Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

PHÚ QUỐC: CÁCH THIÊN ĐƯỜNG MỘT GANG TAY

Vũ Duy Chu
Chủ nhật ngày 6 tháng 3 năm 2011 5:20 PM
 
- Phú Quốc cách thiên đường một gang tay!
Đó là lời phát biểu đầy hưng phấn của một anh bạn sau khi cùng tôi chạy xe máy 49 km từ Bắc đảo xuống cảng cá An Thới, phía Nam đảo, rồi quay về bãi Sao, một bãi tắm đẹp nhất Phú Quốc. Bãi Sao hình bán nguyệt, hai đầu mút là hai dãy núi nhỏ nhô ra biển. Sóng tung bờm trắng xóa trên mặt nước màu lá mạ, nắng sớm mênh mang rời rợi…
Vâng, quả đúng như thế. Phú Quốc chỉ còn cách thiên đường một gang tay. Bởi lẽ bàn tay của tạo hóa đã tạo ra Phú Quốc – một viên ngọc gần như hoàn hảo. Chỉ với diện tích 589,23 cây số vuông, Phú Quốc có rừng nguyên sinh, có dãy núi Hàm Ninh cao 605 mét cùng 99 ngọn núi nhỏ trải dài nhấp nhô từ Bắc xuống Nam đảo, có sông suối nước ngọt. Đặc biệt có quần thể gồm 22 đảo nhỏ chầu phục xung quanh Phú Quốc thơ mộng và hoang sơ.
So với Phú Quốc, quốc đảo Singapore bé hơn chút ít, với diện tích 581,5 cây số vuông. Rất nhiều du khách phương Tây đã ngán tận cổ kiến trúc bê tông cốt thép ngất ngưởng ở xứ họ. Ngửa cổ rơi cả mũ không thấy trời xanh thì họ tìm đến Phú Quốc, chứ đến Singapore làm gì cho mệt.
Điều này là một thực tế, tuyệt nhiên không phải cái cách chúng ta ” tự sướng” thành thói quen bấy lâu nay. Vấn đề là phải quy hoạch thế nào để giữ gìn và phát huy lợi thế tự nhiên hiếm có của đảo. Mất đi lợi thế này, Phú Quốc không còn gì cả. Nếu chúng ta cứ mải mê tung bê tông cốt thép lên trời như ở trung tâm Hà Nội, Sài Gòn thì mãi mãi Phú Quốc cũng chỉ lẹt đẹt sau cái bóng Singapore mà thôi.
Nói cho cùng, người Singapore cũng không hề muốn bê tông hóa đảo quốc của họ. Phú Quốc hiện chưa tới 100 ngàn dân, còn Singapore đã 5 triệu người. Người Sing đang mua cát ở các quốc gia láng giềng để cơi nới lãnh thổ. Có tài liệu dẫn ra rằng diện tích thực tế của quốc đảo này hiện nay đã là 697,25 cây số vuông. Lãnh thổ của họ thoi loi giữa biển, chẳng tài nguyên, không rừng núi, sông suối, đến nước ngọt cũng phải mua từ Malaysia. Thế thì Phú Quốc nói riêng, đất nước ta nói chung hiện nay không sánh được với Singapore về nhiều mặt thì do lãnh đạo xứ ta dở ẹc chứ còn gì nữa. Quả là rất, rất đáng buồn.
