạo diễn Thế Lữ. Lúc rỗi trò chuyện biết tôi cũng ham hố chuyện kịch cọt nên thày Đức bảo tôi, để bố thầy giới thiệu tôi với bác Thế Lữ. Tưởng chuyện đùa, ai dè nửa tháng sau. Nếu tôi nhớ không nhầm thời gian đó vào khoảng tháng 8, tháng 9 năm 76,77 thì phải. Thầy Đức đưa cho tôi lá thư của ông bố giới thiệu tôi với Thế Lữ. Cầm phong bì có dòng chữ đẹp, ngay ngắn viết bằng bút mực tím tôi vừa e ngại vừa sung sướng. Vào một buổi lưng lửng sáng tôi rời cơ quan hồi hộp đạp xe đến nhà bác Thế Lữ ở số 9 Nguyễn Bỉnh Khiêm mà sau này tôi biết đó là khu tập thể của giới nghệ sĩ sân khấu. Đó là một biệt thự cổ xây từ thời Pháp. Mảnh sân dài trước nhà rợp bóng cây. Bác Thế Lữ ở trong một căn phòng phải qua một dẫy bậc. Khi tôi bước vào nhà một khuôn viên bầy biện theo lối cổ, thần tượng của tôi là một ông già dáng phong sương có khuôn mặt dài, hai má hơi tóp đang ngồi trên giường. Sau khi nghe tiếng bác nói chen tiếng ho tôi nhận ra sức khỏe của nhà thơ, kịch tác gia  hơi trục trặc. Bác vừa ra hiệu bảo tôi ngồi cạnh, bác vừa chỉ tay về phía người phụ nữ  khuôn mặt đôn hậu có dáng đi hơi khập khiễng đang cầm chiếc ống nhổ bảo”đây là bác gái Song Kim”. Rồi liền sau đó nhà thơ nói luôn “hôm nọ ông bạn của tôi có ra đây đã giới thiệu cậu rồi, nên thư đọc sau cũng được. Cậu học tổng hợp văn hả. Thế là có cái nền để sáng tác rồi đấy. Hôm nay có mang vở nào ra không ?”.”Dạ có”.”thế cứ đưa cho tôi đọc. Độ năm ngày nữa .À thôi .Một tuần chẵn đi .Cậu trở lại“.  Lúc ở cơ quan và trên đường đến tôi dự định nói rất nhiều nhưng khi đối mặt với tác gỉa “nhớ rừng “ lừng lẫy thì tôi chỉ im lặng và đáp lại lời bác từng tiếng một, nhất là khi thấy bác Song Kim tỏ ra lo lắng sức khỏe của chồng khi tiếp chuyện tôi. Một tuần sau tôi lại đến nhà bác Thế Lữ, lần này tôi có vẻ phấn chấn và tự tin hơn khi trong tay tôi có bản thảo vở kịch dài “khi cánh đồng trở lại màu xanh lúa “ ( vở này sau được in trong tập kịch trùng tên của NXBSK vừa phát hành đầu năm 2010) vừa hoàn thành với cảm hứng từ bài thơ của Nguyễn Đình Thi viết sau khi miền nam giải phóng. Vừa nhìn thấy tôi ,bác Thế Lữ nói ngay “bản thảo mới hả ?.Thế là tốt. Các cậu đang trẻ, suy nghĩ cũng như sức khỏe đang dồi dào, cứ viết mạnh bạo mà, viết rồi sẽ đạt được điều mình muốn “. Rồi dường như không muốn mất thời gian bác nói ngay “tôi đọc ba lần bản thảo kịch ngắn này. Điều đầu tiên tôi thấy đề tài trong “những hạt bụi của đời” là hấp dẫn. Ngôn ngữ của đám trẻ bụi đời Sài Gòn khá nhuyễn. Chắc cậu bỏ công thâm nhập nhiều. Thế là đúng.Viết văn, viết kịch cần như thế lắm. Nhưng tôi nhận ra là vì quá mê cái mảng hiện thực này nên cậu sao chép hơi kĩ mà quên yếu tố hư cấu, xắp xếp để tạo ra hành động kịch. Sân khấu tuy dựa trên ngôn ngữ đối thoại là chủ yếu nhưng xương sống của vở lại là hành động. Vở ngắn hay vở dài đều cần như vậy. Dù sao tôi cũng nhận ra khuynh hướng viết kịch của cậu. Cái mới ngắn hay dài ?”