Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỘI TAO ĐÀN VÀ NHỮNG TỒN NGHI TRÊN 5 THẾ KỈ

Đỗ Quốc Bảo
Thứ ba ngày 8 tháng 6 năm 2010 5:57 AM

 “Tao Đàn nhị thập bát tú” có phải chỉ gồm 28 vị? Thoạt tiên, nghe câu hỏi như vậy, không ít người sẽ cho rằng “vô duyên” vì con số “nhị thập bát” (28) đã quá rõ ràng. Nhưng gọi vậy mà… không hẳn đã là như vậy. Cho đến nay, ít nhất đã có 3 con số khác nhau về số thành viên của hội Tao Đàn; rồi cả tên tuổi, chức danh một số vị cũng có sự sai khác giữa các tài liệu. Đó là những thách thức đối với các nhà văn bản học.

 28 , 29 hay 31 thành viên?

 Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ấn hành đời Lê (1583-1788) và sách “Việt sử thông giám cương mục” ấn hành đời Nguyễn (1802-1945), vào tháng 11 ất Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ 26 (1495), vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã sáng tác 9 khúc ca, gọi là “Quỳnh uyển cửu ca”, tự soạn bài “Tựa”, tự xưng là Tao Đàn nguyên suý, chọn 28 văn thần ứng với 28 ngôi sao trên bầu trời, phong họ làm “nhị thập bát tú”, truyền hoạ lại đúng vần của chín khúc ca. Từ đó, lịch sử văn học Việt Nam ghi danh hội thơ Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông thành lập để vua tôi xướng hoạ, phê bình thơ, một hình thức rất mới trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật nước nhà tuy thời gian hoạt động của Tao Đàn chỉ kéo dài trên 1 năm.
 “Đại Việt sử kí toàn thư” ghi danh 28 hội viên Tao Đàn, kể cả chủ soái Lê Thánh Tông, đó là:
1- Lê Thánh Tông (1442-1497): Tao Đàn nguyên suý, người sáng lập và chủ trì hội thơ Tao Đàn.
2- Thân Nhân Trung (1418-1499), Hàn lâm viện thừa chỉ, Đông Các đại học sĩ, người Bắc Giang, đỗ Tiến sĩ năm Quang Thuận thứ 10 (1469), là Phó nguyên suý hội Tao Đàn.
3- Đỗ Nhuận (1446-?), Đông Các đại học sĩ, người Đông Anh (Hà Nội), đỗ Tiến sĩ năm Quang Thuận thứ 7 (1466) là Phó nguyên suý hội Tao Đàn.
4- Ngô Luân (?-?, thế kỷ XV), Đông Các hiệu thư, người Bắc Ninh, đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 6 (1475).
5- Ngô Hoán (1460- 1522), Đông Các hiệu thư, quê Thanh Lâm (Hải Dương), đỗ Bảng nhãn năm Hồng Đức thứ 21 (1490)
6- Nguyễn Nhân Phùng (1450-?), (còn có các tên Nguyễn Xung Xác, Nguyễn Trọng ý, Lê Trọng ý…) Hàn lâm viện thị độc chưởng viện sự,
người Bắc Ninh, đỗ Tiến sĩ năm Quang Thuận thứ 10 (1469).
7- Lưu Hưng Hiếu (1455-?), Hàn lâm viện thị độc tham chưởng viện sự, người Thanh Hoá, đỗ Bảng nhãn năm Hồng Đức thứ 12 (1481).
8- Nguyễn Quang Bật (1463-1505), Hàn lâm viện thị thư, người Bắc Ninh, đỗ Trạng nguyên năm  Hồng Đức thứ 15 (1484).
9- Nguyễn Đức Huấn (?-?, thế kỷ XV), Hàn lâm viện thị thư, người Hải Dương, đỗ Bảng nhãn năm Hồng Đức thứ 18 (1487).
10- Vũ Dương (1472-?), Hàn lâm viện thị thư, người Thanh Lâm (Hải Dương), đỗ Trạng nguyên năm Hồng Đức thứ 24 (1493), là một trong số rất ít người đỗ Tam nguyên.
11- Ngô Thầm (?-?, thế kỷ XV), (anh của Ngô Luân), Hàn lâm viện thị thư, người Bắc Ninh, đỗ Bảng nhãn năm Hồng Đức thứ 24 (1493).