Buồn chứ. Người dân Phú Quốc hẳn chưa thể quên những cú sốc. Năm 2004, 2005 báo giới đã làm vỡ tung khối ung nhọt tham nhũng đất đai kinh hoàng ở đây. Riêng Chủ tịch huyện đảo Đỗ Tố chiếm 34 lô đất vị trí đẹp. Cả khu đồi rộng 50 ngàn mét vuông được Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký duyệt xây dựng hệ thống pháo phòng thủ bờ biển cũng bị các quan chức huyện đảo chiếm dụng chia chác nhau, chia cho cả quan tỉnh, quan Trung ương. Rất nhiều khu đất khác thuộc rừng phòng hộ cũng bị các quan xẻ thịt. Có thể nói, Ủy ban Nhân dân huyện đảo Phú Quốc thời gian ấy đã lập kỷ lục Ghi- nét khi ký 1.654 quyết định thu hồi hơn một triệu mét vuông đất bị đánh cắp. Thật không ngoa khi nói rằng những kẻ tham nhũng với cái hàm cá mập sẽ làm biến dạng Phú Quốc nhỏ bé nguyên sơ, nếu công lý không kịp thắng thế…
***
Hú hồn… Phú Quốc bây giờ đang chuyển mình. Quý 2.2012 Cảng Hàng không Quốc tế tại đây với công suất 7 triệu khách/ năm sẽ hoạt động. Các máy bay lớn Boeing 777, 747 có thể lên xuống sẽ tạo ra cơ hội phát triển kinh tế mạnh mẽ cho Phú Quốc. Người ta đang thực hiện phương án kéo cáp ngầm 110KV Hà Tiên – Phú Quốc cùng 213 dự án đăng ký đầu tư…
Bữa tôi ngồi uống bia với vài quan chức thạo tin ở bãi Sao, một ông bảo:
- Nước mình làm cái gì hơi to to một tí là đều phải vay mượn nợ nần. Tôi là tôi cứ cho nước ngoài thuê béng cái đảo này trong vòng 50 năm. Mở sòng bài, xây dựng bến du thuyền, khu khách sạn nổi tỉ phú đô la, kệ, có sức họ cứ mần. Hết hạn thuê, mình đòi lại, sẵn cơ sở hạ tầng họ đã làm, con cháu mình đỡ vất vả. Rừng đầu nguồn xung yếu mình còn cho thuê giá bèo còn được, đâu đã chết ai.
Ông khác bảo:
- Cũng có ý kiến xây dựng Phú Quốc thành khu du lịch đắt tiền, phục vụ khách nội địa lắm tiền cùng khách VIP nước ngoài.
Ông khác nữa:
- Đã bảo không có tiền. Nghe đâu 213 cái dự án đăng kí đầu tư với số vốn 400.000 tỉ đồng là từ hồi nảo hồi nào rồi, lạc hậu rồi các ông ơi. Tôi còn nghe người ta kính mời Hàn Quốc vào xây dựng hệ thống xử lý rác thải ở đây nữa cơ. Nhưng vẫn đang chia động từ thì tương lai cả.
Chuyện quy hoạch treo, dự án treo, bị rút giấy phép dự án đầu tư vì mãi chả thấy khởi động vẫn đang diễn ra. Có dự án rầm rộ hàng tỷ đô la Mỹ trong đất liền cũng bị hủy bỏ, đâu riêng gì Phú Quốc ngoài khơi tít mù.
Điều thấy nhiều nhất là môi trường tự nhiên Phú Quốc đang bị phá hoại nghiêm trọng. Chiều chiều đứng trên Dinh Cậu ta có thể nghe mùi hôi thối nồng nặc ở cửa sông Dương Đông đổ ra biển bốc lên. Sóng biển vỗ ì oạp ngay dưới chân mình, vậy mà sóng biển cũng không tài nào thau rửa nổi tầng tầng lớp lớp cặn bã rác rến bao đời chất dày lên cửa sông này. Đứng trên Dinh Cậu, hướng mặt ra biển, phía tay trái, cách chưa đầy vài trăm mét là những dãy Resort sang trọng Hương Biển, Sasco Blue Lagoon, Thiên Hải Sơn…. Khách Tây, ta nằm phơi nắng trên bãi cát mịn màng. Những nhân viên Resort liên tục làm vệ sinh cục bộ khu vực bãi biển của mình, còn phía ngoài …mặc kệ. Nói cho đúng, có tài thánh họ cũng không thể nào dọn dẹp được khu vực Dinh Cậu. Đó là khu vực ghe nhỏ neo đậu kín mặt nước đưa hải sản vào chợ Dương Đông, vào chợ đêm phục vụ ăn nhậu cho du khách. Cũng may là gió biển mênh mông, sóng biển mênh mông pha loãng cái mùi xú uế lưu cữu, nếu không dân Tây cũng bỏ các Rerort chạy lấy người… 
Nói đến Phú Quốc là nói đến các loại hải sản tuyệt vời như cá trích, cá cơm, còi biên mai, nấm tràm, hải sâm… đặc biệt là nước mắm. Trong mênh mang làn gió đại dương Phú Quốc, đâu đâu ta cũng cảm thấy hương vị nồng nàn của thứ nước chấm lừng danh thế giới. Người ta ước tính Phú Quốc hiện có có khoảng một trăm cơ sớ sản xuất nước mắm theo kiểu truyền thống. Nghĩa là người ta dùng những thùng gỗ ghép, đường kính hai ba mét, cao ba mét để chượp cá, sau một năm thì chiết ra nước mắm. Năm 2002 Công ty Unilever đã đầu tư hàng triệu đô la Mỹ mua dây chuyền đóng chai nước mắm nhãn hiệu Knorr. Nhưng chưa ai thống kê nổi những thiệt hại do các cơ sở sản xuất này xả thẳng nước thải ra môi trường.