.”Dạ, thưa bác dài ạ. Bốn màn, chín cảnh”.”đầu đề ?”.”Dạ cháu đặt là “khi cánh đồng trở lại màu xanh lúa” ạ”.”Cái đầu đề hấp dẫn đấy. Để tôi xem .Cái này dài thì để nửa tháng nữa cậu đến đây”. Trong mười lăm ngày của thời hạn kịch tác gia, nhà thơ Thế Lữ hẹn gặp lại đó đối với tôi quả là quãng thời gian phấp phỏng với đủ sự phỏng đoán, lo âu, khấp khởi và lo lắng. Cuối cùng ngày đó cũng đến .Hôm đó tôi còn nhớ chỉ nhìn hình thức bề ngoài thôi đã thấy nhà thơ Thế Lữ có vẻ khỏe, vui và linh hoạt hơn. Nét mặt của bác Song Kim cũng mất đi những nét lo âu, buồn phiền .Vừa nhìn thấy tôi bác Thế Lữ nói ngay “được lắm, được lắm  Uống nước đi đã. Bác gái vừa pha xong. Có ông bạn vừa biếu gói Hồng Đào. Thấy bảo ngon lắm.”.”Dạ, hồi cháu cưới cháu cũng mua được 50 gói Hồng Đào “.”Cậu làm báo à? Thế cũng tốt rồi .Còn vở này. Tôi mừng vì mới viết mà tôi thấy cậu bắt đầu định hình được tính cách và đẩy được sự phát triển của nó. Điểm nữa tôi rất mừng vì nhận thấy ngôn ngữ của cậu tỏ ra phù hợp với thoại của kịch  Đấy là điểm mạnh cần phát huy. Trong kịch chỉ cần bằng ngôn ngữ thôi người ta đã tả được không khí, không gian, môi trường nhân vật hoạt động. Một đôi chỗ tôi cũng thấy cậu đã biết xử dụng thủ pháp. Thế là tiến bộ so với vở ngắn trước. Chỉ có điều cậu là dân bắc, từ bé đến lớn toàn sồng ở hoàn cảnh khác các nhân vật vật cậu mô tả nên cậu nắm chưa chắc, chưa hiểu chiều sâu của nội tâm họ nên mâu thuẫn vì thế chưa tới. Nhưng với vở này tôi rất mừng. Đọc vở tôi thấy một là cậu rất yêu kịch, hai là cậu bắt đầu hiểu được nghệ thuật viết kịch… và các vấn đề cậu nêu ra đều là vấn đề văn chương và kịch cần phản ánh. Đó chính là phản xạ của người cầm bút ”…Ngừng một lát bác Thế Lữ nói với tôi một câu mà có lẽ tôi không bao giờ quên với sự tự hào”cố gắng viết đi. Viết xong đưa cho bác. Thấy được bác bảo Nghi( NSND NGuyễn Đình Nghi ,con trai cả của bác Thế Lữ) dựng cho cháu “. Tiếc rằng sau đó do sự nhiều lý do nên bẵng đi một thời gian tôi không có dịp đến với bác. Vào cuối năm 1979 khi tôi rập rạp xong vở về Tô Thị mang đến thì bác Thế Lữ đã vào TPHCM. Hình như khí hậu trong đó giúp sức khỏe của bác đỡ hơn . Thế là bác cháu tôi đành xa nhau .Còn tôi thì bỏ qua một dịp được vị đại sư của nền sân khấu Việt nam chỉ baỏ ,dậy dỗ .