12- Ngô Văn Cảnh (?-?, thế kỷ XV), Hàn lâm viện thị chế, người hạt An Dũng (Bắc Giang), đỗ Hoàng giáp năm  Hồng Đức thứ 12 (1481).
13- Phạm Trí Khiêm (?-?, thế kỷ XV),  Hàn lâm viện thị chế, người hạt Thiên Tài (Bắc Giang), đỗ Hoàng giáp năm  Hồng Đức thứ 15 (1484).
14- Lưu Thư Ngạn (?-?, thế kỷ XV), Hàn lâm viện thị chế, người Hải Phòng, đỗ Thám hoa năm Hồng Đức thứ 21 (1490).
15- Nguyễn Nhân Bị (1448-?, thế kỷ XV), (anh của Nguyễn Nhân Phùng), Hàn lâm viện hiệu lí, người Bắc Ninh, đỗ đồng Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 12 (1481).
16- Nguyễn Tôn Miệt (1440-?), Hàn lâm viện hiệu lí, người Vĩnh Phúc, đỗ đồng Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 12 (1481).
17- Ngô Quyền (1451-?), Hàn lâm viện hiệu lí, người Thường Tín (Hà Tây), đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 18 (1487).
18- Nguyễn Bảo Khuê (?-?, thế kỷ XV), Hàn lâm viện hiệu lí, người Vĩnh Phúc, đỗ Hoàng giáp năm Hồng Đức thứ 18 (1487).
19- Bùi Phổ (1462-?), Hàn lâm viện hiệu lí, người Kiến Thụy (Hải Phòng), đỗ Hoàng giáp năm Hồng Đức thứ 18 (1487).
20- Dương Trực Nguyên (1469-1509), Hàn lâm viện hiệu lí, người Thường Tín (Hà Tây), đỗ Hoàng giáp năm Hồng Đức thứ 21 (1490).
21- Chu Hoán (Nguyễn Hoãn) (?-?, thế kỷ XV), Hàn lâm viện hiệu lí, người Hải Dương, đỗ Hoàng giáp năm Hồng Đức thứ 24 (1493).
22- Phạm Cẩn Trực (?-?, thế kỷ XV), Hàn lâm viện kiểm thảo, người hạt Trường Tân (Hải Dương), đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 15 (1484).
23- Nguyễn ích Tốn (1455-1512), Hàn lâm viện kiểm thảo, người Đan Phượng (Hà Tây), đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 15 (1484).
24- Đỗ Thuần Thứ (?-?, thế kỷ XV), Hàn lâm viện kiểm thảo, người Hải Dương, đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 18 (1487).
25- Phạm Như Huệ (?-?, thế kỷ XV), Hàn lâm viện kiểm thảo, người Thái Bình, đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 18 (1487).
26- Lưu Dịch (?-?), Hàn lâm viện kiểm thảo, người hạt Kim Thành (Hải Dương), đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 21 (1490).
27- Đàm Thận Huy (1462-1527), Hàn lâm viện kiểm thảo, người Từ Sơn (Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 21 (1490).
28- Phạm Đạo Phú (?-?), Hàn lâm viện kiểm thảo, người huyện Đại An (Hà Nam), đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 21 (1490).
Trước đây, hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng hội thơ Tao Đàn chỉ có 28 vị như trên và nhắc đến hội thơ với cái tên đã ăn sâu vào tiềm thức là “Tao Đàn nhị thập bát tú”. Nhưng theo sách “Việt sử thông giám cương mục” thì hội Tao Đàn không phải chỉ có 28 người mà còn có:
29- Chu Huân (Ngô Luân, ?-?, thế kỷ XV), người Bắc Ninh, đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 6 (1475).
Chưa hết, theo sách “Thoái Thực kí văn” của Trương Quốc Dũng, đời Nguyễn (1802-1945) thì còn có thêm 2 người nữa (gọi là Sái Phu), đó là:
30- Lương Thế Vinh (1441-?), Hàn lâm viện học sĩ, người Nam Định, đỗ Trạng nguyên năm Quang Thuận thứ 4 (1463).
31- Thái Thuận (1440-?), người hạt Siêu Loại (Bắc Ninh), đỗ Tiến sĩ năm Hồng Đức thứ 6 (1475).