Một anh bạn ở Phú Quốc bảo rằng người ta mới kiểm tra thí điểm Công ty Cổ phần Massan Phú Quốc. Cơ sở sản xuất nước mắm này có vài trăm thùng chượp cá, mỗi thùng 15 tấn. Họ làm mương dẫn nước thải xả thẳng ra sông Dương Đông, con sông duy nhất chảy qua trung tâm hành chính huyện đảo. Sông Dương Đông đã bị bức tử. Trong làn nước màu nhớt xe máy nông choèn, đáy sông phủ đầy lớp muối trắng quện lại. Không thể có con cá nào sống được.
Bữa chúng tôi rủ nhau đến Nhà hàng Sáng Tươi gần khu trung tâm, một anh bạn sành ăn dặn rằng nếu sau 7 giờ tối thì các ông đừng đến đó nữa. Ở đó muỗi to như ong, nhiều vô kể. Bàn ăn kê sát kè sông mùi hôi bốc lên không chịu nổi…
Tôi thì khuyên bạn tôi không nên đến suối Đá Bàn, đến Suối Tranh. Mùa khô, nước đầu nguồn cạn kiệt, suối mà không nước để rì rào róc rách, trơ lòng toàn lá rụng và la liệt đủ các loại rác du khách Việt bỏ lại thì khác gì cái mương vậy.
Nhiều du khách chán nản trả phòng khách sạn. Nhiều khách thất vọng đã tìm ra các đảo nhỏ xa ngoài vịnh. Chừng 6-7 giờ mỗi chiều người ta tổ chức các chuyến đi câu cá, câu mực cho du khách. Trên ghe có đầy đủ rau củ, rượu, bếp than, bếp ga và gia vị. Bạn tự câu, tự tay chế biến các món mực, món cá tươi còn giẫy đành đạch. Còn tôi thích ra các đảo nhỏ mỗi sáng. Ngâm mình trong làn nước biếc, bạn có đeo bám vào vách đá của đảo, dùng búa nhỏ xíu đập vỡ những con hào, vắt chanh tươi muối tiêu vào ruột hào và thưởng thức…

***
Tôi thích lang thang khắp đảo Phú Quốc bằng một chiếc xe máy cà tàng. Tôi thích chạy ngược lên Bắc đảo, nơi tất cả còn nguyên vẹn sự hoang sơ. Những vạt rừng xanh biếc. Những con đường ngoằn ngoèo uốn lượn, lạo xạo cát và vụn cám sỏi đá tổ ong lúc tách, lúc nhập vào mép biển ì ầm sóng vỗ. Những cây cầu sắt từ xa xưa lên màu rỉ sét, lan man cỏ dại. Một hai nhà nghỉ lợp tranh, đèn dầu leo lét, ánh nến bập bùng giữa um tùm tán lá như trong một cánh rừng cổ tích nào đó. Loáng thoáng vài nhà dân, tiếng gà gáy trưa vọng lại gần gụi và thanh bình đến lạ lùng.
Phú Quốc cách thiên đường một gang tay…
Nhưng rất có thể đó là một thiên đường sắp… biến mất.
Phú Quốc, 26 -29.2.2011.
V.D.C