       18 năm sau tác giả mới gặp đạo diễn vở nhưng vẫn chưa xem kịch của mình
         Những năm đầu của thập kỉ 90 là quãng thời gian mặc dù tiểu thuyết và các tập truyện ngắn in dàn dạt nhưng niềm hứng khởi về kịch của tôi lại thức dậy mãnh liệt. Nhất là sau khi tôi di dự trại sáng tác kịch bản của Quân đội năm 1989 và sự ra đi của nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ. Dạo đó tôi lết hết đoàn kịch này sang đoàn kịch khác. Làm quen, tiếp xúc, đến nhà  khá nhiều các đại nhân trong giới sân khấu từ Trọng Khôi, Hoàng Quân Tạo, Hà Nhân, Phạm Thị Thành, Lê Chức, Tú Mai, Tất Đạt, Xuân Huyền, Dương Ngọc Đức …Nhưng không hiểu vì lý gì ngoại trừ kịch bản “bốn trái tim đau được Lê Chức vừa từ Mátxcơva về dựng trên sàn diễn còn hơn chục vở khác vẫn nằm im. Đột nhiên trong một lần đang buồn phiền thì họa sĩ kiêm nghệ sĩ Doãn Châu thông báo sửa soạn xuống Nam Định để chứng kiến duyệt vở của tôi do đoàn kịch nói Hà nam Ninh dựng. Sau thông báo ông còn nói luôn “đạo diễn vở này là Trịnh Quang Khanh, giám đốc sở văn hóa Hà Nam Ninh”. Tôi còn nhớ lần đó có cả đạo diễn Phạm Thị Thành cùng xuống Nhưng không hiểu vì sao, buổi duyệt tối đó lại hoãn. Sáng hôm sau vì có việc bận trên cơ quan nên tôi xin phép về trước, rồi mặc dù rất để ý đến sự kiện lớn đối với tôi về vở kịch của mình nhưng do sự xô đẩy của công tác phóng viên nên tôi quên bẵng đi. Gần hai tháng sau, họa sĩ Dõan Châu cùng vợ là nghệ sĩ Bích Thu leo lên nhà tôi tận gác 5 đưa cho tôi hai triệu tiền nhuận bút tác giả và cả hai ông bà cho biết vở diễn ăn khách lắm. Đã diễn liên tục từ khi ra lò đến nay.”.Tôi gật gù lấy làm vui lắm. Giở bản thảo vở ra đọc. Nhận ra với cốt chuyện về sự hoàn nguyên của anh chàng đào vàng cùng sự sự rích rắc của những chi tiết hành động đầy chất thảo khấu thì vở “hơn cả vàng mười” hút được khách có cái lý của nó. Tôi hơi chạnh lòng khi nghe tin đạo diễn Trịnh Quang Khanh đã lấy một cái tên đầy chất cải lương là “oan trái tình đời “ để thay tên nguyên thủy. Rồi không hiểu vì sao xung quanh đạo diễn vở của tôi có nhiều dư luận về sự nghiệt ngã của ông Trịnh Quang Khanh, thành ra phần vì bận công tác, phần vì do tác động của những dư luận ác cảm đó tôi gần như quên bẵng đứa con tinh thần của mình đang lưu lạc nơi thành Nam. Gần hai mươi năm trời mặc dù chưa biết mặt đạo diễn Trịnh Quang Khanh nhưng tôi vẫn chưa gạt hết được ấn tượng không mấy thiện cảm về ông … Cho đến cuối năm 2009 vừa qua nhân chuyến thực tế về thành phố Nam Định do chi hội tác giả miền Bắc tổ chức. Bởi xác định cho mình là phải bằng mọi cách gặp được đạo diễn Trịnh Quang Khanh xem thực hư con người này ra sao. Dự định như thế nên ngồi chưa ấm chỗ trong cuộc gặp mặt tại hội trường nhà văn hóa thành phố Nam Định với anh em văn nghệ sĩ thành Nam tôi đã nhớn nhác tìm nhân vật cần gặp. Khi tác giả Ngọc Thụ chi hội trưởng chi hội tác giả sân khấu phía bắc trưởng đoàn vừa giới thiệu đến Trịnh Quang Khanh thì