Tên tuổi, chức danh cũng chưa thống nhất

1. Về tên các hội viên hội Tao Đàn: Còn một trường hợp chưa thật thống nhất giữa các văn bản là trường hợp Ngô Quyền (số 17 theo danh sách tạm xếp như trên). Các sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử thông giám cương mục” và “Hồng Đức quốc âm thi tập” đều ghi là Ngô Quyền, năm sinh có cuốn ghi (1451-?), có cuốn không ghi; sách “Văn bia Quốc Tử Giám” lại ghi là Ngô Hoan; còn cuốn “Lược truyện tác gia Việt Nam” thì lại ghi là Ngô Hoán. Tra cứu Từ điển Hán Việt, thấy rằng: Chữ “Quyền” (       ) và chữ “Hoan” (     ) tự dạng rất giống nhau, chỉ khác một chi tiết là chữ “Quyền” có bộ “mộc” (     ) ở bên trái, nét thẳng, trong khi ở vị trí đó của chữ “Hoan” là bộ “khuyển” (     ), nét cong, nên khi dịch nhanh các học giả có thể nhầm lẫn. Căn cứ vào các cuốn sách, có thể đi đến kết luận: Tên hội viên này là không phải là Ngô Hoán (trong Từ điển Hán Việt, không có từ “Hoán” nào có tự dạng giống như từ “Hoan” hay từ “Quyền”). Tuy nhiên, cũng chưa thể khẳng định tên chính xác của hội viên Tao Đàn này là Ngô Hoan hay Ngô Quyền vì cái nét khắc bộ “mộc” hay bộ “khuyển” trên bia đá không thật rõ.
 2. Về chức danh: Theo các sách trên thì hội Tao Đàn chỉ có hai vị phó nguyên súy là Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận. Nhưng theo sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn thì còn có thêm một Phó nguyên suý hội Tao Đàn nữa là Thái Thuận (số 31 theo danh sách trên). Tác phẩm của ông còn lại đến nay là tập “Lã Đường di cảo”.
Trong số 31 người nêu trên, có 2 trường hợp cần lưu ý: Chu Huân (số 29) và Thái Thuận (số 31) là hai người không có chân trong Hàn lâm viện, trong khi 29 người kia đều có chức vụ cụ thể trong Hàn lâm viện. Họ là trường hợp được ưu ái đặc biệt chăng?
3. Một vài tồn nghi khác:
Trường hợp 2 anh em ruột có chân trong hội Tao Đàn là cặp Nguyễn Nhân Phùng - Nguyễn Nhân Bị hay chỉ có riêng Nguyễn Nhân Phùng, các sách cũng không thống nhất. Sách “Từ điển văn hoá Việt Nam” thì cho rằng chỉ có Nguyễn Nhân Phùng. Các sách khác thì lại cho đó là cặp Nguyễn Nhân Phùng - Nguyễn Nhân Bị. Ngay việc đưa cái tên gốc của một người là Nguyễn Nhân Phùng hay Nguyễn Xung Xác (xem số 6 ở trên) thì giữa các sách cũng đã khác nhau, có thể gây khó khăn cho người đọc. ở đây, xin ghi lại thứ tự 5 anh em ruột cùng đỗ Tiến sĩ đồng triều (theo gia phả họ Nguyễn ở làng Kim Đôi) để bạn đọc dễ theo dõi và có căn cứ để cùng suy luận: 1. Nguyễn Nhân Bị, Binh Bộ thượng thư; 2. Nguyễn Nhân Phùng, Lễ bộ tả thị lang, hội viên Tao Đàn; 3. Nguyễn Nhân Thiếp, Tế tửu Quốc Tử Giám; 4. Nguyễn Nhân Dư, Hiến sát sứ; 5. Nguyễn Nhân Đạc, Hàn lâm viện kiểm thảo. Có thể “Từ điển văn hoá” đã sơ suất bỏ sót phần phụ chú Nguyễn Nhân Bị là hội viên Tao Đàn chăng?
Cuối cùng, một chi tiết mà có lẽ nên nhắc lại để các nhà nghiên cứu cẩn trọng hơn khi sử dụng nguồn tư liệu hoặc ấn định mốc thời gian: Niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) bắt đầu từ năm 1470, vậy năm 1470 đã là năm Hồng Đức thứ nhất, còn năm 1471 đã là năm Hồng Đức thứ hai. Một số nhà nghiên cứu không để ý đến điều này nên tính mốc thời gian sai lệch một năm; từ cái sai đó dẫn đến những cái sai khác. Đứng ở góc độ lịch sử và nghiên cứu khoa học mà xét, đó là sai sót không thể coi là nhỏ./.