tôi đã đến lại gần ông .Trước mắt tôi là một người đàn ông cao dong dỏng nho nhã, lịch sự và chỉ mới nghe vài câu ông nói tôi đã có cảm tình và ngày hôm sau khi ông tự đảm nhận vai trò hướng dẫn viên cho đoàn khi đi thăm chùa Bà Đanh, Phủ Giầy, nhà và mộ nhà thơ Nguyễn Bính… sự cảm tình với bậc đàn anh càng tăng lên. Trong cảm nhận của tôi Trịnh Quang Khanh trước hết là một người đôn hậu, hiền lành. Bên cạnh đó ông là một học giả thâm hậu có vốn kiến thức lớn về lịch sử và văn hóa quê hương. Chính sự uyên bác, thâm hậu và có tâm đó nên khi ông làm Giám đôc sở văn hóa ông đã có công rất lớn duy trì không ít các di tích văn hóa, lịch sử của thành Nam cũng như bảo vệ nhiều di sản phi vật thể của mảnh đất có nhiều lớp, tầng và danh nhân văn hóa này. Cũng chính vì sự uyên bác và am hiểu nghệ thuật như vậy nên bên cạnh công việc quản lý ( TRịnh Quang Khanh là giám đốc sở văn hóa,giám đốc Đài PT và TH tỉnh, hai khóa tỉnh ủy viên ) với chuyên môn của một cử nhân văn hóa tốt nghiệp tại Liên Xô cũ ông còn đạo diễn và sáng tác hàng vài chục vở ngắn dài đoạt nhiều huy chương các loại tại các hội diễn vùng và toàn quốc. Đó là chưa kể hàng chục tác phẩm đã in của ông gồm đủ thể loại như khảo cứu danh nhân, tiểu luận “văn hóa, văn nghệ ở một vùng quê và thơ đã nói khá đủ diện mạo hoạt động văn hóa của ông. Tập thơ “biển thức” NXB Hội Nhà Văn phát hành với những câu thơ ‘”..Và quê ta .Vẫn rửa chậu thau đồng.Nước giếng trong .Soi rõ mặt riêng mình “ thêm một lần  bộc lộ phẩm chất của tâm hồn người đàn ông tuổi tị này. Khi biết tôi là tác giả “hơn cả vàng mười ( oan trái tình đời) ông trách tôi về sự thờ ơ với đứa con tinh thần của mình .Ông bảo “ trong các tác giả anh dựng chú là người số một không quan tâm đến con đẻ của mình “.Tôi không dấu diếm ông khi kể lại những dư luận thiếu thiện cảm về ông. Với nụ cười hiền hậu bậc đàn anh rủ rỉ ”anh đang làm giám đốc sở văn hóa, mê nghề quá nên tranh thủ làm đạo diễn, rồi bằng mọi cách cố giữ lại những di sản của cha ông trong khi nhiều người vì nhiều lý do phản đối nên họ có dư luận nọ kia cũng đúng thôi. Còn cái đầu đề vở của chú theo anh hơi cao siêu còn của anh lại hơi nọ kia nhưng kích thích được khán giả. Tiếc là chú không gặp anh sớm để bàn bạc. Biết đâu anh với chú chả cộng tác tiếp. Kịch chú dựng khó nhưng hiểu nó thì khi dựng cũng nhiều cái thú, tạo ra sự kích thích lắm. Này thông báo để chú mừng ,vở ấy đã từng đoạt huy chương vàng hội diễn Duyên hải đấy”.
        Thế là tôi tự đính chính được những điều tôi bị dư luận làm hiểu sai về một đàn anh trong nghề. Điều áy náy về người đạo diễn chân tình ,về một cán bộ lãnh đạo văn hóa uyên bác đã được giải. Trong tôi giờ chỉ còn điều băn khoăn duy nhất. Vở diễn theo kịch bản của mình thời sung sức đã diễn vài trăm đêm rồi mà tôi vẫn chưa bao giờ được xem, được nhìn đứa con tình thân của mình dưới ánh đèn sân khấu có diện mạo ra sao ?
 Mùng hai – mùng bốn tết Canh Dần(14-16/2/2010)